Bạn đọc viết: Còn bao đứa trẻ phải chịu áp lực về điểm số?
Suốt mấy ngày nay, cả nhà tôi đứng ngồi không yên về chuyện của cô cháu gái (con chị tôi). Chả là cháu mới bị trầm cảm vì những áp lực của chuyện học hành mang lại.
Giờ cháu đang phải điều trị ở bệnh viện tỉnh. Việc học hành phải dừng lại. Chị gái tôi đã khóc hết nước mắt vì thương con và ân hận.
Ảnh minh họa
Cô cháu gái của tôi vốn học khá và rất ngoan. Suốt những năm đi học, cháu thường đứng tốp đầu. Năm vừa rồi cháu đậu vào một trường cấp 3 công lập với số điểm khá cao. Cả nhà ai cũng yêu quý và tự hào về cháu.
Chị gái tôi yêu con theo cách của riêng mình. Chị hy sinh và muốn dành tất cả những điều tốt đẹp cho con. Mọi việc trong nhà chị đều làm cả. Cháu gái tôi chỉ có việc ăn và học thôi. Lúc nào chị cũng bảo con phải ráng học cho giỏi để sau này mà có tương lai. Chị thường tìm thầy cô giỏi để gửi gắm con bé. Ngay từ hè, con bé đã phải quay cuồng với chuyện học hành. Năm học mới, lịch học của con kín bít suốt cả tuần.
Nhiều lần thấy con bé mệt mỏi, tôi đã góp ý với chị về chuyện giảm bớt học thêm cho con đi. Anh rể tôi cũng từng mắng chị về chuyện này. Vậy nhưng chị đâu có nghe. Chị cứ nhất quyết làm theo ý mình. Với chị, chuyện học hành của con luôn là quan tâm số một. Đây là chuyện quan trọng nhất của một đứa trẻ. Nhất định con phải ráng học giỏi để sau này còn có tương lai.
Bị mẹ áp lực chuyện học hành, con bé rất lo lắng. Chưa kể, mới chuyển cấp nên con bé chưa quen với cách học mới. Thành thử điểm số của con không cao. Mỗi lần báo điểm về, chị lại chì chiết con bé không tiếc lời. Chị từng tâm sự với tôi rằng chị thất vọng về con bé vô cùng. Tháng trước, chị còn nhịn ăn cả ngày để gây áp lực cho con. Cuối cùng, chính con bé phải xin lỗi chị và hứa sẽ cố gắng hết sức để mẹ được vui lòng.
Vậy mà cách đây mấy ngày, tự nhiên con bé mang hết sách vở ra đốt. Vừa đốt nó vừa nguyền rủa những cuốn sách vô hình. Rồi nó đóng cửa nhốt mình trong phòng không ăn uống gì. Cả nhà tôi vô cùng lo lắng và sợ hãi. Năn nỉ suốt mấy tiếng đồng hồ, con bé mới mở cửa ra. Rồi ba nó phải cưỡng chế mới mang được con bé tới bệnh viện.
Nhìn ánh mắt vô hồn của con bé, tôi thương quá chừng. Giá như chị đừng quá gây áp lực với con bé về chuyện học hành. Giá như chị đừng quan trọng quá về điểm số. Tội nghiệp con gái. Chẳng biết bây giờ còn bao nhiêu đứa trẻ phải áp lực về chuyện điểm số như cháu tôi. Biết bao đứa trẻ chẳng còn nụ cười khi mùa thi về. Chính chúng là nạn nhân của những ông bố, bà mẹ cuồng điểm số. Ôi, giá như chị tôi hiểu rằng điểm số không quyết định cuộc đời hạnh phúc của con gái thì tốt biết bao.
Sau bao nhiêu chuyện, chị tôi chỉ biết khóc và tự trách bản thân. Chị bảo giờ chỉ mong con mau khỏe để trở lại là người bình thường. Chỉ cần con là người bình thường hạnh phúc thôi. Giờ chị không cần điểm số nữa. Chị đã sai thật sự rồi.
Đây cũng là bài học chung cho tất cả phụ huynh chúng ta khi quá trọng về điểm số của con trẻ. Hãy để các con có những ngày tháng tươi đẹp khi ngồi trên ghế nhà trường. Hãy để các con mỗi ngày đến trường là một ngày vui các bậc phụ huynh nhé.
Video đang HOT
Loát Trần
(Tây Ninh)
Theo Dân trí
Học thêm kín lịch vì... sợ cô quên mặt
Cho con học thêm vì lo cô quên mặt, không nhớ tên, sợ cô ghét, không theo kịp bạn...
Chị Nguyễn Thị Hà (35 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, chị có con năm nay học lớp 6 nhưng lịch học ở trường, học thêm dày đặc, không còn buổi trống.
Học thêm quá nhiều khiến học sinh không còn thời gian nghỉ ngơi. Ảnh minh họa
Chị cho biết, khi bước vào cấp II, số môn học cũng nhiều hơn so với cấp I, hơn nữa, con gái chị lại đang theo học tại một trường chuyên trên địa bàn vì thế mà áp lực học hành cũng căng hơn.
Ban đầu vì thương con, chị không cho đi học thêm nhiều mà dành thời gian cho con nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, một lần nghe con tâm sự, chị Hà giật mình, buộc phải cho con đi học thêm để cô giáo nhớ mặt, nhớ tên con mình.
"Con gái tôi tâm sự: Hình như lên cấp II các cô nhiều môn hơn, dạy nhiều hơn nên cũng bận hơn hay sao mẹ ạ.
Tôi hỏi vì sao?
