Bài luận ‘lạ’ giúp nữ sinh giành học bổng toàn phần đến ĐH Ivy League
Dù điểm học thuật không quá cao nhưng với bộ hồ sơ “đặc biệt” Hoàng Mai Uyên chinh phục thành công học bổng toàn phần lên tới 336.152 USD cho 4 năm học tại Cornell University, 1 trong 8 trường thuộc khối tinh hoa Ivy League.
Mai Uyên cho biết ước mơ du học được nuôi dưỡng từ năm lớp 7, khi đọc những bài chia sẻ của du học sinh trên các trang báo. Ngay từ khi còn học tại trường THPT Phan Bội Châu (Cam Ranh – Khánh Hòa), em luôn cố gắng học tiếng Anh và tham gia các hoạt động ngoại khóa để có thể sớm thực hiện hành trình du học.
Nhưng điều đó đã phải tạm gác lại khi Uyên không được sự ủng hộ của ba mẹ. Là con cả trong gia đình có hai chị em, ba mẹ Uyên lo con gái vất vả khi một mình ở xứ người. Chiều lòng ba mẹ, Uyên quyết định theo học tại Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, Uyên còn là tình nguyện viên dạy vẽ, tiếng anh và nhà sáng lập dự án xã hội The Cardboard House – tái chế giấy bìa thành các mô hình nhà và đồ chơi từ dành tặng cho trẻ em mắc hội chứng DOWN và trẻ em tại các trung tâm mồ côi.
Uyên và bạn bè làm đồ chơi cho trẻ em
Bộ hồ sơ “đặc biệt”
“Mặc dù được học ngành em thích với kết quả học tập tốt, nhưng tâm trí em dường như mơ mộng về nơi khác. Em vẫn kiên trì thuyết phục ba mẹ. Ba mẹ từ phản đối, phản đối dần chuyển qua chấp nhận việc đó”, Uyên chia sẻ.
Kết quả SAT của Uyên chỉ đạt 1350 trong lần thi đầu tiên, Uyên quyết định thi lại nhưng lại bị hủy bởi dịch Covid – 19. Nhận thấy không có điểm học thuật nổi bật nên Uyên quyết định dồn hết tâm sức vào bài luận và hồ sơ cá nhân.
Tháng 4/2020, Uyên quyết định nói chuyện nghiêm túc với ba mẹ để thực hiện hồ sơ đi du học. Thời gian chỉ còn 6 tháng trong khi Uyên vừa cố gắng hoàn thành chương trình đại học trước khi nghỉ, vừa đi dạy và làm bài luận để gửi hồ sơ trong đợt du học sớm cuối năm.
“Thời gian đó mọi thứ cứ như đảo lộn hết lên vì quá nhiều việc chồng chéo do em không sắp xếp hợp lý. Có những ngày, em chỉ ngủ 4 tiếng rồi lại vào guồng làm đồ án, bài luận, đi dạy,… Hầu như ngày nào em cũng căng thẳng nhưng em cố giữ tinh thần lạc quan. Điều quan trọng phải gắng làm hết mình dù kết quả như thế nào”.
Uyên cho rằng, hồ sơ của em không nổi bật về điểm số, nhưng có điểm “đặc biệt” khi tập trung thể hiện rõ năng lực cá nhân cùng chủ đề bài luận “lạ”.
Tình cờ trong những lúc gội đầu Uyên thấy tóc rụng rất nhiều. Uyên đã không vứt đi mà giữ lại để ‘vẽ’ những bức tranh trên tường. Trong khi mọi người cho việc dùng lại tóc rụng vẽ tranh là điều hơi bất thường thì cô gái trẻ cho rằng điều đó có thể truyền tải thông điệp rằng cảm hứng nghệ thuật có thể bắt đầu từ bất cứ điều gì, thậm chí từ những thứ tưởng chừng không cần đến nữa.
“Khi nhìn vào những sợi tóc rụng, em thấy chúng không đơn thuần là thứ bỏ đi. Em đối diện với những sợi tóc ấy như đối diện với chính mình, những nỗi buồn và cả quá khứ. Và em quyết định biến chúng thành sức mạnh, biến những đau đớn thành động lực sống, đấu tranh cho đổi thay. Em để chúng lên bức tường trắng, vẽ nên những bức tranh của đời mình,” Uyên nói.
Bên cạnh đó, Uyên nhận định các trường chấp nhận hồ sơ của em vì ấn tượng với 30 “bài luận nhỏ” em gửi kèm – chính là “portfolio” nghệ thuật với các sản phẩm tranh vẽ và thiết kế đồ họa của em.
