Bằng kỹ sư tương đương bằng thạc sĩ
Với những chương trình đào tạo đại học kéo dài 5, 6 năm, các trường hợp tốt nghiệp được cấp bằng kỹ sư, bác sĩ sẽ có trình độ tương đương bậc 7 của người có bằng thạc sĩ.
Theo Nghị định hướng dẫn thực hiện luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học, vẫn còn bằng kỹ sư và có trình độ tương đương cao hơn cử nhân – Ảnh Bùi Tuấn
Theo Nghị định của Chính phủ (ban hành ngày 30.12) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Giáo dục đại học sau khi đã được bổ sung, sửa đổi, thì hệ thống văn bằng giáo dục đại học bao gồm cả bằng cử nhân lẫn bằng kỹ sư…
Kỹ sư, bác sĩ có trình độ tương đương cao hơn cử nhân
Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Giáo dục đại học sau khi đã được bổ sung, sửa đổi hiện đã được ban hành. Trong đó, Chính phủ có các quy định chi tiết cho một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù, nghĩa là các văn bằng bác sĩ, kỹ sư… vẫn còn tồn tại chứ không phải bị biến mất như dư luận bấy lâu nay lo ngại. Chỉ có điều, các văn bằng này thể hiện trình độ đào tạo tương đương sẽ khác với trước đây, tùy thuộc vào khối lượng học tập của từng chương trình đào tạo.
Cụ thể, điều 15 (về văn bằng, chứng chỉ giáo dục đại học), nghị định quy định hệ thống văn bằng giáo dục đại học bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ, văn bằng trình độ tương đương.
Bằng cử nhân được cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo trình độ đại học theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 6 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam và các quy định cụ thể, hợp pháp của cơ sở đào tạo.
Bằng thạc sĩ cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 7.
Bằng tiến sĩ cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 8.
Video đang HOT
Văn bằng trình độ tương đương là văn bằng đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục đại học bao gồm bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bằng dược sĩ, bằng bác sĩ thú y, bằng kỹ sư, bằng kiến trúc sư, và một số văn bằng khác theo quy định riêng của Chính phủ, được cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù.
Trình độ đào tạo của chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù gồm: chương trình có khối lượng học tập từ 150 tín chỉ trở lên đối với người đã tốt THPT và tương đương hoặc có khối lượng học tập từ 30 tín chỉ trở lên đối với người đã tốt nghiệp trình độ đại học; chương trình có khối lượng học tập từ 90 tín chỉ trở lên đối với người có trình độ tương đương bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Căn cứ quy định về điều kiện đầu vào, khối lượng học tập tối thiểu, chuẩn giảng viên, chuẩn đầu ra và các chuẩn khác trong chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học theo quy định của Bộ GD-ĐT, người tốt nghiệp chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù (cấp văn bằng bác sĩ, kỹ sư…) được xếp vào bậc tương ứng trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Như vậy, với những chương trình đào tạo đại học kéo dài 5, 6 năm, khi tốt nghiệp người học được cấp bằng kỹ sư, bác sĩ, thì có thể sắp tới các văn bằng này sẽ có trình độ tương đương bậc 7, là trình độ của người có bằng thạc sĩ.
Phải công khai học phí từng năm và cả khóa học
Theo luật Giáo dục đại học, sau khi bổ sung, sửa đổi thì không phải tất cả các trường đại học đều được quyền tự chủ, mà chỉ những trường đã thỏa mãn các quy định của luật. Theo đó, trường đại học khi được quyền tự chủ sẽ được tự chủ trên cả 3 phương diện: học thuật, tổ chức bộ máy và nhân sự, tài chính và tài sản.
Trong đó, với quyền tự chủ về tài chính và tài sản, trường công vẫn bị chi phối bởi các quy định hiện hành về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; trường tư thì sẽ được nhà nước sẽ hỗ trợ phát triển phù hợp với khả năng của ngân sách và các quy định về đầu tư phát triển giáo dục đại học.
Một trong 6 yêu cầu “giải trình” mà nghị định đặt ra với các trường đại học được tự chủ là phải thực hiện công khai đầy đủ trên trang thông tin điện tử của mình về các nội dung cụ thể, trong đó có các thông tin liên quan tới tài chính như chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu khác của người học cho từng năm học và dự kiến cả khóa học; chế độ, chính sách miễn, giảm học phí, học bổng…
Một số nội dung phải công khai khác còn có đề án tuyển sinh và kế hoạch tuyển sinh, danh sách nhập học và tốt nghiệp hằng năm theo ngành, trình độ đào tạo, quy mô đào tạo và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp; mẫu văn bằng, chứng chỉ, danh sách cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học hằng năm.
