Báo cáo hàng năm đều là con số so sánh, còn áp lực thành tích còn học thêm
Mặc dù chúng ta nói nhiều về chống bệnh thành tích trong giáo dục nhưng báo cáo hằng năm vẫn là con số so sánh, còn áp lực thành tích là còn dạy thêm, học thêm.
Ngày 22/12/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Công văn số 4290/GDĐT-TH với nội dung yêu cầu: “Tiếp tục thực nghiệm nghiêm các quy định của Bộ, tuyệt đối không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống”.
Mục tiêu của việc cấm dạy thêm, học thêm là để giảm bớt tình trạng chạy theo thành tích, giảm bớt áp lực học tập cho học sinh.
Tuy nhiên, điều khiến nhiều người băn khoăn là, khi sĩ số lớp học còn quá động, một lớp học có nhiều đối tượng học sinh khác nhau, có học sinh tiếp thu chậm, học yếu và có nhu cầu học thêm thì liệu có trái quy định.
Ngày 16/12, báo Sài Gòn giải phóng đã có bài viết “Hãy trả em về đúng lớp” phản ánh tình trạng nhiều học sinh lớp 3, lớp 4 học trường điểm ở những quận nội thành tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng khả năng đọc, viết rất kém, thậm chí có những em đánh vần, đọc chậm hơn cả những học sinh lớp 1. [1]
Vấn đề đặt ra là khi việc học thêm xuất phát từ nhu cầu của học sinh, phụ huynh thì những quy định cấm dạy thêm, học thêm liệu có phù hợp?
Học thêm là nhu cầu chính đáng nhưng dễ có xung đột lợi ích
Chia sẻ với phóng viên của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Tạ Thị Thu – Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học ICS (Thành phố Hồ Chí Minh) khẳng định: Học thêm là nhu cầu chính đáng của học sinh, phụ huynh nhưng không có nghĩa là việc tổ chức dạy thêm, học thêm là hợp lý.
Theo chia sẻ của cô Thu, có nhiều bố mẹ có mong muốn bổ sung kiến thức hoặc bồi dưỡng thêm cho con, nhu cầu này là hoàn toàn chính đáng.
“Có những lớp học sĩ số đến 40 em thì sẽ rất khó đồng bộ chất lượng cho tất cả đối tượng học sinh, sẽ có những học sinh không theo kịp tiến độ, có những học sinh lại có lực học vượt trội.
Điều này đưa đến những nhu cầu khác nhau, ví dụ bạn yếu thì có nhu cầu phụ đạo để bổ sung, vá lỗ hổng kiến thức, có những bạn học giỏi nhưng gia đình vẫn muốn bồi dưỡng phát triển thêm cho con”, cô Thu phân tích.
Đặc biệt, đối với những học sinh yếu, nếu không được hỗ trợ học thêm thì sẽ dễ bị bỏ lại phía sau, không theo kịp tiến độ chương trình, đây là điều cả giáo viên và gia đình đều không mong muốn và cần có giải pháp giúp học sinh tiến bộ.
Thạc sĩ Tạ Thị Thu cho rằng, cấm dạy thêm học thêm nhằm ngăn chặn hành vi trục lợi, chèn ép học sinh nhưng chưa giải quyết phần gốc của vấn đề (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Tuy nhiên, cô Thu cũng khẳng định rằng, quy định cấm dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học của Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh là nhằm quán triệt sâu sắc và ngăn chặn vấn đề khi dạy thêm xảy ra những xung đột về lợi ích.
“Giáo viên là người có quyền lực mềm trong lớp học, quyền cung cấp kiến thức, xây dựng chương trình bài học, chuyển tải kiến thức tới học sinh.
Chính vì vậy, nếu giáo viên xuất phát từ lợi ích cá nhân, họ muốn dạy thêm cho học sinh, họ có thể giảm bớt kiến thức chương trình chính khóa để đưa vào những lớp học thêm, buộc học sinh phải tham gia.
