Bản đồ ẩm thực: Nao lòng bánh răng bừa xứ Thanh
Đối với những người con xa quê, có dịp về thăm nhà, chỉ mong một đĩa bánh răng bừa, để thỏa mãn nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Ăn từng chiếc bánh ta mới cảm nhận hết cái tinh túy trong từng hạt gạo, dân dã nhưng đậm đà quê hương.
Bố mẹ tôi là người Thanh Hóa, có nhiều ký ức với loại bánh này. Theo lời mẹ kể, bánh có nguồn gốc từ Thọ Xuân, nhưng nổi tiếng nhất ở vùng Vĩnh Lộc, được làm vào những dịp đặc biệt như ngày cưới, rằm, giỗ, hay Tết Âm lịch… Lần đầu tiên về quê, tôi được các bà, các cô đãi món ăn này.
Nhìn bề ngoài bánh thon dài, thơm mùi lá dong, vừa tay cầm, bóc lớp lá bên ngoài, bánh trắng mịn, hương thơm từ lá, thịt, mộc nhĩ, tiêu, hòa quyện tạo nên một sức hút khó quên. Khác với bánh giò thường bị bở và nhão, bánh răng bừa dẻo mềm, giòn thơm, chấm vào chén nước mắm ngon nữa thì hết sẩy, ăn một lần là muốn ăn mãi.
Để có một chiếc bánh ngon, khâu chuẩn bị nguyên liệu hết sức quan trọng, chọn gạo không quá dẻo hoặc quá nở, khi làm bánh sẽ dai và mềm, thịt phải vừa có nạc vừa mỡ bánh sẽ không bị ngán, thành phần không thể thiếu là lá dong, tạo nên mùi hương đặc trưng của món này.
Video đang HOT
“Gạo sau khi ngâm từ 3-4 giờ thì đem đi xay thành bột nước, tiếp đến là khâu ráo bột, đây là công đoạn quan trọng, pha giữa tỷ lệ nước trong bột và muối sao cho vừa ăn. Sau đó bắc lên bếp, để lửa nhỏ, tay phải luôn khuấy đều, đòi hỏi người làm có đôi tay khỏe, thoăn thoắt để đánh cho bột không bị vón cục, đến khi bột hơi quánh, khuấy thấy nặng tay là được”, mẹ tôi kể.
Bên cạnh phần bánh thì nhân bánh cũng quan trọng không kém, gồm thịt heo, mộc nhĩ, hành khô, tất cả băm nhỏ, nêm các gia vị như tiêu, muối, nước mắm.. Sau đó, xào chín trước khi gói để vừa đậm đà vừa thơm ngon. Gói bánh sử dụng lá dông, bỏ bột vào giữa theo chiều dài của lá, nhân vào giữa và cuốn lại.
Khác với bánh răng bừa Hưng Yên phải dùng dây quấn chặt phần bánh. Để làm ra được một chiếc bánh thon dài, người làm phải khéo tay, xoay nhẹ để bánh tròn đều, nhân được cuộn vào trong, sau đó hai đầu lá gấp lại (khác với bánh răng bừa Hưng Yên phải dùng dây quấn chặt phần bánh). Khi gói xong, xếp bánh vào nồi để hấp, khoảng 20-30 phút ta đã có thành phẩm.
Với những nguyên liệu đơn giản, gắn liền với cuộc sống hằng ngày, nhưng để làm ra một chiếc bánh dẻo dai, thơm ngon không phải là dễ. Bánh răng bừa ngon là đạt một số tiêu chí như bánh ráo, không bị nhão, mềm, khi thưởng thức cảm thấy vị dẻo của bánh, giòn của mộc nhĩ, vị ngọt của thịt, the the của một ít tiêu.
Vào những ngày cuối năm, thời tiết se se lạnh, có vài cái bánh nóng hổi, xuýt xoa tận hưởng hương vị thơm ngon, những ký ức về quê hương chợt ùa về trong tôi. Mời bạn một lần ghé thăm xứ Thanh, cùng mang theo theo vài chiếc bánh răng bừa trong chuyến khám phá du lịch nơi địa phương tôi. Chắc chắn sẽ không làm mọi người thất vọng đâu nhé!
Bản đồ ẩm thực: Bánh bèo chén, nét ẩm thực đặc sắc đất cố đô
Xứ Huế mộng mơ có rất nhiều món ngon có thể kể đến như bún bò, cơm hến, chè cung đình... Nhưng khi nhắc đến đặc sản cố đô thì không thể bỏ qua bánh bèo chén. Đây là món ăn mà bất cứ ai đến Huế chưa có dịp thưởng thức thì khi về sẽ thiếu đi một chuyện để nhớ, để thương.