Các thông tin như thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, quyết định mở ngành, quyết định liên kết đào tạo cùng với hồ sơ chứng minh đủ điều kiện, trường phải công khai lên trang thông tin điện tử của trường trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày làm việc.
Theo thanhnien
Nhiều ý kiến ủng hộ, lắm góp ý băn khoăn
Dự thảo Thông tư ban hành Quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.
Theo đó, Bộ GD&ĐT dự kiến trên bằng tốt nghiệp đại học sẽ không còn thông tin liên quan đến xếp loại học lực, hình thức đào tạo, nội dung đào tạo. Bên cạnh những ý kiến đồng tình cũng có không ít băn khoăn cho rằng điều này có thể làm giảm động lực của người học và "cào bằng" trong đánh giá chất lượng giữa các loại hình đào tạo.
Còn nhiều băn khoăn
Dự thảo Thông tư ban hành Quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học, gồm: Bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và bằng tiến sĩ danh dự. Theo Dự thảo này, những nội dung chính được ghi trên văn bằng giáo dục đại học gồm: Tên văn bằng theo từng trình độ đào tạo, tên cơ sở giáo dục cấp văn bằng, tên của người được cấp văn bằng... Dự thảo cũng cho phép các cơ sở đào tạo được bổ sung thêm nhiều nội dung khác phù hợp với quy định pháp luật.
Theo Dự thảo Thông tư ban hành Quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học, bằng tốt nghiệp đại học sẽ không ghi xếp loại và loại hình đào tạo. (Ảnh minh họa)
Nếu so với quy định cũ thì ở Dự thảo mới, bằng tốt nghiệp sẽ không ghi hình thức xếp loại tốt nghiệp (giỏi, khá...); không thể hiện loại hình đào tạo (chính quy, tại chức...) như hiện nay. Điều này khiến nhiều người lo ngại về sự cào bằng, làm giảm động lực phấn đấu của người học. Theo bạn Phạm Minh Phúc (Sinh viên năm 3, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông), điểm số chỉ đánh giá một phần năng lực của sinh viên ở thời điểm hiện tại, không nên lấy đó làm thước đo cho cả đời đi xin việc. Phần khác, điểm số khiến sinh viên học hành áp lực hơn rất nhiều. Tuy nhiên, sự áp lực đó giống như khuôn khổ để sinh viên tự rèn mình, tự cố gắng mỗi ngày trên giảng đường. Do vậy, muốn bỏ ghi xếp loại trong bằng tốt nghiệp thì bản thân sinh viên phải tự giác học và quan trọng hơn là các nhà tuyển dụng không còn coi trọng bằng cấp thì tự nhiên giá trị xếp loại của tấm bằng lúc đó sẽ biến mất.
Cùng quan điểm này, bạn Nguyễn Thu Huyền (đang học cao học tại Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: "Cơ chế tuyển dụng hiện nay thì bằng cấp không phải yếu tố quyết định nhiều nhưng nếu để học tốt và chưa tốt cũng chỉ một tấm bằng có giá trị như nhau thì tôi thấy chưa phù hợp với Việt Nam hiện nay. Tôi tốt nghiệp đại học bằng giỏi nhưng hiện nay học thạc sĩ không xếp loại nên cũng "chây ì" hơn. Học viên lớp cao học của tôi cũng hay nói với nhau rằng có xếp loại đâu mà cần điểm cao, chẳng ai quan tâm bảng điểm cả, cứ qua môn là được. Vì thế, tôi lo sợ suy nghĩ cào bằng, vàng - thau lẫn lộn".
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Chứ (Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp) cho rằng, việc thay đổi là phù hợp với xu thế thế giới. Tuy nhiên, xét về thực tế hiện nay có rất nhiều băn khoăn. Thực trạng đào tạo và chuẩn "đầu ra" ở các loại hình đào tạo gồm chính quy, vừa học vừa làm và đào tạo từ xa ở Việt Nam đang không có sự tương đồng về chất lượng cho dù là giảng dạy cùng một chương trình, cùng giảng viên, cùng các điều kiện tiếp nhận kiến thức... Để giảm sự chênh lệch này cần một khoảng thời gian dài và đòi hỏi sự nỗ lực từ chính nhà trường trong việc tuân thủ nghiêm túc các quy định về điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo. Do vậy, hiện tại, việc xếp loại tốt nghiệp vẫn là cần thiết để tạo động lực cho sinh viên.
