Bất ngờ sau lá đơn vay tiền đóng học của mẹ thủ khoa trường Y
Tân sinh viên cao điểm nhất Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) trong kỳ tuyển sinh năm nay vừa nhận được sự giúp đỡ bất ngờ sau lá đơn vay tiền đóng học mà mẹ cậu gửi đi.
Lê Thanh Sang là học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Quận 6). Năm lớp 12 vừa qua, Sang đoạt giải nhì môn Sinh học trong cuộc thi học sinh giỏi thành phố.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Sang thi khối B, đạt 28,75 điểm ở tổ hợp khối B (Toán, Hóa, Sinh).
Sang cho biết khi nhận được kết quả thi, cậu không thấy bất ngờ.
“Em hài lòng với kết quả thi này. Suốt cả năm em đã rất tập trung học, học sáng, học chiều, học cả ban đêm nên nếu kết quả thi thấp thì em mới bất ngờ”.
Sang chỉ đăng ký đúng 2 nguyện vọng là Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch và Trường ĐH Y Dược Cần Thơ bởi mong muốn học y em đã theo đuổi từ năm lớp 10. Với kết quả thi này, Sang có tổng điểm thi (không tính điểm ưu tiên) cao nhất Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nơi cậu chọn theo học.
Niềm vui bất ngờ sau lá đơn viết tay của người mẹ
Chị Lê Thị Anh Thy – mẹ của Sang – kể chị chỉ có mình cậu con này. Khi con mới hơn một tuổi thì chồng mất, chị ôm con về ở với cha mẹ. Cha mẹ làm ăn thua lỗ, bán nhà, ở nhà thuê rồi cha mẹ chị cũng qua đời…
3 năm nay, chị xin làm tạp vụ cho một công ty địa ốc tại Quận 6, TP.HCM. Lương dù không cao, nhưng chị cũng cố gắng co kéo trang trải cuộc sống của hai mẹ con. Điều may mắn là mẹ con chị được lãnh đạo công ty quan tâm, cho ở miễn phí trong một căn hộ chung cư do công ty xây dựng.
Khi bước vào cấp 3, cần phải chọn khối để bắt đầu luyện thi, Sang đã chọn học khối B chứ không phải khối A dù theo chị vào các trường kinh tế sau này ra trường sẽ dễ xin việc hơn. Khi mẹ hỏi, Sang cho biết mình muốn theo nghề y để cứu người, và sẽ theo ngành pháp y.
Video đang HOT
“Khi đó, tôi bảo con là ngành pháp y thường xuyên tiếp xúc với người đã mất đó, thì cứu thế nào? Con nói là ngành này sẽ xem xét để giải oan hay tố cáo những người đã gây ra cái chết đó, cũng là một cách cứu người”.
Sang tới năm lớp 11, chị Thy lại hỏi con thêm lần nữa về chuyện chọn nghề, thì cậu con trai cho biết mình ngưng lại quyết định theo đuổi ngành pháp y vì một số lý do, nhưng vẫn theo mục tiêu cứu người, cậu muốn sau này sẽ theo về tim mạch.
“Trời thương tôi, mất nhiều thứ nhưng được đứa con. Sang kiệm lời, ít thổ lộ với mẹ nhưng nhìn những hành động của con là biết thương mẹ. Chẳng hạn như tôi thỉnh thoảng cho chút tiền vào ví con, để con muốn gì thì mua chứ con lớn rồi tôi không muốn can thiệp nhiều. Nhưng đến khi con mua đồ vẫn nói xin phép tôi” – chị Thy xúc động chia sẻ.
Năm học lớp 12, Sang hỏi mẹ nếu con thi đậu thì tiền đâu đóng học.
“Nghe con hỏi tôi rớt nước mắt, nhưng vẫn nói cứng rằng dù thế nào cũng sẽ xoay được cho con đi học”.
Tới khi Sang biết kết quả thi vào cuối tháng 7, chị Thy đã tính chờ thành phố hết giãn cách sẽ ra ngân hàng chính sách xã hội vay tiền cho con đóng học phí rồi trả dần. Sang cũng đã dự tính sau này sẽ đi làm gia sư để đỡ dần gánh nặng cho mẹ…
Tuy nhiên, cách đây vài ngày khi con chính thức có tên trong danh sách trúng tuyển của Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch và có thông báo đề nghị đóng học phí khi làm thủ tục nhập học, thì chị thật sự lo lắng.
Sáng thứ 7 vừa rồi, chị Thy vào ca làm việc trong tâm trạng rối bời. Trên tay chị là lá đơn xin công ty cho vay 14 triệu đồng để đóng học phí cho con.
