Báo nước ngoài mổ xẻ lý do Trung Quốc chặn máy bay Mỹ
Việc chiến đấu cơ Trung Quốc chặn ‘không an toàn’ máy bay Mỹ ở Biển Đông, các nhà quan sát quốc tế cho biết, đây không phải lần đầu tiên máy bay hai nước có ’sự cố’ đối đầu trên không…
CNN đưa tin, hai máy bay chiến đấu J-11 của Trung Quốc đã thực hiện một cuộc đánh chặn “thiếu an toàn” với máy bay trinh sát EP-3 mang tên Aires II của Mỹ trên Biển Đông hôm 17/5. Các nhà quan sát quốc tế cho biết, đây không phải lần đầu tiên máy bay của Mỹ và Trung Quốc có “sự cố” đối đầu trên không tại khu vực ngoài khơi…
Một quan chức quốc phòng Mỹ cho hay, các phi cơ Trung Quốc có những thời điểm chỉ cách máy bay Mỹ khoảng cách 15m. Thời điểm đó, máy bay trinh thám của không quân Mỹ đang thực hiện cuộc tuần tra thường xuyên quanh khu vực Biển Đông.
Máy bay chiến đấu J-11 của Trung Quốc.
Trước sự kiện trên, giới chức Lầu Năm Góc cho biết, họ đang nêu các vấn đề với Trung Quốc thông qua những kênh ngoại giao và quân sự. Tuy nhiên phía đại sứ quán Trung Quốc tại Washington chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.
Sự việc xảy ra chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thực hiện chuyến công du châu Á từ 21-28/5. Trong một tuyên bố, bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết đã “nhận thức được mọi thông tin trong báo cáo” và “chúng tôi sẽ tìm hiểu và đánh giá thêm các sự kiện có liên quan”.
Các nhà phê bình của CNN nhận định, việc hai máy bay chiến đấu tiếp cận một máy bay phản lực trong khoảng cách 15m là điều nguy hiểm. Bất kỳ sai lầm nào không may diễn ra cũng có thể gây ra sự cố nghiêm trọng có thể dẫn đến tai nạn chết người.
Đặc biệt trong trường hợp này, các phi công không thể thực hiện giao tiếp hiệu quả với nhau và điều này rõ ràng cũng không phải ý định của các máy bay đánh chặn Trung Quốc. Phân tích trên không hề chỉ dựa trên lý thuyết, tai nạn cụ thể đã từng xảy ra trong cùng khu vực không phận này.
Video đang HOT
Máy bay do thám EP-3 của Hải quân Mỹ từng có nhiều lần đối đầu với máy bay chiến đấu J-11 Trung Quốc.
Các nhà phê bình nhắc lại sự cố vào tháng 4/2001. Khi ấy, máy bay do thám EP-3 của Hải quân Mỹ cũng đã bị chặn lại bởi hai tiêm kích J-8 của Trung Quốc, các máy bay có xảy ra va chạm. Vụ việc khiến một phi công Trung Quốc thiệt mạng, phi công trên máy bay Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam do chiếc EP-3 khi đó bị hư hỏng nghiêm trọng.
Trước đó, máy bay Mỹ đã xuất phát từ căn cứ Okinawa và thực hiện nhiệm vụ ở vùng trời cách đảo Hải Nam khoảng 80 km. Bắc Kinh ngay lập tức đã bắt 24 thành viên trong phi đội Mỹ, tịch thu máy bay và mọi thiết bị tình báo. Truyền thông Trung Quốc cũng phản ứng gay gắt khi tuyên bố “Mỹ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự việc này”.
Quay trở lại sự kiện hôm 17/5 vừa qua, giới phê bình cho rằng đây là diễn biến đặc biệt nhạy cảm đối với Trung Quốc. Bởi trên thực tế, Trung Quốc không chỉ mở rộng diện tích trái phép tại các đảo không người ở và phá huỷ những rạn san hô ở Biển Đông để xây dựng sân bay mà còn triển khai hệ thống tên lửa phòng không và máy bay quân sự.
Trong khi đó có nhiều hoạt động xâm hại chủ quyền các quần đảo của nhiều nước khác trong khu vực (trong đó có những vị trí thuộc quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam).
Phản ứng trước sự kiện trên, một quan chức cấp cao Trung Quốc đã phát biểu với một nhóm phóng viên tại Bắc Kinh hôm 19/5 rằng Mỹ không nên khiêu khích Trung Quốc ở Biển Đông mà không mong có sự đáp trả lại.
Thứ trưởng bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân
Truyền hình NBC News dẫn lời Thứ trưởng bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (Liu Zhenmin): “Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đều cảm thấy không được đối xử công bằng khi Mỹ đổ lỗi cho Bắc Kinh về việc gây gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.
Không nước nào muốn thấy cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc thực sự coi trọng việc giữ gìn hoà bình tại Biển Đông. Hơn nữa, Mỹ và Nhật Bản không nên nghi ngờ nỗ lực và sự chân thành của Bắc Kinh trong vấn đề này. Chúng tôi đang tích cực chống lại bất kỳ chuyển biến gây nguy hiểm cho hoà bình trong khu vực”.
