Bạn sẽ nhận được gì sau 3 tuần bỏ bữa sáng?
Suốt cuộc đời, chúng tôi được nghe rằng bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, và rằng không ăn sáng thậm chí có thể khiến bạn tăng cân.
Nhưng giờ đây một số người lập luận rằng mối liên hệ từ lâu giữa bữa sáng và sức khoẻ tốt chỉ là chuyện “dọa ma” do các công ty sản xuất ngũ cốc ăn sáng nghĩ ra.
Hiện có rất nhiều tranh cãi xung quanh khái niệm về việc nhịn ăn không liên tục, và thậm chí có nhiều bằng chứng chỉ ra những lợi ích sức khỏe thực sự của việc nhịn ăn đối với cả cơ thể và não bộ.
Nhiều người mẫu và người nổi tiếng, bao gồm Miranda Kerr và Beyonce, đều cam đoan về những chế độ nhịn ăn khác nhau.
Có chế độ 5:2, trong đó bạn ăn uống tùy thích 5 ngày trong tuần, nhưng hạn chế lượng calo chỉ 500 calo một ngày trong hai ngày “nhịn đói “, hoặc 16:8, theo đó bạn ăn trong vòng 8 giờ, và nhịn ăn trong 16 giờ còn lại. Ngoài ra còn có chế độ The 2 Meal Day – hay Hai bữa một ngày, yêu cầu chỉ ăn hai bữa một ngày, và bỏ bữa sáng hoặc bữa tối.
Một số người luôn gặp khó khăn trong việc theo đuổi một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt. Hạn chế một số loại thực phẩm chỉ khiến bạn thèm chúng hơn, và việc tính lượng calo có thể khiến bạn phát chán.
Nếu thấy bị cuốn hút bởi khái niệm về nhịn ăn và liệu đưa việc này vào chế độ ăn uống có phù hợp với lối sống của của mình hay không, bạn có thể quyết định thay đổi một chút thói quen hàng ngày bằng cách bỏ bữa sáng trong một vài tuần.
Với một số người ủng hộ nhịn ăn tuyên bố rằng bỏ bữa sáng có thể cung cấp cho bạn nhiều năng lượng, làm cho bạn ăn ít hơn, và thậm chí giảm cân, có vẻ như đáng để thử.
Nếu không muốn chuyên chú vào hai bữa một ngày, bạn có thể cho phép mình ăn vặt trong những giờ không nhịn ăn, vì vậy, mặc dù bạn thường ăn sáng hàng ngày, nó cũng không giống như một sự hy sinh.
Dưới đây là những chia sẻ của Rosie Fitzmaurice về điều gì xảy ra khi bạn bỏ bữa sáng trong ba tuần:
Với ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy những lợi ích sức khỏe thực sự của việc nhịn ăn, tôi đã quyết định thay đổi một chút thói quen hàng ngày bằng cách bỏ qua bữa sáng trong 2 tuần để xem nó có tác động không và tác động như thế nào.
Tôi đã phỏng vấn một số huấn luyện viên cá nhân và những người có ảnh hưởng về thể lực, họ nói rằng họ ăn sáng rất nhiều, và đó là khi họ nạp carbonhydrat cho một ngày vì họ sẽ có phần còn lại trong ngày để tiêu hóa nó.
Vì thế, tôi thường cho rằng ăn bữa sáng lớn hơn sẽ làm cho tôi ăn ít hơn trong ngày – mặc dù tôi chưa bao giờ thử nghiệm lý thuyết này. Cá nhân tôi thường thèm bữa sáng ngon miệng và thường ăn nhiều bánh mì nướng, trứng và quả bơ trong bữa sáng cả vào ngày thường và ngày cuối tuần.
Với thí nghiệm này, tôi đã quyết định bỏ bữa sáng mỗi sáng, tạo ra một khoảng thời gian nhịn ăn từ 15 đến 16 giờ một ngày. Nghĩa là tôi ăn bữa tối trước 8 hoặc 9 giờ tối là muộn nhất, và ăn một bữa nữa vào giữa mỗi ngày.
