Bài thi tốt nghiệp THPT: Lưu ý tránh phạm quy
Có rất nhiều lưu ý khi làm bài thi trắc nghiệm mà học sinh thi tốt nghiệp THPT phải nắm rõ để không phạm quy.
Một trong những chi tiết thí sinh cần đặc biệt lưu ý là bài thi tốt nghiệp THPT không được tẩy, xoá bằng bất kỳ cách gì; phần viết hỏng phải dùng thước gạch chéo.
Điều này được ghi rõ trong Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành.
Phải viết bài thi rõ ràng, không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng, không được viết bằng bút chì (trừ vẽ đường tròn bằng com pa và tô các ô trên phiếu trả lời trắc nghiệm); chỉ được viết bằng một thứ mực (không được dùng mực đỏ).
Đối với đề thi có phần tự chọn, thí sinh chỉ được làm bài một trong hai phần tự chọn; nếu làm bài cả hai phần tự chọn thì không được chấm điểm cả hai phần tự chọn.
Khi nộp bài thi, thí sinh phải ghi rõ số tờ giấy thi đã nộp và ký xác nhận vào phiếu thu bài thi. Không làm được bài cũng phải nộp giấy thi. Không nộp giấy nháp.
Khi thi tốt nghiệp, thí sinh nắm rõ các quy định
Lưu ý với môn thi trắc nghiệm:
Thí sinh phải làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm (TLTN) được in sẵn theo quy định của Bộ GD&ĐT; bài làm phải có hai chữ ký của hai giám thị.
Trên phiếu TLTN chỉ được viết một thứ mực, không phải là mực đỏ. Các ô số báo danh, ô mã đề thi, ô trả lời chỉ được tô bằng bút chì đen.
Trong trường hợp tô nhầm hoặc muốn thay đổi câu trả lời, thí sinh phải tẩy sạch chì ở ô cũ, rồi tô kín ô khác mà mình lựa chọn.
Thí sinh điền chính xác và đủ thông tin vào các mục trống ở phía trên phiếu TLTN, đối với số báo danh phải tô đủ cả 6 ô (kể cả các số 0 phía trước); điền chính xác mã đề thi vào hai phiếu thu bài thi.
Khi nhận đề thi phải để đề thi dưới tờ phiếu TLTN; không được xem đề thi khi giám thị chưa cho phép;
Đặc biệt, thí sinh phải kiểm tra đề thi để đảm bảo đề thi có đủ số lượng câu trắc nghiệm như đã ghi trong đề; nội dung đề được in rõ ràng, không thiếu chữ, mất nét; tất cả các trang của đề thi đều ghi cùng một mã đề thi.
Nếu có những chi tiết bất thường trong đề thi, hoặc có 2 đề thi trở lên, thí sinh phải báo ngay cho giám thị để xử lý.
Khi hết giờ làm bài thi trắc nghiệm, có lệnh thu bài thí sinh phải ngừng làm bài, đặt phiếu TLTN lên trên đề thi và chờ nộp phiếu TLTN theo hướng dẫn của giám thị.
Thí sinh không làm được bài vẫn phải nộp phiếu TLTN. Khi nộp phiếu TLTN, thí sinh phải ký tên vào hai phiếu thu bài thi.
Thí sinh không được nộp bài thi trước khi hết giờ làm bài. Chỉ được rời phòng thi sau khi giám thị đã kiểm đủ số phiếu TLTN của cả phòng thi và cho phép thí sinh ra về.
Các vật dụng được mang vào phòng thi
Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có thẻ nhớ cắm thêm vào và không soạn thảo được văn bản;
Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí (do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành, không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì);
Video đang HOT
Các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh và hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.
Theo TTVN
Hướng dẫn làm bài thi môn Văn
Đề thi tốt nghiệp môn Văn được đánh giá là khá dễ và hay, đặc biệt là câu nghị luận xã hội. VnExpress giới thiệu hướng dẫn làm bài của Trung tâm Học mãi.
