Bất động sản thông minh hơn nhờ điện toán đám mây
Theo số liệu từ nền tảng điện toán đám mây Rapid Scale, có tới 80% người làm trong lĩnh vực bất động sản đang lưu trữ thông tin bằng đám mây, cho thấy ý nghĩa đặc biệt của công nghệ này đối các doanh nghiệp trong ngành.
Bất động sản vốn được coi như một lĩnh vực kinh doanh theo mối quan hệ, do đó tập trung vào tiếp thị, bán hàng, dịch vụ khách hàng và cộng tác. Nói cách khác, bất động sản là một ngành kinh doanh di động, bởi phần lớn các hoạt động kinh doanh bất động sản diễn ra bên ngoài không gian văn phòng truyền thống.
Các doanh nghiệp bất động sản có cần thiết phải “lên mây”?
Công nghệ đang có một bước tiến dài, cũng định hình lại phong cách sống, thay đổi thói quen của chúng ta. Công nghệ đã thay đổi hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc sống từ cách chúng ta sinh hoạt cho tới kinh doanh.
Do đó, không quá ngạc nhiên khi một công nghệ như điện toán đám mây nổi lên như một làn sóng trong mọi lĩnh vực, và cả đối với bất động sản. Là một xu hướng mới nổi, vậy liệu các doanh nghiệp có thực sự cần tới điện toán đám mây?
Câu trả lời là có. “Lên mây” sẽ giúp họ tiết kiệm chi phí vận hành. Các đại lý bất động sản có thể cắt giảm chi phí nhờ loại bỏ đáng kể chi phí máy chủ, giảm chi phí và dịch vụ bảo trì công nghệ thông tin (CNTT) cũng như các giao dịch kinh doanh ngoài lề.
Điều này không chỉ làm tăng năng suất với tư cách là một đại lý bất động sản, mà còn hiệu quả hơn về tiền bạc và thời gian. Bạn có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian và tài nguyên trong quá trình giao dịch.
Một lợi ích khác của đám mây là khả năng truy cập, chia sẻ tức thì. Như đã gợi ý ở trên, với công nghệ điện toán đám mây, bạn có thể truy cập dữ liệu từ mọi loại thiết bị. Với bản chất môi trường làm việc nhịp độ nhanh, nơi lưu trữ, chia sẻ và truy cập dữ liệu là rất quan trọng. Các đại lý và khách hàng đều sử dụng các công cụ khai thác dữ liệu để có được thông tin liên quan một cách nhanh và tiện nhất.
Đám mây đặc biệt thuận tiện cho các doanh nghiệp bất động sản. Họ có thể phát triển và linh hoạt trong ngành bất động sản, cũng như truy cập vào cơ sở dữ liệu của công ty để cung cấp thông tin đáng tin cậy cho khách hàng tiềm năng.
Video đang HOT
Chuyên nghiệp hơn khi dùng điện toán đám mây
Khi hàng loạt doanh nghiệp bất động sản nổi lên, phần lớn đều có cách thức hoạt động tương đồng nhau. Yếu tố mấu chốt để người dùng lựa chọn ở doanh nghiệp đó là dịch vụ và tính chuyên nghiệp. Đối với các doanh nghiệp sử dụng loại hình lưu trữ trực tuyến sẽ có những đặc điểm vượt trội hơn so với hình thức truyền thống.
Giải pháp đám mây giúp các doanh nghiệp quản lý và tiếp thị khách hàng. Công nghệ hỗ trợ các chuyên gia bất động sản nắm bắt được khách hàng tiềm năng, cũng như tiếp thị và tự động hóa truyền thông. Tiếp thị qua email là một trong những dịch vụ đám mây phổ biến nhất dành cho lĩnh vực bất động sản.
Các dịch vụ email đám mây giúp tiết kiệm chi phí, giúp người dùng cung cấp nhận thông tin chi tiết theo thời gian. Giờ đây, giao tiếp hiệu quả đang diễn ra qua email, ứng dụng, trang web và các thiết bị được kết nối.
Bằng cách tận dụng các giải pháp này trên đám mây, các công ty bất động sản có thể nhanh chóng trả lời các câu hỏi đồng thời nâng cao uy tín của họ. Ngoài ra, các chuyên gia sẽ làm việc hiệu quả hơn và cung cấp dịch vụ tốt hơn khi họ kết nối với khách hàng trên các nền tảng hiện đại.
