Bạo lực tinh thần học đường: Nghĩ đến trường là buồn nôn
Tình trạng bị bạo lực tinh thần học đường không chỉ đến từ bạn học đồng trang lứa mà còn từ chính thầy cô giáo.
Buổi tọa đàm “Bắt nạt và bạo lực học đường” diễn ra tại TP.HCM vào cuối tuần qua với những câu chuyện thực tế và chia sẻ của các chuyên gia thực hành giáo dục.
Nơm nớp lo sợ cô phạt và phê bình trước lớp
Chị Thanh Vy (tên nhân vật đã được thay đổi) chia sẻ con mình đang học bậc tiểu học bị chính giáo viên chủ nhiệm gây khó dễ khi không tham gia lớp học thêm luyện chữ đẹp của cô.
“Con tôi có thói quen viết tay trái do đó khi lên lớp con luôn bị cô đánh. Về nhà, con hay giật mình đổi sang viết tay phải khi tôi vào phòng. Nhìn những vết bầm tím trên tay con chưa lặn tôi xót xa lắm, chưa bao giờ tôi thấy con có tâm lý chực chờ lo sợ như thế.
Thường xuyên bị phê bình trước lớp, bạn bè trêu chọc vì học không tốt khiến con rất buồn và không muốn đi học. Trong lớp có hoạt động mang tính tự nguyện, nếu con không hứng thú thì tôi cũng không ép tham gia, thế nhưng vẫn bị cô phê bình”, chị Vy kể tiếp.
Ngoài ra, theo chị Vy cô giáo còn ra bài quá nhiều, tối nào làm không xong bé cũng khóc vì sợ ngày mai bị cô phạt và phê bình trước lớp. “Đỉnh điểm mình thấy vô lý là con mình bị phạt và kiểm điểm khi tiết học có giáo viên dự giờ mà con không giơ tay phát biểu. Con kể chưa thấy cô giáo chủ nhiệm nở nụ cười bao giờ và họp phụ huynh tôi cũng thấy vậy. Tôi nghĩ đó cũng chính là lý do khiến con không thể gần gũi với giáo viên, tâm lý nặng nề khi đến lớp. Sau một học kỳ, thấy con trầm tính, ít nói hẳn, cảm thấy môi trường không thích hợp cho con phát triển nên tôi đã chuyển trường cho con” – chị Vy chia sẻ.
Nhà trường đưa nội dung phòng chống bạo lực học đường phổ biến cho học sinh. Ảnh: ĐHBD
Nghĩ đến trường là đau bụng, buồn nôn
Chia sẻ với phóng viên PLO, Ngọc Thúy (tên nhân vật đã thay đổi), hiện đang học lớp 10 một trường THPT ở TP.HCM vẫn còn ám ảnh khi bị bạn học bắt nạt, cô lập trong suốt năm học lớp 9. Thúy kể năm học này, em được phân công làm sao đỏ của trường. Một lần em phát hiện một nhóm 5-7 bạn trang điểm khi đến lớp vi phạm nội quy nên nhắc nhở và ghi sổ đỏ do các bạn tái phạm. Sau đó, các bạn này đã gây khó dễ cho Thúy.
“Những buổi em trực nhật, nhóm bạn này sẽ cố tình mua hạt dưa, hướng dương đến chia cho các bạn ăn và xả vỏ đầy phòng để cho em dọn. Bạn nào có ý tốt muốn giúp em thì sẽ bị cảnh cáo. Mấy bạn đó còn giấu sách vở, xé bài tập của em vứt ở trước lớp, nhiều lần em phải làm bài lại từ đầu nhưng có hôm thì bị thầy cô phạt hoặc không có điểm” – Thúy nhớ lại.
Ngoài ra, Thúy còn phát hiện một bạn nữ trong nhóm này chuyên cung cấp, rủ rê các bạn trong trường hút thuốc lá điện tử ở nhà vệ sinh. Thúy đã bí mật báo cáo cho giáo viên để ngăn chặn. Tuy nhiên, Thúy vẫn bị nghi ngờ và hẹn ra nhà vệ sinh nhưng Thúy không ra. Sau đó, bạn hay đi chung với Thúy vô cớ bị chặn đường đánh ở hành lang để cảnh cáo Thúy.