Lúc này, việc dạy thêm, học thêm không còn là nhu cầu từ phía phụ huynh và người học. Giữa 2 lợi ích, lợi ích chung và lợi ích cá nhân xung đột với nhau” cô Thu cho biết.
Chính vì lý do đó, để đảm bảo chất lượng dạy học trên lớp, sở Giáo dục ban hành quy định cấm dạy thêm, học thêm, ngăn chặn hành vi trục lợi, ngăn chặn những nhân tố đi lệch hướng, sử dụng quyền lực của giáo viên để chèn ép học sinh.
Ngăn chặn dạy thêm, học thêm là ngăn chặn việc trục lợi, lạm dụng quyền lực mềm của người giáo viên để ép học sinh học thêm, đồng thời giảm bớt áp lực về bệnh thành tích trong các nhà trường, các lớp học.
Theo Thạc sĩ Tạ Thị Thu, mặc dù Bộ Giáo dục đã cởi trói nhưng nhiều trường học, giáo viên vẫn đi theo lối mòn, tự tạo áp lực với thành tích.
Video đang HOT
Cô Thu cho biết: “Khi giáo viên lo lắng lớp mình không đạt điểm cao, lớp mình không có giải thưởng, tự họ tạo tâm lý thành tích, họ cảm thấy thời lượng chính khóa không đủ để giúp các con năm vững kiến thức, từ đó xuất hiện những lớp học thêm.
Mặc dù các văn bản đều hướng đến việc chống bệnh thành tích nhưng báo cáo tổng kết hằng năm, nếu nhà trường vẫn đưa ra con số so sánh, lớp này hơn thua lớp kia thì giáo viên áp lực với thành tích là điều dễ hiểu.
Điều này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc dạy thêm học thêm mà mục tiêu không phù hợp.”
Không nên dừng lại ở việc ban hành văn bản quy định
Theo quan điểm của Thạc sĩ Tạ Thị Thu, cùng với việc ban hành văn bản quy định cấm dạy thêm, học thêm thì phải thực hiện những giải pháp, giải quyết vấn đề ở phần gốc. Cụ thể, cô Thu đưa ra ba giải pháp quan trọng.
Thứ nhất, phải đáp ứng được nhu cầu đời sống vật chất cho giáo viên. Khi giáo viên yên tâm về thu nhập, không còn lo lắng trang trải cuộc sống, họ sẽ tâm huyết, yêu nghề hơn, có thời gian đầu tư cho công tác giảng dạy và không còn tình trạng mở lớp dạy thêm.
Thứ hai, nhà trường, đội ngũ quản lý cần trang bị cho giáo viên những công cụ, phương pháp để đổi mới nội dung dạy học.
“Theo chương trình mới, chúng ta có những cách kiểm tra đánh giá học sinh theo hướng phát triển năng lực, đặc biệt nên chú trọng dạy học theo phân hóa đối tượng.
Khi thầy cô có cách để phân hóa đối tượng thì sẽ có giải pháp đáp ứng được các nhu cầu khác nhau của nhiều đối tượng học sinh trong cùng một lớp, điều này sẽ hạn chế việc mở những lớp dạy thêm cũng như những vấn đề tiêu cực trong giáo dục”, cô Thu chia sẻ.
Thứ ba, việc dạy thêm nên để cho các trường ngoại khóa hoặc trung tâm ngoại khóa đảm nhận thực hiện.
Theo cô Thu, khi nhu cầu học thêm chính đáng thì nên để cho các tổ chức có chuyên môn thực hiện dạy thêm. Những trung tâm hoàn toàn độc lập với trường học, phụ huynh và trung tâm sẽ tự thỏa thuận về mức phí để học theo nhu cầu,
Như vậy, việc dạy thêm, học thêm được minh bạch, không nhập nhằng giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể.
“Tại trường Tiểu học ICS, chúng tôi thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa Nhà trường với phụ huynh. Khi có đối tượng học sinh cần hỗ trợ đặc biệt về học lực, giáo viên sẽ có những cuộc gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ với phụ huynh về cái mức học của con và đưa ra giải pháp cụ thể.
