Bảo đảm quyền tự chủ của các trường ĐH trong công tác tuyển sinh
Mùa tuyển sinh 2019, các trường ĐH được tự xác định chỉ tiêu, lập đề án tuyển sinh, xác định các điều kiện tuyển sinh và tham gia các nhóm tuyển sinh hoặc tuyển sinh độc lập. Qua đó, Bộ GD&ĐT vẫn bảo đảm và tôn trọng quyền tự chủ của các trường ĐH trong công tác tuyển sinh.
Ảnh minh họa
Mùa tuyển sinh 2019, công tác tuyển sinh đã và đang được Bộ GD&ĐT triển khai theo hướng mở.
Việc hoàn thiện quy chế, quy trình và các giải pháp về kỹ thuật phần mềm trong công tác tuyển sinh đã giúp các trường “lọc ảo” khá tốt, từ đó tuyển đúng và trúng đối tượng cần tuyển; còn thí sinh có nhiều cơ hội để lựa chọn được ngành học, trường học phù hợp nhất với mình.
Kế thừa và phát huy kết quả của mùa tuyển sinh năm 2018, năm nay, các trường được tự xác định chỉ tiêu, lập đề án tuyển sinh, xác định các điều kiện tuyển sinh và tham gia các nhóm tuyển sinh hoặc tuyển sinh độc lập. Qua đó, vẫn bảo đảm quyền tự chủ của các trường ĐH trong công tác tuyển sinh.
Quan điểm của Bộ GD&ĐT là tôn trọng quyền tự chủ của các trường. Vì thế, dù là hình thức tuyển sinh nào đi chăng nữa, bởi khi các trường được tự chủ trong tuyển sinh thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước xã hội và trách nhiệm với uy tín của trường mình.
Nhiều trường đã lập phương án tuyển sinh riêng và “chiêu sinh” thí sinh bằng nhiều hình thức như: Tuyển những thí sinh đạt học sinh giỏi 3 năm THPT hoặc học sinh giỏi của các trường THPT chuyên… Đáng chú ý, có trường công bố hàng nghìn thí sinh trúng tuyển theo diện “tuyển thẳng”. Thông tin này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận xã hội.
Xu hướng tuyển sinh hiện nay của các trường là tạo điều kiện, cơ hội cho thí sinh được tiếp cận với GDĐH và được học ĐH nhưng chất lượng sẽ được kiểm soát chặt chẽ trong suốt quá trình đào tạo cho đến khi sinh viên ra trường và sẽ siết chặt ở đầu ra để bảo đảm chất lượng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, không nên gọi là tuyển thẳng một cách tùy tiện vì dễ gây hiểu nhầm rằng tuyển thẳng ồ ạt, dễ dãi. Tuyển thẳng chỉ được áp dụng cho những đối tượng được Bộ GD&ĐT quy định trong Quy chế tuyển sinh; còn đối với các trường hợp khác nên chăng gọi là: Ưu tiên xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp… bởi thực chất đây là vấn đề nội bộ, là phương án tuyển sinh theo đề án riêng của nhà trường. Do đó, không nên đánh đồng giữa cái chung với cái riêng.
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, thí sinh được tuyển thẳng vào các trường ĐH phải thuộc diện đối tượng được quy định tại Khoản 2 Điều 7 Quy chế “Tuyển sinh ĐH hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo GV hệ chính quy”, Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2017/TT-BGDĐT ngày 25/1/2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Video đang HOT
Cụ thể: Thí sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, trong đội tuyển quốc gia dự Cuộc thi khoa học, kỹ thuật quốc tế đã tốt nghiệp THPT thì được xét tuyển thẳng vào ĐH theo ngành phù hợp với môn thi hoặc nội dung đề tài dự thi của thí sinh. Hoặc thí sinh đã tốt nghiệp THPT là thành viên đội tuyển quốc gia, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác nhận đã hoàn thành nhiệm vụ tham gia thi đấu trong các giải quốc tế chính thức.
Trước đó, trong Thông tư 07/2018/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy, Bộ GD&ĐT quy định đối với ngành đào tạo thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên ở các trình độ đại học (ĐH), cao đẳng, trung cấp: Căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.
Đối với các ngành khác, các trường tự xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào, công bố trên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng.
Như vậy, việc Bộ GD&ĐT không quy định cụ thể về chất lượng đầu vào của các trường ĐH là cách tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục tự chủ hơn trong công tác tuyển sinh và bảo đảm chất lượng đào tạo.
Đại diện nhiều trường ĐH khẳng định, việc không quy định điểm sàn là tạo thêm quyền cho các trường được chủ động xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng. Tất nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc các cơ sở đào tạo phải tự chịu trách nhiệm trước xã hội về chuẩn đầu vào và đầu ra.
Theo đại diện Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) nếu các trường ĐH hạ thấp điểm chuẩn sẽ hạ thấp uy tín và thương hiệu của trường, xã hội và thí sinh sẽ nghi ngờ về chất lượng đào tạo của trường. Do vậy, các trường cần thận trọng trong việc xác định điểm chuẩn xét tuyển để tránh những lệ lụy không tốt cho các đợt tuyển sinh về sau.
Theo infonet
Nhóm xét tuyển phía Bắc đã sẵn sàng tuyển sinh
Tính đến thời điểm ngày 20/6, đã có 52 trường đại học đăng ký tham gia nhóm xét tuyển phía Bắc. Hiện nay, việc đăng ký tham gia nhóm đã hoàn tất.
Nhiều công việc khác cũng sẵn sàng. PGS.TS Trần Trung Kiên - Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đơn vị chủ trì nhóm xét tuyển phía Bắc - chia sẻ như vậy khi trao đổi về công tác xét tuyển ĐH, CĐ năm nay.
