Bạn đọc viết: Xin đừng để giáo viên đơn độc trong vòng vây của áp lực
Theo tôi, cần tạo ra một môi trường sư phạm cởi mở, dân chủ để mỗi người thầy có thể mạnh dạn bộc lộ những lo âu, căng thẳng mà mình đang gặp phải để tìm tiếng nói chung, tìm được sự sẻ chia áp lực từ tập thể, các cơ quan đoàn thể và các cấp lãnh đạo.
Ảnh minh họa
Đọc bài viết “Vụ học sinh bị buộc dây treo lên cửa sổ: Phản ứng chưa công bằng với cô giáo” trên báo Dân trí, tôi rất đồng tình với những nhận định khách quan của TS Trần Thành Nam, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội:
Đáng lẽ chúng ta cần xem một bộ phim từ đầu đến cuối trước khi bình luận nhưng cộng đồng chỉ xem một bức ảnh chụp trong “bộ phim” (học trò bị cột và treo lên). Họ biểu lộ sự phản đối là chưa công bằng và chưa từ tâm với cô giáo cũng như với học sinh khác.
Vâng, nghề giáo là một trong những nghề chịu nhiều áp lực nhất. Điều này không chỉ tồn tại ở nước ta mà hầu hết giáo viên trên thế giới luôn phải đối diện với vô số áp lực từ chuyên môn giảng dạy đến công tác giáo dục đạo đức học sinh. Họ còn phải gánh áp lực từ kỳ vọng của phụ huynh và dư luận xã hội.
Khi đã xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, người thầy bị đặt trên vai một nhiệm vụ nặng nề đó là đào tạo con người vừa hồng vừa chuyên, đào tạo chủ nhân tương lai của đất nước. Kỳ vọng cao từ xã hội dường như khiến trách nhiệm của người thầy thêm phần nhọc nhằn hơn.
Bất kỳ một sai lầm nào của giáo viên, dù là nhỏ nhất cũng bị chỉ trích hết sức nặng nề. Nghe tin cô giáo phạt học sinh bằng roi, người ta dễ dàng quy chụp rằng đó là xúc phạm danh dự, xâm phạm thân thể người học. Đọc những lời “tố” giáo viên trên mạng, người ta lập tức nhảy vào “ném đá” dữ dội dù chẳng biết thực hư thế nào.
Và giờ thì khung hình một đứa trẻ bị cột dây treo bên cửa sổ vừa đưa lên mạng, người ta vội vàng gọi các cô là “ác mẫu”, cần phải kỷ luật thật nặng, nếu cần thì truy tố trách nhiệm trước pháp luật… Có bao nhiêu người đủ bình tĩnh để theo dõi câu chuyện từ đầu đến cuối?
Cháu bé bị cột dây và treo bên cửa sổ đúng là đáng thương và dễ khiến người người phẫn nộ hành động của cô giáo. Nhưng con trẻ bị khuyết tật và tăng động, thường xuyên nghịch phá, la hét, chạy nhảy, cắn bạn… Và cháu cũng là một trong “đàn con” đông đến vài chục cháu mà hai cô giáo phải chăm, phải dạy, phải dỗ!
Cô giáo không thể chỉ chăm chăm vào việc quản một cháu mà bỏ bê mấy chục cháu còn lại. Cô cũng chẳng thể giả lơ cậu bé đặc biệt kia, lỡ như có bạn học nào bị tổn thương từ chính những hành động trong không kiểm soát được của cậu bé ấy, liệu các cô có “yên” với những phụ huynh còn lại?
Video đang HOT
Nói thế để thấy rằng áp lực đối với giáo viên là có thật và áp lực đối với giáo viên mầm non càng khắc nghiệt hơn nhiều. Từ 7h sáng đón cháu đến 5h chiều trả cháu là một ngày vắt kiệt sức lao động của các cô. Đổi lại là một đồng lương còn khiêm tốn khiến họ phải quay cuồng với gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền và bao lo toan trong cuộc sống thường nhật…
Trong điều kiện nguồn chi ngân sách cho giáo dục còn khó khăn, việc ưu đãi về lương thưởng còn hạn chế thì tôi nghĩ ít nhất người giáo viên nói chung và giáo viên mầm non nói riêng cần được cởi trói về áp lực công việc.
Muốn thế thì mỗi gia đình, mỗi phụ huynh trước hết phải giúp giáo viên yên tâm công tác với nghề bằng sợi dây kết nối của lòng tương kính, thái độ hòa nhã và sự hợp tác thân thiện.
Bên cạnh đó cần tạo ra một môi trường sư phạm cởi mở, dân chủ để mỗi người thầy có thể mạnh dạn bộc lộ những lo âu, căng thẳng mà mình đang gặp phải để tìm tiếng nói chung, tìm được sự sẻ chia áp lực từ tập thể, các cơ quan đoàn thể và các cấp lãnh đạo.
Xin đừng để giáo viên đơn độc trong vòng vây của áp lực… Đó cũng là một cách thể hiện sự tôn trọng của xã hội về nghề giáo!
Thùy Mai
Theo Dân trí
Nhận thức thỏa đáng về chứng tăng động, giảm chú ý để hỗ trợ trẻ phù hợp
Số trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý và rối loạn phổ tự kỷ ngày càng gia tăng. Điều đáng lo ngại, nhiều người chưa hiểu đúng về các chứng bệnh này dẫn đến khó khăn trong công tác điều trị, giáo dục trẻ. BS CKII Trần Ngọc Minh, Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi TW đã chia sẻ với Thế Giới Tiếp Thị Online về vấn đề này...
Ths.BS CK II Trần Ngọc Minh, Bệnh viện Nhi TW (Ảnh: H.G)
Liên quan đến việc một cháu bé mắc chứng tăng động ở Nam Định bị cô giáo buộc dây vào người và cột vào cửa sổ, ông nghĩ sao về cách giáo dục này?
- Đối với hệ thống giáo dục, tôi rất mong các cô có được nhận thức thỏa đáng, rõ ràng về chứng tăng động giảm chú ý của các con để làm sao hỗ trợ các con tốt nhất.
Ví dụ, với các con mắc chứng này, các cô nên để con ngồi bàn đầu để cô kịp thời quan sát, nhắc nhở con. Thậm chí, các cô phải một kèm một (một cô - một trò) để giúp các con có thể hoàn thành các bài tập trên lớp. Vì nếu trẻ tăng động giảm chú ý không được hỗ trợ thỏa đáng thì kết quả học tập của con sẽ không được như mong muốn, dù mặt trí tuệ của con không hề thấp. Và chính vì không được như mong muốn đó sẽ gây ra vòng luẩn quẩn, trẻ sẽ sinh ra chán học, gia đình lại tạo thêm sức ép nên càng khó khăn cho trẻ.
Theo tôi, để can thiệp đối với những trẻ bị tăng động giảm chú ý thì không chỉ ngành y tế, các bác sĩ có thể làm được, mà cần có sự hỗ trợ của cả gia đình và nhà trường. Tôi cũng mong với những trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý, các con sẽ được nhận giấy chứng nhận để có được sự hỗ trợ về vật chất, tinh thần từ cộng đồng, xã hội. Dù nhiều dù ít thì đó cũng là sự an ủi, động viên cho gia đình và các con.
Cho đến thời điểm này, chứng rối loạn phổ tự kỷ vẫn chưa được xếp vào một phân loại bệnh tật nào, và chứng tăng động giảm chú ý cũng vậy. Để hỗ trợ tốt nhất cho các con thì không chỉ riêng Bộ Giáo dục, Bộ Y tế, mà cần có sự tham gia của Bộ Lao động thương binh và xã hội, các ban, ngành và cộng đồng cùng chung tay...
Làm thế nào để nhận biết được trẻ dưới 3 tuổi mắc chứng tăng động giảm chú ý, thưa ông?
-T rong năm 2017, chúng tôi đã khám chuyên khoa cho 25.000 lượt trẻ về vấn đề sức khỏe tâm thần. Trong số này chủ yếu là hai chứng: tăng động giảm chú ý và tự kỷ.
Đối với trẻ dưới 3 tuổi rất khó để đưa ra chẩn đoán trẻ bị tăng động giảm chú ý. Tuy nhiên có thể lưu ý một số điểm cơ bản như sau: Nếu trẻ hoạt động quá mức, đến lớp không ngồi yên, chạy lăng xăng hết chỗ này chỗ khác, trêu người này, cấu véo người kia, khi cô kể chuyện thì con quay ngang quay ngửa không chú ý... Đó là những cảnh báo để cha mẹ sớm nhận ra chứng tăng động giảm chú ý của con.