Con trả lời: Con ngồi bàn đầu, là tổ trưởng, ngày nào cũng giơ tay lên bảng nhưng cả một tuần rồi cô vẫn không nhớ mặt, vẫn hỏi con tên là gì.
Nhưng bạn A, ngồi cạnh con chỉ giơ tay lên bảng một lần mà cô đã nhớ mặt, nhớ tên rồi", chị Hà kể.
Qua câu chuyện của con gái, chị Hà bắt đầu tìm hiểu và được biết cô giáo dạy Văn có mở lớp học thêm tại nhà, một tuần học hai buổi. Bạn A con chị nhắc đến là học sinh theo học lớp dạy thêm của cô ngay từ giữa hè, vì thế, cô nhớ tên, nhớ mặt là đúng rồi.
Lại một lần khác, con chị than rằng, trong lớp có một nhóm khoảng 10 bạn liên tục được cô giáo gọi lên bảng dù điểm miệng có thể lên tới 4-5 điểm 10.
Chị Hà kể: "Con tôi nói, cháu bị một điểm 8 bài kiểm tra 15 phút môn Toán vì thế, cháu rất muốn được lên bảng lấy điểm miệng gỡ lại điểm yếu. Tuy nhiên, suốt nhiều ngày liên tục giơ tay, cháu đều không được gọi lên bảng.
Thay vào đó, cô chỉ gọi những bạn quen mặt và hầu như ngày nào các bạn cũng được gọi lên".
Chị Hà cho biết, nhóm bạn quen mặt đó cũng là nhóm các bạn đang học thêm môn Toán tại nhà cô. Không những các bạn liên tục được gọi lên bảng mà bài kiểm tra của các bạn cũng luôn được ôn trước nên điểm rất cao.
Việc cô giáo chỉ ưu ái gọi học sinh học thêm tại nhà đã khiến nhiều học sinh khác ấm ức, kể lại cho phụ huynh nghe. Trong lần họp phụ huynh cuối kỳ I, nhiều phụ huynh đã có ý kiến và đề nghị giáo viên Toán phải công bằng, khách quan trong giảng dạy.
Thực tế trên lớp cũng có thay đổi nhưng khi làm bài kiểm tra các bạn học thêm luôn được ôn "trúng tủ".
"Trong đề kiểm tra lúc nào cũng có bài rất khó, vượt kiến thức trên lớp, nếu không đi học thêm không bao giờ làm hết được đề", chị Hà nói.
Chưa hết, chị Hà kể tiếp, có lần làm bài kiểm tra giữa kỳ I môn Văn, chị được con gái gọi điện hồ hởi khoe rằng hôm nay con làm bài rất tốt.
"Tôi có hỏi lý do, con tôi nói vì con được học trước.
Tôi ngạc nhiên hỏi lại, con tôi kể: trong lớp có một bạn là con của giáo viên cũng dạy ở trường. Giáo viên này lại là bạn thân của cô giáo chủ nhiệm lớp nên trước ngày kiểm tra bạn ấy đã được cô chủ nhiệm gửi trước đề thi.
Con tôi ngồi gần bạn ấy, thấy bạn ấy hì hụi ôn bài cũng ôn theo và "trúng tủ".
Vì muốn con tự tin, không bị kỳ thị trong lớp nên chị cũng như nhiều phụ huynh khác đã chấp nhận cho con đi học thêm", chị Hà kể.
Theo tường thuật của chị Hà, thời gian biểu của con gái chị bắt đầu từ 6h sáng và thường kéo dài tới 19h tối hàng ngày. Có ngày con chị học thêm hai ca thì phải tới 21h mới về tới nhà.
"Nhìn con phờ phạc, mệt nhoài mà không biết phải làm thế nào. Khuyên con nghỉ bớt, không học thêm nữa thì con lại sợ cô quên mặt, quên tên, cô không gọi lên bảng, sợ không làm được bài kiểm tra, không theo kịp được các bạn...", chị Hà tâm sự.
Gầy người vì học nhiều
Một phụ huynh khác có con học lớp 4 chia sẻ, mới học lớp 4 nhưng con chị cũng đang học thêm kín lịch, cả tuần chỉ được nghỉ một nửa ngày chủ nhật.
Theo nhẩm tính, chị cho biết con chị học thêm 2 buổi Toán, 2 buổi Văn - Tiếng Việt, 2 buổi Tiếng Anh.
Với lịch học thêm như vậy, con chị chỉ kịp về nhà vứt cặp ăn cơm và lại chuẩn bị đi học tiếp. Tối trở về nhà thường rất mệt, chỉ đủ thời gian để soạn sách vở rồi đi ngủ chứ không có nhiều thời gian để học lại bài cũ hay chuẩn bị bài cho ngày hôm sau.
Chị có hỏi thì được con giải thích, cô đã dạy ở lớp học thêm nên về nhà không cần chuẩn bị nữa.
Dù biết kết quả học tập của con cuối năm khá tốt, điểm tổng kết các môn đều trên 9,0 nhưng chị vẫn thấy không yên tâm vì không biết học lực thật sự của con như thế nào.
Về phần chị khi nói về thời gian biểu của con chỉ biết thở ngắn, than dài, không học thì sợ cô trù, sợ cô ghét, không lên được lớp mà học thì con gầy mòn, không lớn được.
Thái Bình
Theo baodatviet
Nhiều phụ huynh Trường Lê Quý Đôn bức xúc vì con phải học cả ngày Không ít tỉnh thành nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng đã phớt lờ sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tự quyết định buộc học sinh phải học 2 buổi/ngày. Sau bài viết "Tổ chức học 2 buổi/ngày bậc trung học có cần hỏi ý kiến các em học sinh?" đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt...