Bánh trôi của người Hà Nhì
Cũng như nhiều dân tộc khác sinh sống trên rẻo cao, người Hà Nhì ở Tây Bắc có nhiều món ăn độc đáo, thể hiện sức sáng tạo và văn hóa ẩm thực riêng.
Trong đó, có món bánh trôi thường được bà con làm trong dịp Tết Hồ Sự Chà (Tết cơm mới) – Tết cổ truyền với không gian văn hóa đặc sắc.
Phụ nữ Hà Nhì chuẩn bị bánh cúng trong ngày Tết Hồ Sự Chà.
Trong tiếng Hà Nhì, bánh trôi là “chà lẹ”. Hàng năm, vào tháng 10 âm lịch, bà con dân tộc Hà Nhì tổ chức đón Tết cổ truyền. Người Hà Nhì rất coi trọng sự thiêng liêng trong các ngày lễ, Tết vì thế bà con cũng đón Tết Hồ Sự Chà trong 3 ngày. Trong những ngày Tết, các gia đình chuẩn bị lễ vật cúng mời tổ tiên về mừng năm mới, tổ chức vui chơi, thăm hỏi, chúc nhau những điều may mắn, tốt đẹp.
Tết Hồ Sự Chà tổ chức để mừng cho vụ mùa bội thu, cầu mong tổ tiên phù hộ cho năm mới mọi điều may mắn, tốt lành. Đây được coi là ngày Tết quan trọng nhất đối với người Hà Nhì và bánh trôi được coi là lễ vật thiêng liêng nhất trong ngày này.
Theo tập tục truyền thống, Tết Hồ Sự Chà được tổ chức vào ngày con Rồng đầu tiên của tháng 12 Dương lịch, sau khi được sự bàn bạc thống nhất của hội đồng già làng, trưởng bản. Theo quan niệm của người Hà Nhì, đây là ngày tượng trưng cho sự bình an, giàu có. Bởi vậy, mâm cỗ dâng lên tổ tiên luôn đủ đầy, gồm cả các món mặn và món chay. Trong đó có 5 món không thể thiếu là thịt lợn, bánh trôi, rượu, gạo và lá chè tươi.
Video đang HOT
Trong ngày Tết đầu tiên, từ lúc sáng sớm, khi tiếng gà gáy mới cất lên, các gia đình chuẩn bị làm bánh trôi. Bà con tin rằng, bánh trôi là món ăn đầu tiên để tổ tiên ăn “lót dạ” khi “về ăn Tết” cùng con cháu. Do vậy, bánh trôi không thể thiếu trong lễ cúng đầu tiên ở mỗi gia đình, dù nhiều hay ít.
Người Hà Nhì chỉ làm bánh trôi không nhân và gạo được sử dụng để làm bánh trôi có thể là gạo nếp nương và cả gạo tẻ. Nhưng bà con ưa chuộng hơn cả là loại nếp nương của riêng người Hà Nhì, dòng gạo do chính các gia đình tự trồng cấy được trong năm.
Cụ thể, gạo nếp nương ngâm qua đêm rồi xay thành bột, nhào đến khi hỗn hợp mềm mịn thì nặn thành từng viên nhỏ bằng ngón tay cái. Dưới bàn tay khéo léo của người phụ nữ Hà Nhì, viên nào viên nấy tròn đều tăm tắp. Cho nước vào nồi đun lên, khi nước sôi, thả bánh vào, rồi đun lửa nhỏ. Đun đến khi bánh nổi lên trên mặt nước là chín, vớt ra để ráo nước rồi mang cúng. Hoặc khi chín, có thể thả tiếp vào nồi nước lạnh để bột bánh không bị dính lại với nhau.
Người Hà Nhì thường nặn riêng 3 chiếc bánh đặt trên chiếc lá chuối non, rắc thêm bột vừng rang chín lên bề mặt bánh, rồi đem vào gian thờ cúng gia tiên. 3 chiếc bánh này thường làm thường được làm tròn trịa và to hơn bánh để ăn. Qua việc này để thể hiện sự tri ân, thành kính, tấm lòng hiếu thuận của con cháu với các đấng sinh thành, bề trên, tiên tổ.
Tại sao lại là 3 chiếc, trong khi đó những món khác thì người Hà Nhì lại làm theo cặp đôi: Cặp bánh chưng, cặp bánh dày, 2 chai rượu, 2đĩa xôi, 2 đĩa thịt lợn, 2 gói muối? Bà con ở đây cho biết, mỗi chiếc bánh trôi đại diện cho Thiên, Địa, Nhân – trời, đất và con người. Đến khi hết lễ Tết, bà con sẽ thả bánh trôi ấy vào trong bếp than, và khi bánh trôi nở ra rất to, bà con nghĩ rằng những thứ đó sẽ phát triển.
Lễ cúng bánh trôi được tiến hành trước cả việc mổ lợn, vốn được coi là bước quan trọng để “làm lý”. Sau lễ cúng bánh trôi, mọi hoạt động của ngày Tết mới được tiếp diễn một cách thuận lợi và vui vẻ.
