Bài toán tăng học phí và công bằng trong giáo dục đại học – Bài 2: Tăng, nhưng phải theo lộ trình
Việc tăng học phí từ trước đến nay luôn đối diện với phản ứng gay gắt vì dư luận cho rằng ảnh hưởng đến người học.
Phương án tăng học phí của các trường có con số rõ ràng, song đột phá khâu chất lượng đào tạo thì chỉ ở dạng tiềm ẩn, rất khó chứng minh được ngay nên vì vậy khó tránh khỏi phản ứng của dư luận.
Sinh viên năm cuối ngành Răng – Hàm – Mặt Trường ĐH Y dược TPHCM thực hành tại khu điều trị
Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (gọi tắt là Luật số 34) có hiệu lực từ ngày 1-7-2019 đã giao cho cơ sở giáo dục đại học được quyền quyết định mức học phí phù hợp với chất lượng giáo dục mà mình cung cấp nên việc quyết định học phí thế nào là quyền tự chủ của từng trường. Tuy nhiên, đây liệu có phải là cơ sở để các trường muốn tăng bao nhiêu thì tăng hay không?
Đủ loại học phí
Theo Nghị định 86/2015 của Chính phủ, đối với các trường thí điểm tự chủ (23 trường công lập tự chủ trong giai đoạn 2015-2017) và trường công tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên, 2 năm tăng học phí một lần. Trong khi đó, đối với các trường công lập khác (vẫn còn nhà nước bao cấp), học phí điều chỉnh hàng năm, năm sau cao hơn năm trước 700.000-900.000 đồng/năm. Như vậy, từ năm 2015 đến 2021, các trường công lập tự chủ và những trường chưa tự chủ được quyền điều chỉnh học phí so với năm trước nhưng mức tăng vẫn nằm trong khuôn khổ chứ không thể muốn tăng bao nhiêu cũng được.
Tuy nhiên, hiện nay ngay cả những trường công lập chưa tự chủ thì học phí cũng như ma trận: nào là học phí chương trình đại trà, chương trình chất lượng cao (CLC), chương trình tiên tiến, chương trình liên kết quốc tế. Ví dụ như Trường ĐH Kinh tế Luật (ĐH Quốc gia TPHCM), chương trình đại trà 9,8 triệu đồng/năm, chương trình CLC và chương trình CLC bằng tiếng Pháp cùng 27,8 triệu đồng/năm, chương trình CLC cao bằng tiếng Anh 46,3 triệu đồng/năm, chương trình liên kết quốc tế từ 268-275 triệu đồng/3,5 năm. Hay như Khoa Y của ĐH Quốc gia TPHCM, năm 2020 tăng thêm 10% so với năm trước, từ 55-88 triệu đồng mỗi năm, tùy ngành học và được đào tạo theo hệ CLC với 30%-40% tín chỉ học bằng tiếng Anh: ngành Y khoa 60 triệu đồng/năm, Dược học 55 triệu đồng/năm, Răng-Hàm-Mặt 88 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, khoa này cũng đưa ra thông tin trong đó năm học đầu học phí từng ngành sẽ thấp hơn mức trên, các năm cuối sẽ cao hơn.
Trong khi đó, Trường ĐH Cần Thơ học phí chia thành 3 nhóm: nhóm 1 là sư phạm (13 ngành) miễn học phí; nhóm 2 (khối ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông, lâm, thủy sản) học phí 9,8 triệu đồng/năm; nhóm 3 (khối ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du lịch) 11,7 triệu đồng/năm. Hai nhóm này có 69 ngành. Còn hệ CLC có 8 ngành với học phí ấn định là 27-28 triệu đồng/năm. 2 chương trình tiên tiến (CNTT, Nuôi trồng thủy sản) học phí cao hơn 2,2 lần so với Nghị định 86 (khoảng 25,74 triệu đồng/năm). Tuy nhiên mức học phí này sang năm 2021 vẫn tiếp tục điều chỉnh.
Video đang HOT
Như vậy, học phí của các trường công chưa tự chủ hiện nay vẫn theo khung của Nghị định 86 nhưng vấn đề đáng nói chính là chương trình CLC học phí nhảy múa và đây cũng chính là cơ sở để các trường xoay xở để bù lại với mức học phí của Nghị định 86.
