Bảo đảm những cuốn sách giáo khoa chất lượng nhất
Trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) khẳng định, so với các lần sửa đổi sách giáo khoa trước đây, lần triển khai này bài bản, chặt chẽ hơn và bảo đảm được tính khoa học hơn.
Một lớp học của Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (TP Lào Cai). Ảnh: TG
- Theo đại biểu, các quy định về tiêu chí và quy trình thẩm định SGK mới đã đáp ứng được yêu cầu hay chưa?
- Việc đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu của hệ thống tiêu chí và quy trình thẩm định sách giáo khoa (SGK) ngay bây giờ có lẽ khó chính xác, vì đang trong thời kỳ triển khai thẩm định bộ SGK đầu tiên dành cho lớp 1. Chỉ có thể ghi nhận rằng, về tính pháp lý là ổn, vì việc thẩm định SGK đang được tiến hành dựa trên hai văn bản: Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn, tổ chức cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK và Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT về ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cũng phải chia sẻ thêm, việc căn cứ vào 4 tiêu chuẩn, 13 tiêu chí, 40 minh chứng như quy định trong Thông tư 33 để xem xét, thẩm định SGK từ lớp 1 – 12 là một thách thức lớn đối với Hội đồng thẩm định; đòi hỏi các thành viên Hội đồng phải vừa tuân thủ tiêu chí và cấu trúc chương trình; vừa có sự linh hoạt, xem xét SGK theo hướng “mở”, tránh cứng nhắc khi vận dụng từng tiêu chí vào các bản thảo SGK. Theo tôi được biết, ngoài các tiêu chí của Thông tư 33, Bộ GD&ĐT đã mời các chuyên gia phân tích và xây dựng hệ thống thông số cần đạt để sử dụng nội bộ trong thẩm định.
Bên cạnh đó, quy trình thẩm định được tiến hành gồm các bước chặt chẽ ứng với thời gian cụ thể, có đối thoại giữa các tác giả và thành viên Hội đồng thẩm định; có sự tương tác, chia sẻ giữa người thẩm định và các tác giả biên soạn sách. Theo quy định, nếu chưa đạt, các tác giả có thể chỉnh sửa và đề nghị thẩm định lại lần 2 theo quy trình các bước như thẩm định lần đầu. Hy vọng với cách làm này, việc thẩm định sẽ đảm bảo khách quan, linh hoạt.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa. Ảnh: TG
- Việc quy định các thành phần trong Hội đồng thẩm định SGK có bảo đảm tính khách quan hay không?
- Thẩm định là một trong hai yếu tố quan trọng, quyết định chất lượng SGK được đưa vào sử dụng. Theo Thông tư 33, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK bao gồm nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan; trong đó có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng. Cơ cấu này cũng được thảo luận kỹ và quy định tại Luật Giáo dục năm 2019. Tôi cho rằng, với thành phần tham gia Hội đồng thẩm định SGK như vậy, cơ bản là đảm bảo đa dạng về thành phần, phù hợp yêu cầu về chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn.
Tất nhiên, đó là về lý thuyết. Còn trong thực tiễn, việc lựa chọn cá nhân từng thành viên Hội đồng cũng phải có sự cân nhắc dựa trên nhiều tiêu chí, trong đó, đặc biệt là vấn đề năng lực, kinh nghiệm thực tiễn, có trách nhiệm và uy tín cao trong giới chuyên môn. Như vậy, áp lực đối với Hội đồng thẩm định là rất lớn; áp lực bởi tiến độ về thời gian, bởi sự quan tâm của xã hội đối với chất lượng SGK phổ thông mới (thậm chí có cả tâm lý hoài nghi), nhất là lần đầu tiên thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK.
Video đang HOT
Do vậy, mỗi thành viên Hội đồng chắc chắn sẽ phải làm việc cẩn trọng, trách nhiệm, khách quan, công tâm, bản lĩnh. Và để bảo đảm tính khách quan, công bằng trong thẩm định, cũng cần lưu ý thêm một vài điều kiện nhỏ như: Người tham gia thẩm định không tham gia viết sách, không có quyền lợi trực tiếp liên quan đến biên soạn, tuyển chọn; đồng thời tăng cường cơ chế kiểm soát, giám sát, bảo đảm các khâu trong quy trình thẩm định phải được thực hiện minh bạch, công khai để bảo đảm uy tín cho Hội đồng thẩm định và lòng tin của xã hội.
HS tìm mua SGK. Ảnh minh họa/ INT
- Trong quá trình thẩm định SGK, có thể sẽ có những bộ sách không được lựa chọn hoặc sẽ phải chỉnh sửa. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
- Đây là giai đoạn nước rút của việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt SGK. Điểm nhấn của lần đổi mới này là cho phép các nhóm tác giả, các tác giả được tham gia biên soạn SGK trên cơ sở chương trình tổng thể đã được phê duyệt. Thông thường, tổ chức, cá nhân nào tham gia biên soạn SGK đều dành tâm huyết, trách nhiệm để có được chất lượng tốt nhất; và đương nhiên, nguồn lực đầu tư cũng không nhỏ. Vì vậy, tác giả SGK đều muốn được thẩm định loại “đạt”, hoặc “đạt nhưng cần sửa chữa”; khó chấp nhận “những đứa con tinh thần” của mình “không đạt”; đó là lợi ích, nhưng trên hết, đó là tâm huyết, là danh dự của từng tác giả, nhóm tác giả.
Tuy nhiên, đã gọi là thẩm định thì phải dựa trên tiêu chí, quy trình cụ thể. Mục tiêu đặt ra là cần chọn được các bộ SGK tốt, có chất lượng về nội dung, phương pháp, nhưng trước hết phải đáp ứng được chương trình mới ban hành năm 2018. Do vậy, cũng khó tránh khỏi việc có những SGK “đạt nhưng cần sửa chữa”, thậm chí “không đạt”.
- Xin cảm ơn đại biểu!
“Xét về vai trò truyền thông, cũng nên tuyên truyền, phản ánh quá trình thẩm định SGK theo hướng tích cực, góp phần giảm độ “ nóng” nếu có nguy cơ xảy ra. Điều quan trọng là bảo đảm có được sản phẩm là những cuốn SGK tốt nhất, chất lượng nhất.” - Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa
Minh Phong (Thực hiện)
Theo GDTĐ
Thẩm định Sách giáo khoa: Đại biểu Quốc hội đặt niềm tin vào Hội đồng
Việc thẩm định sách giáo khoa (SGK) đang nhận được sự quan tâm của xã hội. Bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu tán thành với quy trình, tiêu chuẩn lựa chọn SGK, đồng thời tin tưởng vào những đề xuất của Hội đồng thẩm định.
Mua SGK đầu năm học mới. Ảnh minh họa/ INT
Tin tưởng vào sự lựa chọn khách quan của Hội đồng
Theo đại biểu Lê Tuấn Tứ (đoàn Khánh Hòa), cho đến thời điểm này, các quy định về thẩm định SGK đã đáp ứng được yêu cầu. Luật Giáo dục 2019 quy định, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thành lập theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở từng cấp học để thẩm định SGK.
Hội đồng gồm nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan. Hội đồng phải có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng. Hội đồng và thành viên Hội đồng phải chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định.
Đại biểu Lê Tuấn Tứ. Ảnh: TG
Với quy định này, chúng ta yên tâm về thành phần và tin tưởng vào sự lựa chọn khách quan của Hội đồng để có bộ SGK chất lượng, đáp ứng mong mỏi của cử tri cả nước. "Trong quá trình lựa chọn SGK, có thể bộ SGK này được lựa chọn, bộ kia không, điều đó là bình thường. Vì đây không chỉ là vấn đề của giáo dục mà của quốc gia. Do đó, các thành viên Hội đồng sẽ khách quan, thận trọng khi đưa ra ý kiến thẩm định của mình. Chúng ta nên có niềm tin vào những đề xuất của Hội đồng" - đại biểu Lê Tuấn Tứ nói.
Đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai (đoàn Trà Vinh) cho biết, các tỉnh đang chờ kết quả thẩm định của Bộ GĐ&ĐT về SGK lớp 1. Về cơ bản, việc thẩm định SGK không khó khăn vì đã có các tiêu chí và quy trình thẩm định cụ thể, minh bạch. "Tôi cho rằng, thành phần của Hội đồng thẩm định khá là ổn, bảo đảm tính khách quan. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, khách quan, trung thực cho nên, việc bộ SGK này được chọn hay không được chọn cũng là chuyện bình thường.
Không được chọn nhưng không có nghĩa là bỏ đi. Vì có thể không được chọn ở thời điểm này nhưng sau đó hoàn chỉnh theo góp ý của Hội đồng thẩm định có thể được chọn ở thời điểm khác. Hoặc được chọn một số môn để nhà xuất bản tham khảo. Đó là điểm có lợi cho giáo viên và học sinh vì không bị khuôn cứng trong dạy - học như trước đây" - đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai chia sẻ.
Cũng theo đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai, tỉnh Trà Vinh đã thành lập Ban chỉ đạo về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới. Tỉnh cũng đã tổ chức tập huấn và giới thiệu về Chương trình giáo dục phổ thông, SGK mới đến giáo viên và cán bộ quản lý các cấp, đặc biệt là đối với giáo viên lớp 1. Việc lựa chọn SGK lớp 1 sẽ chờ Hội đồng thẩm định cấp quốc gia để địa phương tiến hành các bước tiếp theo.
Đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai. Ảnh: TG
Được chọn hay không là chuyện bình thường
Đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai cho biết, tỉnh Trà Vinh cũng đã thành lập Hội đồng thẩm định SGK trên cơ sở các quy định hiện hành và theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Về phần giáo dục địa phương, tỉnh đang tổ chức sưu tầm, biên soạn. Riêng đối với lớp 1, nội dung này được tích hợp vào môn tập viết và tiếp tục được biên soạn, bổ sung tài liệu một cách phù hợp.
Tinh thần là kế thừa, phát huy, có tham khảo ý kiến của giáo viên, và các cơ sở giáo dục. Nhìn chung, địa phương chưa gặp bất cứ khó khăn gì; mọi việc vẫn đang diễn ra theo đúng quy trình, tiến độ. Tuy nhiên, điều mà đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai băn khoăn là, nếu cứ quy định "cứng" giảm 10% biên chế trong đội ngũ giáo viên sẽ gặp khó khăn khi triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông, SGK mới.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương. Ảnh: TG
Tin tưởng, chắc chắn Bộ GD&ĐT tuân thủ tất cả các quy định về thẩm định SGK, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) nhấn mạnh: Hội đồng thẩm định SGK không chỉ gồm các nhà khoa học mà còn là những người đang trực tiếp giảng dạy. "Tôi tin việc thẩm định sách của Hội đồng không những khách quan, trung thực mà còn làm việc hết mình, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, bảo đảm các tiêu chí về chất lượng" - đại biểu Nguyễn Ngọc Phương quả quyết.
Theo đại biểu, quy trình thẩm định rõ ràng, tiêu chí cụ thể nên không phải tất cả các bộ sách đưa ra đều được lựa chọn. Sẽ có bộ được chọn, bộ không được chọn hoặc góp ý để chỉnh sửa thêm. Đó là điều tất yếu và đó mới là bảo đảm yếu tố khách quan, trung thực và chất lượng. Tác giả của những bộ sách không được chọn cần bình tĩnh, không nên bức xúc.
Thay vào đó cần thận trọng, xem lại mức độ cần điều chỉnh những gì và điều chỉnh như thế nào. "Đơn giản là một bài tham luận của cá nhân, đọc lần đầu đã tốt rồi nhưng khi đọc lần 2 sẽ thấy cần chỉnh sửa thêm và đọc đến lần thứ 5, thứ 6 vẫn thấy phải điều chỉnh... cho nên việc một bộ SGK được chọn hay không, có phải chỉnh sửa hay không là chuyện bình thường" - đại biểu Nguyễn Ngọc Phương dẫn giải.
"Tôi tin việc thẩm định SGK của Hội đồng không những khách quan, trung thực mà còn làm việc hết mình, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, bảo đảm các tiêu chí về chất lượng". - Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương
Minh Phong
Theo GDTĐ
Tại sao Bộ Giáo dục tiếp tục lùi thời hạn công bố sách giáo khoa cho chương trình mới? Sau nhiều lần lỡ hẹn công bố sách giáo khoa lớp 1 cho chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu áp dụng từ năm học 2020-2021, hôm 31/10, Bộ GDĐT cho biết tiếp tục lùi thời gian công bố các bộ sách đạt thẩm định. Theo kế hoạch trước đó, ngày 31/10 là ngày cuối cùng trong thời hạn Bộ GDĐT...