Bài học chống dịch: Chiến lược phù hợp, điều trị tốt
Chuyên gia y tế Trần Đắc Phu đánh giá Việt Nam khống chế Covid-19 thành công nhờ lựa chọn chiến lược phù hợp, công tác xét nghiệm và điều trị tiến bộ.
Ông Trần Đắc Phu là Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, nguyên cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế.
- Ông đánh giá thế nào về công tác chống dịch trong ba tháng qua?
- Ba tháng qua, Việt Nam vẫn ổn định chiến lược ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị tốt. Tôi nhấn mạnh một điểm trong chiến lược này đó là “phù hợp”, tính toán thời điểm nên làm gì và không nên làm gì. Ví dụ, ban đầu Việt Nam tập trung ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài, nhưng đến lúc cần thiết, chính phủ quyết định giãn cách xã hội sớm và quyết liệt. Do vậy dịch chậm lại, không bùng lên.
Nhiều nước không áp dụng các biện pháp đúng, phù hợp, nên từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên đến lúc bùng lên trong thời gian rất nhanh. Khi dịch bùng lên, họ phải phong tỏa chứ không còn giãn cách nữa.
Chúng ta làm phù hợp, không những phòng bệnh mà còn không gây hại đến kinh tế hay ảnh hưởng đến an sinh xã hội một cách không đáng có. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều tổ chức khác đã công nhận chiến lược của ta. Đó là thành công.
Không chỉ có chiến lược phòng dịch tốt, ngay cả việc xét nghiệm và điều trị của Việt Nam đến lúc này đã có những tiến bộ và thành công nhất định.
- Những tiến bộ đó là gì?
- Về xét nghiệm, ngay từ đầu Việt Nam đã áp dụng test kit để xét nghiệm nCoV, sau đó tiến tới tự sản xuất được test, thậm chí là phân lập được virus này.
Việt Nam chủ yếu tập trung xét nghiệm các đối tượng có nguy cơ, đây là “một sự tiết kiệm” trong lúc không thể áp dụng mô hình xét nghiệm quá lớn được, bởi nó phụ thuộc vào năng lực và tiềm lực quốc gia.
Ban đầu Việt Nam chỉ có ít phòng xét nghiệm nCoV, đến nay đã có khoảng 110 phòng xét nghiệm và gần 40 cơ sở xét nghiệm khẳng định. Chúng ta cũng đang cố gắng phát triển một số loại hình test kit mới.
Việt Nam cũng kiểm soát được việc xét nghiệm. Tôi lấy ví dụ vừa qua, ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 không cho xét nghiệm dịch vụ, bởi nó có thể gây sự hoảng loạn cho người dân. Nếu ngược lại, người dân sẽ ồ ạt đi xét nghiệm dịch vụ, không cần thiết. Đó cũng là một thành công.
Video đang HOT
Về điều trị, Việt Nam áp dụng điều trị tại chỗ tốt. Có những ca bệnh được điều trị khỏi bệnh ở tuyến huyện. Chỉ những ca bệnh nặng mới chuyển lên tuyến trên, tránh quá tải. Đặc biệt, Việt Nam chưa có ca tử vong, trong khi nhiều nước khác có hệ thống y tế tốt những vẫn không kiểm soát được số ca tử vong.
Việt Nam có kinh ngiệm điều trị SARS. Vừa qua, có ca nặng nhưng đã cấp cứu được. Tôi hy vọng những ca này sẽ tiến triển tốt, duy trì không có ca nào tử vong.
Ông Trần Đắc Phu. Ảnh: Gia Chính.
- Khi nới lỏng giãn cách xã hội, sẽ có những thách thức gì cần vượt qua để đảm bảo ngăn ngừa dịch tái phát?
- Việc phòng chống dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe người dân đặt lên hàng đầu, nhưng vẫn phải phát triển kinh tế. Khi nới lỏng giãn cách xã hội, sẽ là giai đoạn “sống chung an toàn với Covid-19″. Thách thức là phải đề ra mô hình, cách thức phù hợp nhất để phòng chống dịch hiện nay.
Tình hình dịch có khả quan khi 6 ngày nay không ghi nhận ca mắc mới, một số ổ dịch đã khống chế được. Các ca bệnh nhập cảnh, lây lan đều đã được khống chế. Song, thực tế dịch vẫn phức tạp, thế giới vẫn có nơi xảy ra mấy trăm người chết, mấy nghìn người nhiễm trong một ngày. Nguy cơ bệnh xâm nhập Việt Nam vẫn còn.
Khi nới lỏng giãn cách, các tỉnh có nguy cơ thấp có thể được hoạt động trở lại một số loại hình dịch vụ. Nhưng, dù ngành nghề gì thì cũng phải đảm bảo phòng dịch, có hướng dẫn cụ thể chi tiết để mỗi người kinh doanh thực hiện và cơ quan quản lý dễ kiểm tra.
Từ nay về sau tuyệt đối không được chủ quan, bởi chỉ cần xuất hiện một ca trong đám đông, không quản lý được, dịch sẽ bùng lên không kiểm soát.
