Bảo hộ cảm xúc và suy nghĩ của học sinh
Mấy hôm nay tôi theo dõi rất kỹ một loạt bài viết trên trang giáo dục báo Tuổi Trẻ về sự biến tướng của lễ tri ân và trưởng thành, với một sự đồng cảm của người trong cuộc.
Giống như các đồng nghiệp khác đã trải lòng mình trong các câu chuyện đăng trên báo, chúng tôi cũng đón nhận lễ tri ân và trưởng thành với một tâm trạng hết sức hào hứng.
Một bạn học sinh lớp 12 tặng ba bông hoa hồng thay lời cám ơn trong buổi lễ tri ân và trưởng thành cho học sinh khối 12 niên khóa 2011-2014 của Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Q.6, TP.HCM – Ảnh: Quang Định
Video đang HOT
Chúng tôi thật sự cảm ơn thầy Trần Hữu Tá, người đã mở đường cho việc tổ chức lễ tri ân và trưởng thành đầu tiên tại VN ở Trường Trương Vĩnh Ký.
Nhưng hỡi ôi, chỉ sau vài năm thôi buổi lễ này ở một số nơi đã bị biến tướng bởi cái sự cũ kỹ trong tư duy của người lớn, mà ở đây phần lớn là thuộc về lãnh đạo các trường học.
Tôi còn nhớ như in nỗi bức xúc của một cô học trò mà tôi làm chủ nhiệm lớp của em cách đây hai năm. Số là trong chương trình buổi lễ tri ân và trưởng thành năm ấy có tiết mục các em trao hộp thư mình viết cho ban đại diện cha mẹ học sinh lớp.
Các em muốn hộp thư ấy được làm hình trái tim nhưng nhà trường nhất quyết tất cả các lớp đều phải làm giống nhau, theo đúng quy định về chiều cao – ngang – rộng! Tôi đã trực tiếp trao đổi với ban giám hiệu, đề nghị trao cho các em quyền được tự do bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ của mình, chí ít qua hình thức của hộp thư.
Nhưng không, đề đạt đã bị từ chối với lý do: mỗi lớp làm một kiểu sẽ rất bát nháo! Hôm qua, em học sinh ấy còn nhớ lại chuyện cũ và nhân việc Tuổi Trẻđăng các câu chuyện biến tướng của buổi lễ tri ân và trưởng thành, đã đưa trên Facebook của mình tấm ảnh chụp cảnh một dàn học sinh ôm cái thùng thư to tướng trông thật “khoe mẽ”!
Việc bày tỏ cảm xúc và suy nghĩ cá nhân của học sinh là một điều quan trọng và cần thiết trong giáo dục. Một khi các em mạnh dạn bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ, thầy cô và cha mẹ mới biết đâu là chỗ cần uốn nắn, đâu là chỗ cần phát huy.
Chứ cứ bảo hộ, muốn các em có cảm xúc như mình, suy nghĩ như mình thì rồi đây chúng ta sẽ chỉ có những con người hoặc là robot, hoặc là giả dối, rất khéo che đậy cảm xúc và suy nghĩ thật.
Nhân chuyện này, tôi nhớ đến hai câu chuyện mà mình được chứng kiến: 1/ Trong một lần được người bạn đang làm hiệu trưởng một trường quốc tế mời dự lễ tổng kết năm học cho học sinh lớp 12, tôi rất thích thú với phần hội do chính học sinh lên ý tưởng và thực hiện.
Người bạn hiệu trưởng cho biết ban giám hiệu chỉ lo phần lễ là những bài phát biểu tổng kết, báo cáo kết quả dạy và học, còn lại là giao cho học sinh. Dĩ nhiên, ban giám hiệu sẽ duyệt chương trình của các em để hạn chế bớt cái gì quá lố (nhưng cũng phải tranh luận sòng phẳng để thuyết phục chứ không dùng quyền).
2/ Trong một lần dự buổi triển lãm tranh vẽ về chủ đề tiết kiệm năng lượng do BAJ (tổ chức phi chính phủ Cầu châu Á – Nhật Bản) tổ chức ngay tại hội trường báo Tuổi Trẻ, tôi rất thích dù diễn biến của sự kiện này không quy củ chút nào.
Ví dụ như khi mời một em học sinh lớp 5 lên thuyết minh về một bức tranh của mình, khi cậu bé ấp úng không nói nên lời vì khớp thì phụ huynh ở dưới lao nhao “nhắc tuồng”. Ngay lập tức, anh điều phối viên của BAJ ngăn cản: “Xin đừng làm thế, cứ để em ấy tự nhiên. Hôm nay nói không được thì lần sau nói được”.
Giáo dục đúng nghĩa là phải như thế. Có điều, nhiều người lớn lại không thích thế, chỉ muốn bảo hộ cảm xúc và suy nghĩ của học sinh để mọi chuyện diễn ra như kịch, dù các em đã đến tuổi trưởng thành!
Theo tuoitre.vn