Câu 1: Ý nghĩa của chi tiết hình ảnh Vòng hoa trên mộ Hạ Du
- Giới thiệu khái quát: Chi tiết hình ảnh vòng hoa trên mộ Hạ Du là một chi tiết nghệ thuật độc đáo, mang nhiều ý nghĩa nội dung và giá trị nghệ thuật sâu sắc, thể hiện chủ đề tư tưởng tác phẩm và tài năng nghệ thuật nhà văn.
- Tái hiện chi tiết: Chi tiết vòng hoa trên mộ Hạ Du xuất hiện ở cuối truyện ngắn Thuốc (Lỗ Tấn). Một buổi sáng thanh minh, bà mẹ Hạ Du ra thăm mộ con và ngỡ ngàng trước hình ảnh mình bắt gặp: một vòng hoa "hồng hồng trăng trắng" nằm khum khum trên nấm mộ con trai bà. Vốn là mộ của một kẻ tử tù chết chém, bị coi thường, bị khinh rẻ, bị hiểu lầm, bà vẫn đinh ninh sẽ chẳng ai thèm đoái hoài tới nấm mộ và người đã khuất. Hình ảnh vòng hoa khiến bà thực sự ngạc nhiên đến ngỡ ngàng. Trong khoảnh khắc bà không hiểu chuyện gì đã xảy ra, không biết ai đã mang vòng hoa đến đặt trước mộ con bà. Cuối cùng, trong sự xúc động đã lên đến cao trào, bà òa lên tiếng khóc thảm thiết.
- Ý nghĩa của hình ảnh:
Ý nghĩa nội dung:
Vòng hoa như một hình ảnh thể hiện tấm lòng ưu ái của nhà văn Lỗ Tấn đối với cuộc đời và sự nghiệp, sự hi sinh của những người cách mạng như Hạ Du. Ông yêu quý, trân trọng người chiến sĩ cách mạng ấy.
Vòng hoa cũng thể hiện niềm lạc quan, tin tưởng vào một tương lai tươi sáng của cách mạng Trung Quốc khi đã có người thấu hiểu và cảm thông cho người chiến sĩ cách mạng. Vòng hoa cũng là dấu hiệu tốt lành, là lời khẳng định sẽ có những con người tiếp tục đứng lên làm cách mạng, tiếp bước con đường mà Hạ Du và những đồng chí của anh đang đi, hoàn thành sự nghiệp mà anh còn dang dở.
Ý nghĩa nghệ thuật:
Hình ảnh vòng hoa trên mộ Hạ Du là một chi tiết nghệ thuật độc đáo góp phần thể hiện chủ đề tư tưởng tác phẩm và tài năng nghệ thuật truyện ngắn bậc thầy của Lỗ Tấn khi xây dựng được một hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng. Nó là chi tiết cuối, khép lại thiên truyện nhưng lại mở ra cho người đọc biết bao cảm xúc và liên tưởng, tạo nhiều dư ba, phấn chấn trong lòng người. Làm đối trọng với hình ảnh bánh bao tẩm máu người, hình ảnh vòng hoa trên mộ Hạ Du thể hiện tấm lòng nhân ái, nỗi niềm trăn trở và niềm tin son sắt của Lỗ Tấn vào tiền đồ cách mạng, vào sự đổi thay, thức tỉnh của quốc dân.
Câu 2. Về lòng dũng cảm và tấm gương hi sinh quên mình của Nguyễn Văn Nam
2.1. Giải thích vấn đề: Thông qua câu chuyện về hành động của bạn Nguyễn Văn Nam, người đọc (nhất là những bạn trẻ) cần suy nghĩ nghiêm túc về lòng dũng cảm, về tình yêu thương, sự hi sinh vì cộng đồng.
2.2. Bình luận, chứng minh:
- Ca ngợi những tấm gương về lòng dũng cảm, tình yêu thương và sự hi sinh vì người khác:
- Phê phán những biểu hiện của thói ích kỉ, vụ lợi, sự vô cảm, vô trách nhiệm với bản thân và cộng đồng của không ít bạn trẻ hiện nay.
