Bại não chào thua ý chí
Ở Võ Thành Đạt (xã An Phú Trung, Ba Tri, Bến Tre), những biểu hiện của căn bệnh bại não như đầu thường lắc, phát âm khó nghe, môi méo… không là rào cản cho ý chí vươn lên trong học tập và cuộc sống của bạn.
Đạt làm thêm ở thư viện “Đủng Đỉnh Đọc” – Ảnh: NVCC
Đạt hiền lành, tử tế và học giỏi từ năm lớp 1-12. Bạn hiện là sinh viên năm thứ hai Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.
Em Đạt đã vào đại học nhưng trường vẫn thường kể về tinh thần vượt khó học tập của Đạt trong những dịp hoạt động của trường, nêu gương cho các bạn học sinh khác.
Thầy ĐOÀN VĂN TIỆP (hiệu trưởng Trường THCS An Phú Trung)
Tình thương của ngoại
Cha mẹ của Thành Đạt chia tay, gửi Đạt cho ông bà ngoại sống trong hoàn cảnh nghèo khó cưu mang.
Nhà ngoại của Đạt ở ấp An Thái, xã An Phú Trung là căn nhà tình thương Khăn quàng đỏ do Hội đồng Đội huyện Ba Tri, Bến Tre cấp, theo đề nghị của Trường THCS An Phú Trung cho học sinh học giỏi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Căn nhà tình thương được cấp cách nay 13 năm, ông bà ngoại Đạt vẫn chưa có tiền tô tường, mọi tiền bạc có được đều dành nuôi cháu học hành.
Khi Đạt chào đời, cha mẹ, nội, ngoại đều mừng nhưng 1 tháng tuổi Đạt bệnh thập tử nhất sinh, rối loạn tiêu hóa và sốt bại não phải điều trị ở Bệnh viện Nhi đồng, TP.HCM nhiều lần.
Trong lúc người thân đều nghĩ Đạt không qua khỏi bệnh tật, bà ngoại đưa cháu về nuôi. Nhà ngoại nghèo, thức ăn cho cháu là con cua, con tép bắt được dưới ruộng, dưới kênh.
Mãi đến 4 tuổi Đạt mới biết đi nhưng chân tay yếu ớt, cổ né một bên, đầu hay lắc, khi nói, miệng méo phát âm chậm, ngượng nghịu khó nghe.
Ngày ngày, bà ngoại chở cháu đến trường. Đến giờ chơi, bà ngoại lại đến đút cháu ăn giặm cho có sức khỏe. Khi hớt tóc cho Đạt, bà ngoại đi theo ngồi vịn thì thợ mới hớt được, và bây giờ ở tuổi 20, đi học đại học, mỗi lần về quê hớt tóc vẫn cần có bà ngoại vịn đầu cho yên.
Video đang HOT
Chăm chỉ và tiết kiệm
Bà Nguyễn Thị Lá, ngoại của Đạt, khoe: “Nó chăm học và biết tiết kiệm. Tiền ngoại cho ăn bánh, Đạt để dành đóng học thêm. Năm nào Đạt cũng đạt học sinh giỏi, giấy khen treo kín một góc nhà”.
Còn thầy Nguyễn Văn Rum, hiệu phó Trường THPT Tán Kế (xã Mỹ Thạnh, Ba Tri) cho biết Đạt rất chăm học, năng phát biểu, có trí nhớ và tiếp thu bài vở rất tốt. Thầy Nguyễn Văn Định, giáo viên toán Trường THPT Tán Kế, cũng cho biết Đạt học toán rất giỏi.
Ngày Đạt vào đại học, Đạt nhờ cô giáo bán gần 300 quyển vở là phần thưởng của học sinh giỏi qua nhiều năm sử dụng không hết, lấy tiền dành lên TP.HCM mua sách, tài liệu học tập.
Một chị lớp trước học cùng trường THPT giới thiệu Đạt vào làm thêm ở thư viện “Đủng Đỉnh Đọc” (quận 5, TP.HCM) giúp Đạt thêm phần chi tiêu ăn uống.
Đạt chia sẻ: “Tình thương của ông bà ngoại giúp mình luôn nỗ lực học tập để báo hiếu cho ngoại và vượt lên bản thân không được lành lặn như bao người khác”. Đạt nói sau tốt nghiệp đại học có việc làm, Đạt muốn mình sẽ học lên cao học.
Thấy bà ngoại đưa rước vất vả, đến lớp 9, Đạt nói ngoại cho tập chạy xe vì lên lớp 10 phải đi học xa, cách nhà hơn 6km.
Mỗi lần tập là bị té, hai đầu gối đến nay còn đầy sẹo, nhưng Đạt vẫn kiên trì tập luyện, mãi đến một năm Đạt mới đi được xe đạp nhưng cũng còn yếu nên bạn bè thường giúp chạy kèm bên cạnh đưa Đạt đến tận nhà.
Đạt và bà ngoại
Cô Đoàn Thanh Tuyền, giáo viên chủ nhiệm của Đạt năm học lớp 10, cho biết: “Đạt rất hiền, học giỏi nhưng rất khiêm tốn nên không chỉ bạn trong lớp mà các bạn trong trường đều thương và giúp đỡ”.