Với điện toán đám mây, các tổ chức bất động sản về cơ bản có thể di chuyển văn phòng tiện lợi và nhanh chóng. Khi các đại lý bất động sản sử dụng đám mây, họ có thể truy cập vào sổ địa chỉ và lịch được đồng bộ hóa hoàn toàn, cũng như dễ dàng giữ liên lạc với văn phòng, khách hàng và các liên hệ kinh doanh khác.
Các công ty có thể tích hợp phần mềm hiện có vào nền tảng CRM, như phần mềm tiếp thị hoặc phần mềm lưu trữ, giúp việc biên dịch danh sách liên hệ hoặc tìm tệp tất cả tại một chỗ dễ dàng hơn. Đối với việc xây dựng kết nối, CRM giúp nhóm bất động sản cộng tác với khách hàng, cung cấp tài liệu và thông tin cho khách hàng, và thu thập những thông tin chi tiết có giá trị giúp cải thiện hoạt động kinh doanh.
Điện toán đám mây giúp các công ty đạt được mức độ bảo mật cao hơn và tuân thủ các nguyên tắc sử dụng trong các ngành nghiêm ngặt khác như tài chính. Đám mây cũng giúp các công ty bất động sản tiết kiệm một khoản tiền đáng kể, do nhà cung cấp đám mây xử lý chi phí cơ sở hạ tầng, nâng cấp, làm mát, điện, giấy phép phần mềm…
Khả năng mở rộng là một trong những tính năng phổ biến nhất của đám mây, cho phép các công ty sử dụng tài nguyên khi cần thiết. Điều này giúp các công ty bất động sản đối phó với tình trạng tăng trưởng tạm thời về số lượng. Chẳng hạn, nếu các khoản thanh toán liên tục đến vào một thời điểm nhất định trong tháng, công ty có thể tăng cường cho khoảng thời gian đó và cắt giảm khi mọi thứ ổn định.
Điện toán đám mây còn tiếp tục phát triển, nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ đón nhận nó khi họ nhận ra tiềm năng của nó. Lúc này, yếu tố cạnh tranh sẽ đến từ công nghệ, điện toán đám mây tiếp tục đưa bất động sản trở thành một ngành cạnh tranh.
Đối với những công ty bất động sản đã áp dụng điện toán đám mây, việc cần làm là không ngừng đổi mới để nâng cao chất lượng dịch vụ. Đó chính là yếu tố mấu chốt giúp duy trì lợi thế trong một thương trường bất động sản khốc liệt như ngày nay.
Chính phủ phải làm gì để có thể 'lên mây'?
Việc chuyển dịch lên điện toán đám mây là một thách thức không nhỏ với các chính phủ, xét tới hệ thống công nghệ thông tin đồ sộ và hạn chế về bảo mật, ngân sách, tổ chức.
Điện toán đám mây là mô hình trong đó người dùng mua nguồn lực công nghệ thông tin (CNTT) dưới dạng dịch vụ, dùng đến đâu trả tiền tới đó. Những năm gần đây, xu hướng này nhận được sự quan tâm của cả khu vực công và tư nhân. Giống như các tiện ích như điện, nước, đám mây cho phép người dùng tiếp cận nguồn lực từ bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào, theo dõi lượng sử dụng và mở rộng công suất mà không cần đầu tư số tiền lớn vào phần cứng hay phần mềm. Nhờ vậy, đám mây nâng cao hiệu quả CNTT, tiết kiệm được khoảng 20-30% ngân sách.
Chính phủ khắp thế giới đã nhận ra lợi ích tiềm tàng của đám mây trong chuyển đổi cách đầu tư, triển khai và tiếp cận nguồn lực CNTT. Chính sách "Cloud First" của Mỹ yêu cầu tất cả các cơ quan liên bang tích hợp ít nhất 3 dịch vụ lên đám mây. Chiến lược điện toán đám mây liên bang do Nhà Trắng ban hành năm 2011 ước tính 20 tỷ USD, tương đương 1/4 chi tiêu CNTT cả nước - có thể phân bổ lại cho các giải pháp điện toán đám mây. Tại châu Âu, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu tuyên bố khu vực này phải chủ động với đám mây, không dừng lại ở mức độ "thân thiện". Khu vực công châu Á cũng ngày càng đón nhận điện toán đám mây. Chẳng hạn, Ấn Độ tìm cách dùng công nghệ này để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến.