2.3. Bài học nhận thức và hành động
- Bài học nhận thức: Cần nâng cao ý thức về trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, đề cao, tôn vinh để nhân rộng các tấm gương cao đẹp ấy.
- Bài học hành động: Có hành động thiết thực vì cộng đồng.
Câu 3a. Diễn biến tâm trạng của Mị
1. Mở bài
- Giới thiệu tác giả Tô Hoài: cây bút văn xuôi xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại với sự nghiệp văn học đồ sộ trên nhiều thể loại. Trong thời kì kháng chiến chống Pháp, ông đặc biệt nặng lòng với đất và người miền Tây, với những phong tục tập quán và cuộc sống của con người vùng cao Tây Bắc.
- Giới thiệu tác phẩm: Vợ chồng A Phủ là truyện ngắn tiêu biểu của Tô Hoài, được trích trong tập Truyện Tây Bắc (tác phẩm giành giải nhất cuộc cuộc thi báo Văn nghệ 1953-1954, cùng với Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc).
- Giới thiệu vấn đề cần phân tích: Mị là nhân vật trung tâm của tác phẩm, thể hiện tập trung nhất ý đồ tư tưởng và tài năng nghệ thuật của nhà văn. Diễn biến tâm trạng và hành động của Mị trong đêm tình mùa xuân là minh chứng sinh động cho nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật và tấm lòng nhân đạo của Tô Hoài.
2. Thân bài.
- Tóm tắt diễn biến cuộc đời, số phận Mị trước đêm tình mùa xuân: Vốn là một cô gái xinh đẹp, tài hoa, yêu tự do nhưng bởi sự bất công, sự bóc lột của bọn phong kiến miền núi (cường quyền) và những hủ tục lạc hậu (thần quyền), Mị đã phải trở thành con dâu gạt nợ, thành nô lệ cho nhà thống lýlý bị bóc lột, bị hành hạ, bị đối xử như súc vật. Tưởng như bao nhiêu đọa đày ấy đã hủy diệt sức sống của cô gái trẻ.
- Diễn biến tâm lý của Mị trong đêm tình mùa xuân: khơi dậy bởi 3 chất xúc tác: không khí mùa xuân, hơi rượu và tiếng sáo.
Sự thay đổi trong thiên nhiên: Mùa xuân về với Hồng Ngài mang theo sức sống mới cho thiên nhiên, con người nơi đây (dẫn chứng: những cơn gió thổi vào mái gianh vàng ửng, những thiếu nữ mang váy xòe phơi trên đá chuẩn bị cho những cuộc chơi, lũ trẻ vui đùa trên sân ...). Mùa xuân (của đất trời) đã mang lại sức sống mới cho con người, thổi vào cuộc sống vốn trầm lặng của người vùng cao làn gió mới, phơi phơi xuân tình.
Diễn biến tâm lý và hành động của Mị:
* Diễn biến 1: Mị nghe thấy tiếng hát (của những đôi lứa yêu nhau), tiếng sáo (tiếng sáo xuất hiện nhiều lần và được miêu tả vô cùng chi tiết, kĩ lưỡng: từ xa đến gần, từ âm thanh của thế giới bên ngoài đến nỗi ám ảnh nội tâm). Tiếng hát, tiếng sáo ấy nhắc nhớ Mị về một quá khứ tươi đẹp, về một cô Mị trẻ trung phơi phới đầy sức sống, khát sống, khát yêu. Tiếng hát, tiếng sáo như một âm thanh của ngoại giới làm sống lại khao khát vẫn bấy lâu ẩn chứa trong tâm hồn người thiếu phụ vùng cao. Tiếng sáo, tiếng hát cũng nhắc nhớ Mị về thực tại, về những bất công phí lý mà mình phải chịu.