Ở miền Trung, bánh bèo thường được phân ra làm hai loại là bánh bèo Quảng Nam và bánh bèo Huế. Bánh bèo Quảng Nam thường là bánh to, dày, ăn với nhân là bột nấu nhão gồm có thịt, tôm băm, hẹ, ít hành phi, ớt băm. Trong khi bánh bèo Huế mỏng hơn, có tôm chấy, khi ăn kèm theo da heo chiên giòn. Trên mỗi chén bánh là tôm chấy đỏ rực, tóp mỡ vàng ươm và mỡ hành xanh mướt đẹp mắt, chỉ cần chan chút mắm ớt lên mặt bánh là chỉ việc thưởng thức.
Tìm hiểu về bánh bèo, nhiều người bán cũng không rõ nó có từ khi nào, chỉ biết rằng trong dòng chảy văn hóa ẩm thực đất cố đô nó luôn được yêu thích và dù là người lớn hay trẻ nhỏ cũng ưa chuộng. Rồi từ lễ hội lớn, ngày tết cho đến trong bữa cơm hằng ngày hay bữa ăn đãi khách phương xa thân mật, tất cả đều có món bánh bèo hiện diện trên mâm cỗ.
Theo đó, bánh bèo Huế được đúc mỏng trong từng chén nhỏ và sắp lên mẹt tre. Món ăn đơn giản là vậy nhưng ẩn chứa bên trong là một quá trình chế biến công phu. Tôi sắp xếp thời gian ghé quán đặc sản Miền Trung Thanh Nga tại TPHCM để thưởng thức cũng như tìm hiểu thêm về quy trình. Chị chủ quán cho biết: "Để có được món bánh bèo chén ngon đúng điệu, người làm bánh phải khéo léo và chú trọng đến từng công đoạn như pha bột gạo, cho bột vào khuôn và hấp, rồi đến đổ bánh, làm tôm chấy, hành phi và nước mắm".
Nói là thế chứ phần công đoạn làm bột rất cần sự tỉ mỉ. Cụ thể, bột khi đã chuẩn bị xong thì đổ nước lạnh từ từ vào và khuấy đều tay. Tiếp đến, đổ nước sôi và khuấy cho bột tan đều, hòa quyện vào nhau. Bột phải được ngâm từ 4 đến 7 giờ thì bánh mới dai và không có mùi chua. Khi đổ bánh, cần gạn bỏ phần nước lắng màu trắng trên mặt bột, rồi thay nước ấm vào bằng phần nước đã đổ ra.
Lúc này, sắp xếp các chén bánh cho vào nồi hấp cách thủy, khoảng 7 - 8 phút thấy bánh trắng đục là bánh đã chín. Sau khi chín, cho thêm tôm chấy, hành phi và tóp mỡ phía trên bánh. Bánh bèo ngon hay không là do nước chấm quyết định. Cái khéo ở đây là pha nước chấm, sao cho thật vừa, không mặn không nhạt, vị hơi ngọt.
Màu trắng của bánh có vẻ tinh khiết cùng với màu hồng tươi rực rỡ của nhụy tôm tạo cho khách ăn cảm giác vừa mắt, ngon lành. Bánh bèo ăn với nước chấm là nước mắm ngon được pha khéo léo khiến người ăn đôi khi có thể húp nước chấm mà không sợ mặn. Cái vị ngọt của tôm chấy, cái đậm đà cay nồng của nước mắm hòa quyện với những chiếc bánh bèo thơm ngon khiến bất cứ ai đã một lần thưởng thức sẽ không thể nào quên.
Có thể nói, bánh bèo chén chứa đựng tinh hoa ẩm thực Huế bởi cách làm cầu kỳ, từ cách trang trí đến thưởng thức. Tin chắc rằng, những ai yêu thích ẩm thực Huế nói riêng hay ẩm thực vùng miền nói chung sẽ cùng đồng cảm với tôi mỗi khi nhắc về bánh bèo chén thơm ngon, thân thương như chính tấm lòng hiền hậu của người dân cố đô Huế.
Bản đồ ẩm thực: Thấm đượm hồn Việt món phở gà thanh tao Trong các món ăn từ sợi phở, có lẽ phở gà luôn có được cho mình những tín đồ "trung thành", háo hức chờ thưởng thức. Điều này cũng dễ hiểu bởi hương vị món ăn không chỉ thanh tao mà còn ẩn chứa trong đó nét văn hóa của thủ đô Hà Nội. Qua tìm hiểu, nguồn gốc của phở có rất...