Bảo đảm cơ sở vật chất, đón đầu chương trình mới
Trước thềm năm học mới, ông Phạm Hùng Anh – Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) đã trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại về những giải pháp bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy – học, đón đầu Chương trình GDPT, SGK mới.
Cơ sở vật chất là điều kiện tiên quyết để thực hiện đổi mới GD. Ảnh: Hữu Cường
Nhiều cách làm hay
* Thưa ông, năm học 2019 – 2020, Bộ GD&ĐT có chỉ đạo gì với các địa phương để bảo đảm về cơ sở vật chất trường lớp trong năm học mới?
- Chuẩn bị năm học mới, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương, cơ sở GD rà soát lại toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất của nhà trường, lên phương án cải tạo, sửa chữa hoặc thay thế bổ sung những công trình hư hỏng nặng. Kiên quyết không đưa những công trình xuống cấp, hết niên hạn vào sử dụng. Địa phương nào vẫn cố tình sử dụng thì trách nhiệm thuộc về người đứng đầu các cơ sở GD và của cơ quan quản lý GD địa phương đó.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở GD tiến hành rà soát lại toàn bộ thiết bị, trang thiết bị dạy – học, nhằm kịp thời mua sắm bổ sung cho năm học mới.
Ông Phạm Hùng Anh
* Năm học 2019 – 2020 cũng là năm bản lề, chuẩn bị triển khai thực hiện Chương trình GDPT, SGK mới đối với lớp 1. Bộ đã có bước chuẩn bị như thế nào?
- Hiện nay, đối với cấp tiểu học nếu tính trên đầu phòng học thì cơ bản đã đáp ứng. Tuy nhiên, chúng ta mới đạt 72% của 0,96 phòng học/lớp là kiên cố hóa. Còn lại xấp xỉ 25% số phòng học bán kiên cố, phòng học tạm và có một số phòng học phải đi mượn. Tình trạng này chủ yếu ở vùng miền núi phía Bắc; vùng “Ba Tây” và Đồng bằng sông Cửu Long. Bài toán đặt ra là, nếu học 2 buổi/ngày thì chúng ta phải khắc phục được tình trạng này.
Khi đi kiểm tra một số huyện giáp biên giới của tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Sơn La, chúng tôi bất ngờ về sáng kiến này của các địa phương. Với giải pháp này, các địa phương khẳng định đủ phòng học khi triển khai Chương trình GDPT, SGK mới.
Video đang HOT
Với tỷ lệ phòng học kiên cố, bán kiên cố ở cấp tiểu học như trên thì đến năm 2020, nếu áp dụng dạy học 2 buổi/ngày đối với lớp 1 thì sẽ đủ phòng học, vì thời điểm này từ lớp 2 – 5 vẫn học 1 buổi/ngày. Nhưng vấn đề đặt ra là, sau năm 2020 sẽ thiếu phòng học khi mà các khối lớp cũng sẽ học 2 buổi/ngày.
Khắc phục tình trạng này, Bộ GD&ĐT đã tham mưu với Chính phủ xây dựng Đề án bảo đảm cơ sở vật chất, trong đó quy định rất rõ trách nhiệm của các địa phương và sự hỗ trợ của Trung ương. Trên tinh thần ấy, nhiều địa phương đã có phương án chuẩn bị và có cách làm hay. Chẳng hạn như các tỉnh miền núi phía Bắc, nếu để đầu tư một công trình trường học thì cần rất nhiều thủ tục liên quan và nguồn kinh phí tương đối lớn. Theo đó, nhiều địa phương đã áp dụng mô hình “3 cứng”: Nền cứng, tường cứng và mái cứng, kinh phí đầu tư khoảng 30 – 40 triệu đồng là có được một phòng học kiên cố.
Cơ sở vật chất tốt giúp trẻ phát triển toàn diện. Ảnh minh họa/ Internet
Làm tốt công tác quy hoạch
* Lâu nay, ở các thành phố lớn, vấn đề về quỹ đất và tỷ lệ học sinh/lớp vẫn là bài toán khó. Vậy có lời giải nào cho bài toán này, thưa ông?
- Đúng là thực tế hiện nay, ở các thành phố lớn, mật độ dân số đông, thiếu quỹ đất dẫn đến tình trạng tỷ lệ học sinh/lớp quá đông. Chẳng hạn như quận Cầu Giấy (Hà Nội), trong quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020, quy mô dân số vào khoảng 25 vạn dân. Nhưng đến thời điểm này đã đạt xấp xỉ 29 vạn dân. Tức là đã vượt xa quy hoạch. Tăng dân số đã gây áp lực lên hệ thống trường học.
