Bạn đọc viết: Cần thiết lập con vào khuôn khổ sau Tết
Chỉ còn một ngày nữa là con trở lại trường học sau kì nghỉ Tết dài ngày. Để con trở lại nề nếp trước đây, vợ chồng tôi đã giục con ngủ sớm và dậy đúng giờ, tránh cảnh “dở khóc dở cười” như năm trước.
Ảnh minh họa
Vậy mà sau hồi lớn tiếng, các con mới uể oải bước xuống giường kèm lời trách mắng ba mẹ khó tính vì chưa hết Tết thì dậy sớm để làm gì.
Nhớ lại cảnh năm ngoái mà hai vợ chồng tôi còn toát mồ hôi vì “sợ”. Gần 6h30 sáng mà không sao dựng nổi con dậy để chở đến trường. Trong khi đó chúng tôi phải làm việc đúng 7h sáng. Chính vì vậy mà chúng tôi rất sợ trễ giờ. Hai vợ chồng cứ thế đổ tội cho nhau. Chồng thì trách tôi chiều chuộng con mấy ngày Tết nên giờ mới thế. Tôi thì trách chồng thức khuya, không ngủ sớm nên con mới bắt chước. Cả nhà náo loạn vì chuyện con không dậy đi học. Cuối cùng chúng tôi phải xốc nách thì con mới chịu bước xuống giường rồi mới vệ sinh, thay đồ để đến trường.
Suốt chặng đường, con cứ lèo nhèo kêu mệt mỏi vì còn buồn ngủ. Trong cơn tức giận, tôi không ngừng trách mắng con. Thả được con ở trường, tôi phóng như bay cho kịp giờ. Vì tức giận nên tôi mang khuôn mặt hình sự tới lớp dạy học. Thế là ai cũng hỏi thăm xem gia đình có chuyện gì vậy. Chưa kể mới dạy hết tiết 1, cô giáo của con điện đến vì con ngồi học mà ngủ gà, ngủ gật, không học nổi. Thành thử buổi làm việc đầu tiên của năm không vui vẻ chút nào.
Giờ ra chơi, mang câu chuyện gia đình kể với đồng nghiệp, tôi gặp được không ít người cùng cảnh ngộ. Ai cũng bảo những ngày nghỉ Tết con thường ăn ngủ không giờ giấc. Các con thường thức khuya, dậy trễ. Lúc đầu, cha mẹ cứ nghĩ: Kệ chúng đi, ngày tết mà, cứ cho chúng được thoải mái đi. Sau Tết, sẽ rèn lại nếp cho con. Thành thử bọn trẻ sao nhãng chuyện học, ngại quay lại lớp học là chuyện bình thường.
Video đang HOT
Năm nay, hai vợ chồng tôi đã lên kế hoạch để tránh lặp lại “cảnh cũ”. Những ngày Tết tôi cũng không cho con thức khuya quá. Buổi tối, chỉ cho con chơi tới 10h là nhắc đi ngủ. Bắt đầu từ ngày mùng 6 Tết là nhắc các con phải xem lại bài vở khoảng một tiếng. Hai vợ chồng cũng tâm sự cho con hiểu về ý nghĩa ngày Tết cổ truyền. Bên cạnh đó, cũng liên tục nhắc nhở các con chuyện học hành vẫn là quan trọng nhất. Sau Tết, các con phải tập trung học hành để đạt kết quả cao. Buổi sáng, chúng tôi vẫn gọi con dậy sớm (dù chẳng để làm gì) để con quen nếp. Mong sao năm nay mọi chuyện đều hanh thông.
Thông thường sau những kì nghỉ Tết dài ngày, bọn trẻ thường xáo trộn lịch sinh hoạt. Chúng được ăn ngon, được vui chơi thoải mái mà không phải lo chuyện học bài. Ngày Tết cha mẹ cũng thường thoải mái hơn với con. Thành thử sau Tết thiết lập lại nề nếp cũng không phải là chuyện dễ.
Như vậy để thiết lập con vào “khuôn khổ” sau Tết là chuyện không dễ dàng. Mong sao các bậc phụ huynh bớt chút thời gian để tâm sự, trò chuyện cùng các con. Hãy nhắc nhở con rằng kì nghỉ Tết sắp hết rồi, nhiệm vụ của các con là trở lại trường thôi. Làm sao tạo được sự hứng thú, niềm phấn khởi cho con. Chúc tất cả quý phụ huynh bước vào ngày đầu năm làm việc thật vui vẻ.
Loát Trần
(Tây Ninh)
Theo Dân trí
Bạn đọc viết: "Thích nhất là Tết không phải học bài"
Lũ trẻ nhà tôi đã bắt đầu kì nghỉ Tết kéo dài 10 ngày. Tôi định mỗi ngày sẽ giục con học khoảng 1 tiếng. Các con nhăn nhó: "Mẹ lại bắt học, Tết mà phải học thì chán lắm!". Vậy là tôi quyết định cho các con chơi thỏa thích, sách vở xếp gọn trong ngăn bàn...
Lũ trẻ nhà tôi đã bắt đầu kì nghỉ Tết kéo dài 10 ngày. Tôi định mỗi ngày sẽ giục con học khoảng 1 tiếng: con trai ôn lại Văn - Toán - Ngoại ngữ, con gái luyện viết chữ đẹp vì chữ con viết còn cẩu thả, nguệch ngoạc. Các con nhăn nhó: "Mẹ lại bắt học, Tết mà phải học thì chán lắm!". Vậy là tôi quyết định cho các con chơi thỏa thích, sách vở xếp gọn trong ngăn bàn.
