Bạn đọc viết: Sữa học đường, vì sao phụ huynh chưa “mặn mà”?
Chiều chủ nhật, hai cô cháu gái là giáo viên ghé nhà tôi chơi. Suốt buổi chiều, chủ đề của các cháu chỉ xoay quanh chuyện “ sữa học đường” trong trường học. Các cháu đang rất rối vì không biết làm sao để thuyết phục được phụ huynh của lớp mình chủ nhiệm tham gia 100%. Trong khi đó, Ban giám hiệu liên tục nhắc nhở các cháu vấn đề này.
Ảnh minh họa
Các cháu rất sợ nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì cuối năm sẽ bị trừ điểm thi đua khi xếp loại công chức.
Các cháu tôi đều là giáo viên mầm non thuộc khu vực nông thôn. Nhiều trẻ em nơi đây chưa đạt chỉ tiêu về chiều cao cũng như cân nặng. Có em còn bị liệt vào dạng thấp còi. Bản thân là những giáo viên, các cháu luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho học trò của mình.
Năm nay trường các cháu tôi bắt đầu thực hiện chương trình “Sữa học đường”. Nghe được thông tin này, các cháu tôi đã từng rất mừng. Có thể nói đây là chương trình thiết thực dành cho các em học sinh. Khi uống sữa, học sinh sẽ được cải thiện tình trạng dinh dưỡng về cân nặng, chiều cao và trí tuệ. Từ đó mà giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai. Các cháu tôi cứ nghĩ, phụ huynh sẽ rất mừng nếu biết được chương trình này triển khai trong trường học.
Vậy nhưng mọi thứ trái ngược hẳn suy nghĩ của các giáo viên. Ngay lần đầu mời họp, phụ huynh đã không mặn mà lắm. Phải triệu tập lần hai, phụ huynh mới miễn cưỡng đến nghe. Có phụ huynh còn tỏ ra lo lắng khi con uống sữa học đường. Với tâm lý “ở đời không ai cho không ai cái gì”. Phụ huynh chỉ sợ con phải uống các loại sữa gần hết hạn. Rồi họ còn lấy dẫn chứng mấy lần trước các công ty tặng sữa cho các cháu thì thì toàn là hàng gần hết hạn sử dụng. Do đó mà phụ huynh không muốn tham gia.
Thực ra, sữa học đường là một chương trình rất tốt cho các em. Đối tượng thụ hưởng là tất cả trẻ mầm non, mẫu giáo đang học tại các trường trong tỉnh. Số lần uống là 3 lần/tuần, mỗi lần một hộp. Trẻ 1-2 tuổi uống hộp 110 ml. Trẻ 3-5 tuổi uống hộp 180 ml. Trong khi đó mức đóng góp khá ưu đãi. Trẻ mầm non, mẫu giáo con gia đình chính sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ dân tộc thiểu số thì ngân sách sẽ hỗ trợ 85%, công ty cung cấp sữa hỗ trợ 15% (phụ huynh không đóng góp). Số trẻ còn lại thì ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 40%, công ty cung cấp sữa hỗ trợ 15%, phụ huynh đóng 45%.
Video đang HOT
Sau khi nhà trường hết lời giải thích rằng phụ huynh nên yên tâm về chất lượng sữa. Thế nhưng rất nhiều phụ huynh vẫn thờ ơ không muốn đăng kí cho con. Nhiều lúc vận động thì phụ huynh còn nói thẳng: Vì các cô được chiết khấu hoa hồng nên các cô chẳng muốn chúng tôi tham gia thì sao. Rằng bên công ty sữa họ khôn lắm. Thôi thì con tôi, tôi sẽ biết điều gì tốt dành cho nó. Mong các cô đừng thuyết phục chúng tôi nữa.
Bản thân là những giáo viên, các cháu chỉ mong muốn phụ huynh được thông suốt vấn đề. Làm sao để các em (học trò của các cháu) được hưởng những chính sách ưu đãi tốt đẹp mà Nhà nước dành cho.
Vậy nhưng, chuyện thuyết phục được phụ huynh cho con tham gia sữa học đường trong trường học cũng không phải là điều dễ dàng gì.
