Báo động thiếu tiết đọc sách trong nhà trường
Văn phòng Hội Xuất bản Việt Nam tại TP.HCM với sự hỗ trợ của Công ty Đường Sách và thầy cô giáo các trường phổ thông trên địa bàn TP đang bàn việc phối hợp xây dựng danh mục sách bổ trợ để phục vụ cho việc học tập và nâng cao kiến thức của học sinh.
Theo đơn vị thực hiện, đây là động thái nhằm gióng lên hồi chuông trước thực trạng học sinh ngày càng ít đọc sách, thậm chí không hề cầm đến quyển sách…
Cần nhiều giải pháp để hình thành thói quen đọc sách trong giới trẻ Ảnh, học sinh, thanh niên TP.HCM đọc sách tại thư viện trường học
Lý do dẫn đến thực trạng buồn nói trên chủ yếu bắt nguồn từ ba nguyên nhân: Nhà trường không quy định có tiết đọc sách; Gia đình thiếu sự quan tâm, phát triển thói quen đọc sách từ sớm cho trẻ và các NXB, công ty sách chưa thật sự thúc đẩy các hoạt động để phát triển văn hóa đọc.
“Bức tranh về thị trường tiêu thụ sách không sáng sủa gì”
Kết quả khảo sát về hoạt động xuất bản cũng như thực trạng văn hóa đọc của người Việt Nam cho thấy những số liệu không mấy sáng sủa. Theo đó, hoạt động xuất bản tại Việt Nam từ năm 2014-2019 tăng, nhưng khá chậm. Cụ thể: Năm 2014 Việt Nam xuất bản 378 triệu bản sách, doanh thu 3.000 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 4,1 đầu sách/người.
Con số tăng nhẹ dần đến 2019 là 440 triệu bản (tăng 16% so với năm 2014), trong đó có 300 triệu bản là sách giáo khoa, giáo trình, doanh thu 4.362 tỉ đồng (tăng 45% so với 2014), đạt tỉ lệ 4,6 đầu sách/người (tăng 12% so 2014).
Một khảo sát “bỏ túi” từ ông Lý Trường Chiến, Giám đốc phía Nam của báo Dân trí về thói quen đọc của giới trẻ (tập trung ở nhân viên và sinh viên độ tuổi từ 20-30) cho thấy: có 70% không đọc sách tham khảo; 12% có đọc thêm các sách, truyện khác ngoài chuyên môn; 80% không đọc sách suốt 1 năm qua và 98% không đọc sách tuần qua…
Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam tâm tư: “Văn hóa đọc của người Việt quá thấp, do đa số không được tạo dựng thói quen đọc sách từ khi họ còn bé, lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Văn hóa đọc của người Việt Nam kém nên bức tranh về thị trường tiêu thụ sách cũng không sáng sủa gì”.
Ông cho biết, những nước có quan tâm đến phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và trong gia đình có biện pháp tác động tốt đến việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ em, thì hiệu quả kinh tế xuất bản rất cao, cao hơn nhiều lần so với Việt Nam. Trên cơ sở xem bạn đọc là người chi trả cho người làm xuất bản, cũng là người quyết định sự tăng trưởng của doanh nghiệp xuất bản, việc chỉ có một lượng ít người dân đọc sách, tiếp cận sách là thực trạng đáng báo động, cho thấy văn hóa đọc của người Việt cần phải được cải thiện mạnh mẽ.
Thành lập một ủy ban quốc gia phát triển văn hóa đọc Việt Nam
Đó là một trong những giải pháp được ông Lê Hoàng đưa ra nhằm thay đổi thực trạng nói trên. Theo đó, Ủy ban trực thuộc Chính phủ, do một Phó Thủ tướng phụ trách, bao gồm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước liên quan tới văn hóa đọc, các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực và đại diện các tổ chức xã hội.
Song song đó, cần tổ chức nghiên cứu, khảo sát định kỳ 5 năm một lần về thực trạng đọc trong xã hội làm cơ sở xây dựng các kế hoạch dài hạn phát triển toàn diện và đồng bộ văn hóa đọc; bổ sung điều khoản về nội dung phát triển văn hóa đọc vào Luật Xuất bản sửa đổi sắp tới (như Luật Thư viện, điều lệ trường học đã làm).
Video đang HOT
Đẩy mạnh các hoạt động phát triển văn hóa đọc nhân ngày Sách Việt Nam (21.4 hằng năm); tổ chức các hội chợ sách không chỉ ở Hà Nội, TP.HCM mà rộng khắp trên 63 tỉnh, thành trong cả nước, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với xuất bản phẩm mới.
Ngoài ra, Nhà nước cần đầu tư hơn nữa cho các hệ thống thư viện, đặc biệt là hệ thống thư viện văn hóa khoa học tổng hợp, thư viện nhà trường có đủ kinh phí hoạt động và phát triển ngang tầm các hệ thống thư viện tương ứng trong khối ASEAN,…
Một giải pháp được các đơn vị nhấn mạnh là cần đưa tiết đọc sách vào khung giờ chính khóa của nhà trường phổ thông. “Hội Xuất bản Việt Nam đã có Công văn số 48/CV-HXBVN gửi Bộ GD&ĐT ngày 2.7.2020 về việc Đưa tiết đọc sách vào khung giờ chính khóa trong việc xây dựng và phát triển Văn hóa đọc tại Điều 26 của Dự thảo Thông tư ban hành điều lệ Trường tiểu học và Điều 16 Dự thảo Thông tư ban hành điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông nhiều cấp học. Hội sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ GD&ĐT đưa các hoạt động phát triển văn hóa đọc vào trường học”, ông Lê Hoàng nói.
Đại diện Hội Xuất bản Việt Nam cho biết, động thái tích cực cho câu chuyện này là kế hoạch phối hợp giữa Hội với Sở GD&ĐT và Thành Đoàn TP.HCM với mục tiêu giới thiệu danh mục sách phù hợp dành cho học sinh. “Các thầy cô sẽ chung tay tiến cử sách cho học sinh, lập danh mục chủ đề và thẩm định nội dung sách theo danh mục”, phía Hội Xuất bản cho biết và thông tin thêm từ nay đến 15.11.2020, các đơn vị làm sách sẽ giới thiệu sách của mình vào danh mục đọc bổ trợ dành cho học sinh, Hội Xuất bản sẽ đọc sơ tuyển và chọn ra danh mục theo từng chủ đề, sau đó gửi đến các thầy cô theo từng cấp lớp, bộ môn nhờ thẩm định, chọn sách phù hợp đưa vào danh mục chung. Dựa trên danh mục này, các trường tham khảo chọn sách bổ sung vào thư viện các trường học…
Có thể nói rằng, đây là cơ hội chính danh, thông qua Hội Xuất bản Việt Nam, các NXB, công ty phát hành sách đảm bảo chất lượng sách vào nhà trường, đáp ứng nhu cầu phát triển văn hóa đọc cho học sinh. Bên cạnh đó các NXB, công ty sách có cơ sở để định hướng đề tài, tổ chức xuất bản các ấn phẩm phù hợp với nhu cầu đọc, phục vụ việc dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới trong thời gian tới.
Đưa tiết đọc sách vào giờ học chính khóa để phát triển thói quen đọc sách
Đó là mong mỏi đầy tâm huyết từ ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam trong cuộc trao đổi với Đồng Nai Cuối tuần nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam (10-10-1952 - 10-10-2020).
Tiết học hạnh phúc - chuỗi chương trình khuyến đọc trong nhà trường và cộng đồng của Anbooks - Ankids tại các trường tiểu học phía Nam kể từ ngày 5-10 đến tháng 12-2020. Ảnh: P.T
Là chuyên gia am hiểu và có nhiều cống hiến trong ngành Xuất bản, sách báo, ông Lê Hoàng luôn quan tâm, trăn trở đến việc làm sao phát triển văn hóa đọc, tức thói quen đọc sách trong xã hội.
* Người Việt Nam ít đọc sách
Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam dẫn chứng số liệu về hoạt động xuất bản tại Việt Nam trong 5 năm gần nhất (2014-2019) - không tính số sách giáo khoa - để thấy các tín hiệu tăng khả quan như: số tựa sách (tăng 30% với 37.100 tựa sách năm 2019), số bản in (tăng 19%) và tỷ lệ sách/đầu người (tăng 12%). Dù vậy, tỷ lệ đọc sách của Việt Nam còn tụt hậu so với các nước châu Á như: Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc...
