Bạn đọc viết: Phụ huynh ơi, xin đừng “đánh đồng” như thế
Chiều qua, tôi ghé thăm đứa cháu, cũng là đồng nghiệp của tôi đang nằm điều trị ở bệnh viện tỉnh. Cháu bị tress nặng vì mất ngủ. Cháu buồn vì gặp áp lực từ phía phụ huynh. Hôm rồi, khi đang chuẩn bị đi dạy thì cháu bị té bất tỉnh. Cả nhà hốt hoảng vội đưa cháu nhập viện ngay.
Ảnh minh họa
Cháu tôi là một thầy giáo trẻ mới ra trường. Năm nay cháu vừa bước sang tuổi 28. Học xong Cao đẳng Sư phạm, cháu thi tuyển công chức và may mắn được phân về trường cấp 1 khá gần nhà. Cháu nhiệt tình và rất yêu nghề. Học trò đặc biệt yêu quý thầy. Ngoài giờ học, cháu thường tổ chức rất nhiều trò chơi cho trò. Từ đánh cờ vua đến nhảy cha cha cha cực vui nhộn. Các trò mê tít thầy giáo trẻ và đẹp trai của trường.
Mọi chuyện chẳng có gì đáng nói nếu như vừa qua không có những chuyện “động trời” của một số thầy giáo. Nào là thầy giáo “sờ mông, sờ đùi” học trò, thầy giáo nhắn tin gạ tình học trò… Báo chí phản ánh nhiều khiến phụ huynh bắt đầu lo sợ. Đầu tiên là họ dặn con mình cách xa thầy giáo ra. Các em không còn vui vẻ, hồn nhiên như xưa. Dường như lúc nào chúng cũng tránh mặt thầy. Nhiều em nữ còn nói thẳng với cháu là “thầy đừng đến gần chúng em nha”.
Thậm chí tuần vừa rồi còn có một số phụ huynh kéo tới yêu cầu ban giám hiệu đổi ngay chủ nhiệm. Họ không an tâm khi giáo viên chủ nhiệm là thầy giáo.
Khỏi phải nói cháu tôi bị sốc thế nào. Cháu vốn là người nhiệt tình, yêu nghề. Suốt mấy năm nay cháu dành phần lớn thời gian cho chuyên môn. Cháu thường áp dụng các phương pháp dạy học tích cực để thu hút học trò. Năm rồi, cháu còn được công nhận là giáo viên chủ nhiệm giỏi của tỉnh. Vậy mà bây giờ phụ huynh và học sinh cứ nhìn cháu như kẻ tội đồ. Ngồi ở đâu các cháu (giáo viên nam) cũng bị xì xầm, chỉ trỏ rồi bóng gió sự suy đồi của một số thầy giáo. Nhiều lúc cháu không hiểu chuyện gì đang diễn ra cả. Phải chăng họ đang ám chỉ mình. Cứ thế cháu nghĩ nhiều rồi dẫn đến mất ngủ và kiệt sức. Cháu buồn mà không biết phải làm sao cả.
Nhìn cháu gầy guộc nằm thiêm thiếp trên giường bệnh mà thương vô cùng. Có lẽ cháu bị sốc nặng. Mà cháu thì đâu có lỗi gì. Cháu yêu nghề và yêu lũ trẻ vô cùng. Vậy nhưng, giờ họ nhìn cháu bằng ánh mắt dè chừng, học trò thì ngày càng xa lánh thầy.
Thực ra, phụ huynh lo sợ như vậy không phải không có lí. Rất nhiều vụ việc xảy ra thời gian gần đây. Mức độ nguy hiểm thì ai cũng thấy. Thành thử phụ huynh không thể không lo lắng được. Ai chẳng sợ con mình, cháu mình gặp nguy hiểm. Thôi thì cứ “cẩn tắc vô áy náy”. Phụ huynh họ có lí đúng của riêng mình.
Nghe cháu trút nỗi lòng, tôi chỉ biết động viên cháu cố gắng. Rồi thời gian sẽ trả lời. Cháu cứ làm đúng với lương tâm và trách nhiệm của một nhà giáo. Nhất định rồi cháu sẽ lấy lại được niềm tin của phụ huynh và học sinh.