“Theo thông báo của trường thì đầu tuần tới nhập học phải đóng tiền luôn, cả học phí và một số khoản khác là gần 16 triệu đồng. Việc vay tiền công ty là điều trước tới giờ tôi chưa từng nghĩ đến vì tôi làm tạp vụ ở đây đã được quan tâm. Hơn nữa, thời điểm dịch bệnh như thế này tôi vẫn có công việc, không bị giảm lương, nên không muốn vì việc của mình lại thêm gánh nặng cho công ty.
Nhưng sau khi biết thời hạn nộp tiền gấp gáp quá, không biết vay mượn đâu nữa, tôi mới đánh liều”.
Với tờ đơn viết tay, chị vào gặp bộ phận nhân sự, vừa gặp vừa trình bày. Số tiền vay chị xin công ty trừ dần vào lương mỗi tháng 1 triệu đồng .
Nhận đơn, trưởng bộ phận chuyển cho Tổng Giám đốc. Tổng Giám đốc duyệt, nhưng không ký ngay mà cầm lá đơn qua phòng Chủ tịch HĐQT.
Chị Thy nhớ lại lúc nhận tin từ phòng nhân sự, giọng kể vẫn còn run vì vui mừng và xúc động: “Bộ phận nhân sự bảo rằng Chủ tịch HĐQT không đồng ý cho vay tiền mà công ty… khen thưởng cháu 50 triệu đồng và trợ cấp mỗi tháng 3 triệu cho đến ngày cháu ra trường”.
Chị Thy nói lời nhắn từ vị Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty nơi chị làm là “hãy tiếp tục nuôi dạy con thật tốt”, và mẹ con chị sẽ làm hết sức để đáp lại những ân nghĩa này.
Biến động điểm chuẩn của 3 trường Y lớn ở phía Nam
Thí sinh tham khảo điểm chuẩn 2 năm qua của 3 trường đào tạo ngành y nổi bật ở phía Nam là ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Y Dược TP.HCM, ĐH Y Dược Cần Thơ .
Y khoa luôn là ngành có điểm chẩn cao nhất của các trường đào tạo về ngành y.
ĐH Y Dược TP.HCM
Năm 2019, điểm chuẩn ĐH Y Dược TP.HCM dao động 18,5 - 26,7 điểm. Ngành Y khoa có điểm chuẩn cao nhất với mức 26,7 điểm, xếp sau là ngành Răng-Hàm-Mặt với 26,1 điểm.
So với năm 2019, điểm chuẩn ĐH Y Dược TP.HCM năm 2020 tăng khoảng 2 điểm. Ngành Y khoa có điểm chuẩn cao nhất với mức 28,45 điểm. Ngành Răng-Hàm-Mặt có điểm chuẩn 28.
ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch
Trước năm 2020, ngành Y khoa luôn là ngành có điểm chuẩn cao nhất của ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch nhưng năm 2020, điểm chuẩn ngành Răng-Hàm-Mặt đã vượt lên, trở thành ngành có điểm chuẩn cao nhất trường.
So với năm 2019, điểm chuẩn năm 2020 của đa số ngành học đều tăng khoảng 3 điểm.
Từ năm 2018, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch chia 2 mức điểm chuẩn cho thí sinh TP.HCM và những thí sinh còn lại. Năm 2021, trường tuyển 1.280 chỉ tiêu.
ĐH Y Dược Cần Thơ
Ở ĐH Y Dược Cần Thơ, điểm chuẩn ngành Y khoa và Răng-Hàm-Mặt xấp xỉ nhau. Năm 2019, điểm chuẩn ngành Y khoa là 24,3, trong khi ngành Răng-Hàm-Mặt là 24,15. Năm 2020, điểm chuẩn hai ngành lần lượt là 29,95 và 26,75.
Năm 2020, điểm chuẩn các ngành cũng tăng khoảng 3 điểm so với năm 2019, trừ ngành Y tế công cộng. Năm 2021, trường tuyển 1.600 chỉ tiêu cho tất cả các ngành.
Toàn cảnh tuyển sinh các trường đào tạo Y, Dược phía Nam Phía Nam có các trường công lập đào tạo ngành Y nổi tiếng như ĐH Y Dược TP.HCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Y Dược Huế, ĐH Y Dược Cần Thơ, ĐH Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng... Ảnh minh họa Trường ĐH Y Dược TP.HCM tuyển 2.315 chỉ tiêu cho 18 ngành đào tạo. Trong đó, ngành Dược học tuyển...