Video đang HOT
Một số tác phẩm của Uyên
“Đó là sự đa dạng các thể loại nghệ thuật em đã lao mình trải nghiệm. Thực ra là 30 tác phẩm em tạo bằng nhiều loại chất liệu khác nhau như: tranh chì, tranh sơn dầu, kiến trúc,…. Mỗi bức đều được em chú thích cẩn thận bằng những đoạn văn nhỏ lồng ghép câu chuyện cuộc đời mình”, Uyên nói.
Nhận học bổng 8 trường đại học sau 10 lần bị từ chối
Hoàng Mai Uyên (2001) – cựu học sinh Trường Phan Bội Châu (Cam Ranh – Khánh Hòa)
Uyên bắt đầu nộp hồ sơ từ rất sớm. Vì không tự tin vào hồ sơ của mình nên Uyên đã chuẩn bị hồ sơ cho 20 trường đại học để vừa thách thức mình và vừa tăng cơ hội đỗ.
Tuy nhiên, trong hai tuần Uyên nhận liên tiếp 7 lá thư từ chối của các trường: Tufts, Bates, Connecticut, Dickinson,…
Quay về với công việc thường ngày, Uyên vùi đầu vào đi dạy vẽ, đăng ký làm thêm và tham gia hoạt động khác. Một thời gian ngắn sau, Uyên bất ngờ nhận được thư mời học của 7 trường đại học như Rochester Institute of Technology, Miami University, Drexel University, Augustana College,… với những mức hỗ trợ từ 72.000 – 236.000 USD cho 4 năm học. Ngoài ra, Mai Uyên còn được trường đại học Hobart and William Smith Colleges (top 72 LAC) tại bang New York cấp học bổng toàn phần học phí và hỗ trợ tài chính một phần ăn ở.
Thông báo của Trường Cornell đến muộn hơn so với các trường khác nên Uyên không nghĩ rằng mình được chấp nhận nữa. Chỉ khi các bạn thông báo kết quả trúng tuyển và nhắn em tra cứu thì Uyên mới hay tin.
“Khi mở ra em không thể tin vào mắt mình, vỡ òa trong hạnh phúc khi chinh phục được ngôi trường mơ ước với gói học bổng toàn phần hơn 7,7 tỉ đồng. Em còn tưởng trường gửi thư cho nhầm người”, Uyên nói.
Hiện tại, Uyên đang hoàn thành một số dự án về thiết kế, dạy tiếng Anh,.. Sau đó em sẽ dành thêm nhiều thời gian cho gia đình trước khi đi du học. Dù có đam mê vẽ tranh và tình yêu dành đối với nghệ thuật nhưng Uyên cho biết chưa quyết định ngành học tại Cornell University.
“Các trường đại học tại Mỹ không bắt buộc sinh viên phải xác định ngành học ngay từ đầu. Đây cũng là một trong những lí do tại sao em mong ước được du học Mỹ từ rất lâu rồi. Ở Cornell, em muốn được thử sức với nhiều lĩnh vực khác rồi mới quyết định ngành học mình cảm thấy phù hợp”, Uyên chia sẻ thêm.
Nữ sinh trường Ams chinh phục học bổng du học Mỹ gần 7 tỷ đồng
Yến Lan cho rằng chính tinh thần không bỏ cuộc đã giúp em thuyết phục ban tuyển sinh ĐH Pennsylvania (Mỹ), ngôi trường "khó tính" thuộc Ivy League.
Đặt ước mơ du học từ nhỏ và có quá trình chuẩn bị từ năm lớp 10 nhưng hành trình ghi tên vào đại học Mỹ của Nguyễn Yến Lan, học sinh lớp 12 Anh 1, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, không hề suôn sẻ.
Chia sẻ với Zing , Yến Lan thừa nhận chỉ khi nhận tin trúng tuyển vào ĐH Pennsylvania (UPenn), ngôi trường thuộc liên minh đại học danh giá Ivy League, em mới có thể ăn ngon ngủ yên mà không căng thẳng mỗi ngày về kết quả tuyển sinh đại học.
"Em nghĩ hành trình vào đại học không chỉ dựa vào yếu tố giỏi mà còn cả yếu tố may mắn. Thực ra, trước đó em đã trượt một số trường xếp hạng thấp hơn UPenn nhiều", nữ sinh lớp 12 tâm sự.
Không chỉ sở hữu thành tích học tập đáng nể, Yến Lan còn tham gia các hoạt động ngoại khóa về khoa học, nghệ thuật. Ảnh: Y.L.
Nữ sinh tài năng
Sinh trong gia đình có truyền thống du học, từ nhỏ, Yến Lan chịu ảnh hưởng từ cả ông, bà, bố, mẹ, dì, và luôn mong muốn được đi du học, đặc biệt là Mỹ.