* Diễn biến 2: Mị uống rượu. Đây thực sự là một hành động nổi loạn của nhân tính, đánh dấu quá trình thức tỉnh của Mị. Cô uống ừng ực từng bát lớn, uống như nuốt vào trong bao nhiêu căm giận, tủi hờn. Cô nghĩ "người ta uống được sao Mị không được uống?". Cô đã ý thức mình như một con người, từ bỏ kiếp sống câm lặng, súc vật, đồ vật trong nhà thống lý. Nhưng ngay khi ý thức về bản thân trở lại, cô lại lặng lẽ bước vào phòng, ngồi trên giường và nghĩ nếu có nắm lá ngón chắc mình sẽ ăn ngay cho chết. Ý thức làm người trở lại, đối diện với thực tại tăm tối, cô không chấp nhận kiếp sống ngựa trâu mà mong tìm sự giải thoát. Muốn chết cũng là một biểu hiện của lòng khát sống, sống cho ra sống.
* Diễn biến 3: Mị muốn đi chơi. Đây lại là hành động nổi loạn thứ hai. Cô bước đến góc nhà, với chiếc váy, xắn miếng mỡ khêu đèn cho thêm sáng. Cô muốn thắp sáng cuộc đời tăm tối, tủi cực của mình. Hành động này thể hiện sức sống bấy lâu bị vùi dập, tiềm tàng trong Mị nay đã vùng lên mạnh mẽ. Khát vọng hạnh phúc đã chiến thắng những sợi dây ràng buộc của cường quyền, thần quyền. Muốn đi chơi là muốn được tự do, muốn được hạnh phúc, muốn được sống trọn vẹn làm người.
* Diễn biến 4: Mị bị A Sử trói. Khát vọng bùng lên nhưng lại bị vùi dập tàn nhẫn. A Sử về, trói nghiến Mị bằng một thúng sợi đay, quấn tóc cô quanh cột.
* Diễn biến 5: Mị dần tỉnh ra và đau đớn trở lại thực tại. Bị trói đứng trên cột, đầu Mị vẫn văng vẳng tiếng sáo, tiếng hát gọi bạn tình. Nhưng rồi cô sớm trở về thực tại khi vùng bước đi và gặp phải những lằn dây trói đang xiết chặt quanh da thịt. Tiếng chân ngựa đầu nhà nhắc nhớ cô về thân phận ngựa trâu. Mị nghĩ mình không bằng con trâu, con ngựa. Cô cúi đầu cam chịu. Nhưng một khi ngọn lửa sống đã bùng lên thì không thể bị dập tắt. Sợi dây trói chỉ có thể trói buộc thân thể cô chức không thể trói được tâm hồn yêu tự do.
- Ý nghĩa nghệ thuật: Diễn biến tâm lý và hành động của Mị thể hiện tấm lòng nhân ái của nhà văn khi phát hiện và trân trọng khát vọng sống của con người dù bị đọa đày tàn nhẫn. Nó cũng thể hiện tài năng bậc thầy của Tô Hoài trong việc miêu tả tâm lý nhân vật.
=> Đánh giá chung: Qua diễn biến tâm lý nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân, người đọc nhận ra giá trị nhân đạo sâu sắc và giá trị hiện thực (tố cáo các thế lực phong kiến miền núi) của tác phẩm. Đồng thời, một lần nữa minh chứng cho tài năng nghệ thuật của nhà văn.
Diễn biến tâm lý và hành động của Mị trong đêm tình mùa xuân chính là tiền đề cho sự "nổi loạn" trong đêm mùa đông trên rẻo cao.
3. Kết bài.
- Đánh giá khái quát tài năng nghệ thuật của Tô Hoài trong việc miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật đồng thời khẳng định tư tưởng nhân đạo sâu sắc của nhà văn.
1. Mở bài
- Giới thiệu tác giả: Nguyễn Khoa Điềm là gương mặt tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại, giọng thơ sôi nổi, tiêu biểu cho thế hệ thanh niên trong các vùng đô thị tạm chiếm trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thơ Nguyễn Khoa Điềm có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa mạch cảm xúc dạt dào và những suy tư, chiêm nghiệm vô cùng sâu sắc.
