Bạo lực học đường – án chung thân cho người trong cuộc
Hàng nghìn học sinh vẫn không ngừng gây nỗi đau cho bạn học, đồng thời hủy hoại chính bản thân mình. Bạo lực học đường vẫn là bài toán chưa có đáp số.
ảnh minh họa
Trong cuốn sách Marion, mãi mãi tuổi 13 của tác giả Nora Fraisse và Jacquenline Remy, cô bé Marion lựa chọn cái chết sau những ngày trầm uất, tuyệt vọng vì bạo lực học đường.
“Khi con quyết định ra đi cũng là lúc bố mẹ và em phải nhận bản án chung thân”, mẹ Marion đau đớn nói về cái chết của con gái.
Bản án chung thân vô hình
Bạo lực học đường không còn là vấn đề mới mẻ. Chính xác hơn, đây là vấn nạn mà gia đình, nhà trường và xã hội đang loay hoay tìm cách giải quyết.
Là người có kinh nghiệm hỗ trợ học sinh về mặt tâm lý, thạc sĩ Vũ Thu Hà, chứng kiến nhiều sự việc đau lòng, trải nghiệm nhiều nỗi đau do bạo lực học đường gây ra.
“Tôi thấy dù là người bị bắt nạt hay người đi bắt nạt người khác đều nhận bản án chung thân vì hành vi này”, cô Hà nhận định.
Video đang HOT
Trước đây, cô từng tiếp xúc học sinh chuyên đi bắt nạt người khác và khuyên bạn nên thay đổi cách sống để hướng tới tương lai. Câu trả lời của em khiến cô thực sự bất ngờ. Tuấn (tên nhân vật đã thay đổi) cho rằng cô Hà không hiểu em. Nam sinh tâm sự khi em bị ốm hay buồn bã, nói với bố mẹ đều bị mắng, không ai thấu hiểu.
Ngược lại, khi em gặp bất cứ vấn đề gì, “đồng đội” – cách em gọi bè nhóm của mình – luôn sẵn sàng đến cùng em. Vì thế, em lựa chọn bạn bè thay vì gia đình.
Với suy nghĩ đó, Tuấn đi theo nhóm bảo kê, ban đầu hoạt động trong giới học sinh, đe dọa, bắt nạt người khác. Sau này, em tham gia đòi nợ thuê rồi vào tù. Khi Tuấn hiểu ra, chuyện đã quá muộn.
Nỗi đau này cũng xảy ra với một nữ sinh khác. Em từng bị bạn học bắt nạt và tâm sự với bố mẹ. Nhưng chính bố em đã vặn hỏi lại em đã làm gì để bị đánh. Vì thế, em không bao giờ kể lại với gia đình nữa mà âm thầm chịu đựng đau đớn.
Sự hành hạ về thể xác lẫn tinh thần khiến em yếu đuối, lệ thuộc, luôn chọn cách né tránh, sống xa rời thực tế, khép mình và bị trầm cảm. Khi gặp cô Hà, em đồng ý nỗ lực vượt qua nỗi ám ảnh. Tuy nhiên, nó khủng khiếp hơn em tưởng. Hiện tại, dù đã là sinh viên, mỗi lần đối mặt khó khăn, cơ thể em lại phản ứng theo bản năng run lên khiến em chùn bước.
“ Người trong cuộc phải đối mặt nỗi đau không chỉ trong vài năm mà là hàng chục năm, thậm chí cả đời. Bản thân người bắt nạt lẫn người bị bắt nạt phải mang bản án chung thân mà nhiều khi họ không hề biết”, thạc sĩ Vũ Thu Hà .
Không chỉ thế, người lớn, bao gồm bố mẹ lẫn người chứng kiến, cũng mang bản án tương tự – bản án vì sự bất lực của họ trong việc trợ giúp con trẻ thoát khỏi bạo lực học đường.
Bạo lực học đường ngày càng tinh vi, có tổ chức
Bạo lực học đường dường như là bài toán không có lời giải khi hàng nghìn người khác vẫn đang gieo rắc nỗi ám ảnh cho bạn học. Không những thế, tình hình ngày càng nghiêm trọng hơn, người tham gia ngày càng được trẻ hóa và phái nữ “lên ngôi”.
Cô Bùi Thị Ngọc Thủy, giáo viên trường THPT Trần Hưng Đạo (Nam Định), nhận định bạo lực học đường diễn biến phức tạp, tinh vi, tàn bạo, dưới nhiều hình thức và có tổ chức. Đây không chỉ đơn thuần là hành vi giữa học sinh với nhau mà ngay cả giáo viên cũng tham gia vào bạo lực học đường.
Học sinh đánh bạn, tung clip lên mạng nhằm đe dọa người khác. Ảnh cắt từ clip.
