Bạn đọc viết: Cô gặp lại mình trong trang viết của con…
Bất chợt bắt gặp nét bút về tuổi thơ của một học trò nhỏ, lòng tôi lâng lâng dịu ngọt đến vô ngần. “Cô gặp lại mình trong trang viết của con…”, tôi đã phê như thế vào bài văn điểm chín của cô bé lớp 6 hồn nhiên, đáng yêu.
Ảnh minh họa
Dòng sông tuổi thơ trong mỗi chúng ta vun đầy những kỷ niệm ngọt ngào. Mỗi gợn sóng li ti đều có thể khiến lòng ta cuồn cuộn nỗi nhớ, khắc khoải hoài niệm và man mác yêu thương.
Để rồi bất chợt bắt gặp nét bút về tuổi thơ của một học trò nhỏ, lòng tôi lâng lâng dịu ngọt đến vô ngần. “Cô gặp lại mình trong trang viết của con…”, tôi đã phê như thế vào bài văn điểm chín của cô bé lớp 6 hồn nhiên, đáng yêu.
Này là trò ô ăn quan với nét kẻ trên nền đất và mấy chục viên sỏi ngoan ngoãn xếp hàng ngăn nắp trong từng ô kẻ. Lũ trẻ ngồi bệt trên đất, say sưa đấu trí giành từng viên sỏi một, đứa hí hửng vơ “quan” về tay và đứa tiu nghỉu nhìn đối thủ “ăn đậm”…
Này là trò nhảy dây rộn rã từng bước chân. Dây thun giăng ra, từng đôi chân khéo léo vượt chướng ngại vật. Khó lắm nhé, đừng tưởng trò con nít dễ chơi! Hãy thử từng nấc dây cao dần, cao dần lên. Những cú phi thân ngoạn mục làm bạn phải xuýt xoa. Và “chị đại” của cả bọn chính là người nhảy cao nhất, khéo nhất và giỏi nhất.
Này là trò giật cờ náo động một góc sân. Nhánh lá dại cột lại làm “cờ”. Hai đội thi trong tư thế sẵn sàng “chiến đấu”, chỉ cần nghe gọi đúng “số” là lao về phía trước, khôn khéo “lừa” đối thủ và tinh nghịch “chộp” cờ trong tiếng hò reo không dứt của đồng đội.
…
Video đang HOT
Một thời bé thơ lê la khắp đường làng ngõ xóm của tôi bỗng sống lại mãnh liệt trong từng câu chữ của học trò. Và tôi mê mẩn hơn cả với trò chơi đồ hàng của các con. Ngày xưa, ngày xưa ấy, tôi cũng từng bán bán buôn buôn, tập tành làm bố làm mẹ, đóng vai cô dâu chú rể…
Trang viết của con có ba đứa trẻ đang bày biện sinh nhật cho bạn dưới gốc cây bưởi sau hiên nhà. Chúng vừa “đi chợ” về, sắm sửa đủ thứ cho một bữa tiệc sinh nhật tươm tất. Nào ta cùng chế biến…
Hạt mồng tơi chín muồi tím thẫm mọng nước đến thích mắt. Vắt từng chùm hạt vào ly nhựa nhỏ xíu thành rượu vang sóng sánh chưa uống đã say, chưa nếm đã mê ly.
Sợi tơ hồng vàng ươm vương vít trên hàng rào óng ánh màu nắng hạ. Hái vào, cắt nhỏ thành từng sợi ngắn, đặt lên đĩa, rải vào vài hạt ngâu đỏ đượm. Thế là món bún nghệ bắt mắt đã lên “thực đơn”.
Hoa râm bụt đỏ chói làm thịt bò. Từng cánh hoa hóa lát bò mỏng tanh, ướp chút hỗn hợp “gia vị” của hạt é, lá ngò. Vờ đặt lên bếp bắc từ ba viên đá nhỏ xíu, đảo qua đảo lại, hít hít hà hà thơm lừng. Bò áp chảo đã xong nhé bạn!
Vỏ bưởi xén bớt lớp “mỡ” dưới da, cắt từng khoanh mỏng. “Dầu” nóng rồi, cho “da” vào, “rán” phồng lên. Một đứa lên tiếng “tách tách tách”, đứa kia nhanh miệng “bụp bụp bụp”. Thế là cả bọn thè lưỡi, rụt vai giả vờ né tránh “dầu nóng” văng vào người.