Với các chiến lược đã vạch ra, cơ quan chính phủ phải lựa chọn đưa thành phần nào lên đám mây và trong mỗi trường hợp, lại phải xác định dịch vụ đám mây và mô hình triển khai phù hợp. Họ cũng phải tạo ra quy trình ngân sách linh hoạt hơn, hỗ trợ các danh mục đầu tư liên quan đến đám mây, đồng thời phải có tư duy mới để nhận ra đầy đủ lợi ích của điện toán đám mây.
Lựa chọn mô hình dịch vụ
Đối mặt với hệ thống CNTT hiện tại và cân nhắc nên chuyển công việc nào lên đám mây, lựa chọn mô hình nào, nhiều Giám đốc CNTT (CIO) tự hỏi nên bắt đầu từ đâu. Không có câu trả lời chính xác cho tất cả mọi người. Mô hình dịch vụ phù hợp dựa vào từng yêu cầu cụ thể của mỗi công việc (workload) bên trong tổ chức, chẳng hạn quản trị tài chính hay quản trị nhân lực.
Thay vì xem xét chi tiết hàng ngàn đầu việc trong danh mục, một tổ chức nên gom chúng thành 30 đến 50 nhóm khác nhau. Chẳng hạn, cộng tác và nhắn tin là một workload bao gồm toàn bộ chức năng liên quan tới email, lịch, nhắn tin, không gian làm việc chung. Bước tiếp theo là đánh giá hiệu suất của giải pháp hiện tại của mỗi workload, nó có đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai hay không. Ví dụ, giải pháp có hoạt động ổn định hàng ngày không, có dễ thay đổi trước các yêu cầu mới không, có thể mở rộng nhah chóng để giải quyết nhu cầu tăng bất thường không, người dùng cuối có thỏa mãn không? Những workload đạt điểm số thấp là những ứng viên phù hợp nhất để chuyển dịch lên mây.
Sau đó, tổ chức phải xác định mô hình dịch vụ phù hợp cho mỗi workload: IaaS, PaaS hay SaaS. Nếu tổ chức ưu tiên tốc độ triển khai và sự linh hoạt hơn khả năng tùy biến, họ nên chọn SaaS (thuê dịch vụ phần mềm). Với những việc không thể chuyển sang SaaS, tổ chức có thể nhìn sang PaaS (thuê nền tảng) hoặc IaaS (thuê hạ tầng hoàn chỉnh).
Lựa chọn cách thức triển khai
Một khi chọn được mô hình phù hợp, tổ chức phải xác định cách triển khai đúng đắn cho mỗi workload (đám mây công cộng, riêng tư, kết hợp). việc triển khai về cơ bản dựa trên các yêu cầu liên quan tới bảo mật CNTT và khả năng quản lý. Các nhà phân tích cho rằng những lo ngại liên quan đến hai yếu tố này là tác nhân chính dẫn đến chần chừ ứng dụng đám mây, ngay cả khi có chỉ thị phải chuyển sang đám mây.
Đám mây riêng tư (private) do một tổ chức duy nhất vận hành. Chúng có thể được bản thân tổ chức hay do bên thứ ba quản lý. Đám mây công cộng (public) mở cho toàn bộ công chúng hay một tổ chức công nghiệp lớn, được sở hữu và quản lý bởi một nhà cung cấp dịch vụ đám mây. Đám mây kết hợp (hybrid) lai giữa hai mô hình triển khai phía trước. Một loại nữa là đám mây cộng đồng (community), bao gồm hạ tầng được chia sẻ giữa vài tổ chức và hỗ trợ một nhóm người dùng cụ thể. Chúng có thể do tổ chức hay bên thứ ba quản lý.
Thực tế, trong nhiều trường hợp, một đám mây riêng tư sẽ an toàn hơn và dễ quản lý hơn hệ thống CNTT khu vực công hiện tại vì các tổ chức có thể phát triển các tính năng quản lý và bảo mật ngay từ đầu, thay vì bổ sung chúng vào hệ thống có sẵn.
