Bài học rút ra từ câu chuyện cấp bảng điểm của Trường Đại học Thái Bình
Nhận thấy sai sót của mình, ngày 3/9, Trường Đại học Thái Bình đã kỷ luật cảnh cáo đối với Tiến sĩ Nguyễn Đức Long do không thông báo tới được hết sinh viên.
Năm học 2016-2017, Trường Đại học Thái Bình đã phối hợp với Trường trung cấp Bảo Châu Hải Phòng tuyển sinh đào tạo hệ chính quy trình độ đại học.
Sau một thời gian tuyển sinh, Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Thái Bình đã công nhận 42 thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển vào đại học chính quy ngành Luật năm 2016.
Thí sinh trúng tuyển có tổng điểm xét tuyển các môn theo tổ hợp của học bạ trung học phổ thông lớp 12 đạt từ 18 điểm trở lên, phát hành giấy báo nhập học trong đó ghi rõ đã trúng tuyển và đủ điều kiện học tập bậc đại học chính quy, ngành: Luật tại trường năm học 2016-2017 và đặt tên lớp Đại học Luật 5A3 (ký hiệu lớp DHLA5A3) giao cho Tiến sĩ Nguyễn Đức Long – trưởng khoa Luật làm giáo viên chủ nhiệm/ cố vấn học tập của lớp.
Ở thời điểm đó mong muốn chung của nhà trường và sinh viên là triển khai đào tạo được ngành Luật hệ chính quy tại trường Đại học Thái Bình. Theo đó, trường xây dựng kế hoạch học tập cho lớp gồm 8 học kỳ với 126 tín chỉ theo hình thức chính quy tập trung tại trường.
Trường Đại học Thái Bình (ảnh minh họa: Lã Tiến)
Tuy nhiên khi triển khai thực hiện, xuất phát từ thực tế là sinh viên của lớp đều đang đi làm, không thể về cơ sở chính tại Thái Bình để học, chỉ có thể học ngoài giờ hành chính nên theo nguyện vọng của sinh viên, Trường đã quyết định chọn Trường Trung cấp Khu kinh tế Hải Phòng làm địa điểm đặt lớp học và tổ chức hoạt động giảng dạy vào các ngày cuối tuần. Đây là một quyết định sai của Nhà trường.
Sau khi Ban giám hiệu được kiện toàn lại vào năm 2017 (do lãnh đạo cũ được luân chuyển, điều động và nghỉ theo chế độ), qua rà soát, kiểm tra, đánh giá lại các vấn đề liên quan đến hoạt động đào tạo của lớp DHLA5A3 Hải Phòng vì không đáp ứng được các quy định về hình thức đào tạo chính quy theo quy định tại Khoản1, Điều 4 và Khoản 3, Điều 37 của Luật giáo dục đại học năm 2012 nên ngày 27/10/2017, Trường Đại học Thái Bình đã tổ chức họp Hội đồng tuyển sinh, đào tạo để trao đổi, thống nhất các vấn đề có liên quan đến lớp này.
Tại cuộc họp, trên cơ sở các quy định pháp luật và quá trình tổ chức đào tạo thực tế, các thành viên Hội đồng đã nhất trí 100% chuyển hình thức đào tạo của lớp DHLA5A3 từ chính quy sang giáo dục thường xuyên (vừa làm vừa học).
Và giao cho Tiến sĩ Nguyễn Đức Long thu hồi toàn bộ giấy báo nhập học từ sinh viên và bàn giao về trung tâm tuyển sinh.
Theo đó thống nhất chương trình đào tạo và giao cho phòng đào tạo xây dựng kế hoạch học tập của lớp là 8 kỳ, bố trí lịch học vào các ngày cuối tuần thay thế kế hoạch đào tạo đã ban hành trước đó.
Học phí của lớp, trường thu tương tự như các lớp đào tạo đại học ngành Luật, Kinh tế chính quy tại trường.
Ngày 28/7/2017, Nhà trường ban hành thông báo về việc chuyển hình thức đào tạo và đề nghị giáo viên chủ nhiệm/ cố vấn học tập triển khai thông báo, giải thích lý do đến toàn thể sinh viên.
Video đang HOT
Tuy nhiên, vì giáo viên chủ nhiệm/ cố vấn học tập khi triển khai không thực hiện được đầy đủ quy tình đảm bảo công khai minh bạch như việc tổ chức họp lớp và thông tin đầy đủ, chi tiết nội dung chính vì vậy nhiều sinh viên của lớp chưa nhận thức đầy đủ về hình thức đào tạo.
