Bánh “phoóng phù” là món ngon nhất cho ngày đông chí
Xứ Lạng quê tôi có mùa đông buốt giá, gió mùa đông bắc lạnh thấu xương thấu thịt. Trong cái lạnh miền sơn cước ấy, bánh “phoóng phù” là món ngon nhất cho ngày đông chí, thời điểm lạnh nhất mùa đông.
Lạng Sơn quê tôi có mùa đông kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau. Nhiều năm còn có sương muối và băng giá. Là những cư dân sinh sống ở vùng miền núi xứ Lạng, nên người Tày và Nùng từ lâu đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm thích nghi với thời tiết, một trong số đó là ẩm thực. “Phoóng phù” là thứ bánh được làm vào những ngày lạnh nhất của mùa đông, ngày đông chí.
Tết đông chí, nhà nào cũng làm bánh “phoóng phù” để cúng tổ tiên. Bánh được làm từ loại gạo tiếng Tày, Nùng gọi là “khảu nu mù” (gạo nếp mùa), loại gạo này vừa dẻo vừa thơm. Đường phên là một nguyên liệu không thể thiếu khi làm “phoóng phù”, đường này được làm từ mía, có màu đỏ, ăn rất ngọt.
Video đang HOT
Ngày đông chí, từ sáng sớm tinh mơ khi gà còn chưa gáy các mẹ các chị đã dậy ngâm gạo nếp. Muốn bánh có màu đỏ, người ta ngâm gạo với hạt gấc. Để bánh dẻo mềm, người ta phải ngâm gạo với nước nóng để gạo uống nước no căng, hạt tròn mẩy.
Khi gạo đã nở, người ta mang đi xay. Trước đây, khi chưa có máy xay công nghiệp, người Tày, Nùng quê tôi phải xay gạo bằng cối đá. Tại những nhà có cối đá, thanh niên nam nữ trong bản tụ tập đến xay bột, tiếng cười nói cùng với tiếng hát sli như muốn phá tan cái lạnh lẽo của mùa đông miền sơn cước.
Xay xong, người ta cho bột vào túi vải treo lên cho chảy hết nước. Khi bột vừa chảy hết nước, các mẹ các chị liền lấy bột nặn thành bánh, từng chiếc tròn to bằng đầu ngón tay cái. Thả bánh vào nồi nước đường thắng vừa đủ độ, bánh nhảy múa trong nồi nước đường. Để bánh thơm ngon hơn, người ta cho thêm mấy lát gừng. Gừng vừa làm bánh có vị cay cay, vừa giúp làm ấm cơ thể.
Khi bánh chín mở nắp nồi, mùi thơm của gừng và mía tỏa ngào ngạt. Múc bánh với nước đường vào bát, màu trắng của bánh quyện với màu nâu của đường óng lên sóng sánh. Đưa bánh vào miệng, cắn nhẹ một cái, bột bánh mềm dai, vị ngọt của đường, vị cay cay của gừng tất cả hòa quyện lại trong từng chiếc bánh thơm lừng. Bánh “phoóng phù” nóng hổi, ăn giữa những ngày đông giá buốt, ngồi bên bếp lửa, vừa ăn vừa ngắm nhìn ngọn lửa bập bùng, hình ấy ấy mới đẹp làm sao.
Lớn lên, sống xa quê đã bao tháng bao ngày, nhưng mỗi khi đông đến, người Tày và Nùng lại nhớ đến một món bánh khó quên mang tên “phoóng phù”. Đã có người ví von rằng, “phoóng phù” là nỗi nhớ niềm thương, để mỗi khi gió lạnh về lòng người lại nao nao nhớ núi rừng quê hương.
Theo NLĐ
Hấp dẫn bánh "ka-tom" Nam bộ - An Giang
Trong các loại bánh làm từ nếp của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ, đặc biệt ở An Giang, có bánh "ka-tom". Bánh "ka-tom", còn gọi bánh "kà-tum", tiếng Khmer có nghĩa là gói kín trong lá thốt nốt.
Đây là loại bánh chỉ hiện diện trong những dịp lễ hội lớn, ngày Tết Chôl Chnăm Thmây, Ok-Om-Bok, Dolta...
Để chuẩn bị làm bánh, người ta trèo lên ngọn cây thốt nốt lựa những tàu lá hơi già chặt đem xuống, rửa sạch, phơi khô, rọc từng mảnh rồi đan thành hình vuông và chóp nón tam giác. Vỏ bánh phải là nếp rặt (nếp "chon-hô" của đồng bào Khmer), loại ngon, trắng, dẻo, ngâm qua một đêm, gút sạch, để ráo. Người ta ngâm đậu trắng một đêm rồi đãi vỏ, vo sạch, gút ráo nước. Sau đó cho nếp để ráo, đậu trắng, nước cốt dừa cùng chút muối hột và một ít đường thốt nốt vào, xào sơ cho nếp rút hết gia vị. Bánh có hai loại nhưn: nhưn đậu xanh và nhưn chuối. Để làm nhưn đậu, đậu xanh được nấu mềm với chút muối đường rồi tán mịn, vo viên. Để làm nhưn chuối, người ta dùng chuối xiêm chín lột bỏ vỏ, cắt thành ba khúc, ướp muối, đường thốt nốt vừa ăn.
Tất cả đã sẵn sàng, nếp đã xào được xếp vào lòng lá, đặt viên nhưn đậu xanh hoặc một khúc chuối xiêm chín vào giữa, phủ kín lớp nếp lên trên, ấn cho dẽ dặt và kết chặt nắp lại (nếu bánh gói hình vuông) hoặc gói kín (nếu bánh hình chóp nón tam giác). Bánh hình vuông kết sao cho bốn góc vuông vắn. Rồi cột bánh lại bằng dây thốt nốt, dây lác hoặc dây ni-lông. Sau cùng, bánh được buộc thành chùm 10 cái, cho vô xửng hấp khoảng 2 giờ đồng hồ thì chín.
Nhìn bề ngoài bánh "ka-tom" có màu vàng nhạt, hình dáng lạ mắt, hao hao giống bánh dừa của người Việt, nhất là phần nhưn bánh. Khi lột bỏ lá, không dính vào vỏ bánh, vỏ bánh sáng bóng, lấm chấm những hột đậu trắng. Nếu là nhưn chuối thì khi cắn ta sẽ thấy một màu đỏ ửng đậm của chuối nấu chín. Nhai chầm chậm từng miếng bánh nhưn đậu, ta sẽ nghe những hột nếp mềm mịn, dẻo thơm, những hột đậu trắng và nhưn đậu xanh đậm đà vị mặn dịu, ngọt thanh lan tỏa. Bánh còn có mùi vị đặc trưng của lá thốt nốt sau hai giờ chìm trong nồi nước trên ngọn lửa đỏ.
Theo baocantho
Dẻo thơm bánh áp chảo Cao Bằng Đến với Cao Bằng ngày lạnh và thưởng thức món bánh áp chao nóng hổi, hương thơm quyến rũ cùng vị đậm đà, béo bùi của thịt vịt lẫn trong vị nếp dẻo quạnh là cả một sự khám phá thú vị. Mùa đông ở Cao Bằng có một món ăn rất đặc biệt, được bày bán nhiều trong các quán nhỏ hoặc...