Bắt đầu tuyên án bị cáo Trương Mỹ Lan: Buộc tội tham ô là có căn cứ
Theo HĐXX, căn cứ vào các tài liệu chứng cứ và quá trình thẩm tra tại phiên tòa, có đủ cơ sở xác định các bị cáo đã phạm tội như cáo trạng truy tố.
Sau hơn một tháng xét xử và nghị án kéo dài, sáng nay (11/4), TAND TP.HCM đã tuyên án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm.
Quang cảnh phiên tòa sáng 11/4. Ảnh: Nguyễn Huế
Theo HĐXX, căn cứ vào các tài liệu chứng cứ và quá trình thẩm tra tại phiên tòa, có đủ cơ sở xác định các bị cáo đã phạm tội như cáo trạng đã truy tố.
Đối với 5 bị cáo đang bỏ trốn, trước khi mở phiên tòa, HĐXX đã có thông báo kêu gọi bị cáo ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Tuy nhiên, các bị cáo vẫn không ra trình diện. Với việc vắng mặt này, các bị cáo đã từ bỏ quyền tự bào chữa của mình. Việc xét xử vắng mặt các bị cáo là phù hợp pháp luật, các luật sư bào chữa cho bị cáo không có ý kiến về quyết định này.
Bị cáo Nguyễn Thị Phương Loan (thành viên HĐQT SCB) và bị cáo Lưu Quốc Thắng (nguyên Trưởng Ban kiểm soát SCB) vì lý do sức khỏe không đảm bảo, đang phải điều trị nên có đơn xin xét xử vắng mặt. HĐXX xét thấy lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra đầy đủ, có căn cứ. Sự vắng mặt của các bị cáo không ảnh hưởng đến quá trình xét xử nên HĐXX đồng ý cho các bị cáo được xét xử vắng mặt.
Buộc tội tham ô với các bị cáo là có căn cứ
Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã truy tố.
Theo HĐXX, sau khi hợp nhất 3 ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ), TMCP Việt Nam Tín Nghĩa và TMCP Đệ Nhất thành Ngân hàng SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan đã thâu tóm số lượng lớn cổ phần của SCB – tính đến tháng 10/2022 là 91,5%.
Vì vậy, HĐXX không chấp nhận quan điểm bào chữa của bị cáo Lan và các luật sư cho rằng bản thân bị cáo Lan chỉ nắm giữ 5% cổ phần và 2 con gái mỗi người 5%. Việc bị cáo khai đứng tên cổ phần giúp người thân và bạn bè là không có căn cứ, HĐXX không chấp nhận.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Các tổ chức tín dụng, việc quyết định các vấn đề của ngân hàng khi được trên 65% cổ đông chấp thuận thông qua đại hội đồng cổ đông. Mặc dù không nắm giữ các chức vụ tại SCB nhưng bị cáo Lan gián tiếp sở hữu trên 91% cổ phần nên có quyền chi phối, quyết định các vấn đề của ngân hàng này. Do đó, bị cáo Lan thỏa mãn là chủ thể của tội “Tham ô tài sản”.
Video đang HOT
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa sáng 11/4. Ảnh: Nguyễn Huế
Vì vậy, HĐXX không chấp nhận quan điểm bào chữa của các luật sư cho rằng bị cáo Lan không cấu thành tội tham ô tài sản.
Lợi dụng vai trò là cổ đông gần như tuyệt đối của SCB, bị cáo Lan đã chỉ đạo các bị cáo Bùi Anh Dũng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung, Võ Tấn Hoàng Văn… rút tiền ra khỏi ngân hàng để phục vụ mục đích của mình. Vì vậy, VKSND tối cao truy tố các bị cáo tội “Tham ô tài sản” là có căn cứ.
Do có sự thay đổi về chính sách pháp luật nên đối với hành vi của các bị cáo sau ngày 1/1/2018, chuỗi hành vi phạm tội của các bị cáo đã thỏa mãn các dấu hiệu của tội “Tham ô tài sản”. Do đó, VKSND tối cao truy tố về tội là “Tham ô tài sản” là đúng quy định của pháp luật.
Về vấn đề định giá để xác định thiệt hại của vụ án, theo HĐXX, trong vụ án này không cần bắt buộc xác định thiệt hại phải thông qua hội đồng định giá trong tố tụng hình sự.
HĐXX cho biết nếu xác định thiệt hại theo cách lấy giá trị tài sản đảm bảo trừ đi dư nợ của các khoản vay thì sẽ gây bất lợi cho các bị cáo, số tiền quy buộc trách nhiệm cho từng bị cáo sẽ bị tăng lên. Bởi, nếu theo cách tính đó thì giá trị tài sản đảm bảo sẽ không được cấn trừ cho các khoản vay khác, nên cách xác định thiệt hại theo cáo trạng truy tố của VKS là áp dụng nguyên tắc có lợi cho các bị cáo (đối trừ giá trị tài sản đảm bảo trên tổng dư nợ).
Đối với vấn đề lệch 20 mã tài sản đảm bảo, HĐXX cho biết có 20 mã tài sản là trùng lặp giữa các giai đoạn nên các mã tài sản theo xác định của VKS là chính xác.
Tất cả thành viên đoàn thanh tra đều nhận lợi ích vật chất từ SCB
Đối với các thành viên trong đoàn thanh tra, mặc dù kết quả thanh tra tại ngân hàng SCB là rất xấu nhưng bị cáo Nguyễn Văn Hưng và Đỗ Thị Nhàn đã chỉ đạo các bị cáo cấp dưới bỏ ngoài số liệu phân loại nợ xấu nhóm 4, nhóm 5 đối với ba dự án: Mũi Đèn Đỏ, Dự án 6A, Dự án Royal Garden, với tổng dư nợ 37.900 tỉ đồng.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn tại tòa sáng 11/4. Ảnh: Nguyễn Huế
Với thực trạng tài chính của ngân hàng SCB, qua kết quả thanh tra có đề xuất đủ điều kiện đưa SCB vào kiểm soát đặc biệt. Tuy nhiên, khi trình lên Nguyễn Văn Hưng đã chỉ đạo bỏ nội dung này ra khỏi báo cáo của NHNN để báo cáo Chính phủ.
Theo HĐXX, trong và sau khi thanh tra, tất cả các thành viên trong đoàn thanh tra đều nhận lợi ích vật chất từ ngân hàng SCB, với số tiền nhận từ 40 triệu đồng đến 390.00 USD.
Bà Trương Mỹ Lan bật khóc nói lời sau cùng: 'Gia đình tôi tan nát'
Được phép nói lời sau cùng, bị cáo Trương Mỹ Lan liên tục bật khóc khi nói về gia đình và người thân.
Bị cáo mong HĐXX ghi nhận sự tự nguyện đem hết tài sản khắc phục hậu quả vụ án.
Chiều 3/4, sau khi kết thúc phần tranh luận bổ sung của luật sư và các bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, trước khi tòa nghị án, bị cáo Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm được nói lời sau cùng.
Nhiều lần nghĩ đến cái chết
Được nói đầu tiên, bị cáo Trương Mỹ Lan cảm ơn HĐXX cho phép bị cáo là người duy nhất đang phải đối diện mức hình phạt cao nhất được nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án.
Đồng thời, bị cáo cũng gửi lời cảm ơn tới các điều tra viên, cán bộ tạm giam đã quan tâm, chăm sóc giúp đỡ bị cáo vượt qua giai đoạn khó khăn vừa qua. Bị cáo cũng cảm ơn vị chủ tọa đã điều hành phiên tòa một cách dân chủ để bị cáo được trình bày về toàn bộ vụ việc. Bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng, đây là phiên tòa công bằng, khách quan, quyết định thân phận pháp lý của các bị cáo.
Không kìm được xúc động, bị cáo Lan bật khóc nói: "Mỗi một ngày kết thúc phiên tòa, khi về trại giam tôi luôn day dứt tại sao tôi và gia đình lại lâm vào cảnh bi đát như thế này?
Những ngày tôi ở trại tạm giam nhiều lúc tôi tuyệt vọng chỉ muốn chết, chết vì tức. Nhớ những ngày dấn thân vào thương trường, dấn thân vào hoạt động ngân hàng, một lĩnh vực mà mình không thông thạo.
Những ngày đông giá rét ở miền Bắc hay cái nóng như đổ lửa ở trong Nam là những ngày tôi không ngủ được. Tôi nghĩ đến chồng và cháu tôi cũng đang bị tạm giam. Nghĩ đến tất cả các bị cáo ngày hôm nay bị thế này, nghĩ đến người thân gia đình, con gái tôi bị bệnh bại liệt sợ nó lại tái phát".
Không giữ được bình tĩnh, bà Lan nhiều lần dừng nói, ôm ngực bật khóc...khiến vị chủ tọa liên tục phải trấn an, nhắc nhở.
"Tôi suy nghĩ rất nhiều, có lẽ bước ngoặt định mệnh dẫn đến việc tôi phải đối diện mức án tử hình hôm nay vì tôi đã tin tưởng tuyệt đối, nghe theo sự vận động của Ngân hàng Nhà nước để hợp nhất 3 ngân hàng trong khi tôi hoàn toàn không có sự hiểu biết gì về hoạt động này", bà Lan tiếp tục.
Bị cáo Lan cũng trình bày, suốt 17 tháng bị tạm giam vừa qua, điều khiến bị cáo đau đớn nhất là quá tin vào hy vọng thực hiện đề án tái cơ cấu SCB thành công. Gia đình, bạn bè, người thân, đối tác trong và ngoài nước của bị cáo đã đem tài sản là mồ hôi nước mắt để đưa vào ngân hàng, đảm bảo cho khoản vay tái cơ cấu tại SCB.
"Chồng đi tù, cả nhà tan nát"
Bị cáo Lan tiếp tục bày tỏ, khi nghe VKS đối đáp, quy kết bị cáo là chủ mưu, cầm đầu, chi phối toàn bộ hoạt động của SCB - theo bị cáo, có một thực tế hiển nhiên diễn ra tại tòa với tội danh "Tham ô tài sản", ngay cả những người có hiểu biết pháp luật như VKS, luật sư vẫn còn tranh luận đối đáp đến hôm nay. Ý kiến va đập như lửa với nước nên bản thân bị cáo là một doanh nhân hiểu biết pháp luật còn hạn chế, làm sao có thể hiểu hết các điều luật.
Một lần nữa, bị cáo Trương Mỹ Lan mong HĐXX thực tâm lắng nghe ý kiến bào chữa của luật sư và tự bào chữa của bị cáo để xem xét lại tội danh cho bị cáo.
Ngoài ra, bị cáo Trương Mỹ Lan cũng mong HĐXX xem xét các doanh nghiệp hiện đang vay SCB nằm trong 1.284 khoản vay có giá trị khoảng 300.000 tỷ. Số tiền này hoàn toàn có thể loại trừ tiền cáo buộc bị cáo chiếm đoạt. Cạnh đó, bị cáo cũng mong HĐXX ghi nhận sự tự nguyện đem hết tài sản khắc phục hậu quả vụ án.
"Kính xin HĐXX không coi tôi như tội đồ chủ mưu gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như hiện nay. Mong nhận được sự đánh giá công bằng, khách quan. Sự thất bại của tôi trong quá trình tham gia tái cơ cấu SCB không thành công khiến tim tôi đang rỉ máu. Không phải tôi làm dở, tôi đã làm tới mức cuối cùng", bị cáo Lan vừa khóc vừa nói.
Kết thúc lời nói sau cùng của mình, bà Lan nức nở cho biết: "Trước đây gia đình tôi luôn sum vầy đoàn kết bên nhau. Bây giờ gia đình tôi tan nát, chồng tôi cũng đi tù, mỗi người một ngả không biết có còn cơ hội gặp nhau nữa hay không, có được ăn chung bữa cơm nữa hay không?. Trên chiếc xe tù dẫn giải rời khỏi tòa về trại giam, tôi chỉ ước bắt được những bàn tay vẫy của người thân bên lề đường hay qua màn hình tivi để tìm cháu ruột, chồng, người thân của tôi. Tôi tan nát cả cõi lòng. Dù sao tôi cũng là phận đàn bà. Tôi đau không thể diễn tả thành lời", bị cáo nói.
Bị cáo Trương Mỹ Lan cũng xin toà xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho chồng, cháu gái và giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo trong vụ án.
Lý do chưa thể tuyên án phúc thẩm đối với "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành Sau nhiều ngày nghị án kéo dài, chiều 3/4, TAND cấp cao tại Hà Nội tiến hành tuyên án phúc thẩm đối với bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành (SN 1984, trú tại phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) trong vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự" và "Vi...