Bạn đọc viết: Bố mẹ đồng hành, chia sẻ để giúp con học tốt lớp 1
Mỗi khi năm học mới bắt đầu, những phụ huynh có con vào lớp 1 thường rất lo lắng bởi đây là một cột mốc hoàn toàn mới trong cuộc đời của con. Phần lớn các con đều bỡ ngỡ, lạ lẫm trước môi trường mới, nhiều bé còn bật khóc và ôm chặt bố mẹ không rời trong những ngày đầu đến lớp.
Bên cạnh đó, do tâm lý của bố mẹ luôn mong muốn con học tốt, không thua kém các bạn trong lớp nên thường đặt ra những yêu cầu cao cho con, áp đặt con phải theo mong muốn của mình khiến cho cả bố mẹ và con đều bị áp lực.
Con vừa “chân ướt chân ráo” nhập học nhưng bố mẹ lại muốn con phải viết đẹp, viết đúng, phải được cô giáo khen nên ở nhà, bố mẹ kèm con học từ tối đến khuya. Nhiều bố mẹ còn cho con đi học thêm vào buổi tối hay các ngày nghỉ khiến con bị quá tải. Sau một ngày làm việc vất vả, tối tối kèm con học chữ khiến nhiều mẹ bị căng thẳng, nhất là khi nói mãi mà con vẫn chưa cầm bút đúng cách, chưa viết được đúng ô li, dòng kẻ…, mẹ sẽ rất dễ cáu gắt, quát mắng con.
Học sinh lớp 1 (ảnh minh họa)
Tôi đã từng trải qua những ngày tháng phải “ép” con học để theo kịp các bạn ở lớp vì con không đi học chữ trước, con viết xấu, viết sai nét, sai ô li. Thực ra, nếu con bị “chậm” so với các bạn trong lớp bố mẹ sẽ rất lo lắng nên chuyện ép con phải tăng cường học ở nhà hoặc phải đi học thêm là điều không tránh khỏi. Nhưng cả hai giải pháp trên đều “lợi bất cấp hại” vì chỉ làm tăng thêm áp lực cho trẻ. Vậy làm thế nào để cả con và bố mẹ đều có một quãng thời gian nhẹ nhàng, tươi đẹp khi con còn bỡ ngỡ với môi trường mới, cách học mới?
Theo tôi, điều quan trọng đầu tiên chính là tâm lý của bố mẹ. Chỉ khi bố mẹ cởi bỏ hoàn toàn những kỳ vọng, mong muốn về sự nghiệp học hành của con thì chúng ta mới không tạo áp lực cho con. Dù bố mẹ nào cũng muốn con mình hoàn hảo, học giỏi nhưng không phải mọi đứa trẻ đều sinh ra để trở thành học sinh giỏi hay thiên tài.
Tôi còn nhớ, khi con trai học lớp 1, con phải viết hết một cuốn vở ô li mới nhận được “mặt cười” đầu tiên của cô giáo. Nhìn những nét chữ nguệch ngoạc của con tôi cùng buồn lắm chứ, muốn con phải viết thật chuẩn, thật đẹp để ngày nào cũng được cô khen lắm chứ… Nhưng dù tôi có ép con ngồi cả buổi tối để viết chữ hay quát mắng ầm nhà khiến con phải vừa viết vừa rơm rớm nước mắt thì hôm sau con cũng vẫn viết xấu như cũ bởi con thực sự chưa quen với việc cầm bút mực, chưa quen việc phải nắn nót từng con chữ theo đúng ô li, dòng kẻ.
Mỗi đứa trẻ đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng nên quá trình “khởi động”, bắt nhịp với môi trường học tập mới cũng khác nhau. Vì thế bố mẹ cần hiểu rõ năng lực của con để không đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi vượt quá sức trẻ. Mặt khác, trẻ lớp 1 cần có thời gian để hòa nhập môi trường mới, để làm quen với cách học mới nên bố mẹ không thể con vừa đi học là phải viết đẹp ngay. Chính vì thế, chúng ta không cần phải ép trẻ cặm cụi rèn chữ mỗi tối, càng không nên nổi nóng với con vì điều đó hoàn toàn không giúp con tốt hơn mà còn gây ra tâm lý sợ học, không muốn đến lớp nữa. Thay vì những lời phê phán, trách móc con, chúng ta cần phải biết khen ngợi sự tiến bộ của con dù là nhỏ nhất và động viên con cố gắng hơn trong buổi học sau.
Cùng với việc cởi bỏ áp lực thì bố mẹ nên lắng nghe con chia sẻ về những cảm nhận trong thời gian đầu tới lớp về cô giáo và các bạn. Qua những câu chuyện của con bố mẹ có thể biết con đang gặp khó khăn ở đâu, có thể là trong việc giao tiếp với cô giáo, việc kết bạn mới…, qua đó bố mẹ có thể phát hiện ra những vấn đề ảnh hưởng đến việc học tập của con.
Video đang HOT
Học sinh lớp 1 trong lớp học (ảnh minh họa)
Một biện pháp rất cần thiết các bố mẹ không nên bỏ qua chính là sự phối kết hợp chặt chẽ với cô giáo chủ nhiệm của con hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng để nắm rõ tình hình học tập và những chuyển biến của con ở trên lớp.
Đôi khi bố mẹ bỏ công sức và thời gian để kèm con ở nhà nhưng phương pháp giảng bài lại không đúng hoặc không phù hợp nên không hiệu quả. Khi bố mẹ trao đổi với cô giáo sẽ được cô hướng dẫn về phương pháp kèm con học bài đúng với cách dạy của cô trên lớp thì hiệu quả sẽ cao hơn.Cô giáo cũng là người hiểu rõ con đang yếu ở mặt nào và sẽ cùng bố mẹ kết hợp để rèn con kỹ hơn ở những mặt đó. Cách học “một mẹ một con” cộng với phương pháp đúng sẽ giúp con tiến bộ rất nhanh, đây là điều mà tôi đã được trải nghiệm thực tế.
Ngoài việc kết hợp với cô giáo để có phương pháp kèm con hiệu quả, bố mẹ cũng sẽ nắm rõ diễn biến tâm lý của con ở trên lớp, việc ăn ngủ, hoạt động tập thể, các kỹ năng giao tiếp của con qua những nhận xét của cô để giúp con cải thiện mặt hạn chế, phát huy ưu điểm.
Qua đây, tôi cũng muốn chia sẻ thêm rằng, các cô giáo lớp 1 thường phải dạy từ 40 đến 60 học sinh một lớp nhưng các cô không áp lực bằng bố mẹ chỉ kèm con học 1, 2 tiếng mỗi ngày. Bởi vì các cô hiểu rõ các con ngây thơ và hồn nhiên như những trang giấy trắng đang cần được hướng dẫn, dạy dỗ để làm quen với một môi trường học tập hoàn toàn mới. Các con cần có thời gian, cần có người chia sẻ, động viên để thích ứng và tiến bộ. Thế nên các bố mẹ dù có sốt ruột và mong đợi bao nhiêu cũng đừng vô tình gây áp lực cho con. Có như vậy các con mới có một sự khởi đầu thực sự vui vẻ và ý nghĩa.
Đỗ Quyên
Theo Dân trí
Bị gây áp lực vì không cho con học chữ trước khi vào lớp 1
Có nhiều phụ huynh kiên quyết không cho con học chữ trước khi vào lớp 1 bị kỳ thị và bị chính những người thân trong gia đình gây áp lực.
Khổ sở ngăn con học chữ trước
Thời điểm này, mùa nhập học đang đến gần, ở nhiều nơi, các lớp học chữ trước khi vào lớp 1 lại sôi động hơn bất cứ lúc nào. Như ở TPHCM, các điểm dạy chữ trước nhan nhản khắp mọi ngóc ngách thường ở quy mô nhỏ lớp từ vài trẻ đến vài chục trẻ được cô giáo uốn nắn từng nét chữ.
Trong "cơn bão" học chữ trước khi vào lớp 1 ngày càng lan rộng này, có những phụ huynh đi ngược để bảo vệ con trở thành những người chống đối và gặp không ít áp lực từ người xung quanh, người thân trong gia đình.
Một lớp học chữ trước khi vào lớp 1 ở TPHCM
Không dám nhận mình là người tân tiến hay không chạy theo phong trào nhưng chị Lê Ngọc Ánh, nhà ở quận 11 luôn cố gắng bình thường hóa chuyện học hành của con nhỏ. Chị xác định, vào lớp 1, trước sau gì rồi con cũng biết viết, biết đọc nên không có gì phải vội, phải học chữ trước làm gì. Trong khi nhiều cháu nhỏ 4 - 5 tuổi đang "cày" miệt mài ở các lớp học chữ thì bé nhà chị vẫn còn tung tăng dù chỉ vài tuần nữa là vào lớp 1.
Con thoải mái bao nhiêu thì mẹ "đau đầu" bấy nhiêu. Suy nghĩ không cho con học trước của chị Ánh trái hẳn với bạn bè, đồng nghiệp. Nhiều người cảnh báo chị, bé không biết chữ trước thì vào lớp 1 sẽ bị cô giáo phân biệt, không quan tâm và rất khó theo kịp bạn bè. Chị Ánh bác bỏ điều này thì bị cho là "tinh vi".
Nhưng áp lực lớn nhất là từ chính người thân trong gia đình. Nhiều năm nay, suy nghĩ của chị đã bị phản đối. Và càng căng thẳng từ đầu mùa hè này, khi con chuẩn bị vào lớp 1. Phải nói rằng, ngày nào ông bà nội cũng lôi ra nói, thậm chí là chửi bới "mẹ ngu dốt". Chị đưa các bài báo, các thông tin khoa học về việc không nên học chữ trước đều bị gạt đi vì "mấy đứa bằng cu Tin giờ đọc viết lèo lèo".
"Tôi đang làm điều bình thường cho con lại trở nên bất thường. Nhiều khi cũng tặc lưỡi, để con đi học cho xong nhưng nếu tôi đầu hàng thì chẳng khác nào biết hại con mà vẫn làm", chị Ánh nói.
Trong tình cảnh tương tự, những tháng qua, gia đình chị Nguyễn Ngọc Chín, ở P.16, Gò Vấp căng thẳng vì quyết tâm không cho con học chữ trước của chị. Chồng chị, ông bà nội và cả anh em họ hàng lắc đầu, phản đối việc con chị giữa tháng 8 này nhập học nhưng chưa biết viết, biết đọc.
Chị nói rõ lập trường, con sẽ không học viết, học đọc trước mà chờ vào lớp 1, không cần phải vội. Điều chị buồn lòng nhất là mọi người, có thể nói chị không được liền quay sang "miệt thị" bé Nấm. Ông bà chê, sau này đi học dốt nhất lớp, bị cô giáo ghét nhất lớp. Đến chồng chị cũng nói vợ "dở người" nên muốn biến con thành "người dở".
Người mẹ nghẹn ngào: "Con có thua kém thì cũng không do chưa biết đọc, biết chữ trước mà bởi thái độ, kỳ thị của mọi người". Chính điều này làm chị lo ngại, khi vào lớp con bị giáo viên phân biệt.
Không áp lực việc học với con, không đặt mục tiêu con phải bằng bạn bằng bè nên chị Trần Ngọc Hiền, ở Thủ Đức, TPHCM cũng xác định, học đến đâu, biết đến đấy. Mọi người xung quanh nói ra nói vào, chị đều lờ đi, cố gắng trì hoãn cho đến khi con vào năm học mới.
Thế nhưng, mới đây chị điếng người khi cậu con trai khóc lóc khổ sở vì ghét phải đi học chữ. Hóa ra, lâu nay, cứ vào sáng thứ 7, khi chị đi làm là chồng chị "lén" gửi con đến lớp học chữ tổ chức ở trong chung cư. Giờ chị mới biết, gần 2 tháng nay, lịch vui chơi, đi bơi sau giờ học của con chị đã "lén" chuyển thành lịch học chữ.