Ôi, chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Thế nhưng hệ lụy của nó thì rất lớn. Biết bao thầy giáo bây giờ lâm vào cảnh “dở khóc dở cười” như cháu tôi. Chỉ mong sao cháu nhanh bình phục để tiếp tục với sự nghiệp “trồng người” mà cháu đã lựa chọn.
Loát Trần
(Tây Ninh)
Theo Dân trí
'Nhiều phụ huynh Việt không biết con mình bị xâm hại'
"Việc trẻ em nam bị người lớn sờ bộ phận sinh dục là một dạng xâm hại tình dục nhưng quan niệm xã hội xuề xòa, phụ huynh thì không nhận diện được", đại diện UNICEF Việt Nam nói.
Chuyên gia UNICEF: Xâm hại tình dục ảnh hưởng đến trí tuệ của trẻ Bà Lê Hồng Loan, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em - UNICEF Việt Nam, cho biết các hình thức xâm hại đều ảnh hưởng đến quá trình phát triển não bộ và các dây thần kinh của trẻ nhỏ.
Trao đổi với Zing.vn, bà Lê Hồng Loan, Trưởng chương trình Bảo vệ trẻ em của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, cho rằng những quy định, định nghĩa về hành vi dâm ô, xâm hại trẻ em ở Việt Nam đã quá cũ, không còn đúng với thực tế hiện tại và Công ước Quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc (LHQ).
Bà Lê Hồng Loan, Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em của UNICEF tại Việt Nam. Ảnh: Duy Anh.
Các quy định đang lạc hậu, thiếu thực tế
- Gần đây xuất hiện các vụ việc như thầy giáo say rượu sờ đùi, mông các học sinh, hay một em học sinh nữ bị thầy giáo nhắn tin gạ tình khiến dư luận bức xúc. Ở góc nhìn tổ chức quốc tế về quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc bà nghĩ sao?
- Thời gian gần đây, chúng tôi cũng nhận được nhiều thông báo về các vụ việc xâm hại trẻ em, trong đó có xâm hại tình dục. Đây là vấn đề rất nhức nhối trong xã hội, tất cả hành vi này gây ra tổn hại trước mắt và lâu dài đối với trẻ.
Xâm hại nói chung và xâm hại tình dục nói riêng là những xâm hại hết sức nghiêm trọng về quyền trẻ em. Những hành vi này nhẹ thì có thể để lại những vết bầm tím, nặng thì sẽ để lại hậu quả lâu dài về cả thể chất và tinh thần đối với trẻ, thậm chí một số hậu quả không thể nhìn thấy bằng mắt, nhưng có thể kéo dài trong suốt nhiều năm, kể cả khi trẻ đã trưởng thành.
Ngôi trường học sinh tố thầy giáo có hành vi sàm sỡ nữ sinh ở Bắc Giang. Ảnh: Quyên Quyên.
Những đứa trẻ là nạn nhân dễ bị ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển trí tuệ, khả năng học tập, giao tiếp... Thậm chí theo một số nghiên cứu, trẻ từng chịu xâm hại dễ có xu hướng bạo lực, phạm tội hơn nếu không được giáo dục, uốn nắn kịp thời.
Xâm hại đối với trẻ em không chỉ là sự vi phạm nghiêm trọng đến các nguyên tắc, nền tảng đạo đức mà còn gây tổn tại cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Theo nghiên cứu của tôi, những vi phạm này mỗi năm làm thiệt hại khoảng 2% GDP của các nước khu vực Đông Á và Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam.
- Những kẻ gây ra các vụ xâm hại trẻ em gần đây chịu các hình thức xử lý nhưng không được người dân, chuyên gia đồng tình vì chưa đủ răn đe, đa số chỉ bị phạt hành chính. So sánh với luật pháp các nước và Công ước quốc tế về quyền trẻ em, bà thấy thế nào?
- Hệ thống pháp luật Việt Nam đã có nhiều cải tiến, nhất là trong các quy định về các hành vi xâm hại, trong đó có xâm hại tình dục. Bộ luật Hình sự chúng ta xây dựng từ năm 1985, đã qua nhiều lần sửa đổi bổ sung, tuy nhiên, chưa có sự thay đổi toàn diện trong các quy định về xâm hại trẻ em.