Không tăng học phí khó đảm bảo chất lượng
Nguồn thu hiện nay của các trường (cả trường công lẫn tư thục) có đến trên 90% từ học phí của sinh viên. Do đó, nếu không tăng chi phí đào tạo, trong đó có tăng học phí, chắc chắn không thể nói đến đào tạo có chất lượng, nguồn nhân lực đủ sức cạnh tranh với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, việc tăng học phí từ trước đến nay luôn đối diện với phản ứng gay gắt vì dư luận cho rằng ảnh hưởng đến người học. Phương án tăng học phí của các trường có con số rõ ràng, song đột phá khâu chất lượng đào tạo thì chỉ ở dạng tiềm ẩn, rất khó chứng minh được ngay nên vì vậy khó tránh khỏi phản ứng của dư luận.
Từ ngày 1-1-2020, Trường ĐH Y Dược TPHCM được quyết định tự chủ (tự chủ về chi thường xuyên, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản vẫn được ngân sách đầu tư). Kỳ tuyển sinh năm 2020 trường công bố mức học phí mới từ 30-68 triệu đồng/năm (năm 2019 học phí 13 triệu đồng cho tất cả các ngành) thì dư luận cảm thấy bất ngờ và thốt lên: quá sốc!
Lý giải về tăng học phí, PGS-TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TPHCM, cho rằng: “Chúng tôi muốn nâng cao chất lượng hơn nữa cho đào tạo ngành y và muốn xã hội hóa trong khi ngân sách còn quá eo hẹp. Khi tự chủ thì không còn được ngân sách cấp hàng năm nên phải tính toán mức học phí cho phù hợp. Thật sự với mức học phí này không phải quá cao so với nhiều ngành khác, trong khi chương trình đào tạo chúng tôi đầu tư xây dựng và cập nhật theo chuẩn của ĐH Y Harvard, đầu tư cơ sở, trang thiết bị hiện đại để sinh viên thực hành, thực tập. Chúng tôi muốn nguồn nhân lực y tế phải cạnh tranh không chỉ trong nước mà với cả khu vực và thế giới”.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, thẳng thắn: “Mặc dù tự chủ nhưng học phí cũng phải theo lộ trình chứ không phải muốn tăng bao nhiêu cũng được. Hiện tại học phí của các trường tự chủ hệ đại trà thấp hơn nhiều so với trường tư. Với mức học phí hiện nay, các trường tự chủ những năm đầu chỉ bù được phần kinh phí chi thường xuyên, đủ trả lương và mua sắm, sửa chữa. Còn để đầu tư phát triển thì phải vài năm nữa”.
“Nói tăng học phí làm cản trở người nghèo tiếp cận ĐH chỉ đúng một phần. Trên thực tế, đề án tự chủ ghi rõ: Xây dựng quỹ hỗ trợ sinh viên bằng việc trích 8% học phí và toàn bộ tiền lãi ngân hàng, nên quỹ này thường tăng lên gấp 3 sau tự chủ. Nó giúp trường cấp nhiều học bổng cho các sinh viên nghèo và diện chính sách. Nếu tín dụng sinh viên được cải thiện thì sẽ không có chuyện làm cản trở việc học. Riêng tại trường, quỹ học bổng và hỗ trợ sinh viên tăng từ 8 tỷ đồng lên 28 tỷ đồng sau tự chủ. Sau tự chủ, trường bị cắt 55 tỷ đồng chi thường xuyên mỗi năm mà học phí chỉ cho tăng trong khuôn khổ nên thu chưa đủ bù chi và nuôi cán bộ giảng viên”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng phân tích.
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, nhìn nhận: “Bối cảnh hiện nay đòi hỏi các trường ĐH phải nỗ lực rất nhiều nhằm bảo đảm chất lượng đầu ra, đáp ứng những yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, hội nhập, quốc tế hóa, yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0, cạnh tranh trong và ngoài nước, thị trường lao động ASEAN, châu Á và thế giới… Với chủ trương lớn là ngành giáo dục cần có lộ trình giảm dần bao cấp của Nhà nước theo tinh thần Nghị định 86, nhằm bảo đảm chất lượng, đồng thời tăng cường năng lực cho cả 3 mảng là đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, các trường ĐH cần có nguồn lực nhất định”.
Bài toán tăng học phí và công bằng trong giáo dục đại học - Bài 1: Xoay xở với học phí thấp
Tất cả các trường đại học (ĐH) công lập (chưa tự chủ) hiện nay được thu học phí theo khung của Nghị định 86. Theo đó, người học chịu 50% chi phí đào tạo, 50% còn lại là ngân sách hàng năm của các bộ ngành cấp cho trường trực thuộc.
