Bảo đảm thực chất, khách quan khi lựa chọn sách giáo khoa
Thầy Nguyễn Văn Khôi – Hiệu trưởng Trường tiểu học Dĩnh Trì ( TP Bắc Giang) cho biết, cá nhân không quá lo lắng về việc chọn sách giáo khoa.
Giáo viên Trường tiểu học Dĩnh Trì nghiên cứu sách giáo khoa
Nhà trường sẽ mua đủ cho mỗi GV dạy lớp 1 tất cả các bộ sách đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Theo đó, toàn thể giáo viên sẽ sử dụng tất cả các cuốn sách khác nhau để làm tài liệu tham khảo trong thiết kế, soạn bài.
* Việc lựa chọn SGK lớp 1 đã được nhà trường triển khai như thế nào, thưa thầy?
Thực hiện Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30/1/2020 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông, nhà trường đang chờ đợi từ nay đến 15/03/2020 khi Thông tư có hiệu lực, UBND tỉnh chính thức ban hành quy định tiêu chuẩn chọn sách và các hướng dẫn chi tiết quá trình lựa chọn bộ SGKdạy lớp 1 thì bắt đầu thực hiện việc chọn sách phù hợp nhất nhưng đảm bảo đúng nguyên tắc, quy trình quy định.
Để kịp tiến độ chọn sách xong trong tháng 3/2020, trường tích cực và chủ động các khâu chuẩn bị sẵn sàng để làm chắc chắn, công khai minh bạch, chất lượng…
Trường đã bố trí cán bộ, giáo viên tham dự hội thảo giới thiệu SGK do Sở GD&ĐT tổ chức. Tổ chức cho CBGV nghiên cứu góp ý tiêu chí chọn SGK của tỉnh do Sở GD&ĐT chỉ đạo; phân công các tổ chuyên môn nghiên cứu SGK và thảo luận trong tổ; sau đó đưa ra trình bày ý kiến nhận xét về từng bộ SGK của các tổ trước toàn trường (có ghi biên bản về điểm mạnh, điểm yếu từng cuốn theo bộ; tiêu chí tạm thời tham khảo theo dự thảo của tỉnh).
Video đang HOT
Thầy Nguyễn Văn Khôi dẫn đoàn công tác của Sở GD&ĐT kiểm tra công tác chuẩn bị đón học sinh trở lại trường sau thời gian nghỉ tránh Covid-19
* Vậy các việc mà nhà trường sẽ làm theo tiến trình là gì?
- Đầu tiên, chúng tôi dự kiến thành viên, chuẩn bị thành lập hội đồng lựa chọn SGK theo đúng quy định. Dự kiến bố trí cán bộ đi tập huấn phương pháp lựa chọn do Sở GD&ĐT tổ chức.
Sau đó, tổ chức các thành viên hội đồng nghiên cứu kỹ tiêu chí lựa chọn của tỉnh khi chính thức ban hành (có đại diện cha mẹ HS). Lập các mẫu biểu hồ sơ theo quy trình quy định.
Tiếp đến, tiến hành các bước lựa chọn sách theo đúng quy trình, lập hồ sơ đầy đủ và báo cáo kết quả về Phòng GD&ĐT, UBND xã; công bố cho toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên và phụ huynh học sinh được biết (thông qua họp đại diện PHHS toàn trường).
Cuối cùng là công bố các SGK đã chọn cho phụ huynh học sinh, chính quyền địa phương và cộng đồng được biết.
* Việc chọn SGK mới phụ thuộc rất nhiều vào nhà trường, thầy có lo lắng điều này?
- Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30/1/2020 hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông. Tới đây, UBND tỉnh sẽ ban hành quy định tiêu chuẩn chọn sách và các hướng dẫn chi tiết quá trình lựa chọn bộ SGK dạy lớp 1;
Sở GD&ĐT Bắc Giang sẽ tập huấn kỹ phương thức thực hiện chọn sách; nhà trường đã tiến hành chuẩn bị bằng nghiên cứu hiểu cơ bản về Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Giáo viên toàn trường cũng đã nghiên cứu trước và nhận xét về từng cuốn sách.
Thành phần chọn sách có sự tham gia của cả đại diện cha mẹ học sinh. Đó là cơ sở pháp lý và thực tiễn vững chắc, an toàn, thực chất, khách quan cho việc chọn sách.
Các yếu tố trên thể hiện việc chọn SGK mới không hoàn toàn phụ thuộc nhiều vào chủ quan nhà trường mà rất khách quan. Hội đồng chọn sách nhà trường chỉ cần làm đúng, đủ và có trách nhiệm quy trình là đảm bảo chất lượng và uy tín. Do đó, cá nhân tôi không thấy lo lắng.
Hơn nữa,Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ban hành theo Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT, cán bộ giáo viên đã hiểu được rằng, không nên quá tuyệt đối kỳ vọng và máy móc phụ thuộc hoàn toàn vào một bộ sách, cuốn sách nào.
Ngoài ra, cán bộ giáo viên nhà trường đã có chung tầm nhìn về Chương trình và SGK nên sẽ chọn 1 bộ sách gồm các cuốn của các nhà xuất bản khác nhau làm tài liệu học tập cho học sinh là chủ yếu.
Còn cán bộ giáo viên nhà trường sẽ dùng tất cả các cuốn sách được Bộ phê duyệt để tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục. Nhà trường sẽ mua đủ cho mỗi GV dạy lớp 1 tất cả các bộ sách hiện có. Toàn thể giáo viên sẽ sử dụng tất cả các cuốn sách khác nhau để làm tài liệu tham khảo trong thiết kế, soạn bài trong năm học.
