Băn khoăn các loại xét nghiệm hiếm muộn
Nguyên nhân hiếm muộn có thể do vợ, chồng hoặc cả hai. Tỷ lệ hiếm muộn do vợ và chồng tương đương nhau.
Tình trạng hiếm muộn tại Việt Nam đang là 7,7% cặp vợ chồng. Một cặp vợ chồng không thể có thai hoặc không có con sau ít nhất một năm giao hợp bình thường, không ngừa thai thì cần phải đi khám chuyên khoa Vô sinh – Hiếm muộn. Tỷ lệ hiếm muộn đang có xu hướng tăng dần, vì vậy nắm rõ được các xét nghiệm cần thiết sẽ giúp các cặp đôi bớt lo lắng và khám hiệu quả hơn.
Nguyên nhân hiếm muộn có thể do vợ, chồng hoặc cả hai. Tỷ lệ hiếm muộn do vợ và chồng tương đương nhau (chiếm hơn 30%), do cả vợ và chồng chiếm 15 – 30% và 10% không rõ nguyên nhân. Các cặp đôi hiếm muộn nên thực hiện khám cả vợ và chồng để có thể tìm ra nguyên nhân để có cách điều trị tốt nhất.
Hiếm muộn đã và đang ‘nhòm ngó’ rất nhiều cặp vợ chồng (Ảnh minh họa: Internet)
Những xét nghiệm người vợ cần thực hiện.
Siêu âm
Siêu âm là phương pháp đầu tiên để chẩn đoán hiếm muộn. Bệnh nhân được siêu âm bụng, tử cung, buồng trứng, qua đó có thể nhận biết dị tật, sự khác thường ở vùng chậu. Máy siêu âm quét qua vùng chậu để kiểm tra sự rụng trứng, độ mỏng của thành tử cung…
Chụp X-quang buồng tử cung và vòi trứng (HSG)
Video đang HOT
Xét nghiệm này sẽ kiểm tra hai vòi trứng của người vợ có thông hay không và phát hiện các bất thường khác ở tử cung. Thời điểm thực hiện xét nghiệm HSG là khoảng 2 ngày sau khi sạch kinh hoàn toàn. Thuốc cản quang sẽ được bơm vào buồng tử cung và vòi trứng, nếu vòi trứng thông thì thuốc sẽ chảy ra ngoài ổ bụng và được phát hiện khi kiểm tra phim chụp X-quang.
Nội soi và mổ nội soi
Phương pháp này thường được chỉ định khi nghi ngờ có tổn thương ở vòi trứng do nhiều bệnh lý khác nhau. Mổ nội soi giúp bác sĩ phát hiện chính xác tổn thương của buồng trứng, tử cung, vòi trứng và các tổn khác nếu có, nhờ đó giúp hồi phục chức năng vòi trứng và điều trị một số bệnh lý khác ở tử cung và vùng chậu.
Trước khi mổ, bệnh nhân phải làm một số xét nghiệm cần thiết. Cuộc tiểu phẫu này chỉ để lại vết sẹo nhỏ khoảng 1cm trên bụng và bệnh nhân có thể xuất viện 2 ngày sau khi mổ.
Cả vợ và chồng đều cần tham gia các xét nghiệm hiếm muộn để có hướng điều trị đúng đắn (Ảnh minh họa: Internet)
Xét nghiệm định lượng nội tiết tố
Xét nghiệm này bao gồm nhiều loại xét nghiệm như kiểm tra lượng progesterone (hoóc-môn giới tính duy trì thai), kiểm tra hoóc-môn kích thích thể vàng (LH) đường tiết niệu. Những xét nghiệm này cần được làm theo đúng ngày nhất định trong chu kỳ kinh. Thời gian ngay sau khi sạch kinh được cho là thời điểm ‘vàng’ để thực hiện các xét nghiệm.
Những xét nghiệm người chồng cần thực hiện.
Nam giới đến khám hiếm muộn đều phải được thử tinh dịch đồ. Tinh dịch đồ là xét nghiệm cơ bản để chẩn đoán khả năng sinh sản của nam giới. Tinh dịch đồ cho biết số lượng và chất lượng tinh trùng có trong tinh dịch, qua đó giúp chẩn đoán các nguyên nhân bất thường từ tinh trùng.
Người chồng nên kiêng giao hợp từ 3 – 5 ngày và phải lấy tinh dịch bằng cách thủ dâm mới đảm bảo kết quả chính xác. Ngoài ra, có thể bác sĩ sẽ siêu âm tinh hoàn để tìm ra bất thường. Một số trường hợp còn được chỉ định xét nghiệm nội tiết sinh sản nam giới thông thường gồm 5 yếu tố: LH, FSH, prolactin, estradiol và testosteron.