Bởi vì mãi đến trưa mới ăn, tôi phải dựa vào cà phê để trụ qua buổi sáng – nhưng khẩu phần không thay đổi.
Bình thường tôi vẫn uống ít nhất một, thường là hai, cốc cà phê mỗi buổi sáng, vì vậy tôi đoán là mình sẽ uống nhiều hơn trong khi nhịn ăn. Trước đây tôi đã nghe nói rằng có thể dùng caffein như một thuốc làm giảm thèm ăn trong khi nhịn ăn, nhưng tôi thấy lượng cà phê của mình thực sự không hề thay đổi.
Có lẽ vì tôi uống gần 4 lít nước mỗi ngày.
Video đang HOT
Trong lúc nhịn ăn, tôi uống nhiều nước hơn bình thường. Bình thường tôi rất áy náy vì không phải lúc nào cũng uống đủ 2 lít nước như lời khuyên, nhưng trong thí nghiệm này, tôi đã uống từ 1,5 đến 2 lít nước vào buổi sáng thậm chí trước khi ăn gì đó.
Tôi sẽ tiếp tục uống nước suốt buổi chiều, vì vậy tôi uống tới gần 4 lít nước mỗi ngày vào nửa cuối của thử nghiệm ba tuần. Và thói quen vẫn lưu lại với tôi kể từ đó.
Tiếng sôi réo của dạ dày thật đáng xấu hổ …
Bỏ bữa sáng không phải là vấn đề – mà vấn đề là không ăn những miếng trái cây được cung cấp bởi nhà bếp văn phòng, nơi tôi thường ăn nhẹ vào buổi sáng ngoài bữa sáng.
Tôi cứ nghĩ sẽ gặp phải những cơn đau đầu hoặc đói cồn cào, nhưng thực sự không có gì như vậy, chỉ có điều tiếng sôi réo của dạ dày thực sự rất lớn – một điều không “lý tưởng” lắm khi đang làm việc. Và nó không hết trong một vài ngày.
… Và nó không dừng lại trong tuần 2, cũng khó khăn như tuần 1.
Sang tuần thứ hai, dạ dày tôi vẫn chưa thôi “cằn nhằn”. Trên thực tế, có những ngày tôi càm thấy còn tệ hơn tuần đầu tiên.
Đến khoảng 11 giờ 10, tôi lại đói và bụng lại sôi réo, vì vậy tôi tập thói quen ăn một ít trái cây được chuẩn bị sẵn từ trước để ăn vào đúng 12 giờ. Chỉ cần ăn nó tại bàn trong 15 phút cuối cùng của thời gian nhịn ăn dường như thúc đẩy tôi.
Tiếng sôi bụng làm tôi cảm thấy khá phân tâm trong hai tuần đầu của thử nghiệm, và tôi không nhận được sự tăng cường năng lượng mà một số người tuyên bố là có.
Việc nhịn ăn thực sự, thực sự gian truân vào buổi sáng sau khi uống một vài ly…
Trong tuần đầu tiên bỏ bữa sáng tôi đã đi uống vài ly với một người bạn theo lịch hẹn từ nhiều tuần trước. Sáng hôm sau tôi đói rã rời và hầu như không thể tập trung vào công việc. Tôi không bị chếnh choáng, mà thật sự rất thèm bánh mì hoặc thứ gì đó nhiều carbonhydrat để hút hết đi.
… Hoặc buổi sáng sau khi tập luyện.
Buổi sáng sau buổi tập đầu tiên trong thời gian thử nghiệm, tôi vẫn thực sự đói, mặc dù đã ăn một đĩa mì Ý sau khi rời phòng tập tối hôm trước.
Đây là khía cạnh của thí nghiệm mà tối không thể nào quên – có vẻ như vô ích khi phải nhịn đói đến tận trưa hôm sau trong khi tối hôm trước đã tập thể dục, nhưng tôi vẫn kiên trì tiếp tục kế hoạch đã đặt ra.