Với mức học phí này, các trường không đủ xoay xở để đảm bảo chất lượng, chứ chưa nói đến nâng cao chất lượng đào tạo.
Trường chưa tự chủ thiếu kinh phí
Theo Nghị định 86, mức học phí đối với sinh viên trường công lập chưa tự chủ hiện nay là: khối ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông, lâm, thủy sản - 9,8 triệu đồng/năm; khối ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du lịch - 11,7 triệu đồng/năm; khối ngành y dược - 14,3 triệu đồng/năm. Học phí đối với đào tạo thạc sĩ là nhân thêm 1,5 lần, tiến sĩ nhân 2,5 lần. Tuy nhiên, mức học phí này mới chỉ đảm bảo 50% chi phí đào tạo, phần còn lại là Nhà nước hỗ trợ bằng ngân sách cấp hàng năm cho các trường.
PGS-TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TPHCM, cho biết học phí năm 2019 của trường là 13 triệu đồng cho tất cả các ngành. Hàng năm trường được Bộ Y tế cấp chi phí đào tạo khoảng 130 tỷ đồng (50%). Trong khi đó, quy mô sinh viên hiện nay là hơn 9.000 sinh viên. Nếu tính toán chi li thì nguồn ngân sách này mới chỉ đủ trả lương cho cán bộ giảng viên. Học phí 13 triệu đồng của sinh viên cho việc học (lý thuyết, thực hành, thực tập) là cả một vấn đề.
Riêng ở trường này không có chương trình chất lượng cao, liên kết... để xoay xở. Ngay cả hệ cử tuyển, học phí địa phương cũng trả chậm. Do đó, để phát triển hơn thì một là ngân sách nhà nước đầu tư phải rất nhiều hơn hiện nay, hoặc là phải tự chủ, xã hội hóa để sinh viên trả học phí cao hơn.
PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, cho biết quy mô sinh viên chính quy của trường khoảng 20.000 người (chưa tính học viên cao học, nghiên cứu sinh). Ngân sách hàng năm Bộ GD-ĐT cấp đảm bảo khoảng 30% chi trả lương, phần còn lại là dựa vào học phí, nếu năm nào có dự án thì có thêm.
"Hàng năm trường có chương trình đối thoại Nói sinh viên nghe - Nghe sinh viên nói, khi nói tăng học phí thì sinh viên nói lại nghe rất tội. Thật ra, nếu tính đúng tính đủ để đảm bảo chi phí đào tạo thì sinh viên không đủ khả năng đóng học phí đâu. Nói thật, bài toán tăng học phí, tự chủ không hề dễ, và càng không dễ với những trường đa ngành như trường tôi. Ví dụ như những ngành kỹ thuật, công nghệ máy móc đầu tư phải từ vài tỷ đến chục tỷ đồng. Nhưng đâu phải đầu tư một lần là xài vĩnh viễn, mà phải có thời hạn".
Trong khi đó, với các trường sư phạm, sinh viên không phải đóng học phí mà do Nhà nước cấp hàng năm dựa trên chỉ tiêu. Tuy nhiên, các trường sư phạm luôn ở trong thế bù lỗ và phải chờ ngân sách. TS Nguyễn Minh Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho biết: Trường hiện có hơn 12.000 sinh viên chính quy theo học, trong đó các ngành đào tạo giáo viên chiếm 50% số sinh viên. So với nhu cầu chi thường xuyên, ngân sách cấp cho trường hiện nay đảm bảo khoảng 50% - 60%.
Trường ưu tiên việc trả đúng các chế độ về lương và phụ cấp cho người lao động và học bổng cho sinh viên, đồng thời khai thác các nguồn thu dịch vụ để bổ sung nguồn kinh phí chi hoạt động thường xuyên, khai thác các nguồn lực hỗ trợ về tăng cường cơ sở vật chất, nghiên cứu khoa học, hợp tác đào tạo, nghiên cứu... Với kinh phí như trên, để đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ đào tạo, trường luôn phải tiết kiệm chi tiêu. Tuy nhiên, một số định mức chi hiện nay không còn phù hợp, chưa đủ so với nhu cầu thực tế.
