Bánh canh cá thởn
Về vùng biển Thuận An, Phú Thuận (Phú Vang), nhiều người tỏ ra thích thú với món bánh canh cá thởn (cá mối, cá thửng) đậm đà, thơm ngon mà lạ miệng.
Trưa hè, khi đang ngồi uống nước bên gốc bàng mát rượi ở thị trấn Thuận An, tình cờ bắt gặp chị Nguyễn Thị Hoa (43 tuổi, trú thôn Hải Tiến) gánh hàng rong vừa đi vừa rao: “Ai bánh canh cá thởn đây!”. Tiếng rao lạ ấy đã thôi thúc tôi một lần được khám phá món ăn dân dã của người dân xứ biển. Trong chốc lát, trên bàn là những tô bánh canh nóng hổi với bột gạo và chả cá thởn nổi phía trên. Từng viên chả cá nhỏ, dai, mềm, khi ăn có hương vị tự nhiên chính là điểm hấp dẫn tạo nên sự khác biệt cho món ăn bình dị chỉ với mười nghìn đồng.
Nhiều người ấn tượng với món bánh canh cá thởn ngon mà lạ
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Ngọc Gia – người có hàng chục năm sinh sống ở Thuận An chia sẻ, giống như bánh canh cá lóc Thủy Dương, bánh canh Nam Phổ… bánh canh cá thởn vùng biển Thuận An là một nét ẩm thực độc đáo, gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân miền biển. Sở dĩ món bánh canh này thường được bán vào lúc trưa đến chiều là để phục vụ một bộ phận ngư dân sau chuyến đi biển về. Hoặc là bữa ăn lỡ dành cho người lao động. Theo nhiều người ở đây, món ăn dân dã này đã gắn bó từ rất lâu và họ cũng không nhớ rõ nó xuất hiện từ khi nào. Chỉ biết rằng, qua năm tháng, ngoài thịt cá thởn, các loại gia vị, nguyên liệu nấu món này cũng có ít nhiều thay đổi cho phù hợp với khẩu vị.
Video đang HOT
Chị Hoa cho biết, khoảng 14h chiều hàng ngày, khi những chiếc thuyền đánh cá cập bến, chị cùng nhiều phụ nữ bán bánh canh khác lại tìm mua loại cá thởn tươi ngon về làm chả cho gánh bánh canh. Cá thởn sau khi mua về bỏ đầu, làm vảy và rửa sạch, sau đó úp bụng cá xuống rồi dùng chày chần đều trên lưng cá và dùng muỗng để nạo từ xương sống. Gia vị gồm đường, muối, tỏi và hạt tiêu đập dập (nếu xay sẽ không ngon). Cho cá và gia vị vào cối giã tay liên tục cho tới khi cả thịt và xương đều nhuyễn hết thì chả mới dai, ngon. Bắc chảo dầu lên, viên từng hạt chả nhỏ cho vào đến khi lớp da bên ngoài vàng, vừa giòn là được. Cách chế biến nước dùng cũng rất quan trọng, để giữ hương vị đậm đà món đặc sản miền biển này bắt buộc phải có “nước cốt” được hầm từ xương cá thởn. Ngoài ra, người nấu thường sử dụng thêm xương bò, xương heo và tôm ninh nhừ tạo nên vị thanh, ngọt.
Phải ăn mới “thấu” được vị ngon từ món ăn bình dân xứ biển. Bánh canh chả cá thởn Thuận An có hai loại, bánh canh sợi bột gạo và bánh canh sợi bột mì. Bánh canh cá thởn được ăn kèm với giá sống, rau thơm… Hiện, ở Thuận An và Phú Thuận có khoảng 6-8 người thường xuyên bán rong món bánh canh này.
Bánh canh Đồng Hới
Không biết tự bao giờ, người Đồng Hới đã quen thuộc với món cháo bánh canh đến thế, mà nhất định chỉ có thể ăn vào buổi sáng và hiếm khi thấy quán nào còn cố gắng mở đến tận chiều.
