Bắt cóc tống tiền, tư hình trả thù cuốn Haiti vào vòng xoáy bạo lực
Haiti, quốc gia tại vùng Caribbean, vẫn loay hoay giữa bất ổn không lối thoát, trong khi tình trạng bạo lực dự kiến vẫn tiếp diễn.
Người dân Haiti tạm cư tại một sân vận động ở Port-au-Prince để tránh tình trạng bạo lực băng nhóm. Ảnh REUTERS
Hãng Reuters ngày 19.10 đưa tin Tổng thư ký Hội đồng chuyển tiếp cấp cao Haiti (HCT) Anthony Virginie Saint-Pierre vừa bị bắt cóc, trong bối cảnh tình hình bất ổn tiếp diễn tại quốc gia vùng Caribbean.
Chủ tịch HCT Mirlande Manigat cho hay ông Saint-Pierre bị một nhóm vũ trang trong trang phục như cảnh sát bắt cóc vào trưa 18.10 tại khu Debussy ở thủ đô.
HCT là ủy ban phụ trách tạo lộ trình cho các cuộc bầu cử dự kiến được tổ chức trong năm tới. Haiti tổ chức bầu cử lần gần nhất vào năm 2016 và đã không có đại diện được bầu kể từ tháng 1.
Quốc gia này đối diện cuộc khủng hoảng nhân đạo gây ra bởi những băng nhóm mạnh, kiểm soát phần lớn thủ đô Port-au-Prince và bắt cóc nhiều người.
Vụ bắt cóc phản ánh vấn nạn vô luật pháp tại Haiti, nơi hơn 1.000 người bị bắt cóc đòi tiền chuộc trong 6 tháng đầu năm nay, theo CNN dẫn số liệu của Liên Hiệp Quốc.
Video đang HOT
Làn sóng bạo lực và tội ác bao trùm Haiti sau vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise vào năm 2021. Người tiếp quản chính quyền là Thủ tướng Ariel Henry đã chật vật đối phó bạo lực, vốn là một trở ngại để tổ chức bầu cử.
Từ năm ngoái, ông Henry đề nghị lực lượng vũ trang quốc tế hỗ trợ khẩn cấp nhằm giúp cảnh sát trong nước đối phó các băng nhóm, nhưng vẫn chưa được hỗ trợ.
Một cựu sĩ quan cảnh sát Haiti dẫn đầu liên minh băng nhóm G9 tuần hành phản đối Thủ tướng Ariel Henry tại Port-au-Prince hôm 19.9. Ảnh REUTERS
Suốt nhiều tháng, Thủ tướng Haiti và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi can thiệp quân sự vào nước này. Tuy nhiên, các láng giềng của Haiti vẫn âm thầm từ chối vai trò dẫn đầu.
Đến cuối tháng 7, Kenya đáp lời và Ngoại trưởng Kenya Alfred Mutua nói rằng đất nước của ông sẽ “tích cực xem xét việc dẫn một lực lượng đa quốc gia đến Haiti,” dẫn đầu bởi đội ngũ cảnh sát Kenya gồm 1.000 người.
Tuy nhiên, đến ngày 9.10, Tòa án Tối cao Kenya chặn quyết định của chính phủ Kenya về việc hỗ trợ Haiti, cho rằng quyết định này vi hiến vì chưa được quốc hội thông qua.
Trong khi đó, giới quan sát cho rằng việc khôi phục tình hình ở Haiti ngày càng trở nên khó khăn, khi nhiều mạng lưới tội phạm xem việc bắt cóc là một trong những “lĩnh vực kinh doanh” béo bở.
Tư hình và vòng xoáy bạo lực
Trong 2 năm qua, các băng nhóm xung đột ở Port-au-Prince đã gây kinh hoàng cho thành phố cảng quan trọng của Haiti với các vụ hãm hiếp, tra tấn và giết chóc khi chúng tranh giành quyền kiểm soát lãnh thổ.
Hàng ngàn người Haiti đã rời bỏ nhà cửa, tập trung tại các khu trại tạm bợ trên khắp thủ đô rộng lớn để lánh nạn.
Một phong trào tư hình có tên “Bwa Kale” (nghĩa đen là “bóc gỗ”, ám chỉ hành động công lý nhanh chóng) đã trỗi dậy trong năm nay, khi những người bức xúc ném đá, thiêu sống những kẻ nghi là thành viên các băng nhóm.