“Mấy bạn đó nhắc lại sự việc trường em đã từng xảy ra vụ ẩu đả khiến một nam sinh tử vong, nếu em không ra gặp thì cái kết cũng như vậy. Lúc đó em cũng sợ lắm nên đã báo với gia đình lên làm việc với nhà trường. Tuy nhiên, nhóm này lại quay sang tìm đối tượng mới và bắt nạt.” – Thúy buồn rầu kể do bị ảnh hưởng tâm lý nên đã không thi vào được lớp chọn dù là học sinh giỏi thứ 2 của lớp.
Theo Thúy, suốt cả năm học, em cảm thấy lúc nào cũng trong trạng thái bất an lo lắng, tủi thân vì không ai chơi với mình. “Có những buổi sáng mở mắt dậy em cảm thấy rất nặng nề, đau bụng và buồn nôn khi nghĩ đến việc đi học và đối diện với những người bắt nạt em.” -Thúy chia sẻ.
Video đang HOT
Nhận biết sớm để hóa giải xung đột
Nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương, có nhiều năm nghiên cứu phương pháp giáo dục tiến bộ chỉ ra một số dấu hiệu nhận biết có thể các bé đang là nạn nhân của bạo lực học đường.
“Một vài biểu hiện ở con, phụ huynh có thể quan sát thấy như con trở nên trầm tính, ít nói, thiếu tự tin. Khi nhắc về bạn bè, trường lớp con sẽ làm ngơ. Con thường xuyên cảm thấy nhức đầu, đau bụng, khó ngủ. Sợ đi học, chán học và kết quả học tập sa sút…” – chuyên gia Uyên Phương chia sẻ.
Chuyên gia Uyên Phương khuyên các phụ huynh nên lắng nghe, quan sát và tương tác cùng con mỗi ngày. Đồng thời trang bị kiến thức thông qua các khóa học về tâm lý, giáo dục… liên quan đến bạo lực học đường để hiểu con hơn.
Về phía nhà trường, theo chuyên gia Uyên Phương, cần thực hiện các dự án chống bắt nạt và bạo lực học đường thông qua các buổi diễn tập, giải quyết tình huống.
Đôi lúc chính những giáo viên cũng không biết những việc muốn tốt cho các em như ép trẻ viết tay phải hay làm bài tập nhiều nhưng vô hình chung lại gây áp lực. Phụ huynh và giáo viên cần ngồi lại nói chuyện để có thể hiểu và hóa giải vấn đề.
Chuyên gia Phí Mai Chi, nhà thực hành quyền trẻ em và giáo dục gia đình cho rằng nếu bạo lực xảy ra ở ngoài trường học hay trên mạng xã hội thì cần sự phối hợp của cả 3 phía trường học, gia đình hoặc địa phương. Gia đình với nhà trường cùng nhau xây dựng quy trình xử lý khi phát hiện bạo lực học đường. Cần đặc biệt chú ý đến những em đặc biệt, chậm phát triển, tự kỷ vì những em này biểu hiện thường khó đoán và khó hòa nhập.
Nên đặt sự thấu cảm lên hàng đầu
Phần lớn xung đột đến từ sự không thấu hiểu nhau. Nên chú trọng xây dựng tinh thần thấu cảm trong văn hóa học đường, dùng góc nhìn của trẻ và lợi ích của trẻ lên hàng đầu. Hình dung các con gặp khó khăn gì để đưa ra hướng giải quyết kịp thời. Đôi khi thủ phạm cũng là nạn nhân, những đứa trẻ lớn lên trong bạo lực thường có xu hướng gây bạo lực cho người khác.Với những đối tượng này, chúng ta cũng nên tìm hiểu xem liệu các em có nổi khổ gì không để có thể kéo các em ra và hướng chúng đi trên con đường đúng đắn.
Nhà thực hành giáo dục NGUYỄN THÚY UYÊN PHƯƠNG
Trường vùng cao tạo gắn kết học sinh để chống bạo lực học đường
Nhằm góp phần giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, nhiều trường THPT ở Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch phòng chống bạo lực học đường từ trong hè, để khi bước vào năm học mới, sẽ thực hiện hiệu quả.
Cô và trò Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa).
Nhiều biện pháp ngăn chặn bạo lực học đường
Mỗi khi bước vào đầu năm học mới, công tác tuyên truyền cho học sinh (HS) nhận thức về tránh xa với bạo lực học đường là điều rất quan trọng. Vì vậy, Ban giám hiệu Trường THPT Quan Hóa (Thanh Hóa) phải thông tin đến các bậc phụ huynh HS, với mong muốn được sự chung tay với nhà trường, nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường xảy ra.