Chỉ biết người Đồng Hới từ lâu đã ăn bánh canh, xem bánh canh là đặc sản, cũng giống như người Huế yêu món bún bò hay người Hà Nội tự phong đệ nhất cho món phở của mình. Thử hỏi một nhà nghiên cứu văn hóa, sành ẩm thực về số lượng các quán bánh canh ở thành phố biển này, anh chỉ cười rất nhẹ nhàng, bởi hầu như ở con đường tấp nập nào cũng có ít nhất một quán và thậm chí còn nhiều quán san sát mọc lên. Có điều lạ là người Đồng Hới dường như ăn bánh canh cũng tùy hương vị, tùy theo tâm trạng và tùy theo cả thời tiết nữa.
Tự bao giờ bánh canh đã là đặc sản của người Đồng Hới.
Khác với bánh canh Ba Đồn quen thuộc với vị cá mộc mạc, nồng nàn, bánh canh Quảng Trị là vị cay dâng mắt, bánh canh Huế đầy ắp hương vị, thì bánh canh Đồng Hới đa dạng và phong phú hơn về mùi vị nhờ nguyên phụ liệu đi kèm.
Nếu vào những ngày trời mưa lạnh, bánh canh cá lóc luôn là sự lựa chọn hoàn hảo, thì những ngày trời nắng nóng oi nồng, tô bánh canh tôm thịt ngọt lịm lại đủ xoa dịu mọi cái đầu bốc hỏa. Còn khi thực khách muốn "đổi gió", lạ miệng thì món bánh canh cá thát lát dai ngọt, hương vị đậm đà cũng là một lựa chọn không thể chối từ.
Anh bạn nghệ sĩ của tôi lại mê mẩn với món "biến tấu" bánh canh hàu có một không hai. Cứ mỗi mùa hàu tràn ngập chợ, ngày nào anh cũng điểm tâm bởi món lạ này mà không hề ngán. Vị hàu tươi ngon, beo béo lại hợp vị vô cùng với sợi bánh canh mộc mạc, đơn sơ. Anh bảo, dù đi đâu về đâu, cái cảm giác được nhâm nhi món ngon mặn mòi vị biển này dưới mái hiên nhà, ngoài kia gió lào đang thi nhau vần vũ, cái nóng phả chói vào da thịt, thật sự là không thể nào quên.
Chỉ cách đây dăm tháng thôi, khi nguồn cá biển phong phú là đặc sản của Quảng Bình, thì chẳng có du khách nào lại không mê mẩn với món bánh canh cá biển. Từng sợi bột mì hay bột gạo còn phảng phất mùi thơm nồng của lúa hòa quyện tuyệt vời với vị ngọt, thơm, chắc của cá biển, đó là chưa kể đến thứ nước dùng ngọt ngào, thanh thoát với hương vị hoàn toàn tự nhiên từ xương hầm. Ai đó cũng không ngoa khi ví von món ăn này như "tiếng gọi" xa thẳm từ biển khơi, là sự hòa trộn tinh tế giữa hai sản vật, cá của biển và lúa của đất trên mảnh đất đầy cát trắng.
Và cũng vẫn còn đó nhiều hương vị bánh canh lạ lùng mà thấm đẫm tâm hồn người Đồng Hới do chính các bà nội trợ kỳ công tự tạo cho mình công thức riêng để "lôi cuốn" các đức ông chồng, như: bánh canh cua đồng, bánh canh tim cật heo...
Dù với nguyên liệu nào, linh hồn món bánh canh vẫn bình dị, đơn sơ nhưng đậm đà như thế, để bất kỳ ai một lần đã "trót" thưởng thức cũng chẳng thể nào thôi nhớ về.