Sáng qua, con trai dậy sớm chứ không ngủ nướng như ngày nghỉ cuối tuần. Con có hẹn chơi cầu lông với anh hàng xóm. Sau đó, mấy bạn nhỏ cùng nhau xem phim hoạt hình, cười đùa rôm rả. Con gái có hội bạn thật đông vui, bày đủ trò chơi suốt cả ngày, ham chơi đến quên cả giờ cơm.
Hơn 11h trưa, tôi đi làm về vẫn thấy lũ trẻ hò reo đánh cầu lông, mắc lưới, chia đội đàng hoàng. Một số bạn ngồi thềm nhà chăm chú theo dõi, cổ vũ kiêm luôn trọng tài đếm tỉ số. Các chị chơi cùng các em nhỏ trò trốn tìm, trò "đồ 3 tiếng" thật vui nhộn. Sân tập thể rộn rã tiếng cười đùa của trẻ con suốt cả ngày.
Ngày Tết, các con cùng bố mẹ về quê nội, quê ngoại, đi chơi đây đó nên lịch nghỉ Tết kín mít các hoạt động. Tôi vẫn nhớ con trai lúng túng khi ôn bài văn tả cây đào ngày Tết, phải tham khảo văn mẫu, nhờ mẹ hướng dẫn. Vậy là tôi sắp xếp ngay buổi chiều nắng đẹp, thời tiết khô ráo rủ hai con và một bạn nhỏ bên cạnh cùng đi chơi vườn đào. Lũ trẻ cuống quýt chuẩn bị, bạn A chạy vội về nhà rửa bát, con gái nhanh chóng đội mũ, khẩu trang để lên đường. Tôi đạp xe dẫn đường, hai đứa nhỏ phía sau gò lưng đạp theo sát. Đường ngày Tết đông đúc xe cộ đi lại, tôi nhắc bọn trẻ đi xe sát lề đường, xuống xe khi sang đường để đảm bảo an toàn. Đi khoảng 3 km mới tới vườn đào, xe dựng vỉa hè, tôi và lũ trẻ cùng chạy ào xuống vườn đào rực rỡ.
Đi chơi vườn đào ngày Tết.
Lũ trẻ reo hò sung sướng khi được thỏa sức chạy nhảy trên cánh đồng hoa mênh mông nắng gió. Con trai được tận mắt ngắm những luống đào kẻ thẳng tắp, những cây đào được trồng cách nhau đều đặn. Tôi kể cho các con nghe: "Cây đào dịp Tết luôn được giữ đất khô để hãm hoa, tưới nhiều nước sẽ khiến cây bật nhiều lá non, hoa nhanh nở, mau rụng. Để có cây đào đẹp, người nông dân vất vả không quản nắng mưa...".
Đi khắp những luống hoa, tôi chỉ cho các con xem đâu là một cây đào đẹp và hỏi lũ trẻ: "Màu hoa đào giống màu gì?" Lũ trẻ nhanh nhảu trả lời: "Hoa đào giống màu phong bao lì xì, đỏ như son môi, đỏ như sự may mắn của năm mới".
Quan sát trực tiếp khiến các con có sự so sánh, liên tưởng thật thú vị. Các con thích thú khi ngắm đào bích, đào phai, đào ghép pha màu trên từng bông hoa, những cây đào chi chít bông đỏ thắm, nụ chúm chím và lưa thưa vài chiếc lá non. Cuối ruộng đào, bác nông dân trồng xen một luống cà chua. Tôi chỉ cho các con xem bụi cà chua có hoa vàng, quả xanh, quả chín đỏ nằm vắt mình trên những que tre cắm giàn nâng đỡ thân cà chua trĩu quả.
Chơi ở vườn đào khoảng nửa tiếng, tôi giục lũ trẻ ra về. Con đường trung tâm thị trấn được trang hoàng nhiều bồn hoa đẹp mắt, tôi đọc tên từng loài hoa cho lũ trẻ: hoa cẩm tú cầu, hoa xác pháo, hoa bỏng. Góc phố ngã ba có hàng bán áo dài trẻ con, quán khác bán cả dãy đèn lồng đỏ thắm. Lũ trẻ trầm trồ không ngớt, đúng là Tết có khác, đường phố thật nhộn nhịp và đẹp mắt.
Các con về quê, tôi sẽ tranh thủ cùng con học gói bánh chưng, đẩy củi canh nồi bánh sôi lục bục; các con sẽ quét sân, quét ngõ, dọn nhà giúp ông bà. Tôi nhắc các con những phép tắc nhỏ trong bữa ăn, không đòi người lớn lì xì, biết chúc Tết mọi người theo độ tuổi. Ngày Tết, sách vở các con xếp lại, các con sẽ được đi chơi Tết, vui Tết, cùng làm món ăn ngày Tết, nói lời hay ý đẹp để ngày Tết luôn đầy ắp ý nghĩa.
Thanh Mai
(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)
Theo Dân trí
Việc nên và không nên làm với con khi ăn uống, tưởng đơn giản nhưng không phải ai cũng biết Khi trẻ ăn uống cũng là thời gian cha mẹ có thể dạy con nhiều điều bổ ích. Bên cạnh đó, cũng có những việc tuyệt đối không nên làm trong khoảng thời gian này. Tuyệt đối không trách mắng trẻ khi ăn uống Các bậc phụ huynh thường có thói quen là tranh thủ thời gian cả nhà đang ăn cơm để...