Thầy Lê Văn Thanh - Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, với mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi vi phạm pháp luật có thể xảy ra trong trường, Ban giám hiệu đã xây dựng kế hoạch, lập nhiều biện pháp để tuyên truyền cho HS tránh xa với tình trạng bạo lực học đường.
"Công tác này được nhà trường tuyên truyền, giáo dục và tổ chức triển khai sâu rộng trong đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh. Nhà trường coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học và cũng là cơ sở để xem xét đánh giá thi đua đối với các lớp, các HS trong nhà trường", thầy Thanh nói.
Cũng theo thầy Thanh, nhằm thực hiện tốt công tác này, Nhà trường phối hợp thường xuyên với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng ở địa phương để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường trong HS.
Tổ chức cho HS được học tập, thảo luận về nội quy, quy định của nhà trường, đoàn trường về quyền và nhiệm vụ của người HS theo quy định của Điều lệ trường THPT. Trong đó, đặt yêu cầu cao đối với HS trong việc thực hiện và chấp hành các quy định của pháp luật.
"Ban giám hiệu yêu cầu tập thể giáo viên đặc biệt quan tâm chú ý đến việc HS gây gổ đánh nhau, kéo băng kết nhóm với thanh thiếu niên ngoài nhà trường. Nghiêm cấm việc tàng trữ, sử dụng vũ khí vật liệu nổ và các loại hung khí có khả năng gây sát thương.
Nghiêm cấm việc tự ý tổ chức đi chơi pic-nic, dã ngoại, tắm ao hồ, sông suối. Nghiêm cấm phát tán lên mạng internet những thông tin không lành mạnh, tham gia các trò chơi nguy hiểm, kích động bạo lực.
Đồng thời, Ban giám hiệu cũng giao cho giáo viên chủ nhiệm các lớp thông qua sinh hoạt 15 phút đầu giờ, sinh hoạt cuối tuần.... để thường xuyên tuyên truyền về nội quy, quy định của nhà trường, đoàn trường. Đảm bảo 100% HS ký cam kết thực hiện tốt những điều nội quy, quy định nhà trường đã đề ra", thầy Thanh thông tin.
Thầy, cô giáo và học sinh Trường THPT Quan Hóa tham gia buổi truyền thông giáo dục đạo đức, lối sống.
Cũng theo thầy Thanh, để ngăn chặn xảy ra bạo lực học đường, nhà trường đã thành lập Ban thi đua, tổ nề nếp trật tự, đội cờ đỏ nhằm thường xuyên kiểm tra việc chấp hành nội quy, quy định của HS hàng ngày, như: Việc chấp hành về nề nếp, trang phục, đầu tóc, giày dép... Phát hiện và ngăn ngừa HS mang hung khí đến trường hoặc mang hung khí đến nhà trọ. Kiểm tra tác phong hàng ngày của HS.
Phối hợp với Công an địa phương, Công an huyện để tổ chức ít nhất 1 buổi sinh hoạt ngoại khóa, nói chuyện chuyên đề về các nội dung liên quan tới bạo lực học đường.
Lập hồ sơ theo dõi đối với những HS thường xuyên vi phạm nội quy. Thông tin kịp thời tới gia đình HS để phối kết hợp trong việc giáo dục những em này tiến bộ. Đồng thời, cung cấp danh sách những HS trên cho cơ quan chức năng để phối hợp giáo dục và có sự răn đe khi cần thiết...
Tạo sự gắn kết giữa học sinh, bạn bè
Là ngôi trường ở vùng cao, biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa), trước kia đã từng xảy ra tình trạng nhóm HS đánh nhau. Vì vậy, Trường THPT Quan Sơn đã thành lập Ban quản lý để theo dõi, tạo sự gắn kết giữa HS với bạn bè, nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường xảy ra.
Thầy Nguyễn Minh Đạo - Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, vào đầu năm học, khi gọi HS đến nhập học, nhà trường sẽ thực hiện việc tổ chức tuyên truyền về bạo lực học đường, an toàn giao thông...
Trước hết, giáo viên chủ nhiệm tuyên truyền cho HS tại các lớp, đặc biệt là đối với HS lớp 10 mới vào trường, để các em hiểu và nhận biết được nội quy của nhà trường. Sau đó, nhà trường thực hiện một chương trình chung, để tuyên truyền cho các em tránh xa với nạn bạo lực học đường.
Thầy và trò Trường THPT Quan Sơn tổ chức hội thi thể thao nhằm gắn kết tình bạn giữa học sinh với nhau trong trường.