Hầu như chưa một cuốn sách cẩm nang dạy nấu ăn nào chỉ cho ta thấy cách thức để nấu một món bánh canh ngon. Bởi, dường như nó đơn giản trong từng khâu, từng thìa gia vị. Một nồi nước dùng ninh từ xương ngọt béo, một vài miếng cá lóc hoặc thịt, tôm, chả, cộng thêm những sợi mì dai và công đoạn cuối cùng là thêm hành lá, ngò xanh, chỉ thế thôi mà sao hấp dẫn và ấp ủ những mùi vị riêng. Chỉ có thể nói, đó là bí quyền gia truyền của từng nhà hàng, quán ăn và mỗi bà nội trợ gia đình. Đó là cái hay của món bánh canh xứ biển. Bàn thêm về sợi mì của bánh canh Đồng Hới, bên cạnh bột gạo, bột mì truyền thống, người Đồng Hới còn sáng tạo thêm nhiều loại sợi mới mẻ khác, như: bột bánh lọc, bột gạo đỏ...
Ngoài cách nhồi bột, lăn bột và xắt bột thành sợi dài truyền thống, còn có một cách "sáng chế" độc đáo khác mà chỉ người Đồng Hới mới nghĩ ra. Đó là cho bột đã cán thành miếng cỡ một bàn tay, dính chặt vào một cái chai hay thanh gỗ nhỏ, mỗi khi có khách, bà chủ quán lại khéo léo thoăn thoắt dùng dao xắt từng miếng nhỏ thả vào nồi nước dùng nghi ngút. Dù với nguyên liệu bột nào, cách thức chế biến ra sao, cái hồn cốt của bánh canh Đồng Hới vẫn vẹn nguyên như thế.
Nếu ví bánh canh như một món ngon trên bàn tiệc, thì phần ăn kèm cũng quan trọng không kém. Ngoài ăn chung với ram, người Đồng Hới cũng đã quen với chả, rau cải xắt nhỏ, hành tây chiên vàng giòn và nhất là không thể thiếu được ớt chưng đặc sánh sắc đỏ. Vậy là người ta như choáng ngợp khi thấy cả một âm dương ngũ hành trong bát bánh canh buổi sáng, với màu trắng trong của sợi bột, xanh ngắt của hành lá, vàng rộm của hành phi, đỏ tươi của ớt chưng và cả màu vàng nhè nhẹ của lát cá lóc thơm phức hay màu hồng nõn nà của tôm đồng mới cất chiều hôm.
Những món ngon của ẩm thực của Đồng Hới thì có thể mất cả ngày dài để liệt kê cho bằng hết, từ các loại bánh, như bánh lọc, bánh bèo, bánh xèo, bánh nậm... cho đến các hải sản, như: ram đẻn, cá hấp... Nhưng có lẽ hiếm có món ăn nào lại tạo nét riêng có như bánh canh. Bởi, món ăn dân dã này đã hội tụ những tính cách của người dân thành phố hoa hồng: nồng đượm, hào sảng mà tươi mới lạc quan. Người phố biển ăn bánh canh sáng như ôm trọn cả tình yêu quê hương con người, vì ở đó có nỗi nhọc nhằn của người nông dân xứ Lệ làm ra hạt lúa, có sự vất vả của những ngư dân ngày đêm bám biển vươn khơi, có giọt mồ hôi trên ruộng hành, ruộng ớt của biết bao phụ nữ vùng cát. Chẳng bởi vậy mà bất kỳ người Đồng Hới xa quê nào dù lâu bao nhiêu, cách bao dặm, mỗi khi có dịp trở về lại nhớ mãi vị bánh canh không thôi...
Lạ miệng với bánh canh rong biển Bánh canh rong biển là món ăn được biến tấu từ hương vị bánh canh truyền thống của xứ Huế. Sự kết hợp đầy sáng tạo giữa truyền thống và hiện đại mang đến cho thực khách Cố đô một món ăn mới lạ. Bánh canh rong biển mang đến hương vị mới cho thực khách Cố đô Bánh canh nam phổ, bánh...