Bàn tiệc được dọn lên. Một tấm phản kê chông chênh. Ba nắp nhựa làm chén. Nhánh cây nhỏ bẻ làm đũa. Mấy đứa con nít xúm xít “nhậu nhẹt” sau khi hát vang bài ca mừng sinh nhật bạn. Rồi rủ rê mai làm sinh nhật đứa khác, xoay vòng ngày nào cũng sinh nhật, tuần nào cũng sinh nhật…
…
Ôi! Tuổi thơ của các con hôm nay đẹp quá! Tuổi thơ ngày xưa của tôi cũng trong sáng vô ngần thế đó. Chỉ tiếc là ngày càng ít đi những đứa trẻ biết lấy hạt mồng tơi làm rượu, sợi tơ hồng làm bún, hoa râm bụt làm thịt bò…
Trò chơi tuổi thơ hôm nay phong phú hơn, hiện đại hơn. Đồ chơi tuổi thơ hôm nay xinh xắn hơn, tiện nghi hơn rất nhiều. Nhưng sâu trong tâm khảm tôi vẫn thấy thiếu thiếu điều gì đó.
Có lẽ nó thiếu một chút dung dị, một tí dân gian và một xíu xiu sự tưởng tượng bay bổng của tuổi thơ…
Nguyễn Thùy
Theo Dân trí
Cậu bé lớp 3 tự gây quỹ từ thiện giúp bạn
Bán đào tết gây quỹ, tích cóp tiền lì xì... cậu học trò nhỏ Bùi Vương Tuệ Minh dành dụm được 20 triệu đồng gửi các bạn Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu.
Tuệ Minh chia sẻ tấm lòng của mình đến các bạn khuyết tật Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu - Ảnh: N.V.
Dịp tổng kết năm học 2017-2018, Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM nhận được món quà chia sẻ từ một bạn nhỏ học lớp 3 là 20 triệu đồng.
Cô Hà Thanh Vân, hiệu trưởng Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, cho biết: "Đây là lần đầu tiên trường ghi nhận tấm gương một em học sinh lớp 3 làm từ thiện, sự sẻ chia này dù rằng các em khuyết tật ở đây không thể nhìn thấy nhưng chắc chắn việc làm của em sẽ lan tỏa, làm ấm lòng những bạn có hoàn cảnh khó khăn".
Người trao tặng số tiền này là em Bùi Vương Tuệ Minh, lớp 3 một trường tiểu học tại TP.HCM. Tết vừa qua, Minh nghĩ ra cách bán cành đào.
Được bố mẹ giúp một tay cho mượn vốn và vận chuyển đào từ Hà Nội vào, em để những cành đào trước sảnh ra vào chung cư đang ở, kèm dòng chữ và số điện thoại: "Con là Tuệ Minh, con bán đào để gây quỹ cho các bạn khó khăn. Mọi người ủng hộ con!".
Sau đợt bán này Minh có được 7 triệu đồng, cộng số tiền lì xì, tích góp thành số tiền tặng các bạn trường khiếm thị.
Đây không phải lần đầu tiên Tuệ Minh giúp đỡ các bạn nhỏ cùng trang lứa. Trước đó, Minh đã tự tiết kiệm tiền, xây dựng kế hoạch và "chăm sóc" người thân để có quỹ chia sẻ đến các bạn nghèo khi nhìn thấy những hình ảnh bão lũ ở tỉnh Sơn La trên báo đài, các bạn ở trường nghèo của huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc).
"Mẹ không bao giờ cho em tiền nhiều, nhưng ban đầu có 5 triệu đồng nhờ mẹ giữ hộ vì tiền lì xì của năm 2016, nhưng ra tận Sơn La thì số tiền hơi ít, thế là em nghĩ em sẽ "nịnh" người thân để có quỹ nhiều hơn gửi ra ủng hộ các bạn" - Tuệ Minh cho biết.
Cách mà em "nịnh" người thân để được tiền thưởng đó là mỗi khi đi học về hay những lúc rảnh rỗi cuối tuần em đấm lưng, nhổ tóc bạc cho mẹ, cô, dì; đọc sách, kể chuyện cho ông bà nghe.
Mẹ của Minh chia sẻ: "Tôi rất vui và ủng hộ vì cháu ý thức được việc làm của mình từ những hành động nhỏ. Quan trọng hơn, qua những điều như thế, tôi dạy cho con biết sử dụng đồng tiền đúng nghĩa".
Theo tuoitre.vn
Những điều khi nuôi dạy con trai mọi bà mẹ phải biết Để dạy con trai thành một người đàn ông chân chính và biết yêu thương, bạn cần phải cố gắng hết sức để phát triển mọi điều tốt đẹp nhất trong một cậu bé. Những điều sau đây đặc biết cần thiết đối với mọi bà mẹ đang nuôi dạy con trai Dưới đây là những điều các bà mẹ cần biết để...