Chuyên gia đánh giá nguyên nhân sâu xa châm ngòi xung đột Israel – Hamas
Một số chuyên gia cho rằng Mỹ có vai trò nhất định khiến cho cuộc xung đột Israel – Hamas bùng phát.
Binh sĩ Israel triển khai ở Kfar Aza, phía Nam giáp Dải Gaza vào ngày 10/10/2023. Ảnh: AFP
Đại sứ Palestine tại Moskva Abdel Hafiz Nofal nói với tờ Izvestia ngày 10/10 rằng nguyên nhân cốt lõi của sự leo thang xung đột ở Dải Gaza là do “Mỹ không sẵn sàng giải quyết xung đột thông qua việc thành lập hai nhà nước”. Điều đó khiến Israel tin rằng việc kết thúc chiến tranh có nghĩa là nước này phải loại bỏ Hamas với tư cách là một thực thể quân sự và chính trị. Kết quả là các bên thực hiện những cuộc tấn công tên lửa trong ba ngày liên tiếp. Theo truyền thông Mỹ, Israel hiện đang chuẩn bị tiến hành một chiến dịch trên bộ.
Nhà khoa học chính trị Nga Vyacheslav Matuzov cũng nhận định một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình hình hiện tại ở Trung Đông là nỗ lực của Mỹ nhằm hủy bỏ vai trò đã được thực hiện bởi “bộ tứ”, hình thức đàm phán được đưa ra vào năm 2002 bao gồm Mỹ, Nga, Liên hợp quốc (LHQ) và EU, đồng thời thay đổi chương trình nghị sự cho phù hợp với quan điểm riêng của mình.
“Mỹ đã kiểm soát mọi thứ trong khi Nga bị chi phối bởi Syria, Trung Á và các vấn đề khác. Mỹ đã đơn phương phát triển kế hoạch của riêng mình, điều này chỉ được phối hợp với Israel trong khi không thông báo cho các nước Arab, Palestine cũng như ‘bộ tứ’. Từ một số yếu tố, có thể suy ra rằng kế hoạch này liên quan đến việc di dời tất cả người Arab từ Bờ Tây sang Bờ Đông và xây dựng một nhà nước thuần Do Thái”, ông Matuzov nói.
Video đang HOT
Theo nhà khoa học chính trị trên, kế hoạch này gây “kinh hoàng” ngay cả đối với các chuyên gia Mỹ về Trung Đông vì nó không tính đến lợi ích thực sự của người dân Arab. Chuyên gia Matuzov nêu rõ: “Tất cả những điều này, đặc biệt là trong bối cảnh hàng loạt cuộc cách mạng ở Trung Đông do phương Tây hẫu thuận, đã dẫn đến việc tạo ra tình hình bất ổn cho Israel ở Trung Đông”.
Về phần mình, Benny Briskin, cựu trợ lý của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, nói với Izvestia rằng cả ông và bất kỳ ai khác đều không thấy bất kỳ biện pháp nào để giải quyết tình hình. Theo ông Briskin, mọi chuyện không thể giải quyết được cho đến khi Hamas bị tiêu diệt, với tư cách một tổ chức, một lực lượng quân sự. Ông Briskin nhấn mạnh, ngày nay trên khắp Israel đều có sự đồng thuận tuyệt đối rằng việc tổ chức đàm phán cũng sẽ không có kết quả vì con đường đó đã thất bại và Israel hiện đang phản ứng.
Ông Briskin cũng thừa nhận việc Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) không phản ứng trong những giờ đầu tiên của cuộc xung đột trước việc Hamas xâm nhập các khu vực biên giới của Israel đánh dấu một thất bại rõ ràng đối với các lực lượng an ninh của nước này.
Theo ông, rõ ràng đây là một sự cố lớn về hoạt động và tình báo, trong đó IDF đã không kịp triển khai các đơn vị đặc biệt đến bảo vệ dân thường bị tấn công.
Israel từ chối hòa giải với Hamas
Cả Israel và Hamas đều tỏ ra kiên quyết rằng họ sẽ tiếp tục tấn công, làm dấy lên nghi ngờ về khả năng đạt được bước đột phá sớm trong các nỗ lực hòa giải.
Các binh sĩ Israel triển khai truy lùng các tay súng thuộc lực lượng Hamas. Ảnh: AFP
Israel đã từ chối triển vọng hòa giải giữa nước này và Hamas vì "đây là thời điểm chiến tranh", phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Israel Lior Haiat ngày 10/10 cho biết, khi cuộc xung đột mới nhất của nước này với nhóm vũ trang người Palestine bước sang ngày thứ 3.
Người phát ngôn trên nêu rõ: "Chúng tôi không nói về hòa giải vì vẫn còn 'những kẻ khủng bố' trên lãnh thổ Israel. Đây là lúc để tự bảo vệ mình và trả đũa mạnh mẽ để chúng tôi có thể tiêu diệt nhóm Hamas cũng như khả năng và cơ sở hạ tầng của họ ở Dải Gaza".
Ông Haiat thông báo thêm lực lượng Israel đang tiếp tục chiến đấu với ít nhất 70 tay súng Hamas bên trong lãnh thổ của mình, gần biên giới với Gaza.
Các nỗ lực hòa giải
Trong khi đó Qatar, một đồng minh của Hamas, đã đàm phán từ tối 8/10 để cố gắng đảm bảo một thỏa thuận dẫn đến việc phóng thích phụ nữ và trẻ em Israel bị các tay súng ở Gaza giam giữ. Theo thỏa thuận, đổi lại 36 phụ nữ và trẻ em Palestine sẽ được thả khỏi các nhà tù của Israel.
Các nguồn tin an ninh Ai Cập cũng cho biết, nước này, vốn đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Israel và Hamas trong các cuộc xung đột trước đây, cũng duy trì liên lạc chặt chẽ với cả hai bên khi tìm cách ngăn chặn bạo lực leo thang hơn nữa.
Các nguồn tin trên thông báo trong 24 giờ qua, Cairo đã tổ chức các cuộc hội đàm với các quan chức cấp cao của EU và Mỹ, cũng như các cường quốc trong khu vực bao gồm Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Jordan và Qatar.
Đại diện của lực lượng Hamas Osama Hamdan xác nhận những cuộc đàm phán đã bắt đầu nhưng lưu ý còn quá sớm để đạt được một thỏa thuận.
Các ngoại trưởng của Liên đoàn Arab sẽ nhóm họp vào ngày 11/10 để thảo luận về "cuộc tấn công của Israel đối với Dải Gaza", khối này tuyên bố.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Arab Hossam Zaki cho biết cuộc họp bất thường ở Cairo sẽ tìm cách mở ra "các con đường hành động chính trị ở cấp độ Arab và quốc tế", khi Israel tiếp tục đáp trả nhằm vào những mục tiêu ở Gaza sau cuộc tấn công của Hamas.
Tuy nhiên, cả Israel và Hamas đều tỏ ra kiên quyết rằng họ sẽ tiếp tục tấn công, làm dấy lên nghi ngờ về khả năng đạt được bước đột phá sớm trong các nỗ lực hòa giải.
Chuyên gia đánh giá tác động ban đầu cuộc xung đột Israel - Palestine mới bùng phát Cuộc tấn công của Hamas khiến các cơ quan tình báo Israel hoàn toàn mất cảnh giác, trong khi Mỹ dường như cũng không hề biết rằng một cuộc giao tranh sắp xảy ra. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN Cuộc tấn công chưa từng có mà lực lượng Hồi giáo Hamas người Palestine phát động nhằm vào Israel ngày 7/10 đã khiến Thủ tướng...