Linh hoạt trong ngân sách và tài trợ
Các cơ quan nhà nước phải đưa ra lựa chọn về chiến lược điện toán đám mây dù phải đối mặt với các chu kỳ rót vốn và ngân sách cứng nhắc. Những người ra quyết định phải bảo toàn các khoản tài trợ trước nhiều năm, hạn chế khả năng bị chuyển hướng sang các kế hoạch khác. Trong trường hợp ngân sách chỉ định cho các dự án cá nhân hơn là tổ chức hay phòng ban, rất khó để đầu tư vào các nền tảng hay kiến trúc CNTT mới để giảm chi phí hoạt động cho các dự án tương lai.
Trong mỗi kế hoạch ứng dụng đám mây, mỗi tổ chức phải tìm ra những cách sáng tạo để xử lý những hạn chế về ngân sách hiện tại. Chẳng hạn, yêu cầu xin vốn để triển khai CNTT quy mô lớn có thể bao gồm chi phí thi hành một đám mây riêng tư cũng như chi phí của các dự án nhỏ hơn sẽ tận dụng được lợi thế của đám mây. Các tổ chức có thể cân nhắc làm việc với các nhà sản xuất, nhà cung ứng dịch vụ CNTT về vấn đề tài trợ, giúp giảm chi phí cần thiết để chuyển dịch vụ công lên đám mây.
Việc chuyển lên đám mây cần sự đồng thuận cao bên trong chính phủ và hợp tác chặt chẽ giữa các CIO, lãnh đạo tài chính và nhà sản xuất CNTT. CIO khu vực công nên tận dụng cơ hội để làm mới quan hệ với đối tác sản xuất, theo đuổi các thỏa thuận với những nhà cung ứng mới để hỗ trợ mô hình đám mây. Trong khi đó, các cơ quan phụ trách ngân sách nên phối hợp và điều phối việc chuyển đổi sang đám mây, thu thập những yêu cầu, nhu cầu từ các cơ quan chức năng và làm việc với nhà sản xuất CNTT để dẫn dắt việc phát triển các giải pháp.
Tư duy mới để đón nhận đám mây
Xét về khía cạnh kỹ thuật khi chuyển dịch từ CNTT truyền thống sang đám mây, nhân viên CNTT không cần phải mua sắm phần cứng, phần mềm hay lắp đặt, cấu hình, thử nghiệm hệ điều hành, ứng dụng nữa. Thay vào đó, họ chỉ cần lựa chọn cấu hình phù hợp nhát từ danh sách dịch vụ. Vì vậy, những kỹ năng như cấu hình phần mềm, quản trị hệ thống CNTT không còn được ưu tiên bằng các kỹ năng quản trị hợp động, quản trị hiệu suất...
Chuyển dịch lên đám mây không chỉ cần đến những kỹ năng mới mà còn mở ra một cách thức quản trị, triển khai nhân viên CNTT mới và quy trình mới khi vận hành. Điện toán đám mây tập trung vào tận dụng dịch vụ CNTT. Thay đổi tư duy và hành vi từ nhấn mạnh sở hữu tài sản sang nhấn mạnh tối ưu hóa dịch vụ không phải chuyện nhỏ và cần đến cách tiếp cận có tính hệ thống, bao gồm đào tạo, khuyến khích và mô hình mẫu.
Nói tóm lại, khi chuyển lên đám mây, các tổ chức của khu vực công sẽ có thể giải phóng chi phí CNTT để tái đầu tư vào các hoạt động hay mục tiêu quốc gia khác. Với các hệ thống nhanh hơn và thời gian triển khai ngắn hơn, họ sẽ cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho công dân, cũng như phục vụ các hoạt động của chính phủ tốt hơn. Tuy nhiên, để đạt được những lợi ích to lớn này, cần phải giải quyết nhiều thách thức như đã đặt ra ở trên.
Ứng dụng điện toán đám mây trong doanh nghiệp mới ở thời kỳ đầu Thị trường điện toán đám mây Việt Nam tăng trưởng kép, dự kiến đạt mức 18,8% và doanh thu 553 triệu USD vào năm 2026. Nghiên cứu của Q&me cho thấy dịch vụ dám mây ở Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh tăng trưởng trên toàn thế giới. Theo số liệu, thị trường dịch vụ đám mây công cộng...