Băn khoăn chuyện tăng quyền học sinh, hạ chuẩn giáo viên tiểu học
Nhiều điểm mới Bộ GD-ĐT đưa ra trong dự thảo Điều lệ trường tiểu học vẫn còn không ít băn khoăn.
Băn khoăn sĩ số 35 học sinh/ lớp
Theo dự thảo, mỗi lớp sẽ có không quá 35 học sinh. Lớp học có lớp trưởng, lớp phó hoặc chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh do tập thể học sinh bầu hoặc do giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ định luân phiên trong năm học.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (quận Hà Đông, Hà Nội) Bùi Thị Minh Thu cho rằng, quy định lớp học không quá 35 học sinh đối với các thành phố, thị xã đông dân cư cần có sự linh hoạt.
Một thực tế là nhiều đô thị lớn như Hà Nội việc mở rộng trường lớp không hề dễ khi dân cư tập trung về tăng quá nhanh, quy hoạch trường lớp không kịp đáp ứng. Trong khi yêu cầu phổ cập giáo dục, bậc tiểu học 100% học sinh phải được đến trường.
Quy định mỗi lớp dưới 35 học sinh là yêu cầu, thách thức đặt ra với nhiều đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM. Đa phần lớp học tại Hà Nội hiện nay sĩ số lớp mỗi học đều trên 50 em.
Cô Huỳnh Thị Bực, hiệu trưởng Trường Tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt (quận 5, TP.HCM) cho rằng, việc quy định mỗi lớp học không quá 35 học sinh theo mô hình mới nếu cố gắng có thể thực hiện được, mặc dù ở nội thành có nhiều trường đang vượt sĩ số.
Quy định lớp học không quá 35 em ở nhiều đô thị lớn như Hà Nội được cho là cực kỳ khó thực hiện. (Ảnh minh họa, Ảnh: Văn Chung).
Video đang HOT
Không hay khi dùng “chủ tịch”, “phó chủ tịch” trong lớp
Về việc một lớp có thể có chủ tịch hội đồng tự quản được luân phiên (hướng theo mô hình trường tiểu học mới – VNEN) một số giáo viên băn khoăn có nên trao quyền cho học sinh ở độ tuổi các em còn non nớt.
Tuy nhiên theo bà Bùi Thị Minh Thu nhìn nhận đó là điểm tích cực ở dự thảo khi quy định học sinh được luân phiên đảm nhiệm vị trí này. Như vậy, mỗi học sinh có thể phát huy vai trò, năng lực và sự tự tin.
Một hiệu trưởng trường tiểu học ở quận Ba Đình, Hà Nội cũng phân tích: “Nếu một lớp mãi chỉ có một bạn là lớp trưởng ít nhiều dẫn tới việc cả lớp thần tượng hóa một em nào đó dẫn tới các em tự cho mình quyền hành chỉ đạo mọi thành viên hoặc có hành xử không đúng mực. Việc luân phiên sẽ giúp mỗi học sinh thêm động lực phấn đấu để mình tốt hơn trong vị trí mới”.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Công B (quận Ba Đình, Hà Nội) Phạm Thị Yến cho rằng, dù lớp có chủ tịch hội đồng tự quản, giao trách nhiệm nhiều hơn cho học sinh thì trách nhiệm “điều tiết” của giáo viên là cực kỳ quan trọng.
“Nếu người thầy không thực sự tâm huyết, tự nâng cao chuyên môn thì học sinh sẽ dễ hổng kiến thức” – đó là điều hiệu trưởng Yến rút ra được sau khi nghiên cứu mô hình VNEN.
Còn cô Võ Ngọc Thu, nguyên trưởng Phòng Giáo dục (quận 5, TP.HCM) chia sẻ, chương trình VNEN có nhiều đổi mới rất được đồng thuận nhưng khi triển khai có nhiều điều không hay.
Thứ nhất, việc sử dụng ngôn từ dùng trong lớp học tức có một “hội đồng tự quản” trong đó học sinh sẽ là “chủ tịch”, “phó chủ tịch”… là không hay.Từ trước tới nay các từ “lớp trưởng”, “phó lớp trưởng” rất gần gũi với học sinh và bao hàm ý nghĩa trong một lớp có một người trưởng chịu trách nhiệm. Nếu dùng các từ “chủ tịch”,”phó chủ tịch” và cho rằng những từ này cũng như “lớp trưởng”, “lớp phó” là không đúng.
“Chủ tịch”, “phó chủ tịch” là những danh từ ở ngoài xã hội. Nói “chủ tịch” của một lớp hoàn toàn không phù hợp. Đồng thời, với việc dùng những danh từ này có thể tạo cho học sinh tư tưởng ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường làm sao để tranh được chức “chủ tịch”, “phó chủ tịch”, khi lớn lên sẽ tạo nên tâm lý tranh chức, tranh quyền…
Thứ hai việc dùng một số từ rất cao siêu như “ngoại giao” “ban”…cũng không hay. Có thể những chức danh “chủ tịch”, “phó chủ tịch”, Bộ ngoại giao nằm trong bài học để các em hiểu được vai trò, chức danh trong chương trình học nhưng nếu dùng cho lứa tuổi trong trường học cũng không nên.
Cá nhân bà Thu vẫn muốn sử dụng các từ lớp trưởng, phó lớp trưởng, tổ trưởng…vì phù hợp với chức danh trường học.
Thứ ba, nếu nói chương trình VNEN là một chương trình sáng tạo đột phá chưa hẳn đúng. Vì mỗi chương trình đều có sáng tạo, đột phá. Và sự sáng tạo, đột phá này tuỳ theo sự sáng tạo đột phá của giáo viên, cán bộ quản lý, người chỉ đạo….
Cô Nguyễn Thị Minh Loan, nguyên trưởng Phòng GD-ĐT quận 9, TP.HCM lại cho rằng chương trình VNEN như một xã hội thu nhỏ. Nhìn chung chương trình rất tốt với điều kiện giáo viên phải có sự đầu tư về sách vở, tài liệu nghiên cứu. Nên tiến tới thực hiện chương trình này để đào tạo giáo viên đạt chuẩn cho tiểu học….Tuy nhiên, nên thay đổi một số danh từ dùng trong lớp khi thực hiện chương trình này vì những danh từ này sử dụng trong lớp nghe hơi “to lớn quá”.
Hạ chuẩn giáo viên tiểu học là không phù hợp
Theo dự thảo này, chuẩn trình độ đào tạo tối thiểu của giáo viên tiểu học là có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm.
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Đống Đa, Hà Nội cho rằng quy định như vậy là không phù hợp, lạc hậu.
Còn bà Bùi Thị Minh Thu thì cho rằng để nâng chất lượng giáo dục, vai trò của người thầy tối thiểu vẫn phải chiếm từ 50%-60%.
“Nhiều trường trung cấp tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THPT, không qua kỳ thi cấp quốc gia. Sinh viên học 2 năm đã ra trường đi dạy chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục” – bà Thu nêu ý kiến. Giáo viên ít nhất phải có trình độ từ CĐ trở lên.
Tuy nhiên, thực tế được một số hiệu trưởng đặt ra tại nhiều vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, khó huy động giáo viên. Vì vậy con em địa phương đi học trung cấp về dạy cho trẻ ở địa phương là một lợi thế.
THCS đánh giá học sinh tiểu học: Không hợp lý
Điều khiến nhiều giáo viên lo lắng nhất hiện nay là chuyện sổ sách quá nhiều sau khi thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30.
Dự thảo điều lệ và một số văn bản trước đây của Bộ GD-ĐT đã yêu cầu hạn chế tối đa sổ sách để giáo viên tập trung chuyên môn, giảng dạy học sinh cho thật tốt.
Nhưng việc phải thường xuyên ghi vào sổ theo dõi chất lượng học sinh với quá nhiều nội dung là áp lực không hề nhỏ chưa được tháo gỡ ở nhiều nơi.
Về việc đánh giá học sinh, cô Loan cho rằng, “khi thăm dò, nhiều giáo viên cho biết khi Thông tư 30 ra đời vì chất lượng, danh hiệu thi đua nên họ không thể để học sinh lưu ban. Đây là điều cần khắc phục. Nhưng nếu giao việc đánh giá học sinh tiểu học cho bậc THCS e rằng chưa hợp lý.
“Bởi, các trường THCS lấy cơ sở nào để đánh giá học sinh tiểu học?” – cô Loan đặt vấn đề. Có thể khi thực hiện, trong các kì thi cuối kì của học sinh tiểu học, khối THCS sẽ cử một số giáo viên xuống tiểu học cùng ra đề và chấm. Nhưng những giáo viên này liệu có đủ những tiêu chuẩn, trình độ để thẩm đỉnh và đánh giá hàng nghìn học sinh tiểu học và nhận xét chính xác khách quan không.
Về quy định hiệu trưởng phải tham gia 2 tiết/tuần, hiệu phó 4 tiết/tuần theo lãnh đạo các trường tiểu học cũng cần cần nhắc, thay đổi cho phù hợp khi thực tế công tác quản lí của họ có quá nhiều việc phải quan tâm, khó sâu sát đến từng học sinh.
“Chuyện hiệu trưởng, hiệu phó phải trực tiếp đứng lớp không phải ai cũng làm được. Nhiều nơi hiện nay vẫn áp dụng quy định này một cách máy móc, hình thức” – một hiệu trưởng ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết.
Theo vietnamnet