Bánh xèo Trải nghiệm không thể thiếu nếu ghé Việt Nam
“Trời mưa nào, làm chút bánh xèo đi!”. Như một lẽ thường tình, cứ trời mưa thì người ta lại thèm cái cảm giác tụ tập cùng những đứa có tâm hồn ăn uống và thưởng thức bánh xèo.
Bánh xèo là gì mà phổ biến và được ưa chuộng như vậy? Bạn nghĩ mình sành bánh xèo, nhưng liệu đã thưởng thức hết các loại bánh xèo khắp đất Việt chưa? Cùng lướt qua bài viết dưới đây để kiểm chứng nhé!
Bánh xèo là gì?
Nói ngắn gọn, bánh xèo là một loại bánh được làm từ bột gạo, tráng mỏng trên khuôn tròn cho đến khi chín giòn, ăn kèm với nước mắm và một số loại rau, thịt khác. Cái tên “Bánh xèo” xuất phát từ chính âm thanh của bột bánh lúc được chiên. Cụ thể, lúc bột vừa được đỏ vào chảo tráng dầu sẽ vang lên tiếng “xèo xèo” quen thuộc . Tuy nhiên, tùy vào mỗi vùng miền mà bánh xèo được biến tấu theo rất nhiều dạng khác nhau. Có người nói “ Bánh xèo miền Trung xuất phát từ Bình Định”, còn “Bánh xèo miền tây bắt nguồn từ người Khmer” hay “Đồng bằng Sông Cửu Long”,… Nhưng đáp án chính xác cho câu hỏi này vẫn còn là một ẩn số, vì bánh xèo phổ biến đến độ vùng nào cũng có cả, mà có từ rất lâu luôn rồi. Tuy nhiên sẽ có hai trường phái “bánh xèo” rõ rệt đó là “bánh xèo nhỏ” ở miền Trung và “bánh xèo to” ở miền Nam. Có người đó giờ sống ở Nam, đến ăn bánh xèo miền Trung lại ngớ người ra vì nó “lạ quá”, có người khăng khăng bánh xèo phải nho nhỏ thôi chứ không thể nào bự như cả cái đĩa lớn thế kia được. Cơ bản là vì họ chưa được trải nghiệm hết muôn hình muôn vẻ các loại bánh xèo thôi.
Bánh xèo miền Trung
Bánh xèo miền Trung chỉ lớn hơn lòng bàn tay một tí vì được đúc trong khung khá nhỏ. Loại bánh này khá trắng ngả vàng vì được đúc từ bột gạo. Tùy theo sở thích mà người đúc để bánh có những độ giòn khác nhau. Càng để lâu trong khuôn, bánh càng vàng và giòn. Để bánh xèo thơm hơn, người ta thường bỏ thêm hành hoặc hẹ thái nhỏ vào bột bánh nên có thể thấy cả màu xanh lấm tấm trên bề mặt bánh nữa. Vì bánh khá nhỏ nên một người thường phải ăn tới nhiều bánh một lúc mới đã thèm. Trường hợp cuồng bánh xèo miền Trung còn có thể quất tới gần hai chục cái một lúc. Cũng tùy theo sở thích mà cách ăn bánh xèo của mỗi người khác nhau, nhưng điển hình nhất vẫn là cuốn bánh xèo vào một miếng bánh tráng mỏng cùng rau sống và thịt luộc rồi chấm với nước mắm chua ngọt.
Video đang HOT
Cũng tùy theo độ khá giả và chịu chơi mà người ta thêm thắt vào bánh xèo đủ nguyên liệu khác nhau, phổ biến nhất là tôm tép nhỏ hoặc thịt xay. Tuy nhiên, lượng nguyên liệu được thêm vào cũng khá vừa phải chứ không đầy ứ ự như bánh xèo miền Nam. Đặc biệt, ngoài kĩ năng pha bột và tráng bánh xèo ra, điều kiện tiên quyết để quyết định độ ngon của bánh xèo chính là nước chấm ăn với bánh. Phần lớn hộ dân ở miền Trung thường pha nước mắm chua ngọt, có độ mặn vừa phải từ các loại mắm quen thuộc như Nam Ngư, Chin-Su. Chỉ cần chịu khó thêm chút tỏi, ớt và liều lượng chanh đường vừa phải là đã hoàn thành món nước chấm tuyệt hảo cho bánh xèo rồi. Bánh xèo miền Trung còn nhiều phiên bản đa dạng khác nữa, bởi cứ mỗi địa phương kéo dài từ xứ Huế đến Phan Thiết, người dân lại thêm thắt nhiều ý tưởng khác nhau.
Tại Huế, món bánh này thường được gọi là bánh khoái và được ăn kèm với thịt nướng, nước chấm là nước lèo gồm tương, gan, lạc. Những ngày mưa lành lạnh là lúc những hàng quán bánh xèo bán chạy nhất. Bạn bè kéo nhau tụ tập ở quán, chờ đúc xong cái nào là ăn cái nấy, vừa thổi vừa ăn, đứa đòi để mềm, đứa đòi đúc cho giòn giòn ríu rít cả một vùng trời. Cũng có nhiều gia đình chịu chơi hơn tự pha bột và làm cả một mâm bánh xèo chiêu đãi gia đình. Nhưng dù ăn ở đâu với hình thức nào đi nữa, bánh xèo vẫn luôn là cái tên được nhắc đến đầu tiên khi những người con xa xứ trở về sau một quãng thời gian lăn lộn. Người miền Trung đi đâu cũng nhớ, cũng tự hào và hết lời khen ngợi bánh xèo quê mình cả.