Tình trạng này khiến Đại diện đặc biệt của Liên Hiệp Quốc là bà Maria Isabel Salvador hồi tháng 7 cảnh báo rằng phong trào này đã tạo “một vòng xoáy bạo lực mới và đáng báo động”.
Bà cho biết hàng trăm người bị cáo buộc là thành viên băng nhóm đã bị những lực lượng tư hình như thế giết chết trên cả nước.
Trong khi đó, xung đột ở thủ đô đã làm tắc nghẽn đường cung ứng, khiến giá thực phẩm và năng lượng tăng vọt tại nhiều nơi ở Haiti.
Cơ cấu xã hội suy yếu
Bà Flavia Maurello, Giám đốc quốc gia của tổ chức viện trợ AVSI (Ý) tại Haiti cho rằng cảm giác vô luật pháp tại thị trấn Les Cayes đã làm suy yếu cơ cấu xã hội, với việc cộng đồng địa phương nhắm mắt làm ngơ trước những tội nhỏ và những hành vi lạm dụng khác mà trước đây có thể không được dung thứ.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc Gedeon Jean của CARDH, tổ chức ở Haiti tham vấn về quyền con người với Liên Hiệp Quốc, cho biết ông không ngạc nhiên về việc nạn bắt cóc vẫn tiếp diễn. Ông cho rằng các băng nhóm đang tìm cách bù đắp những thất thu về tài chính do các lệnh cấm vận quốc tế và ảnh hưởng từ phong trào Bwa Kale.
Sau nhiều năm bạo lực tràn lan tại Haiti, ông nghi ngờ khả năng sẽ có tuyên bố về hòa bình. Theo ông, một cuộc đình chiến giữa các băng nhóm đối lập có thể chỉ là “một mưu mẹo khác được thiết kế để đánh lừa công chúng đang hoàn toàn mất cảnh giác”.
Kỳ vọng và thách thức với Tổng thống trẻ nhất lịch sử Ecuador
Ông Daniel Noboa, 35 tuổi, đã trở thành Tổng thống trẻ tuổi nhất lịch sử Ecuador. Bên cạnh kỳ vọng, dự kiến ông sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong việc xoay chuyển tình hình an ninh bất ổn, bạo lực leo thang tại đất nước Nam Mỹ này.
Vòng hai của cuộc bầu cử Tổng thống Ecuador kết thúc ngày 15/10 (giờ địa phương), ông Daniel Noboa giành được hơn 52% tổng số phiếu so với gần 48% của đối thủ Luisa González. Ông González đã gửi lời chúc mừng đến đối thủ của mình sau khi kết quả được công bố. Như vậy, ông Noboa đã trở thành Tổng thống đắc cử trẻ tuổi nhất từ trước đến nay tại Ecuador. Ông Daniel Noboa sinh ngày 25/11/1987, là con trai của tỷ phú Alvaro Noboa - một trong những người giàu nhất Ecuador. Gia đình của ông Noboa sở hữu tập đoàn cùng tên, tập trung vào lĩnh vực xuất khẩu chuối, có văn phòng tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Người ủng hộ ông Daniel Noboa và chân dung của ông trên đường phố Quito. Ảnh AP.
Tổng thống đắc cử của Ecuador có bằng quản trị kinh doanh từ Đại học New York, có 3 bằng thạc sĩ từ Đại học Harvard, Northwestern và George Washington. Ông Noboa tự thành lập công ty riêng vào năm 18 tuổi, sau đó tham gia vào hoạt động kinh doanh của gia đình. Xuất thân từ một gia đình thượng lưu tại Ecuador và là một "kẻ mới đến" trong chính trường, ông Daniel đã hiện thực hóa giấc mơ của cha mình, người từng 5 lần tranh cử Tổng thống Ecuador nhưng không thành công.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Noboa cam kết sẽ tạo thêm việc làm, đặc biệt là dành cho giới trẻ. Sau khi giành chiến thắng, ông Noboa cảm ơn người dân Ecuador đã tin tưởng vào "dự án chính trị mới, dự án chính trị trẻ" của mình. Nhấn mạnh mục tiêu hàng đầu là "mang lại hòa bình cho đất nước, cải thiện giáo dục cho thanh niên, cung cấp việc làm cho những người đang tìm kiếm tại Ecuador", ông Noboa cho biết, để đạt được mục tiêu đó, ông sẽ ngay lập tức bắt tay vào công việc "xây dựng lại một đất nước đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bạo lực, tham nhũng và hận thù".