Trong quá trình học tập một số sinh viên đã bỏ học nên sĩ số ban đầu của lớp là 42 sinh viên, đến khi kết thúc chỉ còn lại 33 sinh viên.
Ngày 3/9, Trường Đại học Thái Bình đã có quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với giáo viên chủ nhiệm Nguyễn Đức Long do không thông báo tới được hết các sinh viên. (ảnh tư liệu)
Ngày 3/7/2020, Trường Đại học Thái Bình đã ra quyết định công nhận và cấp bằng tốt nghiệp cho sinh viên trong đó có 33 sinh viên lớp DHLA5A3 theo hình thức vừa học vừa làm.
Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin, một số học viên theo học lớp DHLA5A3 (Trường Đại học Thái Bình) khóa 2016-2020 đã bức xúc về việc nhà trường phát bằng đại học kèm bảng điểm không đúng với hình thức tuyển sinh lúc đầu và không đúng với nội dung giấy báo nhập học của nhà trường dù đã được lãnh đạo nhà trường giải thích.
Liên quan đến chuyện này, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng: “Câu chuyện của Trường Đại học Thái Bình thì cái sai đến từ 2 phía cả nhà trường và sinh viên”.
Theo đó, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phân tích, nhà trường đã sai khi ngay từ đầu tuyển sinh hệ chính quy nhưng lại chấp nhận cho sinh viên học theo hình thức vừa làm vừa học tuy nhiên sau 1 năm, Nhà trường đã phát hiện thấy sai và chấn chỉnh kịp thời bằng cách chuyển đổi hình thức học tập.
“Đây là một quyết định đúng đắn của Trường Đại học Thái Bình chứ nếu “đâm lao theo lao” rằng tổ chức học theo phương thức vừa học vừa làm mà vẫn cho rằng đó là học chính quy thì sẽ đi đến quyết định cấp bằng trái Luật, thậm chí lãnh đạo nhà trường sẽ bị truy tố hình sự”, lãnh đạo Hiệp hội khẳng định.
Nhận thấy sai sót của mình, ngày 3/9, Trường Đại học Thái Bình đã kỷ luật cảnh cáo đối với giáo viên chủ nhiệm Nguyễn Đức Long do không thông báo tới được hết các sinh viên.
Còn về phía sinh viên: “Đối với sinh viên học Luật mà khi các bạn chỉ học thứ 7, chủ nhật và học ngay tại địa phương (tức Hải Phòng – PV) chứ không phải tới Trường Đại học Thái Bình học tập mà đòi cấp bảng điểm ghi loại hình đào tạo chính quy thì mặc nhiên đẩy nhà trường vào thế phạm luật”.
Theo lãnh đạo Hiệp hội, nếu sinh viên muốn có bằng chính quy thì Nhà trường nên giải quyết bằng cách yêu cầu các bạn về Trường Đại học Thái Bình học tập trung 4 năm với thời gian học là 5-6 ngày/ tuần. Chứ khi đã học theo phương thức vừa học vừa làm thì làm sao có bảng điểm theo loại hình chính quy được.
Sự việc đã quá rõ ràng cả từ phía nhà trường và người học. Đây là bài học cho quá trình đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học về tính minh bạch trong thông tin.
Đại học Thái Bình tuyển sinh hệ chính quy, cấp bảng điểm hệ "vừa làm, vừa học"
Được tuyển sinh vào học Đại học chính quy, ngành Luật tại Đại học Thái Bình, song khi nhận bằng, các học viên té ngửa vì bảng điểm đi kèm ghi hệ vừa làm, vừa học.
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của nhiều học viên theo học lớp Đại học Luật A5A3 (Trường Đại học Thái Bình) khóa 2016-2020, về việc nhà trường phát bằng đại học kèm bảng điểm không đúng với hình thức tuyển sinh lúc đầu và không đúng với nội dung giấy báo nhập học của nhà trường.
Các học viên nhận bằng tốt nghiệp kèm bảng điểm từ đại diện Trường Đại học Thái Bình (Ảnh: Lã Tiến)
Cụ thể, ngày 25/8/2020, đại diện Trường Đại học Thái Bình ra phát bằng cho các học sinh lớp Đại học Luật A5A3 tại Trường Trung cấp Khu kinh tế Hải Phòng (địa chỉ tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng).
Khi đại diện Trường Đại học Thái Bình phát bằng, các học viên té ngửa vì bảng kết quả học tập (bảng điểm- PV) kèm theo bằng tốt nghiệp cấp ngày 16/7/2020 lại thể hiện trình độ đào tạo là "Đại học vừa làm, vừa học".
