Băn khoăn chuyện chọn trường công, trường tư
Thời điểm này, phụ huynh ở Hà Nội lại “ nóng” câu chuyện chọn trường đầu cấp cho con. Lựa chọn trường công hay tư luôn là bài toán khiến phụ huynh phải “cân não” tính toán.
Không dễ dàng khi lựa chọn trường học đầu cấp cho con
Trở đi mắc núi, trở lại mắc sông
Chị Nguyễn Tường An ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) năm nay có con sinh năm 2013 vào lớp 1. Suốt một năm ròng rã, chị nghiên cứu, tính toán đủ các phương án để chọn trường tốt nhất cho con, phù hợp cho bố mẹ. Chị thích con được học trường ngoài công lập nên đã đi tìm hiểu khá nhiều trường tư. Chị đã ưng ý một trường ở quận Cầu Giấy vì ở đó con vừa được tăng cường các hoạt động trải nghiệm, vừa được học tuần 8 tiết tiếng Anh, không phải đi học thêm ở ngoài. Tuy nhiên, nhà ở quận Hoàng Mai, để đến được ngôi trường chị thích, mỗi sáng con sẽ di chuyển khoảng 8km. Điều này đồng nghĩa với việc, con phải dậy sớm, về muộn. Khi đề xuất phương án này, chồng chị gạt phăng, không đồng ý vì lý do xa nhà, chưa kể mức học phí của trường lên tới cả chục triệu đồng/ tháng.
Chị nói, sau đó, chị và chồng thống nhất sẽ cho con học trường công và đầu tư học thêm ngoại ngữ ở ngoài để ưu tiên việc con học gần nhà. “Tuy nhiên, mỗi lần nghĩ đến sĩ số hơn 50 học sinh/lớp, tôi vẫn cảm thấy ám ảnh. Chưa kể, một số phụ huynh lớp trước kể, học trường công, nếu con học đuối cô sẽ “nặng nhẹ” gợi ý đi học thêm nên áp lực, mệt mỏi cho cả con lẫn mẹ”, chị nói.
Cũng theo chị An, với sĩ số như vậy, con sẽ ít được giáo viên dành thời gian quan tâm, hướng dẫn. ” Dù đã quyết định rồi nhưng nhiều khi mình vẫn trăn trở không hiểu lựa chọn của mình có đúng hay không. Nếu học giữa chừng phải chuyển trường có thể gặp cảnh trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”, chị An nói.
Con gái vừa tốt nghiệp một trường tiểu học ở quận Cầu Giấy, anh Trần Văn Quyết ở quận Hà Đông thở phào nhẹ nhõm chuyển con về một trường THCS ngoài công lập gần nhà. Theo anh Quyết, ròng rã 5 năm không kể mưa gió, rét mướt bố con dậy sớm đưa nhau đến trường quá gian nan. Con nổi trội nhất môn ngoại ngữ còn năng lực toán dừng lại mức bình thường. Anh cho rằng, con học tốt ngoại ngữ là do gia đình vừa thuê gia sư học kèm ở nhà, vừa cho con học ở các trung tâm.
Nói về lý do lựa chọn trường ngoài công lập cho con ở bậc THCS, anh Quyết chia sẻ, đầu tiên là vấn đề sĩ số và cơ sở vật chất – những yếu tố thuyết phục anh và con. Nhà trường quy định mỗi lớp không quá 35 học sinh. Chừng đó học sinh, với mỗi giờ học 45 phút, cô giáo mới có thể dành thời gian ghi nhớ năng lực, điểm yếu, thế mạnh của từng em. Ngoài giờ học, con được tham gia các hoạt động trải nghiệm, học tiếng Anh và có xe đưa đón tận cửa nhà thay vì phụ huynh phải dậy sớm đưa đón con như trước. “Với những lợi thế như vậy nên gia đình chấp nhận mức học phí cao hơn gấp nhiều lần chi phí học ở trường công”, anh Quyết nói.
Từ tháng 4, dù chưa kết thúc năm học nhưng các diễn đàn hội cha mẹ học sinh luôn “nóng” câu chuyện chọn trường. Phụ huynh “xin” kinh nghiệm của nhau về từng trường, từng khu vực. Trường nào có chương trình giáo dục hay, học tiếng Anh bao nhiêu giờ, theo chương trình nào, trường nào giáo viên “gợi ý” học sinh đi học thêm cũng được phụ huynh chia sẻ. Thậm chí, nhiều người cẩn thận còn tìm hiểu cả nguồn gốc thực phẩm, nước uống của từng trường. Có phụ huynh cho rằng, nên chọn trường gần nhà, phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình và năng lực của con. “Nếu con không có năng lực tốt, không nên ép con vào những trường top đầu, nơi có nhiều học sinh giỏi vì con sẽ phải học thêm, chạy theo rất căng thẳng”, một phụ huynh chia sẻ.