Quyết định của em nhận được sự ủng hộ từ người nhà. Tuy nhiên, mọi người hầu như không nắm được quy trình nộp hồ sơ hiện tại, cũng như không có đủ điều kiện tài chính.
Sau khi tìm hiểu và lựa chọn trung tâm tư vấn phù hợp, Yến Lan chuẩn bị hồ sơ từ năm lớp 10, bắt đầu từ việc đăng ký ôn luyện SAT.
Nữ sinh cho rằng đây cũng là việc khó nhất trong quá trình làm hồ sơ ứng tuyển vào các trường ở Mỹ. Tháng 3/2019, Yến Lan thi SAT lần đầu và chỉ đạt 1470 điểm. Với mức điểm này, Lan tự nhận thấy mức độ cạnh tranh là không lớn.
Vì thế, em tiếp tục ôn thi. Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, phải mất gần một năm, Yến Lan mới nâng điểm SAT lên 1540. Trong khi đó, phần thi SAT II môn Toán và IELTS lại không mấy vất vả. Ngay lần thi đầu tiên, Lan đạt điểm tuyệt đối 800/800 SAT II và 8.0 IELTS.
Nữ sinh tự đánh giá hồ sơ của mình có một số điểm mạnh. Em từng đoạt giải nhất thành phố môn Tiếng Anh THCS lớp 9, giải nhì thành phố THPT môn này năm lớp 11 và 12.
Bên cạnh đó, Yến Lan còn có thành tích ngoại khóa tương đối tốt. Em là bí thư chi đoàn, trưởng ban PR CLB Society of Open Science (CLB Khoa học lớn nhất trường), Phó chủ tịch CLB Văn hoá The Intermediaries, thành viên PR CLB Robot GART6520 và ban Mẫu CLB Thời trang LaMode. Ngoài ra, Lan còn lọt top 20 cuộc thi Đại sứ Ams Ambassador 2020.
Không những thế, Nguyễn Yến Lan từng thực tập tại công ty về ứng dụng học tiếng Anh, Toán, Tiếng Việt cho trẻ em. Qua hai tháng thực tập, Lan đúc kết kinh nghiệm, có thêm nhiều mối quan hệ và được quản lý tín nhiệm viết thư giới thiệu gửi các trường.
Ngoài ra, em có cơ hội thực tập tại NatureClaim.com (dự án phi lợi nhuận nhằm phát triển các loại thuốc thay thế của các tiến sĩ từ ĐH Chicago).
"UPenn rất coi trọng học sinh có nhiều hoạt động hướng nghiệp và có khả năng lãnh đạo. Đặc biệt, em muốn theo học ngành Khoa học nhận thức (Cognitive Science) - một ngành có liên quan nhiều mảng như tâm lý, khoa học thần kinh, ngôn ngữ, triết học, giáo dục, nhân loại học, kinh tế học và trí tuệ nhân tạo. Việc hồ sơ có đầy đủ những kinh nghiệm cần thiết trong mỗi mảng là rất quan trọng", Yến Lan cho biết.
Nữ sinh nói thêm hồ sơ của em không thực sự tập trung vào một mảng mà nhiều mảng để ban tuyển sinh có thể thấy được em là một người có kiến thức ở nhiều lĩnh vực quan trọng.
Thực tế, dù mới 18 tuổi, kiến thức Yến Lan đạt được thực sự đáng nể. Em có chứng chỉ piano từ Trinity College London, và chính âm nhạc cùng nghệ thuật đã giúp em hiểu hơn về cách vận hành của bộ não con người. Ngoài âm nhạc, việc tham gia các hoạt động truyền thông cũng đã giúp Lan hiểu thêm về tâm lý khách hàng.
Nữ sinh thông thạo tiếng Anh và tiếng Pháp, nhờ đó mà em hiểu thêm về tác động của ngôn ngữ đối với việc tiếp thu kiến thức. Quá trình thực tập ở công ty phát triển ứng dụng học cho học sinh tiểu học giúp em hiểu thêm về sự phát triển thần kinh của trẻ nhỏ và công nghệ giáo dục của xã hội hiện nay.
"Đây cũng là lý do em chọn UPenn, không chỉ do xếp hạng ngành Khoa học nhận thức khá cao mà còn vì ước mơ được làm trong mảng công nghệ giáo dục và trí tuệ nhân tạo. UPenn cũng có thế mạnh về khởi nghiệp, kinh doanh mà em rất muốn khám phá sau này", Yến Lan chia sẻ.
Yến Lan chọn ngành Khoa học nhận thức tại ĐH Pennsylvania vì ước mơ được làm trong mảng công nghệ giáo dục và trí tuệ nhân tạo. Ảnh: Y.L.