Nhà trường sẽ bổ trợ kiến thức cho học sinh ngay trong khung giờ chính khóa ở trường ( ví dụ như khung giờ hoạt động ngoại khóa), các con có thể học theo nhóm 3 – 5 bạn hoặc nhóm 1 – 1 , qua từng giai đoạn giúp con vượt qua những phần kiến thức mình chưa vững.
Điều quan trọng là trường kiến tạo một môi trường giáo dục không áp lực thành tích, giúp học sinh học tập theo hướng phát triển năng lực, khơi gợi niềm yêu thích học tập, sáng tạo của trẻ”, cô Thu chia sẻ.
Chia sẻ về quy định cấm dạy thêm, học thêm, thầy Ngô Thành Nam – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khai Nguyên (Thành phố Hồ Chí Minh), Cố vấn học tập Microsoft cho biết: Bài toán cần giải quyết cho vấn đề này là làm sao để phân biệt được ranh giới giữa tự nguyện hay bị ép buộc khi học sinh tham gia học thêm.
Thầy Ngô Thành Nam cho rằng, dạy thêm học thêm là cần thiết khi xuất phát từ nhu cầu thực tế, có thật (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
“Cả Bộ Giáo dục và Sở Giáo dục đều lo ngại việc phát sinh những tiêu cực từ hoạt động dạy thêm, học thêm. Và thực tế đã có những tiêu cực như vậy diễn ra trong thời gian qua.
Chính vì vậy, quy định cấm dạy thêm, học thêm là có cơ sở và xuất phát từ những vấn đề thực tiễn”, thầy Nam khẳng định.
Tuy nhiên, thầy Ngô Thành Nam cũng cho rằng, học sinh yếu kém sẽ có nhu cầu cần được phụ đạo, đặc biệt đối với những em gia đình không có điều kiện hỗ trợ việc học tập ở nhà.
“Việc phụ đạo thêm cho học sinh là việc cần thiết khi nó xuất phát từ nhu cầu thực tế, có thật của gia đình và học sinh. Tuy nhiên, đối tượng được phụ đạo là ai, nội dung học là gì, học ở đâu, quy trình để tổ chức dạy học,… là những vấn đề cần minh bạch, rõ ràng để tránh nảy sinh vấn đề tiêu cực.
Ngoài ra, sự tham gia vào công tác tổ chức, quản lý cũng như sự đồng thuận từ phía phụ huynh cũng là yếu tố cần xem xét khi triển khai dạy thêm, học thêm”, thầy Nam nhấn mạnh.
Có thể khẳng định rằng, để giảm áp lực về thành tích trong giáo dục, từng trường học, từng cơ sở giáo dục phải có cách làm đồng bộ, hệ thống.
Những người lãnh đạo, những người đi đầu trong giáo dục phải có tâm lý vững vàng, chủ động tình huống, xây dựng nền tảng đội ngũ giáo viên chất lượng để tránh được những tiêu cực trong hoạt động dạy và học.
Quy định cấm dạy thêm, học thêm cũng cần giải quyết những vấn đề mang tính bản chất, các cấp lãnh đạo cần đồng hành cùng giáo viên để hướng đến những mục tiêu tốt đẹp cho ngành giáo dục.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://www.sggp.org.vn/hay-tra-em-ve-dung-lop
Không có bất cứ lý do gì để học sinh tiểu học phải đi học thêm
Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, không có bất cứ lý do nào để học sinh tiểu học phải đi học thêm.
Ngày 22/12/2020, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh - ông Nguyễn Văn Hiếu đã ký văn bản 4290/GDĐT-TH, về tăng cường quản lý, chỉ đạo hoạt động dạy thêm, học thêm và nâng cao chất lượng học tập của học sinh.
Tuyệt đối không dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học
Theo văn bản này, Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị, các trường tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Ủy ban nhân dân thành phố và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
Trong đó, thành phố một lần nữa nhấn mạnh lại là tuyệt đối không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Thành phố sẽ giám sát chặt chẽ việc chấp hành các quy định về dạy thêm, học thêm, xử lý nghiêm các trường hợp giáo viên ép học sinh đi học thêm dưới bất kỳ hình thức nào.
Đối với những học sinh gặp khó khăn trong học tập, Sở chỉ đạo giáo viên: Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá theo hướng phát huy phẩm chất và năng lực học sinh, đặc biệt chú trọng dạy học phân hóa đối tượng.
Chú trọng xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch bài học cụ thể, phù hợp với từng đối tượng học sinh, đặc biệt quan tâm tới đối tượng học sinh gặp khó khăn trong học tập.
Xây dựng kế hoạch phụ đạo học sinh gặp khó khăn trong học tập, giúp các em tiến bộ.
Một hoạt động dạy thêm, học thêm ở Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)
Các trường cần làm tốt công tác phối hợp với phụ huynh bằng nhiều hình thức. Hiệu trưởng các trường cần tăng cường kiểm tra công tác chuyên môn của giáo viên bằng nhiều hình thức.
Không có lý do gì để học sinh tiểu học phải đi học thêm
Ngày 24/12/2020, trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hưng - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 8 chia sẻ: Học sinh ở cấp độ tiểu học thì không có bất cứ lý do gì phải đi học thêm hết, do các yêu cầu cần đặt ra đối với một học sinh tiểu học bình thường đã rất nhẹ nhàng.
Theo ông Hưng, việc dạy thật, học thật, không chạy theo thành tích, không chạy thi đua, có học sinh lưu ban là chuyện rất bình thường đã được quận thực hiện từ nhiều năm nay, chứ không phải tới giờ mới thực hiện.
Học sinh luôn được dạy học theo hướng cá thể hóa, phát huy tối đa năng lực của từng em, tùy theo năng lực học của các em mà giáo viên xây dựng kế hoạch dạy và học, hoàn toàn không đặt áp lực thi đua, không áp lực thành tích và không so sánh học sinh này với em kia, theo đúng tinh thần "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui".
Tuy nhiên, trên thực tế thì vẫn còn tình trạng phụ huynh đặt ra các yêu cầu, kỳ vọng quá cao đối với các em học sinh, nhất là đối với các môn về kỹ năng khiến cho các em phải đi học.
Trước đây, quận 8 cũng đã từng cấp phép cho giáo viên dạy thêm ở nhà, dựa trên những quy định về cấp phép của các cơ quan có thẩm quyền, nhưng nhiều năm nay thì không còn cấp phép nữa rồi.
Để giáo viên không vi phạm, nắm vững các quy định về dạy thêm, học thêm, quận chỉ đạo các hiệu trưởng trong những buổi họp đầu năm phải sinh hoạt kỹ với giáo viên về điều lệ trường tiểu học (những điều giáo viên được và không được làm), thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thậm chí, các giáo viên tiểu học ở các trường còn phải ký cam kết, nộp cho trường, trong đó ghi rõ rằng không được dạy thêm học sinh.
Chính nhờ những biện pháp mạnh như vậy, trong vòng hai năm nay, chưa có giáo viên tiểu học nào của quận bị xử lý về vấn đề dạy thêm, học thêm.
Nếu có thông tin cung cấp nói giáo viên có dạy thêm, quận sẽ yêu cầu nhà trường xác minh, đúng là giáo viên có dạy thì phải ngưng ngay, giải thích cho phụ huynh hiểu về các quy định của ngành.
Sau đó, nếu có thì Hiệu trưởng các trường cũng phải xử lý giáo viên của mình theo đúng quy trình xử lý cán bộ công chức, viên chức có vi phạm.
Với những học sinh tiểu học quá trình học có khó khăn, học chậm, nhút nhát, quận đều có nói các trường đề nghị giáo viên chủ nhiệm nói với phụ huynh cho vào trường học trái buổi, để giáo viên kèm và bồi dưỡng thêm.
"Chứ còn xếp học sinh lên lớp, ở lại lớp đều theo các thang điểm, các bài kiểm tra đều có nêu yêu cầu cụ thể, chứ không phải chỉ có chuyện đọc và viết không thôi" - ông Nguyễn Quốc Hưng nói tiếp.
Việc học là cả một quá trình, cần căn cứ vào các yêu cầu cần đạt của từng môn.
Cuối cùng, ông Nguyễn Quốc Hưng kết luận: Việc giáo viên hay sinh viên dạy kèm thêm học sinh bậc tiểu học tại nhà, dựa trên nhu cầu của phụ huynh là hoàn toàn không vi phạm vào các quy định về dạy thêm, học thêm của thông tư 17, miễn là đừng dạy học sinh chính khóa ở trong trường.
Không tán thành việc giáo viên chạy theo thành tích
Trong khi đó, trao đổi với báo chí, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, học sinh học yếu hay học khó phần lớn rơi vào dạng học sinh khuyết tật, trẻ hòa nhập, học sinh có gia đình khó khăn, phụ huynh không quan tâm đến việc học, và thực tế còn do sĩ số học sinh ở các lớp tại thành phố hiện vẫn còn khá cao.
Sở hoàn toàn không tán thành việc giáo viên chạy theo thành tích, cho học sinh lên lớp không đúng với năng lực của học sinh. Thực tế thì nhiều năm qua, việc tổ chức đánh giá thi đua đối với các đơn vị trường học thì không dựa vào tỷ lệ học sinh nghỉ học, ở lại lớp mà xem xét tình hình thực tế từng đối tượng học sinh, nhất là các địa bàn đặc thù kinh tế khó khăn.
Giáo viên đầu năm học đều có trách nhiệm khảo sát trình độ đầu vào, theo dõi quá trình tiến bộ của học sinh, làm căn cứ để trường đánh giá kết quả dạy học của giáo viên.
Căn cứ theo thông tư 22 về đánh giá học sinh tiểu học, nếu kết quả đánh giá ở các môn học ở mức hoàn thành thì học sinh sẽ được lên lớp. Những trường hợp học sinh đặc biết thì giáo viên sẽ có kế hoạch phụ đạo riêng cho từng học sinh.
Nếu giữa phụ huynh và giáo viên đánh giá học sinh chưa trùng khớp, thì sẽ tổ chức một buổi làm việc giữa hai bên, có sự tham gia của Ban Giám hiệu nhà trường. Cá biệt thì hiệu trưởng có thể báo cáo, xin ý kiến của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện.
Các trường cần tăng cường công tác phân loại học sinh ngay từ đầu năm học. Giáo viên cần thường xuyên trao đổi với phụ huynh, để có giải pháp hỗ trợ các em theo từng giai đoạn học tập.
Trường tiểu học cần cần tăng cường nâng cao chất lượng dạy và học ngay từ lớp 1, gồm cả những kỹ năng cơ bản như đọc thành tiếng, viết chữ đúng quy định. Học sinh nào học khó thì giáo viên phải có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho các em.
Học sinh cần được đánh giá đúng chất lượng học, căn cứ theo thông tư 22 (với học sinh khối 2,3,4,5) và thông tư 27 (học sinh khối 1). Trẻ hòa nhập không đánh giá theo chuẩn chung, mà có kế hoạch giáo dục cá nhân với từng em.
Các trường tiểu học cũng cần tăng cường kiểm tra hoạt động chuyên môn của giáo viên.
'Cho con đi học thêm tiền lớp 1 gây nhiều hệ lụy' Chuyên gia giáo dục cho rằng việc dạy thêm, học thêm chưa thể cấm được vì đó là nhu cầu đến từ cả hai phía phụ huynh và giáo viên. Vừa qua, Sở GD&ĐT TP.HCM tiếp tục có công văn gửi các cơ sở giáo dục, trong đó có nội dung "tiếp tục thực nghiệm nghiêm các quy định của Bộ, tuyệt đối...