Một số hình thức dâm ô chưa được quy định là tội, đây là lỗ hổng. Các quy định này quá cụ thể, nhưng cũng không phù hợp với các Công ước quốc tế, các chuẩn mực quốc tế về bảo vệ quyền trẻ em.
Trong luật pháp Việt Nam, các hình thức xâm hại phải diễn ra trực tiếp giữa người xâm hại và đứa trẻ, thậm chí còn phải trực tiếp có các hành vi động chạm đến bộ phận sinh dục mới được coi là dâm ô. Tuy nhiên, hiện nay với sự phát triển công nghệ thông tin, các đối tượng có thể lợi dụng Internet để gạ gẫm, dụ dỗ trẻ, yêu cầu trẻ phơi bày các bộ phận trên cơ thể.
Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự mới chỉ có các quy định về tàng trữ, lưu truyền, sản xuất văn hóa phẩm đồi trụy, nhưng chưa có các quy định tương tự đối với các nội dung khiêu dâm trẻ em. Ở các nước khác, đây là một tội rất nặng và được quy vào tội xâm hại tình dục trẻ em.
Thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội giai đoạn 2011-2015 cho thấy có tới 5.300 vụ xâm hại trẻ em đã diễn ra. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng con số này chỉ là những vụ việc được báo cáo, còn rất nhiều vụ nạn nhân bị chính kẻ xâm hại dọa dẫm hoặc vì lý do nào đó đã không được thống kê. Nửa đầu năm 2018, số vụ xâm hại trẻ được ghi nhận là hơn 1.000. Đồ họa: Lee Mew.
Một ví dụ nữa, trong Bộ luật Hình sự Việt Nam quy định hành vi hiếp dâm trẻ em phải có dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để thực hiện hành vi. Tuy nhiên, luật pháp và các công ước quốc tế thì quy định nếu giao cấu với trẻ em mà không được sự đồng ý thì đều bị coi là hành vi hiếp dâm trẻ em.
Tôi cho rằng một lỗ hổng nữa là trong quy định độ tuổi của trẻ em ở Việt Nam, khi chỉ người dưới 16 tuổi được coi là trẻ em và người từ 16 đến 18 tuổi thì không. Tuy nhiên, công ước quốc tế quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi, điều đó khiến cho các quy định của luật pháp Việt Nam chưa đầy đủ, chưa bảo về được trẻ em toàn diện.
Trẻ em cần được bảo vệ toàn diện hơn
- UNICEF Việt Nam có thể làm gì để cải thiện vấn đề này ở Việt Nam khi quan niệm của xã hội cũng như hiểu biết của nhiều người về vấn đề này còn hạn chế?
- Việt Nam cần có những nghiên cứu sâu, toàn diện hơn, để đảm bảo hành lang pháp lý bảo vệ hiệu quả trẻ em trước mọi hình thức xâm hại, trong đó có xâm hại tình dục.
Xử lý và răn đe có rất nhiều yếu tố tác động, thứ nhất là hành lang pháp lý của ta phải hoàn thiện hơn để người dân biết được hành vi thế nào được coi là xâm hại trẻ em, thế nào được coi là dâm ô phù hợp hơn với chuẩn mực quốc tế và LHQ.
Bên cạnh đó, chúng ta phải tăng hiệu quả của công tác xét xử, thi hành án, xử lý đối với những người phạm tội. Hạn chế việc người phạm tội nhưng không bị xử lý, hoặc xử lý quá nhẹ do thiếu chứng cứ, thiếu cơ sở pháp lý. Các vụ việc kiểu này cần được xử lý hiệu quả, công bằng có sức răn đe.
Một trong những vấn đề UNICEF Việt Nam quan tâm, khuyến nghị và mong muốn hợp tác với Chính phủ trong thời gian tới là xây dựng và áp dụng những quy trình điều tra, truy tố, xét xử thân thiện, nhạy cảm giới đối với trẻ em, nhất là trong các vụ việc dâm ô, xâm hại tình dục.