Ở nhà cũng vậy, các con hoạt động liên tục như thể chúng được gắn động cơ. Đó là những điểm mà các bậc phụ huynh cần chú ý.
Theo ông đâu là nguyên nhân khiến trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý?
- Đối với chứng tăng động giảm chú ý và rối loạn phổ tự kỷ nói chung, đến thời điểm này vẫn là thách thức rất lớn đối với các nhà khoa học để tìm ra nguyên nhân.
Có rất nhiều yếu tố có thể gây ra chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ như yếu tố môi trường, khi mang thai mẹ bị stress, do gen, do yếu tố gia đình... Tuy nhiên đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể.
Các bậc cha mẹ nên đưa con đến địa chỉ nào để khám, điều trị chứng tăng động giảm chú ý và rối loạn phổ tự kỷ, thưa ông?
- Trong 10 năm vừa qua, Khoa Tâm thần - Bệnh viện Nhi TW đã hỗ trợ rất nhiều các bệnh viện vệ tinh. Và đó là những cơ sở mà chúng tôi đã khuyến cáo các bậc cha mẹ có con mắc chứng tự kỷ có thể đưa con đến đó khám, điều trị. Tại đây trẻ sẽ được các bác sĩ đánh giá sơ bộ, nếu các bác sĩ ở bệnh viện vệ tinh gặp khó khăn trong công tác chẩn đoán thì sẽ liên lạc với Bệnh viện Nhi TW, chúng tôi sẽ hỗ trợ việc đó.
Việc khám, đánh giá trẻ bị tăng động giảm chú ý cũng phải cần một thời gian nhất định. Vì có rất nhiều cha mẹ không chịu thừa nhận tình trạng của con mình. Chỉ đến khi cô giáo phàn nàn không thể dạy được con thì lúc đó mới đưa con đến khám.
Để đánh giá về tình trạng của trẻ, chúng tôi có bảng test để đánh giá của bác sĩ về các con, ngoài ra chúng tôi còn có bảng đánh giá dành cho các cô giáo. Sau 1-2 tháng, gia đình quay lại nộp bảng đánh giá của giáo viên để so sánh giữa hai bảng này. Từ đó mới có kết luận cụ thể nhất, chính xác nhất và đưa ra đường hướng giúp con tốt nhất.
Và một vấn đề tôi cần lưu ý với các bậc phụ huynh, nếu thấy trẻ có những triệu chứng như tôi đã nêu ở trên thì nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế khám càng sớm càng tốt, để các con được phát hiện, can thiệp kịp thời. Khi được can thiệp sớm, các con sẽ có cơ hội tiến bộ rất cao, có thể đi học, đi làm, sống độc lập, hòa nhập với xã hội và không trở thành gánh nặng cho xã hội...
Theo ông có nên đưa trẻ mắc chứng tự kỷ đến trường chuyên biệt không?
- Đối với trẻ tự kỷ, nếu các con đến những trường chuyên biệt thì cũng là cách tốt nhất. Còn với trẻ tăng động thì các con vẫn có thể học chung với các bạn và hòa nhập bình thường, chứ không cứ gì phải học trường chuyên biệt.
Bản thân chúng tôi không bao giờ khuyên cha mẹ đưa các con mắc chứng tăng động giảm chú ý vào trường chuyên biệt. Vì trường chuyên biệt thường dành cho những trẻ chậm phát triển trí tuệ, gặp những vấn đề rất nặng về mặt tinh thần. Còn những trẻ tăng động giảm chú ý đâu có bị những vấn đề đó...
Xin cảm ơn ông!
THẠCH HƯƠNG thực hiện
Theo thegioitiepthi
'Cái tát' vào bệnh thành tích: Sẽ chấn chỉnh lệch lạc trong phong trào thi đua Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng việc thi đua trong ngành vẫn cần thiết nhưng Bộ sẽ tăng cường rà soát để chấn chỉnh những lệch lạc trong việc tổ chức thi đua ở cơ sở. Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bà Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng mục tiêu...