Ảnh minh họa/ Internet
- Năm 2018 có gần 60 trường tham gia nhóm xét tuyển phía Bắc, năm nay số trường tham gia nhóm có thay đổi nhiều không, thưa ông?
Năm nay số lượng trường tham gia cũng tương tự như năm 2018. Đến thời điểm ngày 20/6 đã có 52 trường đại học (từ Hà Tĩnh trở ra)đăng ký tham gia nhóm xét tuyển phía Bắc.
Trên địa bàn Hà Nội, hầu hết các trường đều tham gia nhóm xét tuyển. Ngoài ra còn có các trường ở những tỉnh khác như Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, trong đó có các trường top đầu như: Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Y Hà Nội, ĐHQG Hà Nội.
- Ông có thể cho biết sự khác nhau giữa việc tham gia vào nhóm xét tuyển và tuyển sinh độc lập như thế nào?
Có nhiều lợi ích khi các trường tham gia nhóm xét tuyển. Có thể nói đến như: Thuận tiện khi trao đổi thông tin để điều chỉnh điểm trúng tuyển sát với thực tế. Các trường tự lọc "ảo" trong nhóm, vì vậy có thể coi như không có "ảo". Ngoài việc xét tuyển dựa trên điểm thi THPT quốc gia, các trường tham gia nhómvẫn có thể xét tuyển theo một số phương án riêng của từng trường (đã được công bố trên Đề án tuyển sinh).
Trong khi đó, khi xét tuyển độc lập, trường sẽ chuyển dữ liệu cho Bộ GD&ĐT, Bộ GD&ĐT sẽ "lọc ảo" rồi chuyển dữ liệu về cho trường xử lý, vì vậy thời gian xét tuyển sẽ bị kéo dài.
Bên cạnh nhóm xét tuyển phía Bắc còn có nhóm xét tuyển ĐH, CĐ khu vực phía Nam. Năm 2018, có 86 trường tham gia nhóm xét tuyển này. ĐH Quốc gia TPHCM đóng vai trò đơn vị điều phối và hỗ trợ kỹ thuật nhóm xét tuyển.
Bên cạnh đó, do không có tương tác với dữ liệu thí sinh của các trường khác nên việc "lọc ảo" chỉ là một chiều. Hay nói cách khác, các trường sẽ gặp khó khăn trong việc xác định điểm xét tuyển do hiện tượng thí sinh ảo; vì vậy, có thể sẽ phải điều chỉnh điểm trúng tuyển nhiều lần.
PGS.TS Trần Trung Kiên
- Năm 2018, phần mềm xét tuyển nhóm các trường phía Bắc đã có khá nhiều cải tiến mới. Năm nay, phần mềm này có tiếp tục được cải tiến hay không?
Năm nay, phần mềm xét tuyển nhóm các trường phía Bắc có một số thay đổi nhỏ. Theo đó, phần mềm được bổ sung do Bộ GD&ĐT quy định điều kiện đảm bảo chất lượng đối với các ngành sư phạm và các ngành khối sức khỏe. Bên cạnh đó, phần mềm cũng tăng tốc độ xử lý, rút ngắn được thời gian xét tuyển hơn so với trước.
- Đến nay, việc chuẩn bị cho nhóm xét tuyển phía Bắc đã hoàn tất chưa, thưa ông?
Hiện nay, việc đăng ký tham gia nhóm đã hoàn tất. Nhóm đã thống nhất đượcQuy chế làm việc, trong đó quy định rõ về nguyên tắc, quy trình xét tuyển, cũng như trách nhiệm và quyền hạn của các trường tham gia.
Việc điều chỉnh phần mềm xét tuyển nhóm cũng đã hoàn hiện. Đã thành lập các group để trao đổi thông tin thường xuyên,đặc biệt là group các cán bộ kỹ thuật. Các group này là công cụ rất hiệu quả. Sắp tới, nhóm kỹ thuật sẽ tiếp tục công tác tập huấn, đặc biệt đối với một số trường mới tham gia.
- Ông có lưu ý gì đối với thí sinh khi xét tuyển vào đại học năm nay nói chung và xét tuyển vào các trường trong nhóm xét tuyển phía Bắc nói riêng?
Các thí sinh sau khi có điểm thi THPT quốc gia cần nghiên cứu kỹ thông tin về phổ điểm, dự báo của các trườngĐH, CĐ để điều chỉnh nguyện vọng cho phù hợp.
Ngày 21/7/2019, Ngày hội tư vấn xét tuyển sẽ được tổ chức tại khuôn viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, dự kiến có sự tham gia của rất nhiều trường đại học. Thí sinh nên tham dự để lĩnh hội các ý kiến tư vấn của các chuyên gia từ các trường, sao cho việc lựa chọn trường, chọn ngành và đăng ký điều chỉnh phù hợp nhất với số điểm mà mình đạt được.
Bên cạnh đó, thí sinh cũng lưu ý lịch điều chỉnh đăng ký nguyện vọng. Mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh đăng ký xét tuyển một lần trong thời gian quy định và chỉ được sử dụng một trong hai phương thức: Trực tuyến hoặc bằng phiếu đăng ký xét tuyển.Thời gian điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến từ ngày 22 đến 29/7; thời gian điều chỉnh bằng phiếu đăng ký từ 22 đến 31/7.
- Xin cảm ơn ông!
Hiếu Nguyễn
Theo giaoducthoidai
Trường ĐH công khai điểm nhận đăng ký xét tuyển khi có kết quả thi THPTQG Theo Hướng dẫn công tác tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng, tuyển sinh trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2019 của Bộ GD&ĐT, các trường công khai mức điểm nhận đăng ký xét tuyển (ĐKXT) đối với các tổ hợp xét tuyển khác nhau sau khi có kết quả thi THPT quốc...