"Nguyên nhân chính có thể liệt kê là do thiếu tiết đọc sách trong khung thời khóa biểu học tập chính thức của nhà trường; các bậc phụ huynh thiếu sự quan tâm, khuyến khích thói quen đọc sách từ bé cho trẻ và các NXB, công ty kinh doanh sách chưa thật sự quan tâm công tác nghiên cứu thị trường và góp phần nâng cao thói quen đọc sách trong công chúng.
Văn hóa đọc của người Việt Nam chúng ta là quá thấp, do đa số người Việt Nam không có thói quen đọc sách - một thói quen chưa được tạo dựng từ khi còn bé và còn ngồi trên ghế nhà trường" - ông Lê Hoàng chỉ rõ.
* Phát triển thói quen đọc
Nhân dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam 2020, ông Lê Hoàng tiếp tục kiến nghị những giải pháp thúc đẩy thói quen đọc sách, cụ thể là: "Chúng ta có thể thành lập một ủy ban quốc gia phát triển văn hóa đọc Việt Nam bao gồm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước liên quan tới đọc, các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực liên quan tới đọc, đại diện các tổ chức xã hội. Mỗi 5 năm một lần, chúng ta tổ chức tiến hành nghiên cứu, khảo sát thực trạng đọc trong xã hội để làm cơ sở xây dựng các kế hoạch dài hạn phát triển toàn diện, đồng bộ văn hóa đọc".
Theo ông Lê Hoàng, Nhà nước cần đầu tư hơn nữa cho các hệ thống thư viện trường học có đủ kinh phí hoạt động và phát triển ngang tầm các hệ thống thư viện tương ứng trong khối ASEAN, đặc biệt là hệ thống thư viện văn hóa khoa học tổng hợp (là nơi "học tập suốt đời" cho mọi công dân). "Tôi cũng đề nghị cần bổ sung một điều khoản về nội dung phát triển văn hóa đọc vào Bộ luật Xuất bản sửa đổi sắp tới như Luật Thư viện, Điều lệ Trường học đã làm. Một điều tôi rất "thao thức" và mong đợi là Bộ GD-ĐT xem xét việc đưa tiết đọc sách vào khung giờ chính khóa của trường học. Tháng 7 vừa qua Hội Xuất bản Việt Nam đã có công văn kiến nghị Bộ GD-ĐT về việc này" - ông Lê Hoàng cho hay.
Việc đẩy mạnh các hoạt động sôi nổi, thiết thực để phát triển thói quen đọc sách nhân dịp Ngày Sách Việt Nam (21-4 hằng năm) là điều rất nên làm, theo ông Lê Hoàng. Dịp này các hội chợ sách không chỉ tổ chức ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM mà tổ chức trên cả 63 tỉnh, thành cả nước. Các đường sách, phố sách được thành lập tại các tỉnh, thành. Các hội sách online hợp xu thế thời đại và sự phát triển công nghệ cũng cần đẩy mạnh.
Các NXB ứng dụng giải pháp công nghệ Reading code góp phần chống sách giả và tương tác tốt hơn với người đọc, có bước chuyển mạnh mạnh mẽ về đội ngũ làm nội dung (tiếp cận thị trường tiêu thụ sách thường xuyên và nắm bắt tình hình để định hướng đề tài, tổ chức đề tài gắn với xu hướng thị trường), tiếp thị online và phát hành đến các đối tượng riêng biệt trong xã hội.
Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có rất nhiều chủ trương, chỉ thị nhằm nâng cao thói quen đọc sách trong xã hội. Chỉ thị 42 của Ban Bí thư về "Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản" ngày 25-8-2004 đã nêu rõ ở điều 2.3: "Chăm lo phát triển nhu cầu văn hóa đọc của các tầng lớp nhân dân, tổ chức và phát triển các lực lượng, mạng lưới phát hành xuất bản phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ, đúng đối tượng và địa bàn, đặc biệt quan tâm vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và miền núi. Phát triển hệ thống sách song ngữ, xuất bản nhiều sách bằng tiếng dân tộc với trình độ thích hợp, đáp ứng nhu cầu của đồng bào các dân tộc thiểu số".