Ngoài ra, quá trình điều chỉnh pháp luật của Việt Nam nên xem xét, tham khảo các quy định của các hành lang pháp lý quốc tế trong đó có Công ước LHQ về quyền trẻ em, các chuẩn mực chung cũng như các biện pháp hữu hiệu của các nước đi đầu trong lĩnh vực này.
Cần thay đổi quan niệm và nhận thức xã hội
- Có một số hành vi của người lớn không thật sự đúng mực như cấu, véo thậm chí cưỡng hôn trẻ liệu có được coi là một dạng xâm hại?
- Bên cạnh những điều chúng ta vừa đề cập, chúng ta phải hướng đến xử lý những nguyên nhân gốc rễ của xâm hại trẻ em, đó là những sai lầm trong quan niệm của xã hội, bất bình đẳng giới, những chuẩn mực xã hội cũ đã không còn đúng trong thời điểm hiện nay.
Có những hành động từ trước đến nay của người lớn được cho là vô hại như sờ vào má, cấu, véo mông, vào đùi... hay trẻ em nam hay bị người lớn sờ vào bộ phận sinh dục.
Trong các nghiên cứu của tôi, hấu hết trẻ em nam khi được hỏi đều nói thấy khó chịu, không thoải mái khi bị làm như vậy. Trong các điều luật quốc tế, đây là một dạng xâm hại tình dục nhưng quan niệm xã hội Việt Nam vẫn đang xuề xòa. Thậm chí chính các bậc phụ huynh cũng không nhận diện được rõ ràng đây là những hành vi lệch chuẩn và con của họ đang bị xâm hại.
Ngoài ra, năng lực của các hệ thống bảo vệ trẻ em trên cả nước cần được nâng cao, cần nhiều cán bộ tốt. Việt Nam chưa có các nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp, trong khi lực lượng nhân viên công tác xã hội ở các nước khác là xương sống cho hệ thống bảo vệ trẻ em.
Họ được đào tạo bài bản, có kiến thức, chuyên môn để xử lý những vụ việc kiểu này. Công việc của họ là tiếp nhận, xử lý, phối kết hợp liên ngành như y tế, cảnh sát để giải quyết những vấn đề này kịp thời. Ngoài ra họ có nhiệm vụ phòng ngừa, phát hiện sớm, ngăn chặn hiệu quả cũng như phục hồi và tái hòa nhập cho trẻ em là nạn nhân.
Hạn chế, chấm dứt xâm hại trẻ em nói chung và xâm hại tình dục nói riêng đang là vấn đề bức xúc của không chỉ Việt Nam mà của nhiều nước trên thế giới. Đây không chỉ là vấn đề của trẻ em, của gia đình, của trường học mà của toàn xã hội. Một xã hội văn minh, một nền kinh tế phát triển không thể dung thứ cho tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, tội phạm tôi cho rằng cực kỳ nguy hiểm.
Tháng 6/2018, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn trước Quốc hội. Tại buổi chất vấn, nhiều đại biểu đã truy trách nhiệm của Bộ trưởng về con số 2.000 vụ bạo hành trẻ em.
Các vụ việc xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực trẻ em có xu hướng ngày càng phức tạp, nghiêm trọng.Theo thống kê 5 tháng đầu năm 2018, toàn quốc phát hiện 682 vụ xâm hại 735 em, trong đó xâm hại tình dục là 572 vụ và 562 em bị xâm hại.
Đáng chú ý, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình (bố đẻ, bố dượng, anh, em họ...) là 21,3%, bởi thầy giáo, nhân viên nhà trường là 6,2%, bởi người quen, hàng xóm là 59,9%, người lạ là 12,6%.
Video: Duy Anh
Theo Zing
Đắk Lắk: Những nhà giáo tìm niềm tin trong nước mắt Chỉ có tình yêu thương học sinh vô điều kiện, lòng yêu nghề cháy bỏng mới có thể giúp những thầy cô giáo miền biên viễn (thuộc tỉnh Đắk Lắk) vượt lên mọi khó khăn, vất vả trong hành trình "cõng chữ" lên non. Vượt lên những khó khăn vất vả, các thầy cô nơi đây vẫn luôn dành cho học sinh tình...