Nỗ lực vì ước mơ vào ĐH Pennsylvania
Sở hữu bảng thành tích đáng nể song hành trình vào ngôi trường danh giá hàng đầu thế giới không hề đơn giản. Nguyễn Yến Lan từng chần chừ khi quyết định nộp đơn vào ngôi trường mà tỷ lệ trúng tuyển chỉ ở mức 5,68%.
Yến Lan thiếu các giải thưởng và các yếu tố quốc tế. Em từng được nhận học bổng vào chương trình Programs for Talented Youths của trường Vanderbilt hè năm 2020 nhưng chương trình đã không thể diễn ra theo kế hoạch do dịch Covid-19. Em cũng rất thất vọng khi kỳ thi Robot Quốc tế FIRST Robotics Competition tại Australia không thể tổ chức dù đội tuyển Robot GART6520 của em đã chuẩn bị rất nhiều.
Nữ sinh trường Ams cũng tự nhận bài luận chính của mình không có gì quá nổi bật hay đủ đặc biệt để gây ấn tượng với nhà tuyển sinh. Thêm vào đó, gia đình không có nhiều điều kiện tài chính khiến sức cạnh tranh của Lan không đủ lớn, nhất là trong năm số lượng ứng tuyển tăng đột biến.
"Em bị từ chối hoặc rơi vào danh sách chờ từ nhiều trường. UPenn lại là trường danh giá. Vì thế, khi nhận thư trúng tuyển từ trường, thật sự, em không thể tin nổi", cô gái 18 tuổi chia sẻ.
Thực tế, lúc đầu, ở đợt tuyển sinh sớm, Lan chưa được nhận ngay mà bị đẩy xuống đợt tuyển sinh thường - Regular Decision. Lúc này, nữ sinh có thể lựa chọn học trường khác vì em cũng đỗ và nhận học bổng từ một số trường như Richmond, Marquette, Beloit...
Tuy nhiên, với khát khao ghi danh vào ngôi trường mong ước từ lâu, Yến Lan quyết định lập tức viết thư thể hiện hy vọng được học ở trường, thuyết phục ban tuyển sinh rằng em là người phù hợp. Nữ sinh xin thêm thư giới thiệu từ giáo viên trong trường, tự làm clip ngắn để giới thiệu bản thân cùng những mối quan tâm và hoài bão của mình. Em cũng rất cố gắng duy trì điểm số trên lớp, đạt GPA đáng nể 9,7.
Có lẽ, tâm huyết mà Lan dồn vào giai đoạn sau đó đã tạo ấn tượng tốt với ban tuyển sinh. Cuối cùng, không chỉ trúng tuyển, em còn nhận hỗ trợ tài chính và học bổng lên đến 300.000 USD cho 4 năm học ở đây.
Nhìn lại thời gian qua, Yến Lan trải qua quá trình dài, khó khăn, nhiều áp lực và cũng có khi nản chí. Nhận hàng loạt thư từ chối, Lan đã khá sốc.
"Nhưng em luôn tự nhắc bản thân đã chuẩn bị quá nhiều cho giây phút này để từ bỏ bây giờ. Khi ấy, em cảm thấy rất may mắn vì có sự hỗ trợ từ bạn bè, gia đình để khuyên nhủ, khuyến khích em", cô gái 18 tuổi tâm sự.
Chính tinh thần quyết tâm không bỏ cuộc đã giúp Yến Lan trúng tuyển UPenn. Vì thế, em muốn nhắn nhủ với những bạn có ý định du học Mỹ rằng dù mọi thứ trông có vẻ khó khăn tới đâu, chắc chắn vẫn sẽ có ánh sáng cuối đường hầm.
Ngoài ra, nữ sinh trường Ams chia sẻ nên nghiên cứu trường thật kỹ trước khi nộp hồ sơ để xem trường hướng tới những ứng viên như thế nào, tránh trường hợp bị từ chối vì "không hợp" với tiêu chí của trường.
"Điều quan trọng, mọi người không nên nghi ngờ khả năng của bản thân và hãy luôn cố gắng hết sức cho những cái mình tin tưởng, những cái mình xứng đáng", Yến Lan chia sẻ.
Nữ sinh nghèo ở Mỹ nhận học bổng toàn phần của ĐH Harvard Vì dùng Internet công cộng, nữ sinh gốc Mexico nhiều lần bỏ lỡ cuộc gọi phỏng vấn online từ ĐH Harvard. Dù vậy, em vẫn trúng tuyển đại học hàng đầu thế giới với học bổng toàn phần. Ngày nhận tin trúng tuyển cùng học bổng toàn phần từ ĐH Harvard, Mỹ, Elizabeth Esteban, nữ sinh người gốc Mexico ở thung lũng Coachella,...