Lê Nguyễn Minh Phương - Cô gái Việt đa tài ở "xứ sở kim chi"
Như bao người Việt khi mới bắt đầu cuộc sống ở một nước khác, Lê Nguyễn Minh Phương cũng đã gặp vô vàn khó khăn, nhưng với ý chí và nghị lực, cô đã chứng tỏ được năng lực của bản thân.
Chị Lê Nguyễn Minh Phương tại buổi vinh danh "Công dân danh dự Seoul" - Ảnh: NVCC
Ngày 13/11/2019, tại lễ vinh danh Công dân danh dự Seoul, trong 18 công dân nước ngoài được chọn, lần đầu tiên có một người Việt. Đó là Lê Nguyễn Minh Phương, 33 tuổi, quê Đà Nẵng, cô gái xinh đẹp đa tài đang giảng dạy tại trường Đại học Joongbu của Hàn Quốc.
Ngoài là giảng viên đại học, Phương còn tham gia sản xuất chương trình cho Đài phát thanh KBS, làm phiên dịch, MC tiếng Anh lẫn tiếng Hàn...
Như bao người Việt khi mới bắt đầu cuộc sống ở một nước khác, Lê Nguyễn Minh Phương cũng đã gặp vô vàn khó khăn, nhưng với ý chí và nghị lực, cô đã chứng tỏ được năng lực của bản thân và tự tin hòa nhập với cuộc sống mới ở Hàn Quốc.
Phương sinh ra ở Đà Nẵng trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, từ bé đã có duyên với rất nhiều giải thưởng tài năng và các chương trình truyền hình thiếu nhi. Đến năm cuối cấp hai, một biến cố lớn xảy ra khi ba mẹ ly hôn, kinh tế khó khăn tưởng như làm cho cô buông xuôi mọi thứ.
Nhưng rồi tình thương của mẹ đã giúp Phương dần ổn định tâm lý. Phương tập trung tự học tiếng Anh rồi sau đó, bắt đầu "chinh phục" tiếng Hàn và lựa chọn ngành này khi thi đại học với ước mơ trở thành giảng viên tiếng Hàn.
Trong 4 năm học đại học, ngoài giờ học ở trường, Phương luôn kín lịch đi dạy thêm vì ý thức được mình đã trở thành trụ cột kinh tế gia đình, là chỗ dựa cho mẹ. Dù vậy, cô vẫn cố gắng tranh thủ thời gian học và luôn đạt được những thành tích học tập cao cùng nhiều học bổng trong và ngoài nước.
Sau khi tốt nghiệp, Phương lựa chọn trở thành giảng viên đại học và kết hôn không lâu sau đó. Nhưng rồi do nhiều lý do không mong muốn, Phương quyết định ly hôn, chấp nhận một mình tự lực nuôi con.
Đúng lúc ấy, Phương lại nhận được thông báo về đợt thi học bổng của Chính phủ Hàn Quốc và quyết định thử sức. Khi nhận được học bổng, Phương phải đưa ra một quyết định khó khăn: sang Hàn Quốc học thạc sĩ khi con gái vẫn còn bé.
"Em sang Hàn Quốc từ cuối năm 2013 và bắt đầu chương trình học thạc sĩ. Khó khăn đầu tiên là phải nhanh chóng thích nghi với chương trình học tập mới hoàn toàn bằng tiếng Hàn và với cuộc sống mới. Bên cạnh đó, em còn phải lo cho con gái và mẹ. Khó khăn lớn nhất là vừa phải làm tốt vai trò người mẹ ở nhà vừa phải hoàn thành chương trình học ở trường," Phương tâm sự.
Dường như càng khó khăn thì cô gái trẻ giàu nghị lực càng cố gắng và quyết tâm. Vừa học vừa tích cực hoạt động, năm 2015, Phương đã được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, được chọn đi phiên dịch cho một số đoàn công tác của các bộ ngành Việt Nam nhờ khả năng tiếng Anh lẫn tiếng Hàn cùng với trí nhớ rất tốt.
Từ những chuyến công tác, Phương được tiếp xúc với người đứng đầu của nhiều tập đoàn lớn Hàn Quốc như Samsung, LG, Hyundai, SK... và nhận lời mời phiên dịch cho những lần sau.
Bên cạnh nghề phiên dịch, hiện Phương còn giảng dạy tại trường Đại học Joongbu của Hàn Quốc. Cô cũng tìm nhân vật và dẫn chương trình "Chuyện từ Seoul" của đài KBS, mỗi tuần một số, đều đặn trong nhiều năm qua. Chương trình của Phương đã giới thiệu được hàng trăm người Việt nổi bật ở Hàn Quốc cũng như các sự kiện giao lưu văn hoá hai nước.
"Hiện nay em đang dạy tiếng Việt tại Đại học Joongbu ở miền Trung Hàn Quốc. Ngoài việc giảng dạy tại trường, em còn dạy ôn thi TOPIC (Kỳ thi năng lực tiếng Hàn) trực tuyến cho một công ty tại Hàn Quốc. Ngoài ra, em cũng được các kênh truyền hình VTV4 và VTC mời làm cộng tác viên nữa," Phương hồ hởi nói.