"Trong những buổi tuyên truyền, giáo viên luôn phải nhắc nhở các em về những hành động cấm, không được gây gổ, tạo bè cánh, đàn đúm để khiêu khích, tham gia đánh nhau. Nếu những HS nào vi phạm, sẽ phải chịu hình thức kỷ luật của nhà trường rất nặng. Đồng thời, nhà trường cũng thông tin cho các em biết những trường hợp HS đã bị xử lý, để nhắc nhở, khuyên răn".
Cũng theo thầy Đạo, tiếp theo đó, nhà trường xây dựng một chương trình thể dục thể thao từ đầu năm, gồm: bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông... để tất cả HS trong trường được tham gia. Qua hoạt động thể dục thể thao, sẽ gắn kết được tình bạn giữa học sinh khóa khối lớp trên với khối lớp dưới.
Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao các loại hình câu lạc bộ, để tạo sân chơi lành mạnh, tạo dựng môi trường học tập gần gũi, thân thiện cho HS. Thông qua học tập văn hóa để giáo dục lòng nhân ái, trang bị các kỹ năng sống cần thiết, kỹ năng ứng xử và giải quyết các tình huống trong học tập, sinh hoạt hàng ngày dựa trên lòng nhân ái, sự khoan dung, độ lượng.
Phát huy hơn nữa vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong việc gần gũi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của từng HS để có thể chia sẻ những khó khăn với các em, để an ủi và động viên các em vượt khó vươn lên. Đặc biệt, nhà trường chú ý những HS có điều kiện và hoàn cảnh dễ bị tổn thương, như: Có hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, học sinh mồ côi, HS khuyết tật, HS mà gia đình bố mẹ có mâu thuẫn, rạn nứt tình cảm...
Chỉ đạo giáo viên bộ môn Giáo dục công dân tăng cường các hình thức sinh hoạt tổ, nhóm HS, nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm lý, tình cảm để có sự can thiệp kịp thời. Đặc biệt là tránh việc gây nên những áp lực về tâm lý, gây căng thẳng cho HS. Giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò nòng cốt trong việc giúp HS giải tỏa các căng thẳng về tâm lý, là chỗ dựa tinh thần cho các em những lúc khó khăn.
Học sinh Trường THPT Quan Sơn tham gia buổi sinh hoạt chung về phòng chống tác hại tình trạng bạo lực học đường.
"Khi các em đã có sự quen biết nhau, gắn kết với nhau từ hoạt động thể dục thể thao, thì các em sẽ không xảy ra mâu thuẫn với nhau nữa. Nhờ đó, trong những năm gần đây, việc học sinh đánh nhau to đã không xảy ra nữa", thầy Đạo thông tin.
Đối với Ban quản lý học sinh, nhà trường yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm đều phải tham gia, để xem xét, xử lý và ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường. Khi nhận được thông tin về việc HS xích mích đánh nhau, thì Ban quản lý sẽ lập tức có biện pháp giải hòa ngay, để tránh tình trạng xảy ra việc đánh nhau.
"Trước kia, trong trường cũng đã từng xảy ra việc nhóm học sinh của làng này đánh nhau với nhóm học sinh của bản kia. Vì thế, nhà trường phải mời phụ huynh lên, thông báo cho họ biết việc con, em đã vi phạm quy chế của nhà trường. Đồng thời, thống nhất với phụ huynh đưa ra phương pháp rèn giũa, giáo dục học sinh.
Sau khi phụ huynh đồng ý quan điểm, thì nhà trường kỷ luật các em bằng cách đưa đi lao động ở trường, để học sinh nhớ mà sửa chữa. Đồng thời, sẽ hạ hạnh kiểm, trừ điểm thi đua của cả lớp, chứ không riêng cá nhân học sinh vi phạm. Với cách làm như vậy, học sinh ở các lớp sẽ đồng tình và tự bảo ban nhau không vi phạm, tránh ảnh hưởng đến thi đua của cả lớp.
Bên cạnh đó, việc ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, chúng tôi luôn coi đó là nhiệm vụ quan trọng. Hơn nữa, nếu không có sự chung tay giúp sức của phụ huynh, thì công tác này không hề đơn giản", thầy Nguyễn Minh Đạo- Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa).
Tập trung thực hiện Chỉ thị 08 về xây dựng văn hóa học đường UBND tỉnh vừa ban hành văn bản chỉ đạo về việc thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 1-6-2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương thực hiện một số nội dung trọng tâm nhằm...