Theo Afamily
Đừng giấu bác sĩ khi đi khám vô sinh, hiếm muộn
Nắm được tiền sử thai sản của bệnh nhân là một điều rất quan trọng và cần thiết đối với bác sĩ khi đi khám phụ khoa, hiếm muộn hay khám thai...
Chào bác sĩ, em có một nỗi băn khoăn mong muốn được bác sĩ giúp đỡ em như sau. Em năm nay 26 tuổi, đã kết hôn 2 năm và chưa có con dù em không dùng biện pháp kế hoạch nào. Cách đây 6 năm, khi còn là sinh viên, em đã từng bỏ thai 1 lần (lúc thai được 7 tuần tuổi). Bây giờ, khi đi khám hiếm muộn, bác sĩ hỏi em đã từng bỏ thai chưa thì em trả lời là chưa. Tuy nhiên, em rất băn khoăn từ đó tới giờ vì em uống nhiều thuốc và vẫn không thể có thai.
Bác sĩ cho em hỏi, nếu em nói dối như vậy thì có ảnh hưởng gì đến kết quả khám và chữa bệnh của em không? Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn! (Thảo Liên)
Trả lời:
Bạn Thảo Liên thân mến!
Qua mô tả của bạn có thể thấy bạn đang rất lo lắng về tình trạng hiếm muộn của mình. Tuy nhiên, cũng phải nói với bạn rằng, bạn đã rất sai lầm khi giấu bác sĩ về tiền sử bỏ thai của mình. Nắm được tiền sử thai sản của bệnh nhân là một điều rất quan trọng và cần thiết đối với bác sĩ khi đi khám phụ khoa, hiếm muộn hay khám thai... Nó giúp bác sĩ nắm được tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, từ đó có những lưu ý và phương pháp điều trị thích hợp nhất.
Nắm được tiền sử thai sản của bệnh nhân là một điều rất quan trọng và cần thiết đối với bác sĩ khi đi khám phụ khoa, hiếm muộn hay khám thai... (Ảnh minh họa: Internet)
Một số vấn đề chị em không nên giấu bác sĩ khi đi khám phụ khoa, hiếm muộn bao gồm:
- Chuyện quan hệ tình dục: Bạn nên nói với bác sĩ về lịch sử tình dục của mình trước đó và hiện giờ của bạn, số lượng bạn tình... Điều này rất quan trọng vì nó có thể liên quan để nguy cơ lây bệnh qua đường tình dục mà bạn có thể gặp. Bạn cũng cần cho bác sĩ biết mình có bị đau khi 'quan hệ' hay không. Đau khi quan hệ tình dục có thể xuất phát từ các vấn đề ở màng trong dạ con, hoặc do nhiễm nấm men, u xơ, nhiễm trùng trong âm đạo... Những vấn đề này chị em nên được phát hiện thật sớm để được điều trị kịp thời, hiệu quả, tránh đe dọa đến khả năng sinh sản của chị em.
- Tiền sử dùng thuốc tránh thai: Dùng thuốc tránh thai không đúng có thể kéo theo hậu quả là rối loạn nội tiết và dẫn đến khó thụ thai dù sau đó đã dừng thuốc trong thời gian dài.
- Tình trạng kinh nguyệt: Nếu bạn gặp phải chứng tiền kinh nguyệt khó chịu, ảnh hưởng đến tâm lý và thể chất thì bạn cũng nên nói với bác sĩ phụ khoa để được bác sĩ giúp đỡ tốt nhất. Tình trạng kinh nguyệt của bạn cũng là yếu tố rất quan trọng tác động đến sức khỏe sinh sản của bạn.
Như trường hợp của bạn, nếu biết bạn đã từng bỏ thai, bác sĩ sẽ có thêm thông tin để chẩn đoán liệu nguyên nhân khó thụ thai của bạn có phải là hậu quả của lần bỏ thai trước hay không. Từ đó, bạn sẽ được chỉ định làm các xét nghiệm cần thiết để nhanh có hiệu quả điều trị.
Vì vậy, lần đi khám sau đó, bạn hãy nói lại với bác sĩ về tiền sử sức khỏe của mình nhé.
Chúc vợ chồng bạn sớm có tin vui!
BS Hoa Hồng
Theo Afamily
Nguyên nhân không có tinh trùng Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng không tinh trùng nhưng thường gặp nhất là do rối loạn quá trình sinh tinh. Đây là nguyên nhân có thể chiếm đến 50% các trường hợp không tinh trùng. Sinh tinh là một quá trình phức tạp xảy ra bên trong tinh hoàn. Các rối loạn về sinh tinh có thể gặp...