Băn khoăn của giáo viên về chương trình môn Lịch sử
“Trong dự thảo, phân phối chương trình đề ra 105 tiết nhưng chúng tôi cộng lại chỉ có 100 tiết! Còn 35 tiết chuyên đề thì phân vào đâu hay tùy trường bố trí?”.
Trong dự thảo, về phân phối chương trình đề ra 105 tiết nhưng giáo viên cộng lại thì chỉ có 100 tiết! (Ảnh minh họa: VTV)
Được biết, chương trình giáo dục phổ thông mới dự kiến sẽ được bắt đầu triển khai trên cả nước từ năm học 2019-2020 với lớp 1 của bậc tiểu học, từ năm học 2020-2021 với lớp 6 của bậc trung học cơ sở và từ năm học 2021-2022 với lớp 10 của bậc trung học phổ thông.
Trả lời câu hỏi “Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ khắc phục tình trạng học sinh sợ và chán học môn Lịch sử như thế nào?” của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trong cuộc họp báo, Giáo sư Phạm Hồng Tung – Tổng Chủ biên chương trình môn Lịch sử cho hay:
“Trong chương trình giáo dục phổ thông mới Ban soạn thảo đặt ra 3 nhiệm vụ đối với giáo viên giảng dạy môn Lịch sử.
Thứ nhất, đảm bảo cho học sinh yêu thích, say mê môn Lịch sử.
Hai là, dạy môn Lịch sử phải đúng nghĩa là dạy một môn khoa học.
Thứ ba, giáo viên phải phân tích được cho học sinh hiểu học lịch sử vận dụng vào đâu và làm gì”.
Video đang HOT
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, qua tìm hiểu, theo ý kiến của các giáo viên tổ Lịch sử của một trường Trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội có một vài băn khoăn về dự thảo chương trình môn Lịch sử.
Theo một giáo viên đề nghị giấu tên: “Trong dự thảo, về phân phối chương trình đề ra 105 tiết nhưng chúng tôi cộng lại thì chỉ có 100 tiết!
Còn 35 tiết chuyên đề thì phân vào đâu hay tùy trường bố trí ngoài giờ? Vậy những trường không có kinh phí trả cho giáo viên thì chắc không thể tiến hành được!
Muốn thực hiện chương trình thì việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn sẽ tiến hành như thế nào?”.
Bởi lẽ theo đánh giá của các giáo viên này, ngay trung tâm Thủ đô nhưng chất lượng bồi dưỡng chuyên môn của bộ môn sử khoảng dăm năm nay hiệu quả rất thấp, giáo viên không thỏa mãn.
Đội ngũ giáo viên lớn tuổi nếu không có ý thức tự bồi dưỡng thì kiến thức lạc hậu (nhất là về công nghệ thông tin);
Còn đội ngũ giáo viên trẻ được đào tạo công nghệ thông tin trong trường đại học, có kinh nghiệm trình chiếu nhưng trình độ chuyên môn hầu hết còn yếu do kiến thức cuộc sống và thiếu thực tế, phương pháp giảng dạy nặng về truyền thụ mà lại không được bồi dưỡng thường xuyên.
Ngoài ra, các giáo viên tổ Lịch sử của trường Trung học phổ thông này cũng nhận thấy rằng, nếu chương trình hiện hành nặng về kiến thức nhưng lại phân rõ theo thời gian cổ, trung, cận, hiện đại còn chương trình mới gần như làm theo chuyên đề, khối 10 và 11 đều học về cổ, trung, cận, hiện đại còn khối 12 học phần quan hệ đối ngoại Việt Nam từ cổ đại đến hiện đại!
Lúc này, họ đặt câu hỏi: “Cách bố trí chương trình như vậy có trùng với các cuộc kháng chiến đã học ở lớp dưới hay không?”.
Ngoài ra, khi xem nội dung chương trình môn Lịch sử, các giáo viên nhận thấy, chương trình lớp 10 vẫn nặng như trước.
Chương trình hiện hành thì dài, học sinh phải học cả nguyên thủy, cổ, trung và nửa cận đại;
Còn chương trình mới thì lại quả khó vì lí luận cao đối với các em độ tuổi 14, 15!
Hơn nữa, việc Bộ đưa ra phương án kết hợp với phụ huynh trong giảng dạy môn Lịch sử đó là: “Cha mẹ lắng nghe con kể chuyện lịch sử” rồi “cùng con khám phá lịch sử địa phương”, theo các giáo viên Lịch sử cho rằng đó là viễn tưởng.
Bởi đối với tình hình xã hội hiện nay, nhiều gia đình cuộc sống mưu sinh không cho phép họ làm được điều đó, giáo viên cũng chẳng có thời gian gần phụ huynh để vận động họ tham gia!
Theo Giaoduc.net
Giáo viên có "đủ trình" để theo kịp chương trình phổ thông mới?
Bộ GD&ĐT vừa công bố Dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhiều ý kiến cho rằng, nỗi lo lớn nhất khi triển khai chương trình mới là chất lượng giáo viên, việc thiếu, thừa giáo viên ở nhiều môn học.
Về lâu dài, trường sư phạm sẽ xây dựng chương trình đào tạo giáo viên tích hợp khi triển khai chương trình giáo dục tổng thể mới. Ảnh minh họa: Q.Anh
Bài toán khó thừa - thiếu giáo viên
Sau nhiều ngày chờ đợi, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố Dự thảo các Chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong Chương trình giáo dục phổ thông mới để lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông , chương trình giáo dục phổ thông mới có 20 môn/hoạt động giáo dục. Trong đó, những môn học bắt buộc xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 như tiếng Việt/Ngữ văn, Toán, Giáo dục công dân, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp....
