Bản đồ ẩm thực: Ghé thăm Buôn Ma Thuột, nhất định phải thử món bún đỏ
Nhắc đến đặc sản của thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk thì không thể bỏ lỡ bún đỏ – món ăn độc đáo với nước dùng đậm đà cùng những sợi bún ướm màu đỏ đặc trưng.
Không biết từ bao giờ, món bún đỏ dân dã đã trở thành đặc sản chỉ Buôn Ma Thuột mới có. Dọc các con đường ở phố núi, không khó để thực khách tìm thấy những quán bún đỏ. Tuy nhiên, theo người dân nơi đây, những quán bún đỏ ngon và nổi tiếng tập trung chủ yếu ở góc phố Phan Đình Giót giao với Lê Duẩn.
Vì là món ăn đường phố nên bún đỏ thường được bán từ buổi chiều cho tới khuya. Các hàng quán không khoa trương, chỉ bày vài chiếc bàn ghế nhỏ nhưng lúc nào cũng đông khách.
Thoạt nhìn, nhiều người sẽ lầm tưởng bún đỏ với bún riêu, bánh canh hay canh bún. Thế nhưng, so với các món ăn vừa kể ra thì bún đỏ có nét bình dị, mang đậm hương vị núi rừng Tây Nguyên. Bún đỏ được người dân Buôn Mê biến tấu, kết hợp hài hòa giữa nhiều món bún khác nhau, khéo léo thêm bớt các loại nguyên liệu, tạo nên sự đặc sắc, lôi cuốn của riêng mình.
Video đang HOT
Cái tên bún đỏ được gọi theo màu của bún. Sợi bún đỏ trông na ná sợi bánh canh của người miền Nam, to cỡ bằng chiếc đũa, dai giòn, mềm mà không bở. Bí quyết để bún có màu đỏ tự nhiên đẹp mắt và ngấm gia vị là dùng một nồi nước pha màu hạt điều rồi chần bún khoảng chừng 10 phút cho hơi nở.
Phần nước dùng được ví như linh hồn của món bún đỏ ngon trứ danh. Theo đó, muốn nước dùng có vị ngọt, thanh mát và đậm đà thì người nấu phải ninh nhừ xương heo, xương bò rồi đun cùng nước cua. Ngoài ra, điểm nhấn không thể thiếu phần riêu được chế biến bằng gạch cua, thịt ba chỉ xay, hành củ băm nhỏ, hạt tiêu rồi trộn đều, nặn thành từng bánh nhỏ, nấu chung với nước dùng.
Để thưởng thức tô bún đỏ chuẩn vị, thực khách phải ăn kèm với rau cải ngọt, giá đỗ. Bún đỏ không chỉ có màu sắc bắt mắt mà còn có hương vị thơm ngon đến từ riêu, trứng cút, một ít tóp mỡ, thêm chút mắm tôm, ớt xay, vắt thêm chút chanh cho thêm phần dậy mùi, đậm đà hơn.
Giữa thời tiết mát mẻ lúc về đêm, tô bún đỏ là món ăn không thể bỏ lỡ mỗi khi có dịp ghé thăm “thủ phủ cà phê” và làm đắm say biết bao vị giác. Hiện nay, bún đỏ cũng xuất hiện tại một số nơi khác nhưng không đâu giữ trọn linh hồn của món ăn này như ở chính nơi nó sinh ra – Buôn Ma Thuột.
Thưởng thức bún chìa trứ danh của Buôn Ma Thuột
Không chỉ nổi tiếng là "thủ phủ cà phê", TP Buôn Ma Thuột cũng làm đắm say biết bao thực khách ghé thăm với món bún chìa ngọt thanh, đậm đà.
Ngoài những món ăn hấp dẫn như bún đỏ, bánh ướt thịt nướng, cà đắng... bún chìa (hay còn gọi là bún giò chìa) cũng là đặc sản mà du khách không thể bỏ lỡ khi có dịp ghé thăm Buôn Ma Thuột. Thoạt nhìn, tô bún không quá đặc biệt, hình thức và hương vị khá giống bún bò nổi tiếng của người Huế. Điểm khác biệt nhất của món bún chìa nằm ở phần nguyên liệu.
Thay vì sử dụng thịt bò như bún bò Huế, người dân Ban Mê sử dụng thịt chìa (giò chìa), tảng thịt ngon nhất phía chân sau của con heo, hình dáng như đùi gà, thớ thịt vừa dai, vừa mềm, bên trong là sụn và không có mỡ. Theo đó, mỗi con heo chỉ có hai cái giò chìa chứ không nhiều hơn nên cũng phần nào tạo nên nét độc đáo cho món bún chìa Buôn Ma Thuột. Khi thưởng thức, thịt chìa như tan ra trong miệng nhưng vẫn kịp cảm nhận độ mềm thơm, dai sựt của thịt hầm vừa tới.
Để có một tô bún chìa thơm ngon, khâu lựa chọn và sơ chế là rất quan trọng. Sau khi chọn được giò chìa và xương heo kỹ càng thì đem sơ chế sạch sẽ, ninh nhừ để nước dùng có vị ngọt thanh. Thịt được ninh mềm với lửa nhỏ trong thời gian nhất định và vớt ra, để nguội, nêm nếm gia vị phần nước ninh để làm nước lèo cho món bún chìa. Trước khi cho vào tô, làm nóng miếng giò chìa bằng nồi nước dùng nóng hổi trên bếp, đặt trên mặt bún đã có sẵn mắm ruốc rồi chan nước lèo xâm xấp mặt. Bước cuối cùng, cho thêm hành lá, hành tây, tiêu là hoàn thiện tô bún chìa thơm ngon, hấp dẫn.
Các nguyên liệu nấu bún chìa không quá khó tìm nhưng đòi hỏi người chế biến cần khéo léo, tỉ mỉ trong từng công đoạn. Theo đó, tô bún chìa chuẩn vị thì giò chìa phải mềm nhưng không bở, nước dùng đậm đà, dậy mùi thơm. Bún chìa nên ăn kèm với rau sống gồm bắp cải xắt nhỏ, ngò, húng quế, tía tô và giá đỗ để tăng hương vị của món ăn cũng như giúp thực khách thêm ngon miệng mà không bị ngán. Ngoài ra, phần thịt chìa thơm mềm chấm vào chén mắm ớt cay cay sẽ chinh phục mọi vị giác, ăn một lần là nhớ mãi.
Bún chìa Buôn Ma Thuột là món ăn dân dã nhưng có sự hài hòa hoàn hảo giữa các nguyên liệu. Với nước lèo nóng hổi, ngọt thanh hòa quyện cùng chút vị thơm nồng của mắm ruốc, khúc giò chìa được ninh nhừ béo ngậy... bún chìa sẽ là món ăn để lại dư vị khó phai cho thực khách mỗi khi thưởng thức.
Lạ lùng món cơm với bơ dễ "gây nghiện" ở vùng đất đỏ Bazan Cơm trắng với bơ dầm nước mắm có lẽ là món ăn xa lạ với rất nhiều người. Tuy nhiên, với người dân Đắk Lắk, đó là món ăn "gây thương nhớ" vào mùa bơ ở vùng đất đỏ Bazan. Bơ là một loại quả đặc sản của vùng đất nắng gió Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Thật...