Những người ủng hộ ông Noboa ăn mừng trên đường phố Guayaquil khi kết quả kiểm phiếu cuối cùng được công bố. Sinh viên Eduardo Chavez, 23 tuổi, bày tỏ: "Chúng tôi cần làn gió mới và Tổng thống của chúng tôi không nên lãng phí thời gian, phải nỗ lực hết sức để ngăn chặn tình trạng bất ổn". Ông Noboa đã đưa ra quan điểm đặc biệt để thu hút giới trẻ bằng các sự kiện tại các trường đại học vào cuối chiến dịch. Khoảng 1/4 trong số 13 triệu người dân Ecuador có nghĩa vụ bầu cử ở độ tuổi từ 18 đến 29.
Các nhà phân tích cho rằng chiến thắng của ông Noboa ban đầu có thể được các nhà đầu tư coi là tích cực, nhưng triển vọng dài hạn sẽ phụ thuộc vào việc bổ nhiệm nội các của ông. Ông Noboa thành lập đảng của riêng mình, có tên Hành động Dân chủ Quốc gia, trước cuộc bầu cử. Dù đã giành được số ghế cao thứ ba trong cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 8, tuy nhiên, đảng này chưa đủ mạnh để tự thành lập chính phủ. Đây có thể coi là "cơn đau đầu" lớn nhất của ông Noboa, khi chỉ có 10% nhà lập pháp tại Quốc hội Ecuador ủng hộ đảng của ông. Việc thiếu liên minh lãnh đạo cũng từng gây nhiều khó khăn cho chính quyền hiện tại của Tổng thống Guillermo Lasso trong việc thông qua các chính sách. Và thách thức này cũng sẽ chờ đợi vị Tổng thống đắc cử trẻ tuổi, theo Simon Pachano, chuyên gia tại Đại học Flacso ở Quito.
Cử tri tại Ecuador ngày càng quan ngại vì tình hình bạo lực ở quốc gia này. Giết người, bắt cóc, cướp bóc và các hoạt động tội phạm khác đã trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày, khiến người dân Ecuador tự hỏi khi nào họ sẽ trở thành nạn nhân. Cuộc khủng hoảng an ninh tại Ecuador đã diễn ra từ lâu và lên đến đỉnh điểm hồi tháng 8 với vụ ám sát ứng cử viên tổng thống Fernando Villavicencio. Kể từ đó, không ít chính trị gia tại nước này đã bị giết hoặc bị bắt cóc, bom xe đã phát nổ ở nhiều thành phố, bao gồm cả thủ đô Quito, trong khi các tù nhân đã náo loạn trong các nhà tù.
Đầu tháng này, ít nhất 7 người bị coi là nghi phạm trong vụ sát hại ông Villavicencio đã bị giết trong nhà tù. Dưới thời của chính quyền hiện tại, số ca thiệt mạng do bạo lực đã tăng vọt, lên tới 4.600 vào năm 2022, mức cao nhất trong lịch sử đất nước và tăng gấp đôi tổng số vào năm 2021. Theo thống kê của Cảnh sát Quốc gia Ecuador, nước này ghi nhận 3.568 trường hợp tử vong do bạo lực trong nửa đầu năm 2023.
Nhiệm vụ càng khó khăn hơn với nhà lãnh đạo trẻ tuổi khi nhiệm kỳ của ông bị cắt ngắn. "Sẽ rất khó đối với ngay cả một vị tổng thống được chuẩn bị tốt nhất để có thể đảo ngược cuộc khủng hoảng an ninh ở Ecuador trong vòng 18 tháng - đó là một khoảng thời gian ngắn - và cả hai ứng cử viên đều không được chuẩn bị tốt nhất. Ông Noboa chắc chắn là không", Will Freeman, nhà nghiên cứu về Mỹ Latinh tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, bày tỏ. Nhiệm kỳ của tổng thống sắp tới sẽ chỉ kéo dài đến tháng 5/2025, tức là thời gian còn lại trong nhiệm kỳ của Tổng thống Guillermo Lasso.
Chuyên gia đánh giá tác động ban đầu cuộc xung đột Israel - Palestine mới bùng phát Cuộc tấn công của Hamas khiến các cơ quan tình báo Israel hoàn toàn mất cảnh giác, trong khi Mỹ dường như cũng không hề biết rằng một cuộc giao tranh sắp xảy ra. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN Cuộc tấn công chưa từng có mà lực lượng Hồi giáo Hamas người Palestine phát động nhằm vào Israel ngày 7/10 đã khiến Thủ tướng...