Bạn đọc viết: Tham vọng của cha mẹ, bi kịch của con
Cứ gần đến kì thi hoặc kết thúc một kì thi, chúng ta lại sững sờ trước những câu chuyện thương tâm: học sinh tự tử vì trầm cảm, vì điểm thấp, vì thi trượt, vì không đạt được ước mơ của cha mẹ.
Ảnh minh họa
Mới đây, em C., học sinh một trường THPT tư thục ở TPHCM dù đạt điểm trung bình môn 8,9 mà vẫn cảm thấy mình quá kém cỏi vì cha mẹ mong em học giỏi nhất lớp, được vào lớp chọn của khối. Em đã tự tử vì áp lực từ phía gia đình.
Trước đó, có em tự tử vì không đỗ trường Công an như bố mẹ mơ ước, có em tự tử vì đạt điểm 3 thi tiếng Anh giỏi cấp trường…
Nhưng vẫn rất nhiều phụ huynh đọc xong bài báo mà dửng dưng vô cảm, coi chuyện đó là “chuyện thiên hạ”, chẳng mảy may liên quan gì đến gia đình mình, các con mình. Phụ huynh chỉ biết đầu tư hết mức cho con ăn học, kiếm trường lớp chuẩn, thầy cô xịn, việc của con là phải học sao cho bố mẹ nở mày nở mặt. Cha mẹ chỉ nhất nhất bắt con toàn tâm toàn ý học, mong ước con thi thố phải đạt giải, phải vào đại học tốp đầu nhằm rạng danh gia đình, họ hàng. Từ bao giờ, cha mẹ quên mất năng lực thực sự của con, mơ ước của con, tâm trạng và sức khỏe của con.
Điểm số, thành tích học tập, áp lực đối mặt với các kì thi liên tiếp trong quãng đường dài đi học khiến trẻ con quay cuồng. Nếu cha mẹ cứ mải chạy theo thành tích thì con trẻ luôn luôn mệt mỏi và căng thẳng. Học sinh ngay từ bậc tiểu học đi học chính, học thêm, học năng khiếu kín mít cả tuần. Em nào ở nhà, không đi học thêm được xếp vào diện cá biệt: Một là học dốt, lười học; Hai là con nhà nghèo, bố mẹ không có điều kiện kinh tế lo cho con ăn học đàng hoàng.
Video đang HOT
Ở thành phố, trẻ em càng bị cắt giảm tối đa giờ vui chơi, chỉ có học là trên hết. Bố mẹ bận rộn tối ngày, bạn bè ai cũng chạy đua học thêm, trẻ em hết giờ học là đến giờ ngủ, các em giải trí chủ yếu bằng cách vùi đầu vào game, mạng xã hội… Những hoạt động vui chơi, vận động ngoài trời dường như bị triệt tiêu. Học và chỉ có học, nhiều em học sinh rơi vào tình trạng cô đơn trong gia đình khó mở lời với cha mẹ, không có nổi một vài người bạn thân để chia sẻ nỗi niềm. Chỉ cần một vài lần thất bại trong học tập, các em sẽ gục ngã nhanh chóng, tuyệt vọng không lối thoát, nghĩ quẩn và làm những điều dại dột không ai ngờ tới.
Bi kịch học sinh tự tử bao giờ mới chấm dứt? Tôi nghĩ, phụ huynh đừng vội đổ lỗi cho hệ thống giáo dục nặng nề thi cử bấy lâu nay. Cha mẹ cứ ép con học tràn cung mây, rồi giao giá “con phải giỏi nhất lớp, nhất khối, nhất trường”, con phải bằng bạn A, bạn B mà không cần biết con có thích học không, có vui vẻ khi đến lớp, đến trường không? Có nhiều phụ huynh, cứ tối về là kiểm tra bài vở của con, hỏi han kĩ lưỡng xem con đạt điểm mấy. Con điểm cao được thầy cô khen, bố mẹ vui mừng phấn khởi. Hễ con điểm thấp, mắc lỗi là bố mẹ mắng chửi xa xả, đánh đập cho chừa tội học dốt.
Phụ huynh quên mất rằng, mỗi đứa trẻ có năng lực học tập khác nhau, tại sao lúc nào cha mẹ cũng quy ra điểm số, giấy khen, danh hiệu cấp trường, cấp huyện, cấp thành phố để rồi bất mãn, chán nản. Con trẻ thấy cha mẹ buồn rầu vì mình, thất vọng vì mình kém cỏi thì các em sa sút tinh thần nhanh chóng, cảm thấy mình vô dụng vì không đạt được tâm nguyện ấp ủ bấy nay của cha mẹ. Tâm trạng chán nản, tuyệt vọng này kéo dài sẽ nhanh chóng đẩy các em vào bệnh trầm cảm, dẫn đến quyết định hủy hoại bản thân…
Học sinh bậc THPT là đối tượng dễ mắc bệnh trầm cảm học đường. Đây là lứa tuổi mà tâm sinh lý nhạy cảm, nếu cha mẹ không tinh ý sẽ khó lòng phát hiện con mình bất ổn. Con có thể mắc trầm cảm với nhiều lý do: Môi trường sống thay đổi, áp lực học tập căng thẳng quá mức với năng lực, thấy mình thua kém bạn bè mọi thứ và tệ hại nhất vẫn là không đáp ứng được mong mỏi của bố mẹ. Lực học của con mức khá nhưng cha mẹ chỉ mơ con mình sẽ giỏi, sẽ đỗ đạt những trường đại học tốp đầu và thường chê bai, chì chiết con khi biết điểm tổng kết, điểm thi của con đì đẹt.
Khi ấy, có những em chai lỳ trước những lời chê trách, nhiếc móc của cha mẹ. Nhưng có rất nhiều em đã âm thầm đau khổ và tổn thương nặng nề khi cha mẹ chê trách, coi thường, so sánh đủ kiểu. Các em đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không được cha mẹ ghi nhận, cha mẹ vẫn cảm thấy học như thế là chưa đủ, cần phải có thành tích, danh hiệu…
Đa số phụ huynh dạy con phải học giỏi mới có tương lai, nào là “một người làm quan cả họ được nhờ”, nào là “thua thầy một vạn không bằng kém bạn một li”, nào là “có chí thì nên”. Phụ huynh đưa ra hàng loạt dẫn chứng các nhà bác học, thần đồng từ thời xa xưa đến thời hiện đại, các tấm gương học sinh giỏi quốc tế, các bạn học sinh giành học bổng du học để lên lớp các con, giục giã, thúc ép các con học tập không ngừng nghỉ.
Nhưng phụ huynh quên dạy con biết chấp nhận thất bại, biết chấp nhận năng lực bản thân và quan trọng nhất là dạy con biết quý trọng bản thân mình. Để dạy con điều ấy, trước tiên phụ huynh cần đồng hành cùng con, làm bạn với con suốt chặng đường dài học tập và trưởng thành. Phụ huynh hãy chấp nhận các con có cả ưu điểm và khuyết điểm, dù con học chưa giỏi thì đối với bố mẹ, con cái vẫn là tất cả. Cha mẹ cần định hướng cho con về nghề nghiệp trong tương lai và xác định cho con hiểu, có rất nhiều lựa chọn và nghề nghiệp nào cũng có giá trị riêng được xã hội công nhận.
Hiện nay rất nhiều phụ huynh khăng khăng cho rằng, phải đặt mục tiêu cao thì con mới có quyết tâm học hành. Tôi từng biết có những em học sinh cảm thấy học lớp chọn rất đuối, xin sang lớp thường nhưng cả thầy cô và cha mẹ đều không đồng ý, muốn các em phải cố gắng gấp 3, gấp 5 lần để đuổi kip bạn bè. Vậy là có những em dù học lớp chọn thật đấy nhưng thi đại học chỉ đạt điểm làng nhàng, đủ đỗ trường thường. Bố mẹ tỏ rõ bất mãn vì đầu tư hết mình mà con vẫn kém cỏi. Các em đi học vì gánh nặng ước mơ của cha mẹ và đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh trầm cảm học đường với những bi kịch đau xót.
Liệu khi nào, cha mẹ mới tỉnh ngộ vì ước mơ của cha mẹ đè nặng lên cuộc đời của các con, vô tình đẩy các con vào hố sâu tuyệt vọng và tìm đến cái chết như sự giải thoát?
Thanh Mai
(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)
Theo Dân trí
Hàn Quốc: 114 học sinh tự tử trong năm 2017
Theo số liệu vừa được công bố của Bộ Giáo dục Hàn Quốc, có tới 114 học sinh tiểu học và trung học Hàn Quốc đã tự tử trong năm qua.
Giới trẻ Hàn đối mặt với tỉ lệ tự tử cao nhất thế giới (Ảnh minh họa)
Con số này cho thấy xu hướng tự tử ở học sinh Hàn Quốc đang ngày một tăng, so với năm 2016 (108 học sinh) và 2015 (93 học sinh).
Học sinh trung học phổ thông chiếm tỉ lệ tự tử cao nhất với 76%, tiếp đến là học sinh trung học cơ sở (33%) và học sinh tiểu học (5%). Trong số 114 học sinh tự tử có 64 nam và 50 nữ.
Xếp theo khu vực thì tỉ lệ tự tử cao nhất là ở tỉnh Gyeonggi - tỉnh đông dân nhất Hàn Quốc - 29,8%. Tiếp theo là thủ đô Seoul (17%); Busan (10%) và Daegu (10%).
Tháng Ba và tháng Chín là hai tháng xảy ra nhiều vụ tự tử nhất, vì đây là hai tháng bắt đầu học kỳ mới ở Hàn Quốc.
Trong 5 năm qua, tổng cộng có 556 học sinh Hàn Quốc đã tự tử, trong đó có 11,5% vụ tự sát rơi vào tháng Ba và 10,1% rơi vào tháng Chín.
Theo thống kê, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến các vụ tự tử là do mâu thuẫn trong gia đình (35%); trầm cảm (18,3%) và kết quả học tập kém (12,1%).
Theo Giadinhmoi.vn
Vĩnh Long: Hướng dẫn sử dụng đề thi tham khảo thi THPT quốc gia 2018 Sở GD&ĐT Vĩnh Long hướng dẫn sử dụng đề thi tham khảo phục vụ việc ôn thi THPT quốc gia 2018 nhằm giúp giáo viên có thêm tài liệu tham khảo trong công tác dạy ôn tập, học sinh được chuẩn bị chu đáo trước khi bước vào kì thi quan trọng này. ảnh minh họa Trong đó yêu cầu các trường THPT,...