Theo anh P.B.K (học viên của lớp Đại học Luật A5A3), khoảng tháng 6/2016, đại diện Ban giám hiệu, Phòng đào tạo, Thanh tra của Trường Đại học Thái Bình ra Hải Phòng tuyển sinh.
Khi tư vấn tuyển sinh, đại diện nhà trường đã cung cấp cho các học viên những giấy tờ liên quan như: Quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc giao Trường Đại học Thái Bình đào tạo trình độ đại học hệ chính quy; chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy...
Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, nhiều học viên đã nộp hồ sơ vào trường; nhà trường tuyển sinh theo hình thức xét tuyển theo học bạ lớp 12 (gồm 3 môn: Văn, Sử, Địa).
Điều đáng nói là, tháng 7/2016, anh K. và các học viên đã nhận được giấy báo nhập học từ Hội đồng tuyển sinh của Trường Đại học Thái Bình.
Trong giấy báo này, nhà trường thông báo rõ các học viên đã trúng tuyển và đủ điều kiện học tập bậc Đại học chính quy, chuyên ngành Luật tại trường năm học 2016-2017.
Tin tưởng vào hồ sơ pháp lý mà đại diện Trường Đại học Thái Bình cung cấp cùng với giấy báo nhập học có dấu đỏ của trường, hơn 30 học viên tại Hải Phòng đã quyết định theo học Lớp Đại học Luật tại trường này.
Các học viên theo học lớp Đại học Luật A5A3 phải nộp đủ học phí 4 năm học (8 kỳ học) và phải nộp thêm một số khoản phí khác cho nhà trường.
Bằng tốt nghiệp Trường Đại học Thái Bình cấp cho học viên tại Hải Phòng (Ảnh: Lã Tiến)
Các học viên bức xúc vì bảng điểm ghi trình độ đào tạo "Đại học vừa làm, vừa học" là không đúng với hình thức tuyển sinh ban đầu (Ảnh: Lã Tiến)
Sau 4 năm theo học, đến khi nhận bằng và bảng điểm, các học viên không giấu nổi bức xúc vì bảng điểm của họ ghi "Đại học vừa làm, vừa học".
"Chúng tôi thực sự không hiểu tại sao khi tuyển sinh, Trường Đại học Thái Bình tuyển và gửi giấy báo nhập học hệ Đại học chính quy, chuyên ngành Luật, nhưng khi nhận bảng điểm lại không đúng với hình thức tuyển sinh ban đầu.
Chúng tôi không đồng ý nhận bảng điểm như vậy và yêu cầu Trường Đại học Thái Bình cấp đúng bảng điểm theo đúng như hình thức nhà trường tuyển sinh", anh K. nói.
Giấy báo nhập học ghi "học tập bậc Đại học chính quy ngành Luật". Ảnh: Lã Tiến
Chị P.T.N (học viên của lớp Luật A5A3) bức xúc: "Chúng tôi tin tưởng vào uy tín của nhà trường đào tạo hệ Đại học chính quy nên mới nộp hồ sơ và quyết định học tại nhà trường.
Nếu mà học Đại học hệ vừa làm, vừa học thì chúng tôi không thiếu sự chọn để học ở một số trường lớn".
Chính vì sự bất hợp lý trong việc cấp bảng điểm của Trường Đại học Thái Bình, tại buổi phát bằng cho các học viên ở Hải Phòng, nhiều học viên đã không đồng ý nhận bằng và bảng điểm.
Một số học viên tạm thời nhận bằng, có một số nhận cả bằng và bảng điểm để về báo cáo đơn vị phục vụ công việc chuyên môn.
Tuy nhiên, các học viên đều thống nhất sẽ kiến nghị Trường Đại học Thái Bình giải quyết nguyện vọng là cấp bằng và bảng điểm theo đúng hình thức tuyển sinh hệ chính quy ban đầu.
Cũng tại buổi phát bằng, các học viên và đại diện Trường Đại học Thái Bình cùng đại diện Trường Trung cấp Khu kinh tế Hải Phòng đã thống nhất lập biên bản làm việc.
Đại diện Trường Đại học Thái Bình cũng đã tiếp thu các ý kiến phản ánh của các học viên và phản hồi tới Ban giám hiệu nhà trường.
Thí sinh đạt bao nhiêu điểm có cơ hội vào ĐH Mở Hà Nội? Trường Đại học Mở TP HCM vừa thông báo ngưỡng điểm (điểm sàn) nhận đăng ký xét tuyển đại học chính quy năm 2020 bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020 Ảnh minh họa Ngưỡng điểm nhận đăng ký xét tuyển đối với học sinh phổ thông ở khu vực 3 là tổng điểm 3 môn/bài thi không nhân hệ số. Điểm...