Tuy nhiên, tôi thấy rằng mình đang tiết kiệm tiền.
Tôi tiêu ít tiền hơn cho thực phẩm, không phải chỉ vì tôi không mua bữa sáng nữa, mà còn vì tôi phải lên kế hoạch trước.
Khi bạn định nhịn ăn 15 hoặc 16 giờ, bạn cần phải chắc chắn rằng mình có sẵn đồ ăn thích hợp để ăn khi hết giờ nhịn, vì lúc đó bạn sẽ rất đói. Tôi không muốn phải đợi đến siêu thị để mua bữa trưa khi đang đói, vì vậy tôi đã tốt hơn nhiều trong việc mang thức ăn thừa hoặc cất sẵn đồ ăn ở nơi làm việc để ăn trưa.
Nó cũng làm tôi chú ý hơn về những gì đưa vào người…
Từ khía cạnh tâm lý, có vẻ thật kém sáng suốt khi chấm dứt cơn đói bằng đồ ăn không lành mạnh, vì vậy nói chung tôi đã ăn nhiều thực phẩm lành mạnh hơn.
Như với bất kỳ chế độ ăn kiêng nào, nó khiến tôi phải đánh giá lại những gì mình ăn vào, và tôi ý thức hơn về việc ăn bữa ăn cân đối. Điều này mở rộng sang cả bữa chiều, như một ví dụ được nhìn thấy ở trên.
…Và nói chung tôi đã ăn ít hơn.
Tôi nhận thấy mặc dù có một khoảng thời gian không ăn dài hơn bình thường, tôi không thấy mình ăn nhiều hơn trong những giờ không nhịn ăn. Nói chung tôi vẫn ăn cùng một lượng thực phẩm trong suốt phần ngày còn lại như bình thường.
Điều này cũng có thể vì tôi uống nhiều nước, nhưng tôi thấy mình lắng nghe cơ thể nhiều hơn về việc đói hay khát.
Trong khi không đếm số calo, có vẻ tôi ăn ít hơn, và đang trên đường đi đến thiếu calo.
Ngày nghỉ cuối tuần thường dễ dàng hơn ngày đi làm.
Việc nhịn ăn đến trưa hôm sau vào ngày nghỉ cuối tuần dễ dàng hơn nhiều so với ngày trong tuần, ngoại trừ chủ nhật đầu tiên của thử nghiệm khi tôi quên khuấy chuyện nhịn đói và ăn sáng bằng một miếng pizza còn lại của tối hôm trước.
Tuy nhiên, điều này hầu như không đáng ngạc nhiên, vì tôi thường dậy muộn và sẽ có bữa trưa kiêm bữa sáng thay vì bữa sáng.
Tôi vượt qua khó khăn trong trong tuần 3.
Ban đầu tôi chỉ định bỏ bữa sáng trong hai tuần, nhưng đến hết tuần thứ hai, tôi cảm thấy mình đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và mọi thứ bắt đầu dễ dàng hơn rất nhiều.
Việc nhịn ăn không ngăn cản tôi ăn các món ăn sáng – chỉ là tôi sẽ ăn chúng muộn hơn trong ngày.
Tôi không ăn bữa trưa kiêm bữa sáng trong bức ảnh ở trên cho đến 3 giờ chiều trong ngày nghỉ cuối tuần thứ hai của thử nghiệm, và cảm thấy rất dễ dàng. Ngày tiếp theo tôi đợi đến 3 giờ 30 mới ăn. Tôi có thể cảm thấy một mô hình bắt đầu xuất hiện vì vậy tôi quyết định bỏ bữa sáng thêm một tuần nữa.
Sau thử nghiệm, tôi tự thưởng cho những nỗ lực của mình bằng một bữa sáng từ nhà hàng cao cấp – và nó khiến tôi cảm thấy đầy bụng, mệt mỏi và đói hơn.