Nên chọn trường phù hợp
Video đang HOT
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ cho rằng, từ xưa đến nay điều làm nên tên tuổi của các trường công lập chính là việc các trường bám sát mục tiêu giáo dục truyền thụ, cung cấp kiến thức cho học sinh. Tuy nhiên, với sự đổi mới giáo dục, trong những năm gần đây, các trường bắt đầu chuyển dần từ truyền đạt kiến thức sang phát triển kỹ năng, phẩm chất cho học sinh. Với hướng tiếp cận này, các trường ngoài công lập có lợi thế hơn trường công lập. Có thể thấy rõ, học sinh các trường ngoài công lập thường rất năng động, ngoại ngữ khá tốt. Nhưng nếu so về các cuộc thi kiến thức khác thì học sinh trường công lập có phần hơn.
Cũng theo ông Vũ, một trong những vấn đề mà trường ngoài công lập chưa được số đông lựa chọn chính là tài chính. Mức học phí và các khoản đóng góp như hiện nay ở hệ thống các trường này là khá cao so với thu nhập trung bình của người dân. Hơn nữa, việc thi cử vẫn chưa hoàn toàn chuyển sang hình thức mới. Do đó, nhiều phụ huynh vẫn lựa chọn phương thức an toàn là chọn trường công lập, vì thế bao nhiêu năm nay, dù năm nào cũng sửa chữa và xây mới trường nhưng thực tế cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
“Năm học 2019-2020, quận Tây Hồ đầu tư 700 tỷ đồng để sửa chữa và xây mới 9 trường nhưng tuyển sinh đầu cấp tính sơ sơ vẫn có sĩ số 50 em/ lớp”, ông Vũ nói. Các trường tư thục hoạt động thường có triết lý, phương hướng riêng tuy nhiên khi đi thành lập, các cơ quan cũng xem xét cơ sở vật chất có tiệm cận giáo dục hiện đại hay không, thực hiện kiểm duyệt chương trình, đội ngũ. Do đó, lựa chọn trường nào phù hợp cho con em mình theo học là do phụ huynh quyết định.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông nói, ở quận này, bậc THCS đã đáp ứng sĩ số dưới 45 học sinh/ lớp. Riêng tiểu học vẫn có một số trường trên 50 em. Năm nay, có 9 trường được xây mới và sửa chữa đi vào hoạt động, đang xây dựng 5 trường nữa nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu và tốc độ tăng dân số.
Theo bà Hằng, phụ huynh hiện đã có cái nhìn toàn diện hơn về giáo dục, nhiều người tin tưởng lựa chọn trường tư, không e ngại như trước. Trường tư có lợi thế về cơ sở vật chất, chương trình hoạt động trải nghiệm cũng tốt hơn. Thậm chí, một số trường tư chất lượng dạy học tốt đã tuyển đầu vào.
Điều này chứng tỏ, các trường tư thục đã nỗ lực để nâng cao chất lượng, tạo được niềm tin. Việc này giúp giảm dần áp lực đối với khối trường công. Khối trường công muốn nâng cao chất lượng cũng muốn giảm dần sĩ số.
“Do đó, về phía lãnh đạo cấp phòng, sở, trong quá trình tập huấn chuyên môn, chuyên đề, bồi dưỡng cho giáo viên trong cả hai hệ thống trường công- tư, chúng tôi đều quan tâm như nhau. Làm sao để cùng một chương trình, giáo viên đảm bảo chất lượng, còn việc lựa chọn lại tùy thuộc vào phụ huynh”, bà Hằng nói.
Theo quy định về tuyển sinh đầu cấp của Hà Nội, năm nay ngoài một số trường đặc thù được xét tuyển kết hợp kiểm tra đánh giá năng lực để tuyển đầu vào, các trường còn lại đều tuyển sinh theo tuyến.
NGUYỄN HÀ
Theo Tiền Phong
Mẹ Hà Nội chi hàng trăm triệu đồng thay đổi tư duy quý tử
Chị Thọ không ngần ngại ký bản hợp đồng 'cố vấn cuộc sống' giá trị cao nhất cho con trai, với hy vọng con hoàn thiện tốt các kỹ năng.