Ông Lưu cũng cảnh báo rằng cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ có thể gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu.
Theo hoạt động của không quân các nước, mỗi khi máy bay do thám của nước khác tiến đến gần phạm vi biên giới không phận, các máy bay chiến đấu sẽ tiếp cận trong khoảng cách an toàn để xác định thông tin, nguồn gốc của máy bay nước ngoài. Sau đó, khi đã xác nhận máy bay nước ngoài không phải mối đe doạ thì các tiêm kích chiến đấu sẽ quay trở lại về căn cứ, thông báo cho giới chức có thẩm quyền.
Mặc dù trước đó Trung Quốc đã có một thoả thuận có hiệu lực về việc ngăn chặn những sự cố quân sự nhưng thoả thuận này chỉ được đưa ra trong các cuộc họp hằng năm. Giới chức quốc phòng Trung Quốc không đưa ra những giao thức cụ thể quy định khoảng cách tiếp cận giữa các lực lượng quân sự trong và ngoài nước khi ở gần nhau.
Thông thường, các phi công Trung Quốc sẽ phải đưa ra lời cảnh báo trên không qua công cụ thông tin băng tần để yêu cầu máy bay nước ngoài thay đổi quĩ đạo bay trong trường hợp vi phạm không phận của Trung Quốc. Nhưng những sự cố đánh chặn máy bay vẫn từng tái diễn nhiều lần giữa các tiêm kích Trung Quốc và Mỹ.
Vậy cho đến nay, Bắc Kinh đã chứng minh rằng nước này không quan tâm đến việc nỗ lực giảm bớt căng thẳng tại Biển Đông. Bởi với yêu sách lãnh thổ khổng lồ “đường chín đoạn” chiếm hầu hết lãnh thổ Biển Đông, Trung Quốc vẫn đơn phương tin rằng những khu vực này đều thuộc không phận của nước họ.
Chính quyền Washington cùng một số chính phủ các nước châu Á đều cho rằng tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông là “không phù hợp với luật pháp quốc tế”.
“Trung Quốc là một trong những nước phải tuân thủ Công ước về Luật biển của Liên Hợp Quốc. Không hề có cơ sở pháp lý nào cho việc Trung Quốc khẳng định yêu sách về “đường chín đoạn” của nước này”, ông Alessio Patalano, giảng viên cao cấp nghiên cứu về lịch sử hải quân và an ninh khu vực Đông Á tại trường đại học King College London nhận định.
Phương Hà
Theo_Người Đưa Tin
Trung Quốc nói "không gây mất an toàn cho máy bay Mỹ"
Trung Quốc yêu cầu Mỹ chấm dứt cho máy bay do thám hoạt động gần lãnh thổ Trung Quốc.
Ngày 19-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi kêu gọi Mỹ chấm dứt các hoạt động do thám ở cự ly gần lãnh thổ Trung Quốc ở biển Đông, theo hãng tinReuters (Mỹ).
Đây là phản ứng của Trung Quốc về việc Bộ Quốc phòng Mỹ tố cáo hai máy bay chiến đấu Trung Quốc đã quấy rối một cách không an toàn một máy bay trinh thám EP-3 Aries của hải quân Mỹ trên vùng trời biển Đông ngày 17-5.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (trái) và nhà báo Ahmed Mansour của hãng tin Al Jazeera. Trả lời phỏng vấn độc quyền Al Jazeera gần đây, ông Vương Nghị cáo buộc chính Mỹ - chứ không phải Trung Quốc - mới là bên đang gia tăng quân sự hóa biển Đông. Ảnh: AL JAZEERA
Ông Hồng Lỗi cho biết máy bay trinh thám EP-3 Aries của hải quân Mỹ bay rất gần với tỉnh đảo Hải Nam của Trung Quốc, đồng thời khẳng định hai máy bay chiến đấu Trung Quốc có giữ khoảng cách an toàn với máy bay Mỹ chứ không phải mất an toàn như Bộ Quốc phòng Mỹ nói.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ ngày trước đó nói rằng vụ việc xảy ra trong vùng không phận quốc tế ở biển Đông, trong lúc máy bay trinh thám không phận quốc tế biển Đông EP-3 Aries đang thực hiện tuần tra thường kỳ.
ĐĂNG KHOA
Theo_PLO
Chiến đấu cơ TQ chặn "không an toàn" máy bay Mỹ ở Biển Đông Lầu Năm Góc ngày 18/5 cho biết, hai chiến đấu cơ Trung Quốc đã áp sát, chặn "không an toàn" máy bay do thám Mỹ ở Biển Đông. Theo CNN, ít nhất hai máy bay chiến đấu J-11 của Trung Quốc đã chặn máy bay trinh sát EP-3 của Mỹ, vốn đang thực hiện nhiệm vụ định kỳ trong không phận quốc tế...