Cô giáo 7X thời cô đến trường, bạo lực học đường thường là hành vi trêu chọc, kéo áo, giật tóc, tẩy chay. Việc học sinh đánh nhau có xảy ra nhưng thường không nghiêm trọng. Nhưng đến thế hệ 9X, 10X, bạo lực học đường tinh vi và phức tạp hơn. Nhiều bạn còn lợi dụng mạng xã hội để bắt nạt bạn học, kết bè, có người cầm đầu. Các em đánh nhau có tổ chức, có mục đích, không chỉ để giải quyết mâu thuẫn cá nhân mà con qua clip tung lên mạng để đe dọa, cảnh cáo người khác.
Cô Hà cho rằng bạo lực học đường có sự tham gia của truyền thông mạng xã hội nên lan truyền nhanh hơn. Ngày nay, các em thích kết nối bạn bè, hoạt động theo nhóm. Họ dùng hành động, lời nói để làm tổn thương sâu sắc bạn học. Trong khi đó, nạn nhân đáp trả bằng bạo lực, trở thành người đi bắt nạt người khác, hoặc vì nhiều lý do, các em chọn cách im lặng, chịu đựng những vết thương chồng chất.
Lý giải sự im lặng này, cô Hà cho biết ở tuổi dậy thì, trẻ có xu hướng tách dần khỏi bố mẹ. Các em ít tâm sự chuyện trường lớp với người lớn. Ngoài ra, nhiều em im lặng vì sợ bị trả thù hoặc vướng vào rắc rối lớn hơn.
Con trai cô cũng là nạn nhân của bạo lực học đường. Cậu bé bị bạn cùng lớp hăm dọa, bắt mua bim bim cho bạn. Ban đầu, cậu nghe theo, khi không thể đáp ứng được, cậu phản ứng và bị dọa đánh. Đến khi không còn cách giải quyết nào khác, cậu mới nhờ mẹ “bảo kê”, song vẫn từ chối kể lại sự việc cho giáo viên vì sợ bạn học cùng nhóm bên ngoài trường đánh mình.
Qua câu chuyện của con trai, cô Hà nhắn nhủ dù biết chuyện, người lớn và trẻ em vẫn có thế giới riêng. Các em còn quá nhỏ để hiểu rằng mình đủ mạnh hoặc đủ người trợ giúp nên chọn kiểu thoát được thì thoát, không thoát được thì tìm người “bảo kê”.
Cô Bùi Thị Ngọc Thủy nói thêm một số nạn nhân của bạo lực học đường không nói với phụ huynh còn vì muốn luôn hoàn hảo trong mắt bố mẹ, sợ họ thất vọng khi biết mình bị bắt nạt.
Nhiều em giữ im lặng do lo sợ sẽ nhận được câu hỏi đã làm gì để bị đánh từ chính cha mẹ.
Dù chọn cách phản kháng bằng bạo lực hay âm thầm chịu đựng, các em vẫn luôn là nạn nhân chịu bản án từ bạo lực học đường, trong vai người đi bắt nạt hoặc người bị bắt nạt.
Theo Zing
Vĩnh Long nâng cao chất lượng tư vấn tâm lí
Sở GD&ĐT Vĩnh Long yêu cầu Trưởng phòng GD&ĐT, Hiệu trưởng các trường THPT, THCS&THPT, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa và thực hiện có hiệu quả các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống bạo lực học đường.
ảnh minh họa
Trong đó yêu cầu lãnh đạo các trường học chủ động phối hợp với cơ quan công an, ban đại diện cha mẹ học sinh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội,... xây dựng kế hoạch phối hợp, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng ngừa ngăn chặn tình trạng học sinh đánh nhau mang tính chất bạo lực và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.
Phối hợp với công an địa phương tổ chức ít nhất 1 buổi nói chuyện chuyên đề về các nội dung liên quan tới bạo lực học đường và các hành vi vi phạm pháp luật trong lứa tuổi thanh thiếu niên; xây dựng quy chế phối hợp hoạt động làm cơ sở cho việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến học sinh. Các trường học cung cấp cho cơ quan chức năng danh sách những học sinh thường xuyên vi phạm nội quy để phối hợp giải quyết.
Thực hiện tốt công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong các trường tiểu học, THCS, THPT; bố trí cán bộ, giáo viên chuyên trách (hoặc kiêm nhiệm) làm công tác tư vấn tâm lý. Nâng cao chất lượng công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường, giúp học sinh tự tin và có khả năng giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống, tạo ra sự cân bằng tâm lý, nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần cho học sinh trong giai đoạn hiện nay.
Sở GD&ĐT yêu cầu Hiệu trưởng các trường thành lập bộ phận thường trực và trực tiếp chỉ đạo thực hiện các biện pháp cần thiết để chủ động xử lý khi phát sinh vụ việc...
Theo Giaoducthoidai.vn
Lai Châu: Ngành Công an phối hợp tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường Buổi tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường được Công an thành phố Lai Châu phối hợp với Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn. Các em học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn tham gia trả lời các câu hỏi liên quan đến bạo lực học đường. Tại buổi tuyên truyền, Thượng tá Đinh Hồng Dương - Phó Công an thành...