Báo động vấn nạn học sinh bị bắt nạt trên mạng xã hội
Gần 31% học sinh THCS và THPT tại Việt Nam là nạn nhân của tình trạng bắt nạt trực tuyến bởi ít nhất 1 hành vi từ hai lần trở lên.
Nguy cơ trẻ bị bắt nạt trên mạng gia tăng. (Ảnh minh hoạ: Internet)
Theo kết quả nghiên cứu vừa được nhóm chuyên gia Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) công bố, có tới gần 31% tổng số học sinh THCS và THPT tại Việt Nam là nạn nhân của vấn nạn bắt nạt trực tuyến bởi ít nhất 1 hành vi từ hai lần trở lên; 26,7% học sinh từng có hành vi bắt nạt người khác trực tuyến từ hai lần trở lên.
Nguyên nhân của các hành vi bắt nạt trực tuyến thường do hùa theo bạn bè, trả thù lại do có mâu thuẫn từ trước, muốn được mọi người chú ý…
Cũng theo nhóm nghiên cứu, hiện nay hầu như mỗi lớp ở các trường THCS, THPT đều lập một nhóm riêng trên mạng xã hội.
Bên cạnh những hiệu quả tích cực như thông tin những hoạt động của lớp, chia sẻ việc học, các nhóm trên mạng cũng trở thành chỗ để học sinh đàm tiếu, bàn luận hoặc xúc phạm, công khai thóa mạ.
Video đang HOT
Hậu quả của tình trạng này là học sinh càng bị bắt nạt nhiều càng cảm thấy stress, lo âu và thậm chí là có triệu chứng của trầm cảm.
Trước thực trạng đáng lo ngại trên, nhóm nghiên cứu cho rằng các học sinh cần tự ý thức về các hành vi của mình để không vô tình hoặc cố ý trở thành thủ phạm của bắt nạt trực tuyến.
Bên cạnh đó cần sử dụng Internet với mục đích lành mạnh và thời gian hợp lý, biết cách tự bảo vệ khi tham gia cộng đồng mạng.
Các nhà trường cũng cần tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, tạo nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích giúp học sinh không mất nhiều thời gian trên mạng, biết cách vượt qua áp lực trong cuộc sống.
Thực tế cho thấy, trong suốt thời gian qua, vấn nạn học sinh bị bắt nạt trực tuyến đã được nhiều tổ chức lên tiếng.
Những hành vi bắt nạt trên mạng gây ra tổn hại ở nhiều mức độ khác nhau, có thể khiến nạn nhân thường xuyên lo sợ, trầm cảm, thậm chí đã có trường hợp tự tử, tìm đến cái chết.
Tuy nhiên, trong khi nguy cơ bắt nạt trên mạng đối với học sinh đang gia tăng thì chương trình tin học nhà trường chỉ chú trọng dạy Word, PowerPoint…, không trang bị cho học sinh kiến thức cơ bản như kỹ năng khi tiếp xúc với người lạ trên mạng xã hội, giới hạn chia sẻ thông tin cá nhân để không bị quấy rối, cách xử lý khi bị bắt nạt…
P.V
Theo ictnews
Cứ 10 học sinh thì 3 em bị bắt nạt trực tuyến
Ngày 2/1, tại hội thảo khoa học "Chương trình phòng ngừa và can thiệp bắt nạt trực tuyến dựa vào trường học" do trường Đại học (ĐH) Giáo dục tổ chức, PGS.TS Trần Thành Nam thông tin: Có 30,6% học sinh (HS) bị bắt nạt trực tuyến bởi ít nhất một hành vi ở mức 2 lần trở lên.
Kết quả nghiên cứu thực trạng bắt nạt trực tuyến ở học sinh THCS và THPT được trường ĐH Giáo dục thực hiện tại 3 tỉnh (Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa) với 864 HS cho thấy, có 30,6% HS bị bắt nạt trực tuyến bởi ít nhất 1 hành vi ở mức 2 lần trở lên; 26,7% HS có hành vi bắt nạt người khác trực tuyến bởi ít nhất một hành vi ở mức hai lần trở lên.
