Bạn đọc viết: “Mẹ ơi, mua quà cho cô giáo…”
Hôm mới đây lúc tôi đón con tan trường, con gái chạy ào vào lòng mẹ thủ thỉ: “Mẹ ơi, mua quà cho cô giáo!”. Tôi giật mình, mọi người xung quanh nghe được cũng bắt đầu xầm xì to nhỏ. Nào là “cô giáo đòi quà rồi”, “sắp đến mùa thu hoạch mà”, “có quà cho cô không là mệt nghe”…
Ảnh minh họa
Những lời xầm xì vang lên bên tai tôi không dứt. Và dường như không hề có một lời bình phẩm nào tích cực dành cho những người thầy vẫn đang ngày ngày dạy dỗ con trẻ.
Tôi đưa con đến bên ghế đá dưới tán cây và dò hỏi con về việc “mua quà cho cô giáo”. Bé con ngây thơ kể về những bài học trong sách đạo đức và lời dặn dò của thầy giáo dạy kỹ năng sống về lòng biết ơn thầy cô giáo.
Lễ Tết đang đến. Trong ba ngày Tết có “Mồng ba Tết thầy” thiêng liêng, ý nghĩa. Mấy hôm nay, truyền hình liên tục gợi nhắc về Tết, về những món quà bày tỏ lòng tri ân đối với bố mẹ, thầy cô. Những tiết chào cờ ở trường cũng phát động phong trào thi đua học tốt chào mừng ngày hội lớn của dân tộc. Vậy nên, trong lòng con trẻ cũng rộn ràng, háo hức vô cùng.
Con gái tôi học lớp 1. Tâm hồn các con ngây thơ và trong sáng vô ngần. Bọn trẻ bắt đầu nhận biết và dần dà làm quen với những lễ nghĩa, phép tắc với thầy cô, bố mẹ, anh em, bạn bè… Những hạt giống tâm hồn đầu tiên của các con cần được vun xới và ươm mầm để phát triển tốt tươi, xanh ngát.
Video đang HOT
Lòng biết ơn thầy cô giáo là một trong những bài học lễ nghĩa thuở ban đầu ấy. Lời tri ân của các con cần được nuôi dưỡng và tưới tắm bằng dòng nước ngọt mát của tình yêu thương, lòng tôn kính và sự lễ phép…
Con trẻ đang học bài học về lòng biết ơn và đang thực hành bài học về lòng biết ơn. Vậy nên đối với việc các con nhắc nhở bố mẹ “mua quà cho cô giáo”, tôi nghĩ quá đỗi bình thường. Một món quà nhỏ, có khi là xấp vải áo dài, chai dầu gội, bộ tách trà… giá trị nhỏ những ý nghĩa lớn. Món quà ấy cũng có thể là bó hoa tươi thay lời chúc mừng, lời cảm ơn. Món quà ấy đôi khi là mấy tấm thiệp con con tự tay bọn trẻ cắt dán, trang trí và nắn nót viết lại càng đáng quý hơn.
Con trẻ trong sáng vô ngần trong cách thể hiện lòng biết ơn thầy cô. Chỉ có người lớn chúng ta mới “mượn cớ” tặng quà thầy cô để nuôi dưỡng ý định nhờ vả về điểm số, thành tích. Chỉ có người lớn mới mạnh tay chi tiền mua quà hòng lấy lòng thầy cô mong con trẻ được ưu ái hơn. Chỉ có người lớn mới đút lót phong bao, phong bì rồi chính mình phán “thầy cô đòi quà!”.
Đáng buồn thay khi ý nghĩ và lời nói vô ý, vô tâm, vô tình của người lớn đã và sẽ gieo vào lòng con trẻ những gợn sóng lăn tăn, những gam màu xám xịt về hình ảnh người thầy. Sự tôn kính thầy cô phai nhạt, lòng mến yêu giảm sút và lời tri ân bị méo mó trong con trẻ sẽ nguy hại vô cùng!
Khi thấy một đứa trẻ nhắn nhủ “Bố/mẹ ơi, mua quà cho cô giáo…”, xin đừng vội quy kết “Cô nhắc quà, đòi quà!”…
Khi trao gói quà cho con đến tặng thầy cô, xin đừng nói với theo “Mùa thu hoạch của giáo viên đến rồi!”…
Khi con mình chuẩn bị món quà có phần sơ sài, dung dị so với bạn bè, xin đừng vội lo âu “Chẳng biết nó có bị phân biệt đối xử không?”…
Đừng vô tình nhồi nhét vào đầu óc non nớt của các con những ý nghĩ méo mó, những hình ảnh xấu xí về lòng biết ơn thầy cô!
Nguyễn Thùy
Theo Dân trí
Đổi mới từ cuộc họp phụ huynh
Họp phụ huynh là dịp để các bậc cha mẹ gặp gỡ giáo viên chủ nhiệm của con, cùng bàn bạc trong việc dạy dỗ con trẻ sau một học kỳ.