Sau gần một năm ký hợp đồng cố vấn cuộc sống cho con trai 16 tuổi, chị Nguyễn Thọ, sinh năm 1978, ở Thanh Xuân, Hà Nội, hiện làm ở một công ty thiết bị y tế, hài lòng với những gì nhận được sau khi bỏ ra cả khoản tiền lớn đầu tư. Dưới đây là chia sẻ của chị:
Con trai tôi hiện học lớp 10 tại một trường tư thục quốc tế tại Hà Nội. Cháu là con một, đích tôn, nên từ nhỏ đã được cả gia đình quan tâm. Từ lớp một cho tới lớp 6, con học trường công, điểm tổng kết luôn trên 9 phẩy, được đánh giá là ngoan ngoãn, thông minh.
Năm con học lớp 6, tôi chuyển cho con sang trường tư, để có thể tham gia nhiều hoạt động hơn. Trường này chú trọng việc giáo dục nhân cách song song với phát triển trí tuệ và phát huy sở trường của bản thân. Ở đây con được trao cơ hội tham gia rất nhiều cuộc thi tranh biện trong nước và quốc tế, hay hội nghị mô phỏng liên hợp quốc...
Nhưng chính khi phải phối hợp đội nhóm, làm việc tập thể, điểm yếu của con mới lộ ra. Bạn nhắn tin, gọi điện con ít khi trả lời, phân công việc con nhận nhưng không hoàn thành theo đúng cam kết... Nếu con cứ học công lập, có lẽ cả đời tôi không biết con mình có vấn đề về giao tiếp, bởi con cứ học xong là đi về, không tham gia hoạt động gì, thi thố cũng chỉ về kiến thức môn học...
Sau 2-3 năm học ở trường mới con đã gặt hái khá nhiều thành công, tuy nhiên sự thiếu chủ động trong công việc, thiếu tính bao quát vẫn còn. Năm lớp 9, con và các bạn vô địch giải tranh biện tiếng Anh Hà Nội mở rộng, nhưng con ngủ quên, để các bạn cả đêm thức làm thay phần việc của mình.
Người mẹ trăn trở làm sao con có thể hợp tác tốt với mọi người, hoàn thiện kỹ năng. Ảnh minh họa: StraitsTimes.
Sau những chuyện đó tôi đã nói chuyện với con nhiều lần, thậm chí đã tính tới khả năng cho con về học công lập vì thấy con không thay đổi. Biết đâu cú sốc này sẽ kích hoạt những bản năng sinh tồn của con, vì từ trước tới giờ cuộc đời của con êm đềm quá.
Khi tôi thổ lộ suy nghĩ, mọi người cứ nghĩ tôi quá khắt khe với con, "muốn con trở thành người hoàn hảo hay sao?", nhưng điều tôi cần không phải vậy. Tôi muốn con biết chia sẻ, hợp tác với mọi người, có trách nhiệm với việc mình làm, chủ động trong cuộc sống. Ước mơ của con là trở thành một nhà ngoại giao. Nhưng con sẽ không thể trở thành một người thành công, có ích nếu như con không thay đổi những tồn tại về các kỹ năng của mình.
Tôi kể cho con nghe những câu chuyện thực tế mình từng chứng kiến. Tôi từng tuyển những nhân viên tốt nghiệp trường đại học thuộc top đầu về y, dược với hy vọng với kiến thức họ có sẽ đáp ứng tốt công việc. Nhưng tôi đã không thể làm việc lâu dài với họ vì sự thiếu chủ động, kỹ năng làm việc teamwork kém....
Tôi muốn con hiểu rằng trong cuộc sống, chỉ có kiến thức không là chưa đủ, con phải không ngừng rèn luyện các kỹ năng mềm, phát triển EQ. Tôi thực sự muốn tìm một người có thể giúp con mình thay đổi tư duy lối sống, và không ngần ngại tìm các khóa học, giúp con có thể hoàn thiện kỹ năng.
Tháng 8/2018, một người bạn đã giới thiệu cho tôi một tổ chức giáo dục mới của Mỹ tại Việt Nam. Các thầy có kiến thức sâu rộng và nhiều kinh nghiệm trong việc giáo dục cũng như tư vấn về cuộc sống... Tôi đã kể hết các vấn đề con gặp phải. Các thầy cho rằng điều quan trọng bây giờ không cần truy tìm sâu xa nguồn gốc, điều tối ưu là khắc phục, cải thiện cho con từng kỹ năng.
