Bạn đọc viết: Cảm ơn chị, người giáo viên giỏi đã thắp lửa nhiệt huyết trong tôi
Trong chặng đường hơn mười năm làm nghề giáo của mình, tôi may mắn gặp được những đồng nghiệp cũng là người thầy, người chị hết lòng bảo ban, truyền đạt kinh nghiệm của người đi trước. Chị là một trong số đó, một giáo viên Ngữ Văn giỏi nhiều năm liền đã thắp lửa nhiệt huyết bồi dưỡng học sinh giỏi trong tôi.
Ảnh minh họa
Chị rất “ mát tay” trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Năm nào đội tuyển của chị cũng đạt giải cao trong các kỳ thi. Vừa ngưỡng mộ, tôi vừa tranh thủ học hỏi kinh nghiệm của chị từ khâu phát hiện học sinh có năng khiếu, quan sát niềm đam mê viết của các em, hướng dẫn các em cách tiếp cận đề bài, cách làm bài hiệu quả… Thú thật, đó là vốn kinh nghiệm “sống” vô giá mà không có sách vở nào ghi chép.
Mấy người bạn của tôi thường tâm sự về những đồng nghiệp có tính ích kỷ, thích giấu nghề. Họ có tài liệu bồi dưỡng học sinh giỏi nào hay là giấu kỹ không cho mượn. Muốn học hỏi kinh nghiệm thì bạn tôi chỉ nhận được câu trả lời: “Cứ dạy rồi quen, dạy nhiều tự khắc có kinh nghiệm”. Chị lại khác, thường cho tôi những lời khuyên chân tình, những bài học kinh nghiệm ý nghĩa.
Chị và tôi thường bàn luận rất hăng say về chủ đề thi học sinh giỏi. Chúng tôi đều thừa nhận rằng người giáo viên vừa giảng dạy vừa học tập từ chính học sinh của mình. Đôi khi các em có những phát hiện, cảm thụ cực kỳ sáng tạo làm tôi phải ngạc nhiên. Đôi khi các em có những cách trình bày vấn đề, cách diễn đạt câu chữ khiến tôi khâm phục.
Những lúc ấy, tôi phải lấy điện thoại chụp hình lại đoạn văn kia, lấy giấy bút ghi chép lại câu văn đó để làm tư liệu, tích lũy chuyên môn cho hành trang giảng dạy. Nói thế để thấy rằng năng lực của học sinh sẽ được khai thác tối đa từ trong chính các lớp bồi dưỡng. Như một viên ngọc thô sơ sẽ chẳng bao giờ bộc lộ ánh sáng lấp lánh của nó nếu không được mài giũa, năng khiếu học sinh cũng vậy.
Mặt khác, giáo viên được phân công bồi dưỡng, dù muốn dù không cũng phải tìm cách nâng cao chuyên môn nghiệp vụ của mình. Đôi khi, không phải vì mục đích giành giải này giải nọ, chỉ đơn giản là muốn tạo uy tín với học sinh, người thầy buộc phải tự mày mò, nghiên cứu tài liệu, tiếp cận nhiều nguồn thông tin…
Tay nghề giáo viên sẽ được nâng lên từ trong chính nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi. Nói cách khác, kỳ thi học sinh giỏi là lực đẩy cần thiết buộc người thầy phải vận động, chống căn bệnh “chây ì”, tự thỏa mãn với thành tích cá nhân trong công tác giảng dạy.
Quan điểm này của chị hoàn toàn trái ngược với bao nhiêu lời thở than ngoài kia đang lên tiếng xóa bỏ kỳ thi. Và tôi ủng hộ chị.
Bồi dưỡng học sinh giỏi ở trường phổ thông không có chế độ, không được quy đổi số tiết miễn trừ. Nhiệt tình giảng dạy hay không đều phụ thuộc tâm ý của giáo viên. Tất nhiên trong trường tôi cũng có một số giáo viên thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng qua loa, chiếu lệ, đối phó. Có lúc tôi cũng bị “nhiễm” tính lười nhác ấy và suýt buông xuôi công tác.
Chính lúc ấy, chị khuyên nhủ tôi rất nhẹ nhàng rằng người giáo viên siêng hay biếng nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi không phải vì sợ ban giám hiệu đánh giá mà nên sợ học sinh nhận xét. Bởi học sinh thừa biết thầy cô nào dạy hay hoặc dở, nhiệt tâm hoặc không. Chính chúng ta xây dựng hình ảnh của mình trong lòng học sinh, lung linh hay mờ ảo là do ý thức và hành xử của chúng ta quyết định.
Từng chút một, tôi được chị truyền nghề bằng tấm lòng của một người chị, kinh nghiệm của một đồng nghiệp đi trước. Và hơn tất cả, chị đã thắp ngọn lửa nhiệt huyết trong tôi… Xin cảm ơn chị thật nhiều!
Video đang HOT
Nguyễn Thùy
Theo Dân trí
Tại sao sáng kiến kinh nghiệm lại được ưu ái hơn các phong trào thi đua khác?
Phong trào thi giáo viên giỏi, bồi dưỡng học sinh giỏi thì không mấy người chủ động tham gia nhưng sáng kiến kinh nghiệm thì một số giáo viên rất nhiệt tình.
ảnh minh họa
LTS: Đưa ra những quan điểm về việc hiện nay viết sáng kiến kinh nghiệm lại được các thầy cô ưu ái hơn các phong trào thi đua khác, thầy giáo Nguyễn Cao đã có những về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Trong bất kể ngành nghề nào thì việc phát động các phong trào thi đua cũng là điều cần thiết nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của mỗi cá nhân, mỗi đơn vị.
Ngành giáo dục cũng vậy, dù một số giáo viên có chán các phong trào thi đua của ngành như thế nào đi chăng nữa thì cũng không thể phủ nhận được một thực tế là nếu không thi đua thì chắc chắn sẽ tạo nên một sức ỳ rất lớn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành.
Tuy nhiên, thi đua như thế nào và cách ghi nhận, cách xét thi đua cũng như các văn bản hướng dẫn xét thi đua, đánh giá công, viên chức ra sao thì lại là một vấn đề không phải bao giờ cũng chính xác và phù hợp.
Nếu hướng dẫn xét thi đua, đánh giá cuối năm sát thực tế thì sẽ tạo được động lực phấn đấu cho mọi người, nếu hướng dẫn không sát hoặc chưa phù hợp sẽ tạo ra sự chán nản, thờ ơ cho mọi người.
Thế nhưng, nhìn từ các văn bản hiện nay cũng như thực tế thực hiện của các đơn vị trường học thì chúng tôi vẫn cảm nhận còn nhiều bất cập, hạn chế.
Điều này thể hiện rất rõ trong Nghị định 56 của Chính phủ (đã được sửa đổi bằng Nghị định 88) và Thông tư 35 của Bộ giáo dục về chỉ tiêu và vị trí của việc viết, công nhận sáng kiến kinh nghiệm đối với các đơn vị trường học hiện nay.
Nếu như tại điểm d của điều 25, Nghị định 56 của Chính phủ đã hướng dẫn việc đánh giá cuối năm thì cán bộ, công, viên chức phải:
"Có ít nhất 01 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận" thì mới được xếp loại từ "hoàn thành nhiệm vụ" trở lên.
Khi Nghị định 88 của Chính phủ về sửa đổi một số điều trong Nghị định 56 thì bỏ quy định này đối với 3 mức đánh giá: Hoàn thành tốt, hoàn thành và không hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng, quy định trên vẫn giữ lại cho mức "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ".
Vậy là giáo giáo viên nào muốn "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" bắt buộc vẫn phải có 01 sáng kiến kinh nghiệm được "cấp có thẩm quyền công nhận".
Mới đọc qua thì nhiều người nghĩ rằng đây đã là điều phù hợp nhưng thực tế khi áp dụng (từ năm học này) sẽ nảy sinh nhiều bất cập và chưa thể đánh giá chính xác được sự cống hiến của mỗi cá nhân trong từng đơn vị.
Chẳng hạn, nếu giáo viên thi giáo viên giỏi các cấp (trường, huyện, tỉnh) thì đều phải trải qua 3 vòng: lí thuyết (từ 8 điểm trở lên), sáng kiến kinh nghiệm (từ 6 điểm trở lên), thi dạy thực hành (1 tiết giỏi, 1 tiết khá trở lên).
Như vậy, nếu giáo viên tham gia Hội thi giáo viên giỏi thì sáng kiến kinh nghiệm chỉ là 1 trong 3 điều kiện bắt buộc để đánh giá và xếp loại, công nhận danh hiệu giáo viên giỏi.
Vì thế, ta thấy rất rõ là các điều kiện thi giáo viên giỏi các cấp ngặt nghèo, khắt khe hơn rất nhiều việc thực hiện 1 sáng kiến kinh nghiệm.
Thế nhưng, đỗ giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh thì cũng không được xếp loại "xuất sắc" như đạt giải sáng kiến kinh nghiệm...cấp trường.
Tại điểm a, khoản 2, Điều 10 của Thông tư số 35/2015/TT-BGDĐT như sau: "Giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên; giáo viên trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường trở lên" thì mới được quy đổi thành sáng kiến kinh nghiệm để đề nghị xét danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở.
Như vậy, rõ ràng là vô cùng phi lí khi quá đề cao sáng kiến kinh nghiệm. Bởi, giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở muốn thi giáo viên giỏi cấp huyện thì phải có 2 lần là giáo viên giỏi cấp trường (2 năm), thi cấp tỉnh phải 2 lần là giáo viên giỏi cấp huyện (4 năm) với muôn vàn khó khăn. Nhất là thi thực hành phải thi ở một đơn vị khác, mỗi tiết mỗi khối dạy.
Vào lớp dạy mà không biết đặc điểm, khả năng của học sinh trường bạn nên nhiều khi giảng dạy rất khó được đánh giá cao về tiết dạy thực hành. Nếu học sinh có sự hợp tác với thầy còn đỡ, gặp lớp không muốn hợp tác thì coi như trượt.
Không chỉ giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh mà ngay cả giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên cũng không được quyền lợi bằng sáng kiến kinh nghiệm là bất công vô cùng.
Mấy năm qua, giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi đạt từ giải 3 cấp tỉnh trở lên mới được quy đổi bằng sáng kiến kinh nghiệm.
Nhưng, năm nay nếu áp dụng Nghị định 88 cho việc đánh giá viên chức thì cho dù giáo viên có bồi dưỡng học sinh đạt giải gì đi chăng nữa cũng không được xếp loại viên chức ở mức "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ".
Trong khi ôn học sinh giỏi vô cùng vất vả, ròng rã nhiều tháng trời, thậm chí có đơn vị có kế hoạch ôn suốt cả cấp học.
Khó khăn gấp nhiều lần mới đạt được danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh hoặc có học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên nhưng theo hướng dẫn của Nghị định 88 của Chính phủ thì cũng không được xếp "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" và chỉ được xét đến danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở.
Trong khi sáng kiến kinh nghiệm chỉ cần cấp trường công nhận lại được xếp loại viên chức "xuất sắc", được xét đến tất cả các loại danh hiệu thi đua thì thật là oái oăm vô cùng.
Vì thế, Nghị định 88 sửa đổi vẫn chưa thể hiện được sự công bằng và tạo được động lực phấn đấu cho nhiều phong trào khác mà tiếp tục nuôi dưỡng bệnh giả dối, háo danh của một số người khi tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm.
Thực ra, xếp loại viên chức cuối năm xuất sắc và hoàn thành tốt trở xuống khác nhau rất nhiều về quyền lợi của mỗi giáo viên.
Bởi khi được xếp loại xuất sắc thì được xét danh hiệu thi đua cao, được đánh giá đảng viên cuối năm cũng ở mức cao và bên công đoàn cũng được ưu ái để xét đề nghị thi đua. Mỗi danh hiệu thi đua đi liền với "khen" và "thưởng".
Vì thế, phong trào thi giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, bồi dưỡng học sinh giỏi thì không mấy người chủ động tham gia nhưng sáng kiến kinh nghiệm thì một số giáo viên rất nhiệt tình.
Bởi, viết sáng kiến kinh nghiệm bây giờ nhiều giáo viên chỉ cần ngồi "cắt, dán" vài tiếng đồng hồ là thành một đề tài để "đem chuông đi đánh xứ người"...!
Trong khi các phong trào khác phải đầu tư nhiều thời gian, công sức và cả tâm huyết mới có thể đạt giải. Thật là phi lí vô cùng...
Theo Giaoduc.net
Chắt chiu từng thành quả nhỏ để đi đến thành công lớn Năm 2017, ngành Giáo dục đã để lại dấu ấn với nhiều thành tích nổi bật, trong đó kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức thành công, nhẹ nhàng và ít tốn kém hay các đoàn học sinh dự thi Olympic quốc tế đạt thành tích cao nhất trong lịch sử. Nhưng quan trọng hơn, đằng sau những kết quả đó là...