Ảnh minh họa
Cấu trúc "kinh điển" của một buổi họp ở hầu hết trường thường có hai phần: Phần đầu do giáo viên chủ nhiệm phụ trách, trong đó bao gồm nội dung thông báo tình hình chung, thành tích của nhà trường và tình hình học tập, nền nếp của lớp; phần sau là Ban đại diện Cha mẹ học sinh của lớp làm việc, thông báo các khoản cần chi tiêu cho lớp và các con trong các dịp lễ, tết, các hoạt động tập thể để thống nhất một khoản thu gọi là quỹ lớp.
Tình trạng chung của nhiều cuộc họp phụ huynh vẫn chủ yếu chỉ diễn ra một chiều, tức là chỉ có giáo viên truyền đạt còn phụ huynh chỉ biết ngồi nghe. Những nhận xét chung chung kiểu như: "Đa phần các em ngoan nhưng một số còn hiếu động và nghịch ngợm", "một số em hay nói chuyện trong lớp", " Một số em đi học trễ...", "học sinh A còn yếu, môn Toán chỉ 5,0"...có lẽ, không nhiều thông tin hơn sổ liên lạc điện tử đã có. Đi họp như đi điểm danh, không ít phụ huynh vẫn nói vậy.
Đáng mừng là không phải tất cả các cuộc họp phụ huynh đều tẻ nhạt, hình thức. Trong bức tranh tranh chung đổi mới giáo dục, cũng đã có những cuộc họp phụ huynh đổi mới xuất hiện. Mới đây nhất, tại lớp 10A2, Trường THPT TenLơMan (Ernst Thalmann), quận 1, TPHCM, nhiều phụ huynh, lẫn học sinh và cả giáo viên đã rơi nước mắt vì cảm xúc, thấu hiểu, chia sẻ dành cho nhau ngay trong buổi họp phụ huynh cuối học kỳ 1. Tất cả học sinh lớp đều có mặt sớm, cùng nhau chuẩn bị bánh mì, nước uống để mời ba mẹ, rồi hát những bài hát ghi nhớ công lao, bày tỏ tình yêu với bậc sinh thành.
Thầy giáo chỉ có 5 phút để nói về một số hoạt động trong thời gian tới của trường, của lớp và sau đó nhường quyền chủ trì buổi họp phụ huynh cho 48 học sinh của mình. Từng học sinh lần lượt đứng giữa lớp chia sẻ cho ba mẹ mình biết về kết quả học tập, bản thân đã học được điều gì trong học kỳ qua cũng như những điều mong ước, lời hứa, dự định của các con trong học kỳ tới... Buổi họp đã mang lại hiệu quả ngoài mong đợi đối với gia đình và nhà trường.
Trước đó, ở Trường THCS Nguyễn Du, Q.1, TPHCM, buổi họp phụ huynh trường này cũng được thiết kế thành chuyên đề "Làm bạn với con". Nhà trường mời chuyên gia tâm lý đến trao đổi, chia sẻ với phụ huynh về những vấn đề, tâm lý của tuổi mới lớn.
Không chỉ lắng nghe, tiếp nhận thêm những thông tin, kiến thức để hiểu con hơn, phụ huynh trực tiếp đặt câu hỏi cụ thể để được tư vấn. Buổi họp tại các lớp, cha mẹ học sinh được tham gia vào các trò chơi cùng giao lưu kết nối giữa phụ huynh khác, kết nối với giáo viên chủ nhiệm. Họ cùng tham gia vào các hoạt động cùng ra phương pháp giáo dục con cái hiệu quả với nhà trường. Một số giáo viên cũng thiết kế chuyên đề trò chuyện trong buổi họp phụ huynh như về "Yêu sớm"...
Mỗi cuộc họp phụ huynh là một cơ hội hiếm để phụ huynh và giáo viên được gặp gỡ, trao đổi, tương tác với nhau một cách thân thiện và hiệu quả nhất. Bởi không phải bố mẹ nào cũng có đủ thời gian để mỗi lần đến đón con lại gặp riêng cô chủ nhiệm và cô giáo cũng không thể lúc nào cũng đủ thời gian để trao đổi riêng với từng phụ huynh. Việc giáo viên đổi mới nội dung buổi họp phụ huynh, lấy học trò làm trung tâm để các câu chuyện, những nhận xét trở nên cụ thể, thiết thực và bổ ích hơn là một tín hiệu đáng mừng trong đời sống học đường.
Tuy nhiên, trách nhiệm nâng chất buổi họp phụ huynh không chỉ thuộc về riêng giáo viên chủ nhiệm, mà phụ huynh cũng cần hợp tác song hành thì sự nghiệp đổi mới mới vẹn toàn. Khi chính phụ huynh là người xác định được trách nhiệm của mình trong việc giáo dục học sinh thì trách nhiệm của giáo viên cũng đã được san sẻ, tạo nên sự cộng hưởng để mục tiêu giáo dục đạt được ở mức độ tốt nhất.
Tâm An
Theo giaoducthoidai
Kiên Giang: Cụ bà 81 tuổi gần 20 năm đưa đón học sinh từ nhà đến trường Khoảng năm 2000, thấy các cháu nhỏ một mình đến trường không an toàn, cụ Phan Thị Hai (81 tuổi, xã đảo Sơn Hải, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) lặng lẽ vào các con hẻm đón từng học sinh, xếp thành hàng dọc đưa các cháu đến trường, sau đó bà dẫn các cháu về tận nhà. Trên đường đi học, bà...