Vậy là hợp đồng "cố vấn cuộc sống" đã được ký kết, với một khoản tiền lên tới vài trăm triệu một năm. Có thể nói tôi là một trong những trường hợp đầu tiên ở Việt Nam ký hợp đồng dạng này ở mức cao nhất cho con. Các thầy sẽ theo sát các hoạt động của con hàng ngày, chỉ ra những điều chưa được, nhắc nhở con phải làm những gì...
Ví dụ, để cải thiện việc con không hay trả lời tin nhắn, cuộc gọi của bè bạn, thầy yêu cầu con 30 phút - 1 tiếng phải kiểm tra điện thoại một lần. Nếu con không làm, con sẽ bị phạt thích đáng, ví như phải chống đẩy hay hoạt động thể chất... theo đúng tinh thần trong quân đội. Khi con hợp tác teamwork không tốt, thầy sẽ phân tích rõ ràng cho con hiểu, rằng con thử đặt mình trong địa vị của đồng đội, để hiểu cảm giác của họ thế nào...
Con cũng được các thầy hướng dẫn tập luyện thể chất, tham gia các hoạt động dã ngoại nâng cao sức khỏe. Dần dần, con đã rèn cho mình thói quen tốt, con khoẻ mạnh hơn, thon thả gọn gàng hơn, có trách nhiệm hơn và đặc biệt chủ động hoàn toàn việc học, sinh hoạt. Sau gần một năm, từ một cậu bé mũm mĩm, con đã cao 1,78 m, cơ thể gọn gàng, săn chắc hơn rất nhiều. Khi con nói TOEFL con được 111/120, tôi mới sững sờ vì con chưa từng luyện thi hay học TOEFL trước đây.
Tháng 4 vừa qua, con tiếp tục vô địch giải tranh biện tiếng Anh Hà Nội mở rộng. Năm ngoái con cũng vô địch nhưng tôi không vui vì còn nhiều tồn tại trong việc chịu trách nhiệm và hợp tác đội nhóm... Nhưng năm nay con đã khác, con đã chủ động mọi thứ, phối hợp với những đồng đội mới và gánh đỡ cho người khác. Con thực sự khiến tôi rất tự hào.
Tôi nghĩ, thay vì mua cho con những chiếc xe cả trăm triệu, những bộ quần áo hàng hiệu, những món đồ chơi đắt tiền, thì đầu tư cho con các kỹ năng, để con dần hoàn thiện, tự tìm hướng đi cho cuộc đời mình trong tương lai là tốt nhất.
Chị Nguyễn Thị Anh Thư, chuyên viên tại một tổ chức tư vấn du học và đào tạo các kỹ năng tại Hà Nội cho biết số lượng các bậc cha mẹ đăng ký, tìm cố vấn cho con hoàn thiện các kỹ năng, phát triển EQ, có xu hướng tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Nhiều bậc phụ huynh không ngần ngại chi số tiền lớn, hàng trăm triệu đồng, với mong muốn ngoài kiến thức, con có thể tự xây dựng những thói quen tốt trong cuộc sống, khám phá thế giới bên ngoài, khơi dậy đam mê...
Chuyên gia tâm lý Trần Thị Kim Thành cho biết những biểu hiện của con trai mà người mẹ kể trong bài là có thể chấp nhận được ở tuổi của cháu, chưa có gì nghiêm trọng. Tuy vậy, việc người mẹ sát sao, nhìn nhận ra điểm còn yếu của con, tìm người cố vấn giúp đỡ con trong quá trình phát triển là rất quý, và cần làm.
"Đây là cách nhìn tiến bộ, cho thấy mẹ thực sự quan tâm tới việc giáo dục con. Đó là cách cho con khôn ngoan, vì sự phát triển lâu dài của con chứ không chỉ thỏa mãn niềm vui vật chất tức thời".
Mộc Miên ghi
Theo VNE
Làm đàng hoàng, trường tư sẽ vượt mặt trường công "Trường tư phải tự đầu tư và hoạt động theo năng lực của mình còn trường công thì bị gò bó và ràng buộc nhiều hơn. Tôi thấy lo cho trường công, coi chừng sẽ thua trường tư, bởi vì bị giới hạn kinh phí được cấp thành ra chi phí đào tạo thấp". PGS.TS Đỗ Văn Xê - người có kinh nghiệm...