Bão số 9 bắt đầu đổ bộ vùng biển Bình Thuận-Bến Tre, mưa to gió giật mạnh
Bão số 9 gió giật cấp 12 đang bắt đầu đi vào vùng biển các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre gây mưa to, gió giật mạnh.
Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của bão số 9 – Usagi. Ảnh Trung tâm Dự báo KTTVQG.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 8 giờ sáng nay (25/11), tâm bão số 9 – Usagi đang ở trên vùng bờ biển các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km.
Do ảnh hưởng của bão số 9, ở Phan Thiết, Vũng Tàu đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8. Hoàn lưu bão đã gây mưa rất to cho khu vực Trung Bộ (200-300mm).
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được 5-10km, đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 8, giật cấp 10-11; sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rồi thành một vùng áp thấp.
Đến 19 giờ ngày 25/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở trên đất liền các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Thành phố Hồ Chí Minh ngày và đêm nay (25/11) có mưa rất to (100-200mm) và có khả năng xảy ra lốc xoáy. Nguy cơ rất cao mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập lụt.
Video đang HOT
Do ảnh hưởng của bão số 9, ở vùng biển từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 12. Biển động mạnh. Sóng trên biển cao từ 2-4m, vùng gần tâm bão cao 4-5m. Ven biển từ Vũng Tàu tới Cà Mau đề phòng nước biển dâng cao do triều cường kết hợp với nước dâng do bão.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, ở Vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động.
Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, khu vực Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm; khu vực Bắc Tây Nguyên và Tây Nam Bộ có mưa to 50-100mm.
Từ đêm nay (25/11) đến đêm 27/11, do ảnh hưởng hoàn lưu sau bão kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên mưa to đến rất to mở rộng ra các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, lượng mưa phổ biến: các tỉnh Quảng Trị, Khánh Hòa (50-80mm/ngày); ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Phú Yên (80-150mm/ngày); ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (100-200mm/ngày).
Từ nay đến 28/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận phổ biến ở mức BĐ2-BĐ3, các sông nhỏ lên trên BĐ3; các sông ở khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ1-BĐ2. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên.
Theo Danviet
TPHCM mưa to, gió giật mạnh do bão số 9
Ảnh hưởng của bão số 9 (bão Usagi), khu vực huyện Cần Giờ, TPHCM có mưa to dần, gió giật mạnh khiến người dân không dám ra đường.
Sáng 25/11, do ảnh hưởng của cơn bão số 9, huyện đảo Cần Giờ, đặc biệt là khu vực bờ biển có gió giật khá mạnh và mưa lớn dần. Từ đêm qua, mưa rả rích kéo dài đến thời điểm hiện tại.
Người dân thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TPHCM cho biết đang rất lo lắng vì không biết bão sẽ đổ bộ khi nào và khu vực nào vì hiện tại đường đi của cơn bão số 9 khá phức tạp.
Đang đối phó với cơn bão số 9 này, người dân Cần Giờ lại liên tưởng đến cơn bão số 9 năm 2006 và lo sợ thảm kịch lặp lại bởi năm 2006, bão vào bờ gây thiệt hại cực kỳ nghiêm trọng về cả người và tài sản.
Một tấm bảng tuyên truyền bị gió quật ngã.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, hồi 4 giờ ngày 25/11, vị trí tâm bão cách Vũng Tàu khoảng 60km, cách Bến Tre 110km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 13. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km, bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km tính từ tâm bão.
Trong 12 giờ tới, bão số 9 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được 5-10km, đi vào đất liền các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 8, giật cấp 11-12; sau đó đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Mưa gió đang lớn dần ở huyện Cần Giờ.
Do ảnh hưởng của bão số 9, ngày và đêm nay (25/11) khu vực TPHCM có mưa rất to (100-200mm) và có khả năng xảy ra lốc xoáy. Nguy cơ rất cao mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập lụt diện rộng.
Để đối phó với cơn bão số 9, lãnh đạo UBND TPHCM đã thị sát các điểm có nguy cơ ảnh hưởng như bến tàu, khu nhà dân để kiểm tra công tác chằng chống nhà cửa, đảm bảo an toàn cho người dân. Toàn bộ người dân khu vực nguy hiểm ở Cần Giờ đã được sơ tán.
Sóng biển ở thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ cũng đang lớn dần.
UBND huyện Cần Giờ, TPHCM cho hay, đã chỉ đạo cho các xã, phối hợp với mặt trận đoàn thể chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm chăm lo cho đời sống người dân địa phương trong những ngày này.
Huyện cũng bố trí các lực lượng dân quân tự vệ, công an, bộ đội và nhân viên y tế túc trực để chăm sóc sức khỏe người dân. Riêng Bệnh viện huyện Cần Giờ bố trí 80% nhân viên bệnh viện trực 24/24 để đảm bảo công tác cứu chữa khi có sự cố do bão
NGÔ BÌNH
Theo TPO
Bão số 9 gần tới đất liền, mưa to và gió mạnh tại nhiều địa phương Sáng sớm nay, nhiều địa phương như Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Giờ (TP.HCM) bắt đầu có mưa kèm theo gió mạnh. Theo Người Lao Động: lúc 7 giờ sáng nay (25/11), tại khu vực Bãi Sau (TP. Vũng Tàu), trời đang mưa to và có gió mạnh còn tại Bãi Trước sóng cũng bắt đầu đánh mạnh hơn. Trên...