Theo daidoanket
Món ăn từ... cọ
Phú Thọ là vùng đất có rất nhiều cây cọ. Chính bởi vậy, nhiều món ăn được bà con chế biến từ nguyên liệu chính khai thác từ cây cọ. Bên cạnh cơm nắm lá cọ còn có xôi cọ, tằm cọ...
Cơm nắm lá cọ.
Cơm nắm vốn là thức ăn không cầu kì, hoa mĩ thường được bà con miền xuôi lẫn miền ngược mang đi trong những chuyến đi rừng, đi rẫy, ra đồng xa cấy lúa... Ở mỗi vùng, cơm nắm lại được bà con chế biến khác nhau. Với người Phú Thọ, cơm nắm được bà con gói trong lá cọ chặt ở vườn nhà, đồi nhà; chứa đựng tất cả nét văn hóa, cả phong tục tập quán của miền đất cọ này.
Nguyên liệu quan trọng để làm món này gồm có cơm và lá cọ. Cơm muốn ngon thì phải dùng gạo đầu mùa vừa được thu hoạch thì cơm mới dẻo. Ngoài ra, để có được mẻ cơm trắng, những nắm cơm vừa dẻo, ăn ngọt và thơm, người dân huyện Phù Ninh còn có bí quyết trong việc chế nước nấu cơm. Lượng nước nấu phải nhiều hơn so với nấu cơm ăn hằng ngày, đặc biệt phải dùng nước mưa đựng trong những chiếc bể cũ ngoài trời mới ngon. Còn lá cọ thì phải lấy những tàu lá cọ vẫn còn bánh tẻ. Đó là những tàu lá cọ chưa xòe hết tán, xanh mướt. Tiếp đó, lá cọ đem về được vệ sinh sạch sẽ, hơ qua lửa cho mềm, rồi lại lau sạch để nắm cơm.
Trước khi nắm phải dùng khăn mặt ướt hoặc tay nhúng nước lạnh nắm tròn lại, lăn kỹ nắm cơm cho thật nhuyễn đến khi nào hạt cơm không còn nguyên vẹn và dính quyện vào nhau thành một khối. Bỏ khối cơm vào trong lòng lá cọ túm lại, lăn đi lăn lại lần nữa cho thật chặt.
Từng nắm cơm với những viền sọc được tạo hình từ lá cọ đượm thơm mùi gạo quê quyện với chút hương của lá cọ. Bẻ đôi nắm cơm chấm với muối vừng, muối sả đều ngon...
Bên cạnh cơm nắm lá cọ, đất Tổ Phú Thọ còn có món xôi cọ. Cũng là một món ăn dân dã, nhưng bà con người Tày tại xã Bảo Yên (Thanh Thủy, Phú Thọ) lại như thổi hồn vào món ăn này, để món ăn bình dị cất lên hương vị ẩm thực độc đáo. Theo đó, tháng 11 - 12 âm lịch là mùa cọ chín, người dân lại bắt tay chế biến món ăn lâu đời đã trở nên thân thuộc với vùng quê nơi đây.
Để có được món xôi cọ ngon miệng, nguyên liệu cần phải có là gạo nếp nương và cọ ỏm. Người ta thường chọn các quả cọ nếp có vị béo và ngậy. (Cọ tẻ cũng có thể làm được xôi nhưng thường không ngậy và dẻo). Sau khi ỏm xong, cọ được tách ra lấy phần thịt màu vàng để nấu xôi.
Gạo nếp dùng để nấu cũng phải được chọn kỹ thì xôi mới dẻo, thơm, hạt bóng mẩy. Gạo được ngâm nước qua đêm sau đó vo sạch, sau đó đồ chín trong chõ gỗ thành xôi. Xôi chín, người ta lấy thịt quả cọ trộn đều với xôi.
Thao tác trộn xôi phải thật nhuyễn, đều tay, càng trộn nhuyễn càng ngon, từ màu xôi trắng phải chuyển sang màu vàng óng của thịt cọ. Tinh dầu cọ ngấm vào xôi tạo thành một màu rất đẹp, hương thơm của gạo nếp và cọ tỏa mùi thơm nức.
Khi ăn, thực khách có thể chấm xôi cọ với muối vừng, ban đầu sẽ cảm nhận một chút vị chát, đắng nhưng càng ăn càng thấy hương vị riêng biệt này thật quyến luyến, không lẫn với những loại xôi khác...
Theo Daidoanket
Mùa đông ấm với khúc biến tấu bánh trôi. Với khí trời se lanh, người miền Bắc rất thích ăn bánh trôi. Từng viên bánh trôi thấm vị ngọt, bùi béo của lạc vừng, thơm hương bột gạo nếp. Nguyên liệu: - 160g bột gạo nếp - 40g bột gạo tẻ - 130g nước - 50g đường nâu - 30g đường kính - 3 lát gừng tươi - 50g nước xi rô...