Bánh gio – nhớ mãi vị quê
Nếu thứ bánh gio ngoài chợ như một cô nàng lả lướt ỏng ẻo xức nước hoa quá tay thì món bánh của bà giống một cô gái chân quê hiền lành mà mặn mà đằm thắm.
Đã lâu rồi tôi mới lại ăn bánh gio bà ngoại làm, cái thứ bánh hiền hòa óng ả thoang thoảng hương tro dù ăn cùng mật ngọt hay đường cũng đều có cái hay riêng, cái thì quyện quấn vào nhau như một tổng thể dịu ngọt cái thì tí tách hạt đường tạo nên một sự tương phản thú vị rồi tan vào với nhau.
Cái thứ bánh nhà quê, gio đất hay tro đất, ấy thế mà không đễ làm đâu nhé! Mấy năm gần đây, mỗi khi tôi có dịp về bà chơi là lại được thưởng thức món bánh tuyệt hảo ấy, ắt hẳn ngon hơn ở ngoài hàng, đến độ bác dâu đằng nhà nội tôi là người sành ăn quà mà từ khi được thử miếng bánh ấy cũng đem lòng yêu thích. Chả là trước đấy bác rất thích một loại bánh gio khác nên hay đem biếu ông bà nội tôi và chia cho các em, vây mà từ hồi được mẹ tôi mời món bánh gio bà ngoại bác đâm ra quay lưng lại với cái thứ bánh nhà chợ.
Cái bánh chợ ấy đỏ đẹp thật, mịn mượt thật nhưng cứ bị bị nồng vôi, bánh lại hay lả lướt quá nên khi ăn vào có chút vô duyên giống như một cô nàng ỏng ẻo xức nước hoa quá tay thay vì một cô gái quê rất khiêm nhường mà duyên dáng.
Video đang HOT
Để làm được thứ bánh duyên ấy phải có thứ nước lẳng chuẩn, bằng không thì hoặc bị rời rã như bánh chưng nửa mùa hoặc bị nồng vôi hoặc bị nhoét bánh. Nước lẳng là thứ nước vàng trong béo bóng được gạn từ hỗn hợp nước vôi và tro của các loại lá, vỏ cây mà nhiều khi tôi cũng không nhớ hết được là loại cây gì có lẽ đó cũng chính là một trong những bí quyết của bà để có món bánh gio thật thanh mát.
Có được nước chuẩn rồi thì mọi thứ thật đơn giản, gạo nếp ngon và đều hạt được đãi sạch, ngâm vào nước lẳng vài tiếng rồi vớt ra rá ngay trước khi gói, mà chỉ được vớt từng đợt nhỏ một thôi! Sở dĩ phải làm như vậy vì nếu múc thẳng gạo lên gói thì bánh dễ bị nhão còn nếu để gạo róc nước thì bánh lại bị thiếu nước lẳng đâm ra kém dền, yếu thơm.
Công việc tiếp theo là gói bánh làm sao để bánh không bị chặt quá, nhỏ dài đều đẹp, thích nhất là buộc bằng dây chuối hay lạt nhưng dạo này bà hay làm quá nên hết sạch, phải dùng thay bằng dây nylon. Sau khi công việc gói bánh xong xuôi, chỉ còn việc xếp bánh vào nồi, đổ ngập nước và đun khoảng 3 tiếng là được. Thời gian canh bếp luộc bánh cũng là thời gian bà cháu tôi ngồi bên nhau tâm tình thủ thỉ, những lúc ấy tôi thấy lòng mình ấm áp lạ, thời gian trôi thật nhanh, thoắt một cái đã bánh đã chín rồi!
Tiết trời thu, nắng không còn gay gắt và gió dịu lại hiu hiu, ngồi dưới giàn mướp bóng nắng, cắt từng lọn bánh ánh mật, chậm rãi và lười biếng tôi chấm bánh và đưa lên miệng, cảm nhận cả đất trời trong sự hoà quyện của cỏ cây và tiết tấu của gió mây.
Ngày bé, mỗi khi buồn tôi lại đạp xe hay đi bộ vào nhà ngoại, chỉ một chốc lát thôi là nỗi lòng nhẹ vơi đi, có lẽ sự dung dị hiền hoà của người và cảnh nơi đây đã khiến lòng tôi tĩnh lại.
Theo Afamily
Bánh tro Đa Mai
Đa Mai là vùng đất có nhiều món ăn dân tộc, dân dã nhưng khó quên trong lòng du khách, nổi tiếng nhất phải kể đến bún Đa Mai. Nhiều người sành ẩm thực không thể không biết đến làng bún nổi tiếng của xứ Kinh Bắc xưa. Và nói đến các loại bánh thì chẳng bỏ qua được món bánh tro (còn gọi bánh gio) giản dị, mang đậm hương vị quê hương.
Bánh tro được làm từ những nguyên liệu đơn giản, bằng gạo nếp và tro của một số cây sẵn có ở vùng đất này như rơm nếp, củ chuối phơi khô, cây tạp nhạp...
Nguyên liệu đơn giản nhưng để hoàn thành một mẻ bánh lại cần sự công phu và khéo léo của người làm bánh.
Gạo nếp cái hoa vàng được đãi sạch, nhặt bỏ sạn, gạo tẻ lẫn trong đó rồi để ráo. Những cây tạp nhạp, rơm khô... được phơi khô đốt lấy tro. Dùng tro đó pha với vôi để lắng lại rồi lấy nước trong.
Khi cho vôi người làm bánh phải hết sức để ý, nếu cho nhiều vôi quá bánh sẽ bị nồng, mất ngon.
Nước tro phải có màu vàng hổ phách bánh trông mới ngon và bắt mắt. Sau đó cho gạo đã đãi sạch vào ngâm qua một đêm, vớt ra, để ráo. Lá gói bánh thường được dùng lá dong hoặc lá ỏng. Lá mang về rửa sạch, để ráo. Sau đó người làm bánh phải thận cẩn thận, khéo léo cho gạo vào lòng chiếc lá sao cho gọn, đều rồi quấn lá và bẻ mép lá ở hai đầu bánh cho thật khít, thật đều và cân đối.
Dây cuốn bánh thường dùng dây lạt, buộc bánh không chặt quá, để khi luộc hạt gạo nở đều. Trong quá trình chuẩn bị nguyên liệu và gói bánh người làm bánh luôn tránh để mỡ dây vào, nếu không khi luộc bánh sẽ không rền, hỏng mẻ bánh. Bánh gói xong xếp vào nồi luộc 5-6 giờ là được.
Bánh tro luộc chín, bóc từng lớp vỏ ngoài thấy hiện lên một màu vàng nâu, trong như hổ phách, chưa cần thưởng thức cũng đã quyến rũ người ăn. Bánh tro thường được chấm với nước mật hoặc với đường. Cắn một miếng thấy được vị thanh mát, dẻo thơm của hạt gạo quyện lẫn với vị ngọt của đường, cảm nhận được sự tài hoa, khéo léo của những người thợ làm bánh.
Đơn sơ, giản dị nhưng bánh tro Đa Mai nồng ấm tình người như chính con người nơi đây.
Theo Danviet
Trong trẻo như bánh quai vạc Bánh quai vạc trong suốt hấp dẫn, nhìn thấy rõ cả nhân tôm biển trong bánh. Má tôi là người phụ nữ khéo tay. Dù chỉ là món trứng luộc, rau luộc đơn giản nhưng dưới bàn tay khéo léo của má, nó vẫn ngon vô cùng. Chị Hai tôi may mắn thừa hưởng tài nội trợ giỏi giang của má. Bởi vậy...