Băn khoăn về việc cấm nêu tên học sinh mắc khuyết điểm trước lớp
(Công lý) – “Việc cấm nêu tên học sinh mắc khuyết điểm trước lớp là một việc làm tốt mang tính nhân văn, có thể là với mong muốn bớt áp lực cho em học sinh bị phạm lỗi, song liệu có triệt để hay không?” – chuyên gia tâm lý Dương Kim Ngân nhận định.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố dự thảo “Điều lệ trường tiểu học”, trong đó có nhiều điểm mới được sửa đổi, đặc biệt là quy định về quyền lợi của học sinh cũng như những việc giáo viên không được làm. Một trong những điểm đáng chú ý đó là: Cấm nêu tên học sinh mắc khuyết điểm trước lớp.
Theo đó, những học sinh có khuyết điểm trong quá trình học tập và rèn luyện, giáo viên không được công bố tên học sinh trước cả lớp, và tùy theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp như: nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn; thông báo với gia đình nhằm giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.
Theo dự thảo mới về Điều lệ trường tiểu học, các thầy cô không nêu tên học sinh mắc khuyết điểm trước lớp.
Một quy định nhân văn
Ở lứa tuổi tiểu học, trẻ đang trong quá trình phát triển toàn diện về mọi mặt, vì thế nhân cách của các em sẽ được hoàn thiện dần cùng với tiến trình phát triển của mình. Cũng theo các nghiên cứu về tâm lý trẻ tiểu học, ở lứa tuổi này, trẻ có đặc trưng là luôn có sự mặc cảm và tin tưởng người lớn tuyệt đối. Chính vì thế, nếu người lớn quá khắc nghiệt hoặc nới lỏng quan tâm thì có thể gây cho các em những ấn tượng lệch lạc, thậm chí “gây di hại suốt đời về mặt nhân cách tâm lý và ứng xử”.
Ngược lại, nếu trẻ nhận ra ở người lớn (thầy cô, cha mẹ) một sự chở che, bao bọc, quan tâm, cảm thông thực sự, thì các em sẽ dần trở nên thân thiết và tin cậy tuyệt đối. Một điều mà các chuyên gia nghiên cứu về tâm lý trẻ em cho rằng, người lớn không nên gây cho trẻ cảm tưởng bị áp đặt, khống chế các em bằng chính những luật lệ mà có thể ngay chính bản thân những người lớn chưa chắc đã thực hiện đúng, chuẩn chỉnh. Thay vào đó, nếu khéo léo khích lệ trẻ, hoặc khi trẻ sai, làm chưa đúng thì nhẹ nhàng phân tích cho trẻ hiểu, chắc chắn trẻ sẽ dần tin tưởng và làm theo.
Video đang HOT
Học sinh trường tiểu học Phương Mai. Ảnh minh họa: Vương Đức
Quay trở lại bản dự thảo Điều lệ trường tiểu học, cần khẳng định việc “Cấm nêu tên học sinh mắc khuyết điểm trước lớp” không phải là một quy định mới. Mười năm trước, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã ban hành Quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học, trong đó Khoản 2 Điều 15 về trách nhiệm của giáo viên phụ trách lớp có một điểm tương tự: “Không thông báo trước lớp và trong cuộc họp cha mẹ học sinh những điểm chưa tốt của từng học sinh”.
PGS. Văn Như Cương nhận xét, việc không nêu tên học sinh mắc khuyết điểm trong cuộc họp phụ huynh là điều nên làm, bởi xét về mặt tâm lý, điều này sẽ tránh phụ huynh (có con em bị phê bình) thấy xấu hổ, mất mặt trước những phụ huynh khác, và có thể dẫn tới những việc làm, lời nói không với con khi về nhà. Với học sinh, các em sẽ tránh bị lôi ra làm “gương xấu” cho những phụ huynh khác mỗi khi dạy dỗ con cái mình.
Liệu có triệt để?
Trao đổi với chuyên gia tâm lý Dương Kim Ngân – chuyên nghiên cứu về các biện pháp phòng chống bạo phụ nữ và trẻ em, chị đánh giá việc Bộ Giáo dục – Đào tạo đưa ra dự thảo mới, trong đó có việc cấm nêu tên học sinh mắc khuyết điểm trước lớp, là một việc làm tốt mang tính nhân văn, có thể là với mong muốn bớt áp lực cho em học sinh bị phạm lỗi. Tuy nhiên, chuyên gia Dương Kim Ngân bày tỏ lo ngại rằng việc giảm bớt áp lực đó liệu thực sự có triệt để hay không?
Chuyên gia Dương Kim Ngân phân tích, nếu một em nào đó mắc lỗi, thậm chí cả trường biết, giáo viên biết, vậy liệu nhà trường, thầy cô có thể “bỏ qua” lỗi đó, chỉ nhắc nhở trực tiếp em đó hoặc trao đổi với phụ huynh không? Liệu rằng, sau khi em đó mắc lỗi mà “không bị nhắc nhở” (trong khi mọi người đều biết) thì thái độ của bạn bè sẽ thế nào?
Theo chuyên gia Dương Kim Ngân, bản chất gốc ở đây là bạo lực học đường, mà cụ thể dự thảo đưa ra nhằm tránh gây ra bạo lực tinh thần cho học sinh vi phạm khuyết điểm. Lấy ví dụ, hồi đầu tháng 3/2015, khi giải quyết vụ một nữ sinh bị đánh hội đồng ở Trà Vinh, thì nhóm gây lỗi bị đề xuất xử lý bằng hình thức đuổi học. Về bản chất, đây là một hình thức bạo lực tinh thần với những người phạm lỗi.
Cô Đ.T.H, giáo viên một trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia cấp độ 2 ở ngoại thành Hà Nội cho biết: Quy định này có cái hay vì không làm tổn thương trẻ, không làm mất sĩ diện trẻ trước lớp. Tuy nhiên, với cách giáo dục trẻ theo hình thức “làm gương” thì bây giờ có vẻ như khó mà áp dụng cách này được.
Cô Đ.T.H cho biết trẻ tiểu học, nhất là các em lớp 1, lớp 2, thường có tính bắt chước, học theo hành vi của bạn. Nếu một em làm sai mà thầy cô không chấn chỉnh luôn thì rất có thể những bạn khác sẽ hiểu lầm là hành động đó được phép sử dụng mà không bị chê trách, và rất có thể sẽ làm theo. Và như vậy, liệu giáo viên sẽ thường xuyên chạy theo từng em một để giải thích, nhắc nhở?
Nên tìm hiểu nguyên nhân khi trẻ mắc lỗi
Bà Lý Hà Thu, Chuyên gia quản trị tâm thế Tổng Giám đốc Công ty Tâm Thế Việt khẳng định: “Theo tôi thì “Không có học trò kém, chỉ có thầy chưa giỏi”.
Bà Lý Hà Thu phân tích: Bản chất con người ta ai sinh ra cũng giỏi, cũng tốt. Nhưng họ bị ảnh hưởng và chịu chi phối từ những người xung quanh mình, thậm chí cả môi trường học sống. Vậy nên, người thầy khi tạo được cảm hứng cho học trò, đương nhiên học sinh sẽ có cảm hứng để học.
Con người ai cũng có những sai lầm, khuyết điểm. “Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”. Trong một hành động của học trò, xét ở một góc độ nào đó, có thể chưa đúng với nội quy mà trường, lớp đề ra. “Thế nhưng, đứng dưới góc độ một người thầy, nếu có tình yêu thương đủ lớn với học sinh, thì họ sẽ biết làm như thế nào, biết xử lý vấn đề ra sao”, bà Lý Hà Thu nhấn mạnh.
Thay vì dùng những ngôn từ nặng nề chỉ trích học sinh vi phạm trước lớp, thầy cô hãy tìm hiểu kỹ vì sao trẻ mắc lỗi và lựa chọn lời nói, tông giọng phù hợp khi phê bình các em. Tranh minh họa
Theo chuyên gia quản trị tâm thế, việc nêu tên học sinh lên mắc khuyết điểm trước lớp sẽ có giá trị về mặt kỷ luật, song bên cạnh đó, có thể sẽ gây hiệu ứng tâm lý không tốt. Trong một số trường hợp, giáo viên có thể nói chuyện riêng với em này, và tìm hiểu xem vì lý do gì mà em lại có hành vi chưa đúng, chưa tốt, thì có lẽ em sẽ cảm thấy được quan tâm hơn, và từ đó sẽ tin tưởng mà không mắc khuyết điểm nữa.
Cũng cùng quan điểm với chuyên gia tâm thế Lý Hà Thu, PGS. Văn Như Cương, chuyên gia tâm lý Dương Kim Ngân hay một số giáo viên tiểu học, phụ huynh có con trong độ tuổi này đều cho rằng: Việc nhắc nhở các cháu mắc khuyết điểm trước lớp là nên làm. Tuy nhiên, các thầy cô nên nhắc nhở, phê bình các em bằng tình yêu thương của mình, nên lựa chọn ngôn từ cho hợp lý, tránh cho trẻ cảm thấy bị xúc phạm, tổn thương.
Một điều vô cùng quan trọng, thầy cô và phụ huynh nên thường xuyên trao đổi với nhau để nắm bắt được hoàn cảnh, tâm lý của từng trẻ. Nếu trẻ mắc lỗi, cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao trẻ có hành vi chưa đúng để có biện pháp phù hợp.
Trao đổi qua điện thoại, PGS. Văn Như Cương cho biết, ông cảm thấy rất khó hiểu với quy định mới trong dự thảo mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra. Có rất nhiều hình thức kỷ luật học sinh, phê bình, cảnh cáo trước lớp, trước trường…
Chẳng hạn như một học sinh đánh nhau thì cần phê bình cảnh cáo trước lớp, trước trường. Vậy thì ở trong trường hợp này, thầy cô, nhà trường nên xử lý ra sao? PGS. Văn Như Cương dẫn giải: Có những hiện tượng thậm chí giáo viên phải mang ra trước lớp để thảo luận. Không chỉ đánh nhau, mà ngay cả nói tục, chửi bậy – một vấn đề rất đáng quan tâm trong thời gian qua – cũng cần mang ra thảo luận để chấm dứt tình trạng đó. Chẳng hạn, một em học sinh của trường bị Giám thị bắt gặp chửi tục ngoài đường, vậy thì cần phải nêu tên để em đó biết được khuyết điểm của mình mà lần sau không tái phạm nữa.
Theo dự thảo này, có những việc đáng phê bình trước lớp, chẳng hạn như có em rất nhiều lần gọi lên bảng không thuộc bài, cô bảo lần sau lại kiểm tra rồi lại không thuộc, vậy thì có nên phê bình trước lớp không? “Bắt buộc, cô sẽ phải phân tích và phê bình học sinh này học hành chểnh mảng, vì sao không học bài…”, PGS. Văn Như Cương thẳng thắn.
Hay một hành vi điển hình là khi thầy cô đang giảng bài, có một học sinh nào đó làm ồn, thì giáo viên nên nhắc nhở, phê bình trong giờ học. Đó âu cũng là chuyện bình thường.
Theo Công lý