Chính vì mức học phí thấp như vậy nên các trường công lập phải xoay xở bằng cách "đẻ" ra rất nhiều chương trình đào tạo để trang trải, như liên kết đào tạo, liên kết quốc tế, chương trình tiên tiến (học phí cả trăm triệu đồng), chương trình chất lượng cao (học phí cao gấp 2 - 3 lần so với mức học phí quy định của Nghị định 86)...
Trường tự chủ cũng chưa đủ chi phí đào tạo
Từ Nghị quyết 77, hiện nay có 23 trường ĐH công lập được tự chủ (có trường tự chủ chi thường xuyên, có trường tự chủ hoàn toàn) với mức học phí cao hơn nhưng vẫn không thể vượt quá khung của Nghị định 86. Mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ ĐH tại cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư áp dụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 như sau: khối ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông lâm thủy sản, học phí 20,5 triệu đồng/năm; khối ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du lịch là 24 triệu đồng/năm; khối ngành y dược là 50,5 triệu đồng/năm.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho biết: "Trường được thí điểm tự chủ 3 năm nay. Khi chuyển sang tự chủ, ngân sách hàng năm Bộ GD-ĐT rót về trường (vài chục tỷ đồng) không còn. Do đó, trường phải tính toán tất cả chi phí đào tạo để đưa ra mức học phí phù hợp. Có một số ngành hiện nay (chương trình đại trà) học phí dưới 20 triệu đồng, thấp hơn cả mức học phí quy định của Nghị định 86.
Thực sự, nếu để đảm bảo chất lượng đào tạo thì học phí khối ngành kỹ thuật hiện nay phải 50 triệu đồng/năm may ra mới đủ. Tuy nhiên, nếu học phí cao quá thì chắc chắn sẽ đối diện nguy cơ không có người học. Thực tế đã có trường rơi vào tình huống này là Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng (thuộc ĐH Đà Nẵng), học phí cao quá nên người học ngay lập tức quay lưng, dẫn đến điểm đầu vào thấp, đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo. Nếu các trường tự chủ đưa ra mức học phí cao quá thì sẽ có hiện tượng sinh viên chạy sang các trường khác, hoặc đi du học, hoặc rẽ sang học nghề".
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM trong giờ học thực hành
Nhiều trường tự chủ khác như ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Tài chính Marketing TPHCM, ĐH Công nghiệp TPHCM, cũng cho rằng bài toán chi phí đào tạo rất khó với trường tự chủ trong điều kiện hiện nay. Nếu thu học phí cao quá thì sợ tuyển không đủ chỉ tiêu, mà không đủ chỉ tiêu sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu cả một khóa (4 năm), kèm theo đó là các chi phí cho mọi hoạt động khác của trường. Khi chưa tự chủ, nếu không tuyển đủ chỉ tiêu thì hàng năm vẫn có ngân sách, còn đã tự chủ mà tuyển sinh không được thì mọi hoạt động của nhà trường hết sức khó khăn.
Với mức học phí trường công lập chưa tự chủ hiện nay, không chỉ Trường ĐH Y Dược TPHCM mà tất cả những trường đại học khác trên cả nước đều rất khó khăn để đảm bảo chất lượng đào tạo, cạnh tranh về chất lượng đào tạo với các trường ĐH trong khu vực. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, nếu không tăng học phí, không tính đúng tính đủ để đảm bảo chi phí đào tạo thì rất khó để đổi mới chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng. Ngân sách nhà nước đầu tư phải có trọng điểm để phát huy hiệu quả, những ngành nghề nào cần tự chủ, xã hội hóa thì nên cho tự chủ.
So sánh về chi phí đào tạo cho một sinh viên/năm của Việt Nam với châu lục và thế giới thì sẽ thấy có sự khác biệt quá lớn. Chi phí cho một sinh viên của Việt Nam hiện nay ở mức 16,2 triệu đồng/năm (thống kê của Bộ GD-ĐT năm 2017), trong khi của Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan... vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng/năm. Còn đối với những trường ĐH uy tín thì học phí càng cao hơn rất nhiều.
Học phí tăng sốc: Dễ thấy điều bất hợp lý Học phí phải được tính đúng, tính đủ, trường tư dù tự đầu tư cơ sở vật chất cũng không đòi hỏi mức học phí cao như vậy. Trường Đại học Y Dược TP.HCM vừa công bố mức học phí mới áp dụng cho khóa tuyển sinh 2020, dao động từ 30-70 triệu đồng/năm, trong đó có ngành tăng gấp 5 lần. Khoa...