Bảo quản bún, bánh mùa giãn cách – để ăn ngon tránh sức khỏe suy mòn, phải biết điều này
Về nguyên tắc, bún, bánh mỳ hay các loại thực phẩm khác đều có thể bảo quản đông lạnh nhưng tủ lạnh không phải là “bảo bối” vạn năng để nhét tất cả mọi thứ vào tích trữ.
Bún phở, bánh mỳ không thiếu nên không cần thiết tích trữ, đóng đá
Trong giai đoạn giãn cách xã hội, nhiều gia đình tích trữ thực phẩm để sử dụng dần, trong đó có cả việc bảo quản những loại thực phẩm như bún phở, bánh mỳ. Thậm chí, trên mạng xã hội còn xuất hiện nhiều hướng dẫn cách đông lạnh, rã đông bánh mỳ, bún phở ở ngăn đá để sử dụng dần.
Tuy nhiên, cũng có không ít người cho rằng việc bảo quản đông lạnh bánh mỳ và bún phở ở ngăn đá là không nên. Bởi vì đây là thực phẩm có hạn sử dụng ngắn, nếu đông lạnh thời gian lâu có thể ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và ảnh hưởng đến sức khỏe.
Chia sẻ về cách bảo quản bún, bánh mỳ trong ngăn đá trên mạng xã hội trong những ngày giãn cách.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Chuyên gia về Công nghệ thực phẩm (nguyên giảng viên trường Đại học Bách Khoa) cho biết về nguyên tắc, bánh mỳ hay bún phở cũng như các thực phẩm khác đều có thể đông lạnh trên ngăn đá tủ lạnh gia đình.
“Chúng ta phải hiểu đây chỉ là làm đông lạnh, vì tủ lạnh gia đình nhiệt độ lạnh sâu nhất chỉ -18 độ C, chứ không phải là cấp đông. Bởi thực phẩm cấp đông với nhiệt độ lạnh sâu tới âm vài chục độ, có thể bảo quản thực phẩm được hàng năm trời”, PGS Thịnh cho hay.
Đối với bún và bánh mỳ vẫn có thể đông lạnh, sau đó rã đông và sử dụng được. Tuy nhiên, đây là những thực phẩm đã chín nên không khuyến cáo bảo quản đông lạnh lâu dài.
“Tôi cho rằng, bún hay bánh mỳ không hề khan hiếm, cũng không quá đắt đỏ nên người dân không cần thiết phải bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh. Bởi bất cứ loại thực phẩm nào bảo quản tủ lạnh cũng không còn được tươi ngon nữa. Đó là chưa kể nguy cơ lây nhiễm chéo vi khuẩn từ thực phẩm sống như thịt, cá sang nếu không được bảo quản tốt”, PGS Thịnh khuyến cáo.
Theo ông Thịnh, bún phở hay bánh mỳ nếu bảo quản trong ngăn đá, sau khi lấy ra sử dụng sẽ gặp một số vấn đề. Với bún nếu rã đông, chế biến không cẩn thận sẽ bị nát vụn, còn bánh mỳ dễ bị khô khốc. Như vậy vừa mất ngon, vừa mất giá trị dinh dưỡng.
PGS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng bánh mỳ hay bún phở không khan hiếm hay đắt đỏ mà phải bảo quản ngăn đá để ăn dần.
Video đang HOT
Hơn nữa, đây đều là thực phẩm được khuyến cáo sử dụng trong thời gian ngắn nên nếu để lâu trong ngăn đá còn có thể gây ra những vấn đề về tiêu hóa. Trong trường hợp buộc phải đông đá, chỉ nên để trong vài ngày rồi sử dụng, không nên để quá lâu.
Phải biết chọn và bảo quản bánh mỳ đúng cách trong tủ lạnh
Trao đổi về vấn đề bảo quản bánh mỳ trong ngăn đá tủ lạnh, đa số người sản xuất và người bán bánh mỳ đều cho biết bánh mỳ bảo quản trong ngăn đá được, nhưng cần phải bảo quản đúng cách.
Chị Âu Thùy Dương (ở Long Biên, Hà Nội) người chuyên cấp đông bánh mỳ cho biết việc bảo quản bánh mỳ trong ngăn đá có thể giúp bánh giữ được lâu hơn, tránh vi khuẩn xâm nhập so với việc bảo quản ở bên ngoài môi trường bình thường.
Hình ảnh chị Dương bảo quản bánh mỳ trong túi kín ở tủ đông lạnh.
“Tốt nhất khi bảo quản tủ lạnh cần bọc kín, nên để tách riêng biệt ngăn bánh mỳ và các thực phẩm khác. Nếu không bọc kín, bánh sẽ bị khô và rất khó ăn. Nếu được bảo quản đúng cách, bánh mỳ khi bỏ ra ngoài chế biến, sử dụng sẽ thơm ngon như bánh vừa ra lò, ruột không hề bị khô”, chị Dương chia sẻ.
Với kinh nghiệm hàng chục năm làm bánh mỳ, anh Bùi Tuấn Mão, chủ cơ sở bánh mỳ H2 Bakery (Thanh Lương, Hai Bà Trưng) khẳng định: “Bánh mỳ hoàn toàn có thể bảo quản đông lạnh để dùng dần được mà không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng bánh”.
Là người làm bánh, anh Mão luôn khuyên người dân tốt nhất nên ăn bánh mỳ mới sản xuất để đảm bảo độ tươi ngon. Trong trường hợp các gia đình mua bánh về bảo quản ngăn đá anh luôn có những tư vấn, hướng dẫn cụ thể.
“Nếu ai mua bánh về bảo quản tủ lạnh, nên mua bánh nướng được 70 – 80%, sau đó về đông đá và khi nào sử dụng thì lấy bánh ra rã đông rồi cho vào lò nướng tiếp để ăn. Như thế, bánh sẽ đảm bảo độ mềm, ngon hơn là chiếc bánh mỳ đã nướng chín kỹ bảo quản lạnh”, anh Mão nói.
Anh Mão cho biết, bánh mỳ đóng đá bảo quản được nhưng phải biết cách chọn bánh và biết cách cấp đông.
Khi bảo quản ngăn đá, anh Mão lưu ý, tốt nhất nên cho vào túi hút chân không để kín khí, nếu không dùng túi zíp kẹp kín miệng, sau đó cho vào 1 chiếc hộp có nắp để bảo quản. Bởi ngăn đá mỗi gia đình có rất nhiều loại thực phẩm, trong đó có cả thực phẩm sống nên bảo quản kỹ giúp tránh được vi khuẩn xâm nhập.
“Rã đông bánh mỳ chỉ cần cho ra môi trường bình thường để bánh mềm, sau đó cho vào lò nướng để nướng bánh, chứ không cho vào lò vi sóng. Bởi bánh để ngăn đá, cho vào lò vi sóng sẽ rất khô và giòn.
Gia đình nào không có lò nướng có có thể dùng chiếc chảo đun nóng già (không cho dầu mỡ) rồi cho bánh vào làm nóng từ từ. Dở mặt bánh liên tục để tránh bị cháy. Với bánh bảo quản trong tủ lạnh dù chế biến bằng cách nào cũng chỉ còn khoảng 80% giá trị dinh dưỡng và độ tươi ngon”, anh Mão hướng dẫn.
Trữ rau củ ngăn đá nhất định phải biết điều này để tránh mất sạch dinh dưỡng, vị ngon
Việc bảo quản rau, củ trong tủ lạnh là xu thế tất yếu trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên cũng cần phải có những lưu ý nhất định để đảm bảo được dinh dưỡng có trong rau củ.
Rau củ có nên bảo quản trong ngăn đá
TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết rau củ quả cung cấp rất nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể. Một chế độ ăn đầy đủ rau củ quả theo khuyến cáo (từ 400 đến 500 gram/ngày) rất có lợi cho sức khỏe, đặc biệt giúp làm giảm nguy cơ tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đột quỵ và các bệnh ung thư...
Tuy nhiên, trong thời điểm dịch bệnh, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội nên không ít gia đình phải tích trữ thực phẩm trong tủ lạnh, bao gồm cả rau củ quả. Ngoài thói quen bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh, các bà nội trợ còn bảo quản các loại rau củ ở ngăn đá để dùng dần.
Về vấn đề này, TS Trương Hồng Sơn cho biết rau củ hoàn toàn có thể bảo quản trong ngăn đá nhưng không phải loại nào cũng có thể để được. Đặc biệt, khi sử dụng các loại rau củ đã bảo quản ngăn đá cũng cần lưu ý để không bị hỏng hoặc mất chất dinh dưỡng.
Đa số các loại rau củ đều có thể cấp đông để sử dụng trong thời gian dài. (Ảnh minh họa)
Theo đó, hầu hết tất cả các loại trái cây và rau quả đều có thể được bảo quản trong tủ đông. Đông lạnh có thể làm thay đổi hình dáng và cấu trúc của nhiều loại rau củ quả, nhưng nhìn chung nó vẫn giữ được chất dinh dưỡng nhất định.
Đây cũng là cách để dự trữ các thực phẩm theo mùa, sau đó sử dụng dần trong năm. Khi bảo quản đông lạnh cần để trong hộp kín, túi hút chân không hoặc túi zíp. Mặc dù các loại rau củ nếu bảo quản tốt thì có thể để trong một thời gian dài đến vài tháng hoặc một năm. Tuy nhiên, để đảm bảo giá trị dinh dưỡng tốt nhất, các thực phẩm đông lạnh trong gia đình chỉ nên sử dụng trong khoảng một tuần tới 10 ngày.
Không phải loại rau nào cũng cấp đông được
Tuy nhiên, không phải loại rau nào cũng có thể bảo quản đông lạnh. TS Sơn cho biết một số loại rau củ quả có hàm lượng nước cao như cần tây, dưa chuột, dưa hấu không nên để trong ngăn đá vì lượng nước bên trong sẽ bị đông lạnh thành các tinh thể đá, vừa mất giá trị dinh dưỡng, vừa dễ hỏng khi cho ra môi trường bình thường.
Ngoài ra, một số loại rau dùng để ăn sống như rau diếp hay các loại rau củ gia vị cũng không nên để trong ngăn đá. Vì đây đều là rau thân mềm, nhỏ và nặng mùi, nếu bảo quản đông lạnh sẽ làm thay đổi hương vị khi chế biến cùng các thực phẩm khác.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về công nghệ thực phẩm cho biết, việc bảo quản rau củ trong tủ đá cũng cần phải hết sức lưu ý, không nên đông đá quá lâu sẽ ảnh hưởng đến chất dinh dưỡng. Có thể cấp đông các loại củ, quả, các loại rau lá thì nên bảo quản ở ngăn mát và dùng trong thời gian ngắn.
"Dù giãn cách xã hội nhưng nguồn thực phẩm không hề thiếu, mọi người được cấp phiếu đi chợ từ 2-4 lần/ngày. Vì thế chỉ nên tích trữ các loại rau ở ngăn mát tủ lạnh với nhiệt độ từ 8-10 độ C. Các loại củ như cà rốt, khoai tây thậm chí không cần cho vào tủ lạnh nếu bảo quản tốt.
Người dân khi nấu cũng tính toán lượng vừa đủ cho bữa ăn, tránh việc nấu hoặc sơ chế quá nhiều sau đó thừa lại cho vào tủ lạnh bảo quản. Như vậy sẽ dễ kiến vi khuẩn xâm nhập, mất nhiều dưỡng chất", PGS Thịnh khuyến cáo.
Rau củ đã cấp đông chỉ cần rửa qua ngay sau khi đưa ra khỏi tủ lạnh và có thể nấu được luôn. (Ảnh minh họa)
Rau củ quả đã đông đá cần đặc biệt lưu ý khi nấu
Đối với các loại rau củ đã bảo quản đông lạnh, quá trình lấy ra để chế biến thành món ăn cũng cần lưu ý. TS Sơn cho biết tùy vào các loại thực phẩm đông lạnh sẽ có những cách rã đông khác nhau cho hợp lý, nếu không biết cách rã đông sẽ làm hỏng thực phẩm và khiến vi khuẩn xâm nhập rất nhanh.
Đa số các loại rau củ đông lạnh đã được làm sạch, sơ chế trước khi cấp đông nên khi đưa ra môi trường bình thường nếu để tan hết đá như thực phẩm thông thường sẽ khiến rau củ bị nhũn, thậm chí không thể sử dụng được.
Bởi vậy, rau củ đông lạnh sau khi được lấy ra ngoài chỉ cần rửa lại để giảm độ lạnh, loại bỏ đá lạnh bám xung quanh và cho vào nồi nấu trực tiếp. Với một số loại củ ví dụ như bí đỏ hay cà rốt có thể để ngoài khoảng vài phút sau đó cho vào nấu.
Các loại rau gia vị cũng có thể cấp đông nhưng không nên vì làm mất hương vị. (Ảnh minh họa)
Riêng đối với các loại rau gia vị và một số loại củ làm gia vị (nếu bảo quản ngăn đá) có thể nấu trực tiếp sau khi cho ra từ ngăn đá vì loại rau này thường được cắt nhỏ khi cấp đông, nếu để ngoài môi trường rất nhanh tan và hỏng.
Muốn có bánh mì ăn trong 2-3 tháng: Không thử ngay cách này đang cực hot trên MXH thì tiếc lắm! Trong thời gian giãn cách này, chị em muốn có bánh mì ăn hàng ngày mà không phải vất vả tìm chỗ mua rồi chờ ship thì nhất định phải ghim ngay cách bảo quản này nha. Khỏi cần nói, bánh mì đặc ruột nóng hổi với lớp vỏ giòn giòn bên ngoài chính là một trong những món ăn quen thuộc nhất...