- Giới thiệu tác phẩm: Đoạn trích Đất Nước trích từ chương V trường ca Mặt đường khát vọng, được sáng tác tại chiến khu Trị Thiên trong những ngày phong trào đấu tranh chống Mỹ Ngụy đang sục sôi. Tác phẩm thể hiện những suy tư sâu sắc của nhà thơ về cội nguồn Đất Nước là cơ sở cho tình yêu nước, cho niềm tin tất thắng của cuộc đấu tranh.
- Giới thiệu đoạn trích: Đoạn trích thơ cần phân tích tập trung lý giải Đất Nước ở chiều không gian địa lý với rất nhiều chất liệu văn hóa dân gian.
2. Thân bài:
- Khái quát chung về phần đầu bài thơ: nhận thức chung về Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm
- Đoạn thơ dùng hình thức độc đáo để cắt nghĩa, lý giải Đất Nước: cách tách từ (triết tự).
- Đất Nước hiện hình trong rất nhiều không gian khác nhau:
Những không gian quen thuộc: ngôi trường, dòng sông.
Đất nước xuất hiện trong không gian yêu thương tình nghĩa (nơi ta hò hẹn, nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm) => Phân tích hình ảnh chiếc khăn: biểu tượng của nỗi nhớ (dẫn chứng trong ca dao)
Đất nước hiện lên qua không gian kì vĩ, tráng lệ của gấm vóc giang sơn: "hòn núi bạc", "nước biển khơi" ...
Đất Nước còn là không gian sinh tồn, quần tụ và sinh cơ lạc nghiệp của cả cộng đồng: "nơi dân mình đoàn tụ", nơi rồng ở, nơi chim về => cội nguồn dân tộc qua việc nhắc lại truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ
- Đất nước gắn liền với những hoạt động, những sinh hoạt văn hóa, lao động sản xuất bình dị, thân thiết mà rất đỗi thiêng liêng của con người: học tập, lao động, sản xuất, yêu thương, sinh cơ, lập nghiệp, ... Cùng với đó là những truyền thống cao đẹp của dân tộc: truyền thống hiếu học, nghĩa tình, tinh thần đoàn kết, ý thức cội nguồn ...
==> Đất nước vừa gần gụi thân quen vừa lớn lao kì vĩ gợi trong ta niềm yêu quý, tự hào.
- Đặc sắc nghệ thuật:
Thể thơ tự do với những câu thơ dài ngắn đan xen như mạch kể câu chuyện, khi thủ thỉ tâm tình, khi thì trào lên xúc động như dòng chảy miên viễn của thời gian, như tầm bao quát mênh mông của không gian đất nước.
Giọng điệu trữ tình, chính luận
Nghệ thuật đối, lặp tạo nên tính nhạc cho đoạn thơ
Cách triết tự để định nghĩa mang lại cái nhìn mới mẻ, đa chiều cho khái niệm Đất Nước.
Sử dụng vô cùng hiệu quả các chất liệu văn hóa dân gian: Ca dao, thần thoại, truyền thuyết ... để thêm một lần nữa khẳng định tư tưởng xuyên suốt: Đất Nước của Nhân dân.
- Liên hệ tới các sáng tác khác về Đất nước (Đất nước của Nguyễn Đình Thi)
=> Tình yêu quê hương, đất nước lắng đọng trong cảm xúc của nhà thơ
- Liên hệ bản thân
3. Kết luận
- Đánh giá khái quát về những thành công, những đặc sắc trong nội dung, nghệ thuật của đoạn trích.
Nguồn: Hocmai.vn
Theo VNE
Chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT: Đau đầu học lệch Giữa tháng 5 mới là thời điểm kết thúc học kỳ II lớp 12. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, do học sinh được phép tự chọn môn thi tốt nghiệp nên việc duy trì sự nghiêm túc trong các tiết học theo thời khóa biểu là điều khó thực hiện....