‘Báo cáo cho Hội đồng nhân dân mà như giỡn chơi’
Ngày 20.11, HĐND TP.HCM thực hiện giám sát công tác xét xử án năm 2014 tại TAND TP.HCM.
Ông Trương Lâm Danh, Phó ban Pháp chế HĐND TP.HCM (đứng) phát biểu tại buổi giám sát
“Làm ăn vậy là chết rồi, ai mà chịu nổi”
Theo báo cáo của TAND TP.HCM, toàn ngành tòa án trong năm 2014 (tính từ 1.10.2013 – 30.9.2014) thụ lý 60.545 vụ án, đã giải quyết 48.225 vụ, tỷ lệ đạt 79,65%. Số án tồn lên đến 12.320 vụ, trong đó hình sự 62 vụ, dân sự 7.235 vụ, hôn nhân 1.526 vụ…; tập trung chủ yếu ở cấp quận, huyện.
Tại buổi giám sát, rất nhiều vấn đề bất cập, tồn tại trong công tác xét xử án đã được các đại biểu HĐND TP.HCM đặt ra.
Đề cập đến việc tòa chậm bàn giao bản án cho các bên liên quan để thi hành, đại biểu Trần Thị Tuyết Hồng nói: “Quy định thời gian kháng cáo trong vòng 15 ngày nhưng tòa giao bản án chậm hơn khoảng thời gian này, thì người dân làm sao trở tay kịp nếu có kháng cáo”.
Đại biểu Trần Trọng Dũng cho rằng: “Hơn 1/3 bản án bị chuyển giao trễ là nhiều quá. Việc này kéo theo sự chậm trễ dây chuyền khi thi hành án. Những vụ án liên quan đến dân sự mà trễ như vậy thì vô tình tạo điều kiện cho việc tẩu tán tài sản”.
Theo ông Dũng, dư luận vẫn phàn nàn về các thư ký tòa rất nhiều, và “không thể để mãi tình trạng đóng dấu suốt ngày đêm mà vẫn không kịp phát hành bản án”.
Theo nhận định của ông Dũng, khi HĐND đi giám sát các đơn vị thì thấy có chuyển biến, nhưng rồi sau đó lại cứ tà tà, không tích cực giải quyết vướng mắc, bất cập để cho người dân được nhờ.
Ông Phạm Văn Bá, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM đề nghị cần phải xe lại tinh thần trách nhiệm trong công tác của tòa án cấp quận, huyện.
Theo phản ánh của ông Bá, khi đi giám sát ở huyện Nhà Bè có vụ án đình chỉ 4 năm chỉ với lý do chờ kết quả xác minh của công an huyện.
Video đang HOT
Bà Ung Thị Xuân Hương, Chánh án TAND TP.HCM (đứng) thừa nhận tỷ lệ giải quyết cácloại án vẫn còn thấp
Ở quận Bình Thạnh, tòa án quận “báo cáo cho Hội đồng nhân dân mà như giỡn chơi”. Số liệu án dân sự thì báo cáo thành án hành chính. Quyết định tạm đình chỉ hàng trăm vụ án dân sự nhưng không nêu rõ lý do… “Làm ăn vậy là chết rồi, ai mà chịu nổi”, ông Bá nói.
Ngay tại TAND TP.HCM cũng có vụ tạm đình chỉ chỉ vì chờ ý kiến trả lời của phường. “Như vậy là không được, sẽ gây ra bức xúc vì biết chờ đến bao giờ. Nếu lỡ kéo dài thì sao. Xét về trình tự pháp lý thì không sai nhưng về góc độ người dân thì làm sao họ chờ hoài được”, ông Bá nói.
“Lặp đi lặp đi lại nữa thì thấy rất là buồn”
Báo cáo với đoàn giám sát bà Hà Thúy Yến, Phó chánh án TAND TP.HCM nêu ra một vấn đề, mà theo bà, là một chuyện khó khăn hiện nay đối với ngành tòa án thành phố: “Đời sống của cán bộ, công chức TAND còn khó khăn. Do tiền lương còn thấp nên nên một số cán bộ, công chức chưa yên tâm công tác, chưa gắn bó với ngành”.
Về sự chậm trễ chuyển giao bản án, bà Hà Thúy Yến, Phó chánh án TAND TP.HCM nói: “Tòa xin rút kinh nghiệm về sự chậm trễ này”.
Ông Thái Văn Tuấn, Chánh văn phòng TAND TP.HCM cho biết tòa chỉ có 1 con dấu, phục vụ cho 7 đơn vị trực thuộc. Để chấn chỉnh chuyện chậm trễ, tòa đã tăng cường thêm 3 chuyên viên và 3 tháng vừa rồi đóng dấu liên tục đến mức không được rớt (con dấu – PV) xuống bàn. “Năm 2015 sẽ không còn chậm giao bản án cho thi hành án và các cơ quan có liên quan nữa”, ông Tuấn cam kết.
Về lĩnh vực án hình sự, ông Vũ Phi Long, quyền Chánh tòa Hình sự khẳng định: “Chúng tôi sẽ thực hiện chuyển giao bản án trong vòng 10 ngày. Nếu vi phạm nữa thì sẽ có kiểm điểm nghiêm túc”.
Bà Ung Thị Xuân Hương, Chánh án TAND TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục kiện toàn bộ máy và tổ chức cán bộ ngành tòa án thành phố để giải quyết những hạn chế, tồn tại.
Ông Phạm Văn Bá cho rằng, công tác xét xử án cần tuân thủ đúng pháp luật, đảm bảo tiến độ về mặt thời gian, tránh oan sai và “phải làm sao chứ đừng để người dân kêu ca hoài”.
Án ma túy nhiều nhưng chờ… hướng dẫn
Theo ông Trương Lâm Danh, Phó ban Pháp chế HĐND TP.HCM, có hiện tượng thẩm phán cấp quận, huyện chùn tay, không dám xử án ma túy. Vấn đề ma túy trên địa bàn thành phố đang diễn biến rất phức tạp, nếu không xử được án ma túy làm tình hình rất rối.
Ông Vũ Phi Long, quyền Chánh tòa Hình sự, cho biết số án ma túy hiện nay rất nhiều, nhưng đang phải tạm ngưng xét xử để chờ văn bản hướng dẫn của trung ương.
Lý do là vướng quy định giám định hàm lương ma túy, bởi trước đó ngày 17.9.2014, TAND Tối cao ban hành Công văn 234 hướng dẫn TAND các cấp, trong đó có nội dung: Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất ma túy.
Hiện tại ở TP.HCM không có thiết bị giám định hàm lượng nên việc tiến hành xử án gặp không ít khó khăn.
Đối với việc ra quyết định xử lý hành chính đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc, TAND TP.HCM cho biết trong năm 2014 chưa thụ lý hồ sơ nào, kể cả sơ thẩm và phúc thẩm. Lý do là các thủ tục theo quy định của luật Xử lý vi phạm hành chính kéo dài và đang vướng mắc ở nhiều giai đoạn.
Đừng để người dân nói tòa “bênh” nhà nước
Trong năm 2014, tổng số án hành chính thụ lý của tòa 2 cấp là 1.480 vụ, đã giải quyết 842 vụ, còn lại 638, tỷ lệ giải quyết đạt 56,89%. Có những vụ tạm đình chỉ vì bị đơn là cơ quan nhà nước không cử đại diện theo pháp luật đến dự phiên tòa.
Theo ông Phạm Văn Bá, cần phải sớm khắc phục bất cập này để giải tỏa bức xúc cho người dân. Án hành chính không nên để quá hạn vì đây là những vụ việc phát sinh khiếu nại từ mối liên hệ hành chính giữa công dân và nhà nước. Tòa phải xét xử đúng quy định, đừng để người dân nói tòa “bênh” nhà nước.
Ông Bá đề nghị cần xem xét trách nhiệm thẩm phán tòa quận, huyện khi có đến 50% bản án chuyển lên cấp trên thì phải chỉnh sửa nội dung do lỗi chủ quan.
Đình Phú
Theo Thanhnien
Sự thật về một đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh sai phạm bị bắt tạm giam
Ngày 4/5/2010, ông Kiến đã sử dụng hàng hoá của công ty mình và hàng hóa của AMN đang gửi tại kho của Tân Cường Thành để ký hợp đồng thế chấp hàng hoá tồn kho luân chuyển với một ngân hàng thương mại để vay 150 tỉ đồng.
Ngày 11/9, cơ quan tố tụng cho biết, trước đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét và bắt tạm giam đối với ông Trương Vĩ Kiến, tuổi, trú tại phường 8, quận 5, TP Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dây cáp điện Tân Cường Thành (Công ty Tân Cường Thành), đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hồ Chí Minh. Trước đó, Thường trực HĐND TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định tạm đình chỉ nhiệm vụ đại biểu HĐND đối với ông Kiến.
Theo cơ quan tố tụng, từ tháng 11/1998 đến tháng 12/2010, ông Kiến là Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Cường Thành, và từ tháng 1/2011 đến nay, ông Kiến là Tổng Giám đốc Công ty Tân Cường Thành.
Trong các ngày 28/2/2007 và 26/2/2008, Công ty Tân Cường Thành và Ban quản lý dự án các công trình điện miền Nam (AMN) ký 3 Hợp đồng kinh tế có nội dung về việc Công ty Tân Cường Thành bán cho AMN dây dẫn và dây chống sét để thực hiện 3 dự án điện.
Tổng giá trị 3 hợp đồng trị giá hơn 85 tỉ đồng. Tuy nhiên, số hàng hoá đã mua AMN lại gửi tại kho của Tân Cường Thành ở Đà Nẵng do chưa có mặt bằng thi công dự án. Trong thời gian gửi hàng, AMN đã xuất hàng để thi công dự án và đến năm 2010 còn số hàng có tổng trị giá hơn 44 tỉ đồng.
Ngày 4/5/2010, ông Kiến đã sử dụng hàng hoá của công ty mình và hàng hóa của AMN đang gửi tại kho của Tân Cường Thành để ký hợp đồng thế chấp hàng hoá tồn kho luân chuyển với một ngân hàng thương mại để vay 150 tỉ đồng.
Sau khi vay số tiền này, Công ty Tân Cường Thành không trả được tiền gốc và lãi cho ngân hàng nên ông Kiến đã ký tiếp hợp đồng bán cho công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc ngân hàng này theo phương thức bán hàng trả chậm trong thời gian 4 tháng.
Sau 4 tháng Công ty Tân Cường Thành không thực hiện việc mua lại số hàng trên nên công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc ngân hàng này đã bán thanh lý số hàng hóa, thu được hơn 53 tỉ đồng để khấu trừ nợ.
Sau khi phát hiện Công ty Tân Cường Thành thế chấp lô hàng của mình, AMN đã nhiều lần có văn bản yêu cầu hoàn trả số hàng nhưng công ty này không thực hiện. Do đó, cơ quan tố tụng xác định Công ty Tân Cường Thành còn nợ AMN số hàng trị giá hơn 44 tỉ đồng
Theo Đào Minh Khoa
Công an nhân dân
Không nên quy định người tự ứng cử có 30% cử tri giới thiệu Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định này không cần thiết và thực tế cũng khó khả thi. Chiều nay (14/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Hồ sơ ứng cử phải có lý...