Tôi chính thức kết thúc thử nghiệm vào thứ Ba, nhưng qua vài ngày tiếp theo tôi vẫn không cảm thấy đói cho đến giữa trưa. Đến thứ Sáu, tôi quyết định thưởng cho những nỗ lực của mình bằng bữa sáng Pret brioche, một bữa sáng mà tôi thường tự thết mình khi kết thúc một tuần.
Tôi nhận thấy nó khiến tôi thực sự đầy bụng, buồn ngủ và đến 12 giờ tôi đã lại đói bụng muốn ăn trưa. Hết một ngày, tôi nhận ra mình đã ăn nhiều hơn những ngày bỏ bữa sáng.
Việc bỏ bữa sáng đã thay đổi cách ăn uống của tôi – và nó cũng có những lợi ích khác nữa.
Điều tốt nhất đến từ thử nghiệm là việc tăng đáng kể lượng nước uống.
Trong khi không nhận thấy bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào về giảm cân trong ba tuần thử nghiệm, nó làm tôi định hình lại những gì đưa vào cơ thể. Quá trình khiến tôi đặt câu hỏi tại sao mình lại ăn: vì thói quen, buồn chán, hay thực sự đói?
Tôi cũng cảm thấy như mình đạt được điều gì đó, bằng cách phát huy việc tự kiểm soát và không ăn ngay khi cảm thấy hơi đói.
Tôi không còn muốn ăn ở bàn chỉ vì đó là giờ ăn sáng. Tương tự, tôi sẽ không hạn chế bản thân mình vào ngày sau khi tập luyện nếu tôi đói vào buổi sáng.
Tuy nhiên, tôi tự nhiên cảm thấy đói muộn hơn nhiều so với trước – và tôi ăn ít hơn trong suốt cả ngày.
Cẩm Tú
Theo Dân trí
Nhịn ăn 49 ngày có kích thích sáng tạo, cải thiện sức khoẻ?
Vừa qua thông tin về doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ cùng một số người tham gia vào quá trình nhịn ăn lên tới 49 ngày khiến dư luận xôn xao. Cùng với đó là một số thông tin lưu truyền như nhịn ăn kích thích sự sáng tạo của bộ não, khiến cho cơ thể nhẹ nhõm, mắt tinh, tai thính...
Chia sẻ với phóng viên, Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám, tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết việc thiền nhịn ăn 49 ngày là việc làm nguy hiểm và phản khoa học.
Trước đó, như một số phương tiện truyền thông đưa tin, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã thực hiện khóa thiền kết hợp nhịn ăn trong 49 ngày và chỉ uống nước mè đen rang. Sau quá trình nhịn ăn ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã giảm được 12kg và có nhiều thay đổi.
ThS. Lê Thị Hải cho rằng, một người bình thường nếu nhịn uống nước quá 5 ngày chắc chắn người đó sẽ tử vong, còn ở đây ông Vũ nhịn ăn nhưng vẫn uống nước mè đen rang thì vẫn có thể duy trì sự sống nhưng "Tôi lưu ý điều này hoàn toàn không tốt cho sức khỏe".
Về mặt khoa học, một người bình thường chỉ uống nước lọc và nhịn ăn thì vẫn có thể sống được vài tuần. Đằng này, ông Vũ vẫn uống nước mè đen rang, tức là không phải "nhịn hoàn toàn" bởi trong nước mè đen cũng có rất nhiều chất dinh dưỡng như chất béo, chất đạm. Khi một người không nạp năng lượng từ bên ngoài vào để duy trì hoạt động cho cơ thể thì cơ thể tự khắc lấy năng lượng dự trữ ở mỡ và cơ để duy trì sự sống.
Trong nước mè đen cũng có rất nhiều chất dinh dưỡng như chất béo, chất đạm
Nếu nhịn ăn lâu như vậy thì có nguy cơ gì đối với sức khỏe?