Phù hợp với xu thế
Ở một góc độ khác, nhiều ý kiến lại đồng tình với Dự thảo Thông tư. Theo ý kiến của một số trường dân lập, thực tế các trường vẫn cấp bằng tốt nghiệp đồng thời cả bảng điểm, quá trình học tập của sinh viên. Do đó, việc in xếp loại trên bằng là không cần thiết, nhà tuyển dụng cần thêm thông tin thì có thể xem bảng điểm.
Dự kiến ngoài thông tin cá nhân, phụ lục văn bằng sẽ có thông tin về quá trình đào tạo và cấp bằng gồm: Tên cơ sở giáo dục đại học, ngành đào tạo, chuyên ngành đào tạo, nơi tổ chức đào tạo, ngôn ngữ giảng dạy, thời gian đào tạo, hình thức đào tạo, kết quả học tập, tên học phần hoặc môn học, số tín chỉ của từng học phần hoặc môn học, điểm học phần hoặc môn học, tổng số tín chỉ tích lũy, điểm xếp loại tốt nghiệp... Với những thông tin như thế này, các đơn vị tuyển dụng hoàn toàn có đủ căn cứ sàng lọc trong quá trình xét hồ sơ tuyển dụng. Và như vậy, để có cơ hội có việc làm, người học vẫn cần cố gắng.
Bạn Phạm Thị Lê Na (Cựu sinh viên Đại học Dược Hà Nội) cho rằng, việc không ghi xếp loại tốt nghiệp trên bằng tốt nghiệp đại học sẽ giúp nhà tuyển dụng nhìn kỹ vào bảng điểm hơn. "Cá nhân tôi rất đồng tình với Dự thảo. Thực tế, khi đi làm đòi hỏi khả năng thích ứng tốt với môi trường xung quanh. Nếu chỉ có học lực giỏi mà không có kỹ năng cần thiết, thái độ đủ tốt để thích ứng thì rất nhanh sẽ bị đào thải. Điều này lý giải tại sao rất nhiều sinh viên ra trường có bằng đại học loại giỏi cũng bị thất nghiệp. Hiện nay, tất cả các trường đại học đều cấp bằng tốt nghiệp trong khi chất lượng đào tạo khác nhau, chương trình khác nhau. Ghi xếp loại trên bằng, nếu nhà tuyển dụng không tìm hiểu kỹ thì sẽ thiệt thòi cho sinh viên những trường có đánh giá chặt chẽ" - Lê Na chia sẻ.
Theo ông Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT), việc xây dựng các nội dung của Dự thảo dựa trên quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Theo đó, Luật quy định đối với giáo dục đại học, người học khi tốt nghiệp sẽ được cấp đồng thời bằng và phụ lục văn bằng. Trong quá trình xây dựng Dự thảo Thông tư, Ban soạn thảo đã tham khảo văn bằng của hơn 20 quốc gia. Quy định như trong Dự thảo Thông tư về nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học là phù hợp với thông lệ của nhiều nước trên thế giới, đảm bảo sự hội nhập của giáo dục đại học Việt Nam với các nước.
Cũng theo ông Mai Văn Trinh, Dự thảo "Thông tư ban hành Quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học" chỉ quy định nội dung chính ghi trên văn bằng. Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện Dự thảo "Thông tư ban hành Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân", trong đó có quy định về phụ lục văn bằng.
Dự thảo Thông tư ban hành Quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học đang trong quá trình lấy ý kiến rộng rãi. "Bộ GD&ĐT sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến phù hợp để hoàn thiện Thông tư có chất lượng và tính khả thi cao để đưa Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học vào thực tiễn, góp phần đổi mới giáo dục Đại học Việt Nam trong giai đoạn mới" - ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh.
Phạm Thảo
Theo laodongthudo
Dự thảo không ghi xếp loại trên bằng đại học: Tốt nghiệp loại khá, giỏi không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp cần Không ghi xếp loại trên bằng tốt nghiệp là hoàn toàn hợp lý. Sinh viên có xếp loại cao không đồng nghĩa với việc họ có thể hoàn thành tốt công việc mà doanh nghiệp đang cần. Đó là ý kiến của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khi nói về dự thảo Thông tư ban hành quy định nội dung chính ghi trên...