- Nếu ngày mai các thành phố lớn dừng giãn cách xã hội, mỗi cá nhân nên chú ý điều gì?
- Theo tôi mọi người cần thực hiện “5 an toàn” để đảm bảo phòng chống dịch bệnh.
Thứ nhất tất cả người dân vẫn phải đeo khẩu trang, không chỉ phòng Covid-19 mà còn các bệnh hô hấp khác.
Thứ hai, không tụ tập đông người, tránh tiếp xúc gần.
Thứ ba, không đi ra ngoài khi không cần thiết, đặc biệt những người cao tuổi, người có bệnh mạn tính.
Thứ tư, tiếp tục khử khuẩn vệ sinh nơi ở, nơi làm việc theo khuyến cáo phòng chống dịch.
Thứ năm, tiếp tục khai báo y tế khi có các triệu chứng như ho, khó thở, thậm chí cả mệt mỏi không rõ nguyên nhân.
Lê Nga
Bộ Y tế: Học sinh đến lớp ngồi so le cách nhau 1,5 m
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Xuân Tuyên đã ký văn bản hướng dẫn về việc triển khai phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục.
Ngày 21/4, văn bản số 2234 của Bộ Y tế thực hiện ý kiến kết luận tại cuộc họp ngày 20/4 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, được gửi tới Bộ GD&ĐT và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Nhằm cụ thể hóa các nội dung, biện pháp phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục, Bộ Y tế đề nghị Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khẩn trương xây dựng hướng dẫn chi tiết cho tỉnh, thành phố về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục.
Học sinh được bố trí ngồi theo hình chữ Z để đảm bảo khoảng cách. Ảnh: Sở GD&ĐT Cà Mau.
Văn bản này được xây dựng dựa trên hướng dẫn dẫn của Bộ Y tế theo công văn số 914 về tăng cường công tác phòng chống dịch trong trường học, ký túc xá; công văn 1244 về xử lý các trường hợp sốt, ho, khó thở tại trường học; công văn 476 về danh mục những việc cần làm phòng chống dịch.
Bộ Y tế nêu văn bản của Bộ GD&ĐT bổ sung việc yêu cầu tất cả học sinh, sinh viên, giáo viên, người lao động trong các cơ sở giáo dục phải đeo khẩu trang trên đường đi học trở về nhà và trong thời gian ở trường.
Nhà trường đảm bảo khoảng cách chỗ ngồi giữa các học sinh, sinh viên tối thiểu 1,5 m. Trên cơ sở đó, căn cứ tình hình thực tế từng phòng học, có thể bố trí mỗi học sinh ngồi một bàn hoặc hai học sinh ngồi một bàn hoặc ngồi so le... cho phù hợp. Cách ngồi này đảm bảo khoảng cách tối thiểu trong hoạt động chung của học sinh, giáo viên.
UBND tỉnh, thành phố có trách nhiệm trong việc cụ thể hóa các nội dung hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Những điều kiện này phù hợp điều kiện. Địa phương tổ chức hướng dẫn triển khai và kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục.
Trước đó, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ thông tin các địa phương được phân loại theo mức độ nguy cơ cao, nguy cơ và nguy cơ thấp. Quan điểm của Bộ GD&ĐT là trường học phải an toàn mới cho học sinh trở lại lớp.
Những tỉnh có nguy cơ cao và nguy cơ, Bộ GD&ĐT khuyến nghị chưa nên cho học sinh đi học. Địa phương có nguy cơ thấp, nhà trường có thể cho học sinh đi học trở lại, nếu đảm bảo điều kiện an toàn.
Trước khi đến trường, các em cần được đo nhiệt độ, đảm bảo cơ thể bình thường, không sốt. Trường học phải có đủ nơi rửa tay, nước khử khuẩn cho học sinh.
Học sinh phải đeo khẩu trang, không nhất thiết là khẩu trang y tế, có thể là khẩu trang vải kháng khuẩn.
Nhà trường không tổ chức cho học sinh hoạt động trải nghiệm, tập thể, chào cờ diễn ra trong lớp học.
Đảm bảo giãn cách xã hội, học sinh phải đảm bảo khoảng cách ngồi 1,5 m và phải tách lớp học. Nếu lớp học quá đông, nhà trường tách làm đôi hoặc hơn nữa, đảm bảo phòng học không quá 20 em.
Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn các địa phương để cụ thể hóa văn bản số 550. Trong điều kiện cụ thể có dịch, Bộ GD&ĐT sẽ thêm một số yêu cầu.
Quyên Quyên
An toàn hiến máu giữa mùa dịch Dịch Covid-19 kéo dài, đang ảnh hưởng không nhỏ đến phong trào hiến máu tình nguyện. Suốt những tháng vừa qua, số người tham gia hiến máu giảm nghiêm trọng, dẫn tới lượng máu thu gom, dự trữ phục vụ điều trị cho người bệnh bị thiếu hụt rất nhiều. Người dân đến hiến máu nhân đạo đều được trang bị đầy đủ...