Bánh xèo miền Nam
Người dân miền Trung khi mới vào Nam lập nghiệp ắt hẳn sẽ rất bất ngờ nếu lần đầu thấy bánh xèo nơi đây. Phiên bản bánh xèo to gấp 3, 4 lần bánh xèo trắng ở miền Trung, nhân bánh xèo cũng đa dạng và nhiều hơn đáng kể. Người có sức ăn vừa phải chỉ cần một cái bánh xèo là đủ no rồi. Bánh xèo miền Nam có vẻ ngoài rất hấp dẫn bởi lớp vỏ giòn vàng và nhân bánh nhìn siêu bắt mắt. Sở dĩ có màu vàng như vậy là vì bột đúc bánh thường được pha chút nghệ và trứng, hơn nữa, bánh xèo còn được trên chảo khá lâu để bánh được giòn hơn. Nhân bánh xèo có thể bao gồm tôm, thịt, đậu xanh, giá đỗ, một vài người còn cho thêm thịt vịt, củ sắn… tùy theo sở thích. Khi ăn, người ta thường bẻ một miếng bánh xèo giòn kèm theo nhân tôm thịt, quấn chung với một ít rau sống để ăn, nhiều người vẫn thích dùng bánh tráng cuốn bánh xèo như kiểu miền Trung, cũng có vài người khác chỉ cần một miếng bánh xèo giòn và chút rau sống là quá đủ rồi. Và cũng giống như bánh xèo miền Trung, một trong những điểm tiên quyết để quyết định độ ngon của bánh xèo chính là nước mắm, đặc biệt là nước mắm chua ngọt.
Các món bánh xèo cũng được biến tấu theo từng tỉnh thành Tây Nam Bộ. Thí dụ, ở Cần Thơ người ta có thêm lá chiết, ở Đồng Tháp thêm lá bằng lăng, ở Vĩnh Long có thêm lá xoài non, ở Bạc Liêu có thêm lá cách,… Cứ thế, ghé mỗi vùng là lại được thưởng thức mỗi kiểu bánh xèo khác nhau và không bao giờ thấy ngán cả. Cũng như bánh xèo miền Trung, bánh xèo miền Nam là một trong những món rất đáng để thử khi bạn ghé thăm vùng đất thân thiện này, và đảm bảo bạn sẽ khó mà rời mắt được chiếc bánh xèo vàng thơm quyến rũ đang được đúc lách tách xì xèo trên chảo bếp cho mà xem.
Bánh xèo Đức Phổ
Bánh xèo Đức Phổ không có nhân, ăn cùng rau sống, kẹp cùng bánh tráng nướng hay đơn giản chỉ là chấm cùng nước mắm ớt cay.
Nguyên liệu:
- Bột gạo tẻ: 200 gr
- Nước lọc: 400 ml
- Lá hẹ: 1 nắm
- Gia vị: dầu phộng, nước mắm, bột ngọt
- Bánh tráng nướng, rau sống, chanh ớt ăn kèm
Cách làm:
Bước 1:
- Hòa 200 gr bột với khoảng 400 ml nước, quấy đều cho hỗn hợp sền sệt. Nên cho đặc một chút, khi tráng thử nếu thấy bột đặc quá, bánh bị cứng chưa vừa ý có thể chế thêm nước vô. Nếu nước đặc quá bánh sẽ khô, cứng còn bột loãng quá thì bánh sẽ nhão, không định hình dc bánh.
- Lá hẹ thái thật nhỏ, cho vào thau bột quấy đều. Đậy kín để 30 phút cho bột nở
Bước 2:
- Bắc một chảo nhỏ lên bếp, đun cho thật nóng. Phết một lớp dầu phộng thật mỏng lên chảo, khi dầu nóng già, múc một muôi bột đổ vào. Láng chảo sao cho bột phủ kín và trải đều mặt chảo. Khi mặt bánh xuất hiện những lỗ khí li ti trên bề mặt và bột bánh trong lại là bánh chín, khéo léo cuộn bánh lại từng vòng tròn như cuốn nem. Làm lần lượt cho đến hết. Bánh chín dọn ra ăn ngay khi còn nóng.
Thành phẩm:
Bánh xèo Đức Phổ không có nhân, là món ăn đơn giản, mộc mạc nhưng vẫn có sức hấp dẫn riêng. Bánh xèo có thể ăn cùng rau sống, kẹp cùng bánh tráng nướng hay đơn giản chỉ là chấm cùng nước mắm ớt cay cũng rất ngon miệng. Vỏ bánh dẻo, thơm mùi lá hẹ, chấm với nước mắm ớt cay cay. Đây là đặc sản nhất định phải thử cho du khách khi có dịp đến với vùng đất Đức Phổ - Quảng Ngãi.
Ẩm thực Gia Lai: Bánh xèo tép Biển Hồ Biển Hồ (hồ T'nưng) là điểm du lịch nổi tiếng Gia Lai, địa danh gắn với câu hát "đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy" có mặt hồ rộng lớn, là nguồn cung cấp nước sạch cho thành phố Pleiku. Cuộc sống ngư dân quanh vùng Biển Hồ dựa vào nguồn thủy sản phong phú như cá, tôm, tép... Món bánh xèo tép Biển...