GS Bahr Weiss cho rằng, nhà trường ngăn chặn hành vi bắt nạt trực tuyến hiệu quả nhất.
Các hành vi HS bị bắt nạt trực tuyến là: Gửi các bình luận đe dọa, gây tổn thương thông qua email hoặc tin nhắn; gửi những tin nhắn đe dọa, gây tổn thương; gây hiểu lầm bằng cách giả vờ là người giới tính khác; chế nhạo các bình luận trong nhóm, diễn đàn; chế nhạo người khác trong các nhóm diễn đàn...
"Một số HS càng đi bắt nạt trực tuyến thì có xu hướng càng bị bắt nạt và ngược lại. Học sinh THPT có mức độ đi và bị bắt nạt trực tuyến nhiều hơn HS THCS. HS càng dành nhiều thời gian để sử dụng internet thì càng đi/bị bắt nạt trực tuyến càng nhiều. HS bị bắt nạt nhiều nhất là trên mạng xã hội (Facebook, Twitter), tiếp đến là các ứng dụng nhắn tin (Zalo, Viber); các trang chia sẻ hình ảnh, video clip (Youtube, Instagram,...) và qua thư điện tử (gmail)" - PGS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra những nguyên nhân HS đi bắt nạt trực tuyến. Chẳng hạn như, bắt nạt trực tuyến trên mạng sẽ nhiều người biết hơn để gây áp lực với bạn đó. HS muốn người khác chú ý đến mình; làm như vậy để trả thù lại vì bạn ấy đã làm như thế với mình. Đáng chú ý, môt nguyên nhân HS bắt nạt trực tuyến người khác nhiều nhất, được nêu ra đó là "chỉ là trêu đùa cho vui".
Nghiên cứu cũng cho thấy, cứ 10 HS thì có khoảng 3 - 4 em tham gia vào bắt nạt trực tuyến với các vai trò khác nhau như thủ phạm, nạn nhân, vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân. HS nam đi bắt nạt nhiều hơn nữ, nữ vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân nhiều hơn nam. HS càng dành nhiều thời gian sử dụng internet, càng đi/bị bắt nạt trực tuyến càng nhiều.
Điều đáng lưu ý là học sinh bị bắt nạt trực tuyến có nhiều cách ứng phó nhưng rất ít em kể lại với bố mẹ, thầy cô giáo để tìm cách ngăn chặn.
Đã có nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng HS bị bắt nạt trực tuyến được đưa ra. Tuy nhiên, theo GS.TS Bahr Weiss đến từ Mỹ, việc can thiệp hiệu quả và quan trọng nhất là trong nhà trường. Bởi bắt nạt trực tuyến có thể xảy ra trong nhà trường nhiều hơn vì HS sử dụng máy tính và mạng internet. Nhà trường cũng là môi trường giáo dục, tập hợp được HS và có nguồn lực lớn hơn để can thiệp việc bắt nạt trực tuyến.
"Có nhiều cách để can thiệp bắt nạt trực tuyến, như dạy cho cá nhân cách ứng phó, phòng ngừa. Giáo viên chủ nhiệm có thể làm việc với cả lớp để có cách thay đổi ứng xử hành vi. Cũng có thể thay đổi không khí toàn trường bằng cách không chấp nhận việc HS bị bắt nạt" - GS Bahr Weiss nhấn mạnh.
Theo kinhtedothi
Bộ GD-ĐT chính thức công bố chương trình GDPT mới Sau nhiều lần lấy ý kiến rộng rãi, chiều 27-12 Bộ GD&ĐT chính thức công bố chương trình giáo dục phổ thông mới. Thông tin từ ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học cho hay, Chương trình các môn học ở chương trình phổ thông mới sẽ có nhiều thay đổi so với chương trình hiện hành. Trong đó,...