Cũng theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, chương trình các môn học có nội dung gắn với mỗi cấp học và những yêu cầu cần đạt cụ thể (mức độ biểu hiện cụ thể của năng lực cần hướng tới). Chương trình tập trung phát triển năng lực học sinh; trong đó năng lực là sự kết hợp tố chất, phân hóa phát triển kỹ năng của học sinh... Để chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình mới, Bộ GD&ĐT cho biết, trong thời gian qua Bộ cũng đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các trường sư phạm trên phạm vi cả nước triển khai các biện pháp bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên đáp ứng theo yêu cầu của chương trình mới đề ra.
Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục trong cả nước đã có ý kiến đóng góp, trong đó lo ngại nhất là về đội ngũ giáo viên hiện nay, liệu khi áp dụng các môn học theo hình thức mới, tích hợp, đội ngũ này có "theo" kịp? Bên cạnh đó, việc rút gọn môn học cũng kéo theo thực trạng thiếu giáo viên ở các môn học mới và thừa rất nhiều giáo viên ở các môn học "truyền thống".
Cụ thể, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện nay cả nước thiếu khoảng 5.616 giáo viên tiếng Anh; 5.607 giáo viên Tin học ở Tiểu học... Trong khi đó, nếu đối chiếu với một số môn mới đưa vào chương trình sẽ phải tuyển giáo viên mới hoàn toàn, đặc biệt với môn Ngoại ngữ đang thiếu nghiêm trọng ở cấp Tiểu học. Nếu như theo như lộ trình triển khai của chương trình mới, bắt đầu từ năm học 2021 - 2022 đến năm học 2023 - 2024, mỗi năm sẽ phải tuyển bổ sung khoảng 2.000 giáo viên tiếng Anh và 2.000 giáo viên Tin học. Trên cơ sở số giáo viên đang thừa khoảng 8.874 hiện nay, Bộ GD&ĐT lại "bất đắc dĩ" phải đề nghị các địa phương ưu tiên tuyển thêm giáo viên các môn học mới.
Giáo viên sẽ cần "đa di năng"?
Trước những băn khoăn về trình độ giáo viên đáp ứng cho Chương trình mới, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết: "Hiện nay, Bộ đã lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, trong đó, các trường sư phạm sẽ đào tạo giáo viên dạy các môn theo chương trình môn học mới ví dụ như: Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội. Đồng thời, Bộ cũng sẽ thực hiện lộ trình lựa chọn giáo viên cốt cán bồi dưỡng trước. Theo đó, mỗi môn học sẽ có 2 giáo viên được lựa chọn ở cấp tỉnh, thành phố để bồi dưỡng cốt cán khoảng 8 ngày vào kỳ 2 năm 2019. Sau đó, Bộ sẽ tổ chức bồi dưỡng giáo viên đại trà qua mạng".
Cũng theo Bộ GD&ĐT, Bộ cũng lên kế hoạch bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp. Theo tính toán, mỗi giáo viên sẽ phải học thêm 20 tín chỉ (mỗi tín chỉ 15 tiết) để dạy tích hợp. Khi đó, giáo viên Lịch sử có thể dạy cả Địa lý và ngược lại, đảm bảo tất cả giáo viên sẽ đáp ứng được các yêu cầu của đổi mới giáo dục. PGS.TS Mai Sĩ Tuấn, Tổng Chủ biên môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội cho biết, việc tích hợp các môn học như tự nhiên hay xã hội đã được Bộ GD&ĐT nghiên cứu, lên kế hoạch chuẩn bị từ trước đây, việc áp dụng tích hợp các môn học giúp học sinh được giảm tải, có sự liên hệ giữa các môn học.
"Giáo viên cũng đã được chuẩn bị, tập huấn về chủ trương tích hợp môn học từ trước đây chứ không phải bây giờ mới tiến hành. Đối với giáo viên bộ môn, việc kết hợp với các môn tích hợp cũng không nhiều khó khăn bởi đã nắm được kiến thức. Một giáo viên môn Toán, cũng sẽ đủ kiến thức để dạy thêm các môn như Vật Lý, Hóa học... chỉ cần thông qua bồi dưỡng, thậm chí đọc tài liệu là hoàn toàn có thể dạy được. Trên cơ sở chủ trương tích hợp, các môn học có sự lồng ghép giúp học sinh có sự liên hệ để phát huy hiểu biết, năng lực. Tích hợp môn học cũng đã được áp dụng tại nhiều quốc gia, trên cơ sở học hỏi các nước sẽ áp dụng một cách phù hợp tại Việt Nam", PGS.TS Mai Sĩ Tuấn .
Còn theo GS. Nguyễn Minh Thuyết: "Trước mắt, việc dạy tích hợp không đặt ra yêu cầu một giáo viên phải dạy nhiều lĩnh vực, mà có thể 3 người dạy 1 môn tích hợp. Còn những chủ đề liên môn thì thiên về môn nào, giáo viên môn đó sẽ đứng lớp. Tuy nhiên, về lâu dài, trường sư phạm sẽ xây dựng chương trình đào tạo giáo viên tích hợp".
Theo Giadinh.net
Lâm Đồng tạo môi trường cho học sinh nghiên cứu khoa học Lâm Đồng là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học. Qua mười lần tổ chức cuộc thi cấp tỉnh, sáu lần tham gia cuộc thi cấp quốc gia và tham dự các cuộc thi KHKT khu vực, quốc tế; nhiều đề tài, dự án khoa học...