Loát Trần
(Tây Ninh)
Theo Dân trí
Đến năm 2020, có ít nhất 70% giáo viên mầm non đạt trình độ từ cao đẳng trở lên
Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 1677/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025.
Mục tiêu của Đề án nhằm củng cố, phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế.
Đa dạng hóa các phương thức, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo hướng đạt chuẩn chất lượng giáo dục mầm non trong khu vực và quốc tế; củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn bị tốt cho trẻ em vào học lớp một; phát triển giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi.
Phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 98,5% nhóm, lớp mầm non được học 2 buổi/ngày
Củng cố mạng lưới trường học
Theo Đề án, trong giai đoạn 2018 - 2020, mạng lưới trường lớp được củng cố mở rộng, đủ năng lực huy động trẻ em đến trường, phát triển các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập; phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 30% trẻ em độ tuổi nhà trẻ, 92% trẻ em độ tuổi mẫu giáo, trong đó hầu hết trẻ mẫu giáo 5 tuổi được đến trường, tỷ lệ huy động trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chiếm từ 25% trở lên.
Về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 98,5% nhóm, lớp mầm non được học 2 buổi/ngày; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm trung bình 0,3%/năm, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm trung bình 0,2%/năm, tỷ lệ trẻ em thừa cân - béo phì được khống chế.
Phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 70% giáo viên đạt trình độ từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên, 80% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá trở lên. 100% trường mầm non hoàn thành tự đánh giá, trong đó có ít nhất 45% số trường mầm non được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục.
Giai đoạn 2021 - 2025 phát triển mạng lưới trường lớp mầm non, bảo đảm đến năm 2025, huy động được ít nhất 35% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, 95% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được đến trường. Tỷ lệ huy động trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chiếm từ 30% trở lên.
Phấn đấu đến năm 2025, có 99,5% nhóm, lớp mầm non được học 2 buổi/ngày; duy trì tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm trung bình 0,3%/năm, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm trung bình 0,2%/năm, tỷ lệ trẻ em thừa cân - béo phì được khống chế. Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 80%, có ít nhất 50% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; có ít nhất 60% số trường mầm non được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục.
Nâng cao chất lượng giáo dục
Để đạt các mục tiêu trên, từ nay đến năm 2025, Đề án sẽ thực hiện hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển giáo dục mầm non; huy động nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục mầm non; đổi mới công tác quản lý giáo dục mầm non; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giáo dục mầm non; đổi mới nội dung, chương trình giáo dục mầm non; nâng cao chất lượng chăm sóc, sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ mầm non; hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non.
Trong đó, Đề án thực hiện các giải pháp để đảm bảo điều kiện thực hiện chương trình giáo dục mầm non; phát triển các điều kiện và hoạt động của trường mầm non theo các tiêu chí của trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm; đặc biệt quan tâm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, lấy trẻ làm trung tâm; đổi mới hoạt động chuyên môn trong nhà trường; vận dụng các phương pháp giáo dục mầm non tiên tiến của các nước trong khu vực và thế giới phù hợp với thực tiễn Việt Nam để nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ.
Triển khai có hiệu quả việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số; tổ chức cho trẻ em làm quen với ngoại ngữ và tin học ở những nơi có điều kiện; hỗ trợ phòng chống suy dinh dưỡng đối với trẻ mầm non thông qua chế độ chăm sóc dinh dưỡng phù hợp, kết hợp với giáo dục phát triển vận động; lựa chọn, nhân rộng các mô hình phối hợp nhà trường, gia đình, cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non...
Nhật Hồng
Theo Dân trí
Thu nhập giáo viên dạy thêm: Có người 9 con số Thu nhập của giáo viên thường được chia thành 2 nhóm: nhóm 1 sống bằng lương hệ số, nhóm thứ 2 sống bằng thu nhập dạy thêm. Giáo viên dạy thêm dù ở thành phố hay nông thôn, nếu "đắt sô", thì đều có thu nhập rất ổn. Học sinh ôn thi ở một trung tâm dạy thêm. Ảnh minh họa: Lê Anh...