Mặt khác, việc chọn sách để dạy phù hợp sẽ tạo thuận lợi cho thực hiện dạy học trong thời gian tới, nó gắn với hiệu quả công việc nên cán bộ giáo viên đều ý thức được trách nhiệm cần thận trọng, nghiêm túc, thực chất.
“Tuy nhiên, việc chọn SGK để dạy với nhà trường là việc làm hoàn toàn mới trong lịch sử giáo dục Việt Nam, lần đầu tiên thực hiện nên cá nhân tôi ý thức cần thận trọng trong thực hiện quy trình bỏ phiếu, lập biên bản, lập hồ sơ báo cáo, phát ngôn,… để tránh hiểu nhầm hoặc sự cố làm mất lòng tin không đáng có” – thầy Nguyễn Văn Khôi.
Minh Phong
Theo Giáo dục thời đại
Lựa chọn sách giáo khoa phù hợp
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) vừa ban hành thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông, có hiệu lực từ ngày 15-3 tới.
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng giúp các địa phương, các trường lựa chọn SGK chuẩn bị áp dụng chương trình mới vào dạy học bắt đầu từ lớp 1 năm học 2020 - 2021.
Ảnh minh họa
Theo quy định của thông tư, tiêu chí lựa chọn SGK phải phù hợp đặc điểm kinh tế - xã hội địa phương; phù hợp điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông. Đáng chú ý, mỗi cơ sở giáo dục phổ thông thành lập một hội đồng lựa chọn SGK (trường phổ thông nhiều cấp học thì mỗi cấp học thành lập một hội đồng). Quá trình lựa chọn, các tổ chuyên môn tổ chức nghiên cứu, thảo luận, đánh giá SGK, sau đó giáo viên bỏ phiếu kín lựa chọn một đầu SGK cho mỗi môn học để báo cáo hội đồng. Hội đồng họp thảo luận, đánh giá và bỏ phiếu kín để lựa chọn. SGK được lựa chọn phải bảo đảm hơn một phần hai số thành viên đồng ý; trong trường hợp không có đủ số phiếu theo quy định thì thảo luận và bỏ phiếu lại, nếu vẫn không đủ thì SGK nào có số phiếu cao nhất sẽ được lựa chọn. Trên cơ sở đề xuất của hội đồng, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định chọn danh mục SGK để sử dụng; công bố công khai danh mục SGK sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất bốn tháng.
Việc Bộ GD và ĐT ban hành thông tư hướng dẫn chọn SGK sẽ giúp các địa phương, cơ sở giáo dục có các căn cứ để triển khai khi chỉ còn khoảng hơn 5 tháng nữa, học sinh sẽ tựu trường năm học mới. Tuy nhiên, lựa chọn SGK nào để đưa vào dạy học vẫn còn nhiều nỗi lo. Bởi hiện nay, các nhà xuất bản có SGK được phê duyệt vẫn chủ yếu giới thiệu bản mẫu để "quảng bá sản phẩm". Vì vậy, phần lớn các trường đều chưa có đủ các SGK để cho giáo viên nghiên cứu, thảo luận, đánh giá, so sánh. Đáng chú ý, SGK cụ thể hóa chương trình giáo dục phổ thông cho nên để xác định SGK có phù hợp hay không, giáo viên cần được dạy thử trong thực tiễn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, giáo viên chỉ được đọc, thảo luận rồi đánh giá, nhận xét SGK thì sẽ rất khó để lựa chọn một cách chuẩn xác. Bộ GD và ĐT cũng quy định các tỉnh, thành phố đưa ra tiêu chí cụ thể chọn SGK, trong khi các SGK được tổ chức thẩm định theo các tiêu chí chung, không có SGK nào viết riêng cho các vùng miền là điều bất hợp lý. Đáng chú ý, dư luận lo ngại, việc giao cho các trường, địa phương tự lựa chọn SGK sẽ tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực trong quá trình lựa chọn. Nhất là tình trạng "vận động hành lang" của đơn vị có sách hoặc việc "gửi gắm", gợi ý, định hướng của cơ quan, cán bộ quản lý... với các giáo viên, nhà trường có thể xảy ra.
Để lựa chọn SGK mới, nhất là đối với SGK lớp 1 dùng từ năm học 2020 - 2021 được minh bạch, đúng với tiêu chí, yêu cầu đề ra; Bộ GD và ĐT cần công khai hồ sơ thẩm định SGK để các trường có thêm căn cứ lựa chọn. Tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các địa phương, các nhà xuất bản thực hiện tốt các khâu lựa chọn SGK lớp 1. Đối với các cơ sở giáo dục cần công khai giải thích với phụ huynh, học sinh lý do lựa chọn từng SGK. Mặt khác, khi cơ sở giáo dục lựa chọn SGK cần có cơ chế để tăng sự giám sát của phụ huynh học sinh. Hơn nữa, để thật sự lựa chọn được SGK tốt, phù hợp nhất cho việc dạy và học còn cần đến cái tâm của mỗi cán bộ quản lý giáo dục, thầy giáo, cô giáo để có sự lựa chọn công tâm, vì học sinh; tránh bị tác động của những yếu tố tiêu cực trong quá trình lựa chọn sách.
GIANG SƠN
Theo nhandan
Lựa chọn sách giáo khoa: Phù hợp với điều kiện dạy - học ở các địa phương Bộ GDĐT vừa ban hành Thông tư số 01/20202 Hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT). Theo đó, SGK được lựa chọn để sử dụng trong cơ sở GDPT phải thuộc danh mục SGK đã được Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt. Việc lựa chọn SGK phải bảo đảm thực hiện công khai,...