ThS Lê Thị Hải cho biết, nhịn ăn thời gian dài như vậy có nhiều nguy cơ đối với sức khỏe. Đầu tiên, hệ tiêu hóa sẽ bị ảnh hưởng do các tuyến tiêu hóa vẫn liên tục tiết men tiêu hóa nhưng lại không được sử dụng dần dần sẽ teo đi. Khi chúng ta không cung cấp năng lượng cho cơ thể qua đường ăn uống thì cơ thể sẽ lấy năng lượng từ mỡ và cơ để hoạt động, từ đó sẽ dẫn đến hậu quả là cơ bị teo nhẽo, cơ thể sẽ dần suy kiệt.
Người mắc bệnh mạn tính càng không nên nhịn ăn - ThS. Hải khuyến cáo. Tùy vào thể trạng và bệnh tật của mỗi người, chúng ta kiêng khem một số loại thực phẩm. Như với người bị bệnh thận, hoặc suy thận cần kiêng muối, chất đạm, người bị tiểu đường cần hạn chế chất ngọt, chất đường bột... Ngay cả những người mắc bệnh mạn tính cũng không cần kiêng tuyệt đối 100% các loại thực phẩm nói trên, chúng ta chỉ ăn với lượng nhỏ. Với người bình thường cũng không nên nhịn ăn.
"Tôi đã chứng kiến rất nhiều người bình thường chỉ nhịn ăn sáng có thể bị viêm loét dạ dày", ThS. Hải chia sẻ. Nhịn ăn là phương pháp phản khoa học, nếu người nào muốn giảm cân cần kết hợp ăn uống khoa học, với tập luyện thể dục thể thao. Cách nhịn ăn hoàn toàn 49 ngày là rất nguy hiểm.
Theo như một số người cùng tham gia quá trình nhịn ăn với ông Đặng Lê Nguyên Vũ chia sẻ trên một số phương tiện truyền thông, thì khi nhịn ăn 7 ngày, người này có cảm giác mũi ngửi tinh hơn, mắt sáng hơn, tai thính hơn, người nhẹ nhõm hơn, thậm chí là đánh thức sự sáng tạo của bộ não. ThS Lê Thị Hải cho rằng, những thông tin này không có căn cứ khoa học. Nếu một người bình thường đang thừa cân, béo phì, khi nhịn ăn trong những ngày đầu sẽ có cảm giác nhẹ nhõm hơn vì họ đã giảm được một số cân nặng do chất béo được huy động để nuôi cơ thể. Nhưng nếu nói "mũi ngửi tinh hơn, mắt sáng hơn, tai thính hơn" hoàn toàn không đúng. Khi cơ thể thiếu năng lượng đầu vào, họ sẽ bị hoa mắt, chóng mặt, ù tai.
ThS Lê Thị Hải khẳng định thông tin khi thiền kết hợp nhịn ăn sẽ "đánh thức sự sáng tạo của bộ não" là hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Bởi não là một trong những bộ phận cơ thể cần gluco nhất, các cơ quan khác khi không có năng lượng do thức ăn đưa vào có thể huy động năng lượng từ mỡ, nhưng bộ não khi đốt cháy năng lượng cần gluco mới có thể hoạt động nhịp nhàng được. ThS Lê Thị Hải khuyên cần có chế độ ăn uống khoa học, muốn giảm cân cần kết hợp ăn uống khoa học với tập luyện thể dục thể thao.
Theo Sức khỏe & Đời sống
Ăn sáng thế nào cho đủ chất dinh dưỡng? Bữa sáng nên ăn nhiều hơn trưa và tối, đầy đủ 3 thành phần: ngũ cốc, protein và trái cây để cung cấp năng lượng cho ngày mới. Lý do bữa sáng quan trọng nhất Theo Boldsky, ăn sáng giúp cung cấp năng lượng, làm giảm căng thẳng, điều chỉnh đường huyết, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, cải thiện bộ...