"Tôi đi làm về trễ nên ông bà đón cháu. Hóa ra, chồng tôi đã gửi con cho cô giáo dạy chữ ngay sau giờ học. Cháu học trễ, đọc chậm, viết chậm nên thường bị cô phạt ngồi riêng một góc để học nên giờ sợ lắm", chị Hiền nói như muốn khóc.
Giáo dục tạo ra, phụ huynh phải... đi dập lửa?
Nguyên trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM chia sẻ, phong trào trẻ phải học chữ trước được "bình thường hóa" nhiều năm gần đây bắt nguồn từ chính ngành giáo dục. Trước đây, một số nơi tổ chức khảo sát đầu vào dựa trên cơ sở học chữ, toán đối với học sinh lớp 1 nên phụ huynh phải chạy theo, buộc phải cho con học chữ trước.
Bà cho hay, đến nay, việc học chữ trước được cảnh báo là nguy hại thế nhưng điều này đã ăn sâu trong tiềm thức của phụ huynh và cả giáo viên. Nhiều giáo viên cho rằng trẻ phải biết chữ trước khi vào lớp 1. Chính điều này, tạo áp lực lên con trẻ và phụ huynh. Chưa kể, phải nói đến nguyên nhân, chương trình học chưa thật sự phù hợp cũng tác động đến việc con trẻ phải biết đọc, biết viết trước, nếu không là "chạy" không kịp.
Trẻ bị áp lực phải biết đọc biết viết trước vì chương trình học và cả tư duy của giáo viên lẫn phụ huynh (Ảnh minh họa)
Không muốn con học chữ trước nhưng gánh đủ áp lực và cả nỗi sợ là tình cảnh của không ít phụ huynh. TS Nguyễn Khánh Trung (Giám đốc Trung tâm Emile Việt Education) chia sẻ, trong các buổi tọa đàm, tư vấn về giáo dục, ông gặp rất nhiều câu hỏi của phụ huynh liên quan đến việc học chữ trước khi vào lớp 1. Trong đó, nhiều phụ huynh biết là không nên học trước, họ thực hiện nhưng lại trở thành người đi ngược, lạc loài.
Theo TS Nguyễn Khánh Trung, trong điều kiện như hiện nay thì chính mỗi phụ huynh phải tạo ra sự thay đổi trước khi chờ hệ thống thay đổi. Họ phải tận dụng mọi cách để hành động, đấu tranh cho điều tốt đẹp của con và chắc chắn quá trình này sẽ gặp rất nhiều cản trở. Nhưng đó là điều mỗi phụ huynh cần phải làm vì biết sai mà im lặng thì chính con mình gánh hậu quả và không thể thay đổi việc sai đang được xem là bình thường.
Phụ huynh cần tìm cách đối thoại với người thân, đối thoại với cả giáo viên và quản lý nhà trường về quan điểm của mình để giảm tối đa các tác động lên con.
Hiện nay, rất nhiều phụ huynh đổ lỗi vì lý do này, lý do nọ nên buộc phải cho con học chữ trước. Như vậy, họ đã chấp nhận cái sai áp lên người con mình. Các chuyên gia giáo dục đều có chung khuyến cáo, việc học chữ trước là không cần thiết, gây nguy hại đến quá trình học tập lâu dài của con trẻ. Việc học là việc cả đời, cần tính bền vững, ai càng vội chạy sớm, đốt cháy giai đoạn thì càng dễ hụt hơi.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh trống khai giảng tại TPHCM Sáng nay (5/9), hòa cùng không khí của cả nước, gần 1,7 triệu học sinh tại TPHCM hào hứng tham dự lễ khai giảng năm học 2018-2019. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến dự buổi lễ khai giảng và đánh trống khai giảng tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Trước đó, theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT TPHCM...