Tôi cho rằng, để khắc phục được tình trạng này một cách lâu dài, việc đầu tiên là các thành phố và các quận, huyện ở đô thị phải làm tốt khâu quy hoạch và dự báo. Bởi khi chúng ta tăng trưởng kinh tế, thì vấn đề di dân đến các vùng đô thị, thành phố lớn sẽ xảy ra.
Địa phương cũng phải dành quỹ đất cho phát triển GD. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong quy hoạch của các thành phố lớn, quỹ đất dành cho phát triển GD làm chưa tốt, chưa được quan tâm đúng mức. Bộ cũng đã có chỉ đạo các địa phương, 1 trong 9 nhiệm vụ quan trọng trong năm học mới 2019 – 2020 là, làm tốt công tác rà soát quy hoạch lại mạng lưới cơ sở GD, trong đó ưu tiên dành quỹ đất cho phát triển GD.
Một giải pháp mang tính tình thế cũng được giải quyết tương đối tốt, đó là: Bộ đã điều chỉnh tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường lớp cho các thành phố lớn. Chẳng hạn như: Giảm tỷ lệ quỹ đất xuống một chút, yêu cầu mức tối thiểu là 8 m2/HS.
Ngoài ra, Bộ cho phép các cơ sở GD ở nội đô, nếu đủ điều kiện về mặt kỹ thuật thì được nâng tầng các công trình trường học lên. Sau khi Bộ có chủ trương này, một số trường ở Hà Nội đã giải quyết khá tốt và bổ sung thêm nhiều phòng học. Một giải pháp nữa là, chỉ đạo các trường rà soát, sắp xếp lại các phòng làm việc sử dụng chung diện tích mang tính chất hành chính nhằm tối ưu hóa công năng sử dụng, giành lại diện tích để có thêm phòng học…
Tất nhiên, có thể gọi đó là những giải pháp mang tính đặc thù cho các thành phố lớn. Nhưng nếu chúng ta quá nặng về những giải pháp đặc thù thì vô hình trung sẽ phá vỡ cấu trúc thiết chế văn hóa GD. Bởi một cơ sở GD được thành lập sẽ trường tồn với người dân ở khu vực đó hàng trăm năm và trở thành một biểu tượng thiết chế về văn hóa GD. Cho nên giải pháp tình thế này cũng chỉ khắc phục ở một giới hạn nhất định. Giải pháp căn cơ nhất vẫn là công tác rà soát lại tốc độ tăng trưởng kinh tế và sự gia tăng dân số.
* Xin cảm ơn ông!
Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 05/2019/TT-BGDĐT về danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1. Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ lập danh sách mua sắm, bổ sung thiết bị dạy học. Về cơ bản là chúng ta kế thừa lại danh mục cũ và có bổ sung, điều chỉnh một số thiết bị dạy học mới. Chẳng hạn như: Bổ sung thêm một số thiết bị dạy về đạo đức lối sống, GD giới tính để chống xâm hại hay dạy về an toàn giao thông… Thiết bị dạy học mới của lớp 1 chú trọng nâng cao chất lượng, để bảo đảm khi các địa phương mua sắm trang thiết bị có thể sử dụng được nhiều năm – Ông Phạm Hùng Anh
Sỹ Điền (Thực hiện)
Theo GDTĐ
Chất lượng nhà vệ sinh là tiêu chí đánh giá thi đua trường học
Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết đã đưa yếu tố cơ sở vật chất và nhà vệ sinh trường học vào tiêu chí đánh giá thi đua các cơ sở giáo dục.
Trao đổi với báo chí ngày 28/8 về công tác chuẩn bị khai giảng năm học mới, ông Phạm Hùng Anh - Cục trưởng Cục Cơ sở vật Chất, Bộ GD&ĐT - cho hay Thủ tướng đã có hai nghị quyết yêu cầu các cơ sở giáo dục đào tạo đảm bảo nhà vệ sinh trường học, chú trọng trong năm học mới cần làm quyết liệt và mạnh hơn vấn đề này.
- Vấn đề nhà vệ sinh trường học nhiều lần được đưa ra trong hội nghị tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học mới. Hiện tại, nhà vệ sinh trường học đang được triển khai thế nào thưa ông?
- Theo thống kê, trong năm học vừa qua, cả nước bổ sung 60.000 công trình vệ sinh trường học các loại. Trong đó, khâu tổ chức quản lý, sử dụng, làm vệ sinh khi sử dụng là điều quan trọng. Các vấn đề đang tồn tại như kinh phí thuê người dọn dẹp, thiếu nguồn nước và hóa chất.
Ông Phạm Hùng Anh - Cục trưởng Cục Cơ sở vật Chất, Bộ GD&ĐT. Ảnh: Đ.L.
Để đảm bảo nhà vệ sinh, một số thành phố lớn như Hà Đông (Hà Nội) sử dụng kinh phí của quận để thuê dịch vụ riêng quản lý, khai thác nên nhà vệ sinh đảm bảo sạch sẽ. Nhà trường có thể ký hợp đồng với bảo vệ, giao luôn nhiệm vụ dọn dẹp nhà vệ sinh. Trường cũng tổ chức phong trào, giáo viên ý thức trong việc sử dụng nhà vệ sinh.
Nhà vệ sinh trường học mang tính đặc thù vì tần suất học sinh sử dụng rơi vào một thời điểm. Nếu một trường học có 1.500 em cùng nghỉ giải lao, số học sinh vào nhà vệ sinh rất lớn, nếu ý thức không tốt sẽ làm ảnh hưởng bạn bè. Bộ GD&ĐT đang phát động phong trào đảm bảo nhà vệ sinh trong học sinh và giáo viên bằng việc nâng cao ý thức của các em.
Đặc biệt, trong việc đánh giá thi đua của các cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT đã đưa cơ sở vật chất và nhà vệ sinh trường học vào tiêu chí thi đua. Như vậy, kể cả những trường được đầu tư nhưng không được sử dụng tốt, sẽ không được ghi nhận. Đồng thời, người đứng đầu sẽ có trách nhiệm trong nhà vệ sinh.
Theo Thông tư số 13 về quy định công tác y tế trong trường học, trung bình cả nước có số nhà vệ sinh kiên cố hóa là 80%, đạt chuẩn là 60%.
- Thời gian áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 đã cận kề. Bộ GD&ĐT tính toán trường lớp ra sao cho việc này để giải quyết câu chuyện học hai buổi mỗi ngày?
- Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị đón đầu cho việc triển khai chương trình phổ thông mới cho lớp 1 và chương trình phổ thông mới nói chung. Hiện nay, chúng ta còn khoảng 25% trường học bán kiên cố, phòng học tạm và một số phòng học mượn.
Để chuẩn bị cho việc học 2 buổi/ngày, trước hết phải khắc phục được 25% phòng học tạm tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Đồng bằng Sông Cửu Long.
Bộ GD&ĐT khẳng định từ năm 2020, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được cuốn chiếu, các trường dành phòng học cho học sinh lớp 1. Các em từ lớp 2 đến lớp 5 chỉ học một buổi mỗi ngày.
Sau năm 2020, các lớp học khác sẽ thực hiện học hai buổi mỗi ngày nên thiếu phòng học. Địa phương còn 2 năm nữa để chuẩn bị lộ trình này. Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị quyết liệt và phê duyệt nhiều đề án liên quan.
Một số tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Điện Biên, Sơn La... áp dụng nguyên tắc "3 cứng". Họ đầu tư xây dựng từ 30-40 triệu đồng để xây những phòng học kiên cố gồm nền cứng, mái cứng, tường cứng và huy động xã hội hóa để thi công.
- Tình trạng quá tải sĩ số học sinh đang diễn ra khá phổ biến ở thành phố lớn, nơi có tốc độ đô thị hóa cao như Hà Nội. Các địa phương cần giải quyết bài toán này ra sao?
- Ở thành phố lớn tập trung mật độ dân số đông sẽ dẫn tới việc các cơ sở thiếu quỹ đất, thừa sĩ số. Giải pháp đầu tiên và lâu dài là các thành phố, quận huyện phải làm tốt câu chuyện quy hoạch, dự báo, ưu tiên dành quỹ đất cho giáo dục.
Hiện, quỹ đất chủ yếu phát triển dân cư, nhà máy còn đất dành cho giáo dục chưa đươc quan tâm. Một trong 9 nhiệm vụ Bộ GD&ĐT chỉ đạo là rà soát quy hoạch trường lớp, trong đó ưu tiên phát triển trường học.
Hà Nội đang làm khá tốt việc khuyến khích phát triển trường ngoài công lập để đáp ứng yêu cầu của người dân nhưng vẫn không theo kịp sự phát triển của dân số.
Một số giải pháp tình thế có tác dụng như Bộ GD&ĐT yêu cầu thành phố lớn có lớp học diện tích nhỏ hơn khu vực đồng bằng, một số cơ sở có đủ điều kiện nền móng được nâng tầng, rà soát, sắp xếp lại phòng học và phòng chức năng sao cho hợp lý.
Theo Zing
Trường xây nửa chừng rồi 'đắp chiếu', cả ngàn học sinh thiếu chỗ học Khu nhà 3 tầng với 9 phòng học của Trường THCS Quang Trung (thành phố Thanh Hóa) xây được khoảng 50% khối lượng thì dừng thi công nhiều năm nay trong khi cả ngàn học sinh của trường đang thiếu phòng học. Khu nhà xây nửa chừng rồi... để đấy - ẢNH MINH HẢI Những năm học gần đây, Trường THCS Quang Trung...