Tham gia nhiều công việc, hôm nào cũng phải thức khuya, luôn phải tranh thủ ngủ khi đi tàu điện ngầm, song lúc nào Phương cũng nhiệt tình và tận tâm. Chị Tạ Thị Thanh Thúy, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, cho biết: "Tôi biết Phương bắt đầu từ một chương trình do Ban Quản lý lao động thực hiện.
Đó là vào tháng 10/2019, chúng tôi tổ chức một chương trình giao lưu với người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và khi đó Phương là người dẫn chương trình tiếng Hàn. Tôi thấy em rất tích cực tìm hiểu chuẩn bị từ nội dung kịch bản cũng như các nội dung liên quan đến người lao động để hoàn thành tốt vai trò là người dẫn chương trình của mình".
Chị Thúy kể tiếp: "Trong quá trình tiếp xúc sau đó tôi còn được biết em tham gia rất tích cực các hoạt động của Hội người Việt, Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc đồng thời cũng rất tích cực hỗ trợ Đại sứ quán khi có các đoàn cấp cao của Việt Nam sang thăm và làm việc với các cơ quan hữu quan của Hàn Quốc. Dần dần chúng tôi chơi với nhau như những người bạn và tôi biết thêm những thông tin khác.
Tôi rất ngưỡng mộ em khi biết em đang giảng dạy tại trường Đại học Joongbu, có một kênh Youtube riêng dạy ôn thi TOPIC cho người nước ngoài. Ngoài ra, Phương còn là một người phụ nữ rất tuyệt vời, nữ công gia chánh, bạn ấy làm bánh rất giỏi.
Có thể nói trong cả cuộc sống và công việc, Phương là một người phụ nữ rất hoàn thiện". Tháng 7/2019, Đài truyền hình quốc gia KBS đã thực hiện phóng sự với tiêu đề "Super woman đến từ Việt Nam" để nói về Minh Phương, dài hơn 50 phút.
Minh Phương (áo hồng) phiên dịch trong cuộc gặp giữa Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Uông Chu Lưu và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Joo-sun, tháng 6/2017 (Ảnh: N.P )
Để ghi nhận những đóng góp của Phương cho quan hệ Việt-Hàn, Hội đồng Thành phố Seoul đã trao tặng danh hiệu Công dân danh dự Seoul cho Lê Nguyễn Minh Phương. Lễ trao tặng đã được chính quyền thành phố Seoul tổ chức trang trọng tại tòa thị chính thành phố. Đây là hoạt động thường niên được chính quyền Seoul tổ chức từ năm 1958 và xét chọn kỹ lưỡng.
Phương là công dân Việt Nam đầu tiên có được vinh dự này. Là công dân danh dự, Phương được tham dự các sự kiện hoặc tư vấn về chính sách đối với người nước ngoài cho chính quyền thành phố Seoul.
Cô hy vọng những công việc này sẽ giúp người nước ngoài, trong đó có nhiều người Việt tại đây, có cuộc sống tốt hơn và cô có nhiều cơ hội hơn để quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè Hàn Quốc và các nước khác.
Chia sẻ niềm vui của Phương, chị Đỗ Thị Bích Ngọc, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, tâm sự chị cảm thấy rất vui khi được biết thông tin này bởi Phương là đại diện của đội ngũ trí thức Việt Nam sang Hàn Quốc nghiên cứu, học tập. Vinh dự này, theo chị Ngọc, sẽ giúp khơi gợi tinh thần học tập, cống hiến của các bạn sinh viên nói chung và sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc nói riêng.
"Trong những lần Phương đảm nhận vai trò phiên dịch cho các đoàn cấp cao của Việt Nam sang thăm và làm việc tại Hàn Quốc cũng như là người dẫn chương trình trong các hoạt động của Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, bạn ấy luôn rất nhiệt tình, thể hiện rõ tinh thần, nhiệt huyết của tuổi trẻ", chị Ngọc nhận xét.
Dự định sắp tới của Phương là hoàn thành luận án tiến sĩ tại trường Đại học Yonsei và tiếp tục công việc giảng dạy tại Đại học Joongbu, cũng như tiếp tục đảm nhận chuyên mục "Chuyện từ Seoul" của Đài KBS và thực hiện thêm nhiều bài giảng TOPIC hữu ích cho người Việt Nam tại Hàn Quốc.
Với tài năng và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, Lê Nguyễn Minh Phương đã để lại trong tâm trí bạn bè Hàn Quốc và Việt Nam một hình ảnh cô gái Việt đa tài, năng động và giàu nghị lực, rất đáng trân trọng./.
Trao học bổng "Chung một ước mơ" cho 4 SV vượt khó học tập Ngày 21/11, tại UBND xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu), Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn tổ chức Lễ trao học bổng "Chung một ước mơ" cho 4 SV vượt khó học tập. Ông Soros Khlongchoengsan, Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn trao học bổng cho em Nguyễn Thị Kim Hương (SV Đại học GT-VT). Tại buổi...