Hay Quyết định số 329/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 có mục tiêu chung là: "Xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên... góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xã hội học tập".
* Những hành động cụ thể
Ông Lê Hoàng cho rằng trọng tâm và mục đích cuối cùng của phát triển văn hóa đọc của mỗi cá nhân gồm 3 thành phần: thói quen đọc, sở thích đọc, kỹ năng đọc và diễn giải. "Việc đọc sách chỉ có thể trở thành thói quen khi nó được lặp đi lặp lại với một tần suất nhất định, trong một thời gian đủ dài. Sở thích đọc thì phụ thuộc hoàn toàn vào từng cá nhân cụ thể (trình độ giáo dục và thiên tư cá nhân).
Còn kỹ năng đọc thì có 4 thao tác tư duy bắt đầu từ việc lựa chọn đề tài cần đọc, các cách đọc khác nhau phù hợp với từng loại tài liệu đọc cho đến biết cách vận dụng vào thực tiễn những nội dung đã đọc" - ông Hoàng nói.
Giáo viên cùng học sinh tiểu học đọc sách tại trường. Ảnh: T.S.K
Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam bày tỏ: "Các NXB, công ty làm sách nên tham gia đẩy mạnh các hoạt động phát triển văn hóa đọc tại các trường học. Tôi nhận thấy đã có nhiều hoạt động "hội sách mini" rất linh hoạt, các chương trình sinh hoạt chuyên đề, giao lưu tác giả - tác phẩm, tác giả ký tặng sách... được tổ chức rất sống động và thu hút.
Các cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, Lớn lên cùng sách, Bình luận về sách... Các đơn vị làm sách có thể giới thiệu danh mục sách tham khảo cho thư viện trường học, đồng thời cung cấp sách cho thư viện nhằm bổ trợ cho các môn học để phục vụ cho việc học tập và nâng cao kiến thức của học sinh trong nhà trường" .
Ở chiều ngược lại, ông Lê Hoàng gợi mở làm sao các bậc phụ huynh trong gia đình cũng quan tâm và hiểu biết việc giáo dục kỹ năng đọc sách giấy truyền thống lẫn sách điện tử, sách trên mạng đối với con em mình. Ông nói: "Cần kích hoạt các giải pháp để mỗi gia đình xây dựng được một tủ sách gia đình và góc sách cho trẻ em tại gia. Nhiều nhà có tủ sưu tập rượu, có phòng karaoke giải trí... thì cũng rất cần sự hiện diện của tủ sách, kệ sách giá trị như một tiêu chí của gia đình văn hóa".
12 ý tưởng hỗ trợ học sinh phát triển thói quen đọc sách trong nhà trường:
1. Nắm các biểu hiện đặc trưng của thói quen đọc.
2. Hiểu lợi ích của việc có thói quen đọc.
3. Hình thái "đọc để thưởng thức vui" là con đường tốt nhất để hình thành thói quen đọc.
4. Giới thiệu 10 điều kiện cơ bản để xây dựng thói quen đọc cho học sinh cấp 1.
5. Giới thiệu 9 thói quen của người đọc tốt.
6. Trang bị và chọn lựa sách, tài liệu đọc cho học sinh.
7. Mỗi giáo viên là một người đọc gương mẫu.
8. Xây dựng giáo viên thành cộng đồng người đọc.
9. Tạo phong cách người đọc độc lập.
10. Mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông quốc gia đề cập đến phát triển văn hóa đọc sách cho học sinh trong nhà trường.
11. Tạo động lực cho học sinh "đọc, đọc nữa, đọc mãi".
12. Chú ý đặc trưng thể loại của văn bản đọc khi hướng dẫn học sinh đọc thành tiếng và đọc hiểu.
(Theo ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam)
Làm gì để người trẻ hứng thú với sách? Thói quen đọc sách cần được xây dựng ngay từ trong gia đình (giáo dục sớm), cần được quy định cụ thể trong hệ thống giáo dục từ mầm non đến đại học. Người Việt Nam chưa có thói quen đọc sách sớm Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc NXB Phụ nữ nhận định người trẻ Việt Nam hiện nay ít...