Bảo bối của cô giáo chủ nhiệm “hiểu học sinh hơn cả cha mẹ”
Trong hành trang “sổ sách” của mình, cô Vũ Thị Tuyết Nga, giáo viên Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) có một thứ đặc biệt.
Bảo bối “hồ sơ tâm lý”
Đó là các hồ sơ tâm lý của học sinh. Đây là một “công cụ” hữu ích giúp cô làm công tác chủ nhiệm hiệu quả.
Với cô Nga, việc lập hồ sơ tâm lý học sinh nhằm hiểu cặn kẽ từng hoàn cảnh, tâm lý,… là điều cần được chú trọng trong các nhà trường ngay từ khi các con bắt đầu nhập học.
Thông qua hồ sơ tâm lý, giáo viên có thể nắm rõ hoàn cảnh gia đình, sở trường, sở đoản của từng học sinh hay những năng lực đặc biệt của học sinh ở bậc tiểu học.
Sau đó, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) sẽ phân loại hồ sơ theo từng nhóm đối tượng. Từ việc này, giáo viên sẽ có sự định hướng, hỗ trợ và điều chỉnh hành vi phù hợp hơn.
“Thông qua hồ sơ tâm lý, giáo viên có thể nhận biết được hoàn cảnh gia đình. Ví dụ, có những học sinh bố mẹ chia tay; mẹ có mối quan hệ riêng tư khác. Đứa trẻ cảm thấy mình bị bỏ rơi và rất cô đơn trong ngôi nhà. Thay vì chơi với bạn bè, con thu mình lại và luôn làm những việc khác biệt như chơi điện tử thâu đêm hay thích là nghỉ học. Lúc này, vai trò của giáo viên phải tìm hiểu, gần gũi và bù đắp cho con bằng những tình cảm yêu thương chân thành”.
Cậu học trò bị cha mẹ xem là “đồ hư hỏng”
Cô Nga khẳng định, giáo viên muốn dạy trẻ cần phải thực sự hiểu các em. Nhưng để hiểu về trẻ không phải dễ dàng. Ngoài nắm bắt thông tin cá nhân từng em, còn phải có kiến thức về tâm sinh lý giáo dục thấu đáo.
Video đang HOT
Thậm chí, không phải phụ huynh nào cũng thực sự hiểu con cái mình và đồng thuận với cách giáo dục của nhà trường.
Hồ sơ tâm lý của học sinh mà cô Nga đã soạn
Trong khối lớp 7 cô chủ nhiệm, có một cậu học sinh nhu cầu sinh lý rất lớn. Phụ huynh luôn cho rằng con mình là “đồ hư hỏng, đồ bỏ đi”. Không chỉ vậy, em luôn nhận được những lời chửi bới, mắng nhiếc từ cha mẹ.
Tiếp cận vấn đề ở góc độ tâm lý, cô Nga nhìn nhận học sinh này đang rơi vào trạng thái không giải tỏa được tâm sinh lý. Cô đã phải kết nối với phụ huynh cùng tìm ra hướng giải quyết như cho con tập thể thao, nói chuyện về vấn đề giới tính, không cấm đoán con chia sẻ điều ấy với bạn bè.
“Phải rất mất thời gian thuyết phục, phụ huynh mới có thể đồng cảm với cô giáo. Nếu phụ huynh không quan tâm, giáo viên cũng không sát sao, học sinh rất khó đi theo con đường tích cực”, cô Nga nói.
Theo cô, ở giai đoạn THCS, học sinh đang bước vào thời điểm tâm sinh lý thay đổi mạnh mẽ. Sẽ có những trẻ mạnh bạo, muốn thể hiện bản thân; phần khác lại thu mình do hoàn cảnh hay cá tính.
Nhắc tới câu chuyện nữ sinh bị bạn đánh hội đồng ở Hưng Yên những ngày qua, cô phân tích:
“Trong số 6 em, nạn nhân hay thủ phạm, có những em thiếu vắng sự quan tâm của gia đình. Điều này có thể đã ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách và thói quen. Như vậy, vai trò của cô chủ nhiệm là bù đắp yêu thương và định hướng học sinh tới những điều tốt. Chẳng hạn, trong số 5 học sinh đánh bạn, rất có thể mang thiên hướng làm thủ lĩnh; GVCN hướng các em tới những hoạt động tích cực như cho làm trưởng nhóm bảo vệ môi trường hoặc giao nhiệm vụ hỗ trợ một bạn nào đó. “Rất có thể điều ấy sẽ hướng các con đi theo con đường tích cực hơn”.
Còn đối với học sinh bị các bạn bắt nạt, ngay khi nắm bắt được hoàn cảnh của học trò, GVCN nên chủ động chia sẻ. Với tính cách nhút nhát, cô giáo nên cùng các bạn trong lớp hỗ trợ, gần gũi động viên và đồng cảm giúp con thêm cởi mở”.
Khi được hỏi chia sẻ được kinh nghiệm gì trong công tác GVCN, cô Nga nói: “Trong các nhà trường nên có những buổi để học sinh nói về học sinh. Khi được chia sẻ về bản thân mình, nói ra những mong muốn và điều còn thiếu hụt, học sinh khác sẽ có thấu hiểu và đồng cảm hơn, về chính mình và bạn bè”.
Cô Nga quan niệm kết quả của học sinh cần phải được đo bằng hai chỉ số là sự hạnh phúc và sự tiến bộ của mỗi học trò chứ không phải lấy thành tích làm thước đo chất lượng giáo dục của một nhà trường.
Nếu muốn đứa trẻ hạnh phúc, thì tâm lý phải ổn.
“Tôi cho rằng, cả 5 học sinh bắt nạt bạn có lẽ cũng không hạnh phúc khi sống trong môi trường thiếu hụt tình cảm, không được chia sẻ, giãi bày từ gia đình và nhà trường. Nếu kịp thời bù đắp, có lẽ các con cũng khó mà nổi loạn như thế”.
Thuý Nga
Theo vietnamnet
Nghệ An: Học sinh vùng khó không phải đóng tiền học buổi 2
Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học sẽ được duy trì trên toàn tỉnh trên cơ sở thống nhất giữa phụ huynh và nhà trường về kinh phí thực hiện. Tuy nhiên, theo văn bản hướng dẫn mới, các trường ở vùng khó khăn sẽ không huy động đóng góp của phụ huynh học sinh để tổ chức buổi học thứ 2.
Liên Sở GĐ&ĐT, Sở Tài chính và Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An vừa ban hành văn bản số 440 hướng dẫn việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tại các cơ sở giáo dục tiểu học từ năm học 2018-2019.
Bắt đầu từ năm học 2018-2019, học sinh tại các vùng khó ở Nghệ An sẽ không phải đóng tiền học buổi 2.
Văn bản này quy định các trường xây dựng khung chương trình, kế hoạch giảng dạy cụ thể trên cơ sở nhu cầu của học sinh và tự nguyện của cha mẹ học sinh, các điều kiện về cơ sở vật chất, khả năng đáp ứng của đội ngũ giáo viên... để xây dựng kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.
Nội dung chương trình buổi 2 phải bám sát chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học, đồng thời xây dựng và tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài các môn học, hướng tới các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Thời lượng dạy học và hoạt động giáo dục khối 1, 2 bố trí từ 28 - 30 tiết/tuần; khối 3, 4, 5 bố trí từ 30 - 32 tiết/tuần, tối đa 7 tiết học/ngày.
Các trường học chủ động sắp xếp thời khóa biểu môn học và các hoạt động giáo dục khác một cách linh hoạt, phù hợp với từng thời điểm, thực tế của mình, đảm bảo khoa học, phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh, ưu tiên quyền lợi của học sinh. Đặc biệt, không bố trí lịch học chính khóa vào buổi chiều đối với những lớp có học sinh không có nguyện vọng học 2 buổi/ngày.
Các trường căn cứ vào tình hình thực tế để lập dự toán thu, chi kinh phí trên nguyên tắc tự nguyện tham gia của phụ huynh học sinh, đảm bảo thu đủ bù chi, dân chủ, công khai, thỏa thuận mức đóng góp. Dự toán này phải gửi Phòng GD&ĐT phối hợp với Phòng Tài chính kế hoạch của huyện/thành/thị thẩm định, trình UBND cấp huyện phê duyệt.
Đối với các cơ sở giáo dục tiểu học thuộc xã, thôn đặc biệt khó khăn, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, UBND huyện căn cứ tình hình thực tế để chỉ đạo và cân đối nguồn lực cho các cơ sở giáo dục đảm bảo việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, không huy động đóng góp của phụ huynh học sinh.
Phần kinh phí này được trả cho giáo viên trực tiếp dạy buổi 2, các chi phí lao công, bảo vệ, tiền điện nước, văn phòng phẩm và chi cho công tác quản lý.
Các huyện/thành/thị căn cứ các văn bản quy định, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, số lượng người làm việc được UBND tỉnh giao để bố trí giáo viên phù hợp, đảm bảo tiêu chuẩn, cơ cấu đáp ứng yêu cầu thực tế tại địa phương. Các địa phương rà soát thực hiện giải quyết giáo viên dôi dư ở cấp THCS để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn giáo viên tiểu học theo quy định để bổ sung cho các cơ sở giáo dục chưa bố trí đủ giáo viên; giải quyết viên chức dôi dư ở các vị trí việc làm khác để bố trí đủ số lượng giáo viên tiểu học được UBND tỉnh giao.
Trước đó, bắt đầu vào năm học 2018-2019, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày trên địa bàn tỉnh Nghệ An phải gián đoạn do văn bản quy định về mức thu kinh phí không còn thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều trường không đủ giáo viên để bố trí việc dạy học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên trước nhu cầu của phụ huynh, học sinh, nhiều cơ sở giáo dục đã vận dụng linh hoạt nhiều văn bản quy định hiện hành để tiếp tục triển khai nhưng lại lâm vào cảnh nợ tiền làm thêm của giáo viên.
Hoàng Lam
Theo Dân trí
Con cái ngang ngạnh, bướng bỉnh không chịu nghe lời, cha mẹ đừng chần chừ mà hãy áp dụng ngay những phương pháp hiệu quả sau Một đứa trẻ bướng bỉnh có thể có những cư xử không phù hợp, cha mẹ hãy thử các phương pháp dưới đây để giúp trẻ điều chỉnh hành vi của mình. Đối phó với những đứa trẻ bướng bỉnh luôn là một thách thức lớn đối với mỗi người cha mẹ, vì trẻ có